“Cha đẻ” lúa nước ở La Ngan
Đã gần 10 năm nay, dường như đổi thay cứ đến từng ngày đối với cuộc sống của đồng bào Khơ mú ở bản La Ngan, xã Chiêu Lưu (Kỳ Sơn). Sự thay đổi đó có phần đóng góp không nhỏ từ việc khởi đầu làm lúa nước của ông Moong Biên Phòng - người được bà con Khơ mú gọi là “cha đẻ” lúa nước.
(Baonghean) - Đã gần 10 năm nay, dường như đổi thay cứ đến từng ngày đối với cuộc sống của đồng bào Khơ mú ở bản La Ngan, xã Chiêu Lưu (Kỳ Sơn). Sự thay đổi đó có phần đóng góp không nhỏ từ việc khởi đầu làm lúa nước của ông Moong Biên Phòng - người được bà con Khơ mú gọi là “cha đẻ” lúa nước.
Ấy là một ngày cuối đông, tôi trở lại La Ngan để gặp lại Moong Biên Phòng (lần thứ nhất cách đây gần 5 năm). Cảm nhận đầu tiên là con đường nối từ Quốc lộ 7 vào tận bản dài gần 5 km nay đã được Nhà nước đầu tư rải nhựa, xe cộ đi lại rất thuận lợi. Bản La Ngan bây giờ cũng thêm nhiều nhà mới, ruộng mới. Vẫn cái giọng khiêm tốn như lần trước, nhưng khi tôi nhắc đến chuyện khai hoang phục hóa, chuyện giúp hộ nghèo nuôi bò… thì câu chuyện trở nên rôm rả… Moong Biên Phòng mang ra bình rượu thuốc Nam được hái từ trong rừng. Ông nói: “Tôi có được sức khỏe như thế này là nhờ bình rượu này đấy”.
Ngụm xong chén rượu, Moong Biên Phòng nhớ lại: “Sau 9 năm cầm súng chiến đấu ở chiến trường miền Nam, năm 1979, tôi xuất ngũ trở về địa phương ở xã Chiêu Lưu. Lúc này, cuộc sống của đồng bào Khơ mú ở đây còn nhiều khó khăn và lạc hậu”. Là Bí thư Đảng ủy xã, trong suốt hơn 10 năm “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, Moong Biên Phòng đã tích cực vận động, chỉ đạo và hướng dẫn bà con thay đổi phương thức sản xuất, không sống du canh du cư, hạn chế đốt phá rừng làm nương rẫy, mà phải chủ động an cư để sản xuất như trồng ngô, khoai, sắn, nuôi trâu, bò, gà, vịt… để chủ động lương thực và thực phẩm tại chỗ, đảm bảo cuộc sống. Bên cạnh đó, ông không ngừng tuyên truyền cho đồng bào xoá bỏ những hủ tục, cùng nhau giữ bản làng luôn bình yên.
Năm 1992, ông được chính quyền huyện Kỳ Sơn điều về làm Trưởng Ban Tổ chức, Trưởng Ban Dân vận. Đến năm 2006, sau khi nghỉ hưu, ông trở về với bà con bản La Ngan tiếp tục thực hiện ý nguyện giúp đồng bào mình. Ông kể: “Với người Khơ mú, họ chỉ biết làm nương làm rẫy. Khi đói, đồng bào tìm đến củ mài, rau rừng, chứ nhất quyết không làm lúa nước. Quanh năm lên rẫy trỉa được hạt ngô, hạt lúa, trồng được củ sắn nào thì đắp đổi qua ngày”. Biết khó làm thay đổi nhận thức “thâm căn cố đế” này, ông Phòng dùng chính sách “mưa dầm thấm lâu”- muốn bà con làm lúa nước thì mình phải bắt tay làm trước. Có làm được, để bà con thấy hạt lúa sẽ mang lại no ấm, họ mới chịu làm theo. Nhưng muốn làm được lúa nước thì phải có vùng đất bằng phẳng, có mạch nước từ các con suối. Sau một thời gian khảo sát, Moong Biên Phòng thấy cánh đồng hoang trước bản mình có thể phục hóa thành những đám ruộng bậc thang làm ra những hạt ngọc. Đó là cánh đồng Khe Tiên. Người cao tuổi ở đây nói rằng, La Ngan trước đây do đồng bào người Thái sinh sống, và Khe Tiên chính là nơi sản xuất lúa nước của người Thái. Sau này vì lũ lụt, và nguồn nước tưới không đảm bảo nên đồng bào Thái chuyển đến định canh ở nơi khác. Mãi sau này đồng bào Khơ mú mới đến đây lập nghiệp, phát nương làm rẫy để sinh sống.
Ông Phòng khai hoang ruộng nước.
Vậy là công việc trồng lúa nước bắt đầu! 4 đứa con và người vợ, lúc nào rảnh việc nương rẫy thì vác cuốc theo ông ra đồng đắp bờ, cuốc cỏ, san lấp đất, đào mương dẫn nước. Và sau một thời gian vắt óc, đổ mồ hôi, hơn 1 ha đất đã được cấy lúa nước. Mỗi năm cấy 2 vụ, năm nào ít nhất gia đình ông cũng thu hoạch được 5 tấn lúa. Đồng bào Khơ mú ở La Ngan thấy vậy, ai cũng trầm trồ khen ông giỏi. Nhưng lòng ông vẫn chưa vui, vì dân bản còn nhiều gia đình thiếu gạo ăn. Không một chút so đo, ông bàn với vợ con, dành toàn bộ diện tích đất mà gia đình đổ mồ hôi có được cho bà con nghèo trong bản làm đất sản xuất. Sau đó, Moong Biên Phòng quyết định một mình vào tận thung lũng Pục Đào dựng trại, tiếp tục khai hoang phục hóa. Thuận lợi là ở cạnh thung lũng có Khe Tiên nước chảy quanh năm, nhưng để đưa nước vào ao, vào ruộng thì rất khó khăn vì mực nước thấp, dòng chảy không nhiều. Vì vậy, ông đã huy động toàn bộ lực lượng lao động của gia đình và anh em giúp đắp đất khoanh vùng, đào mương dẫn nước vào ruộng… Trong thời gian ngắn, vùng đất hoang hoá đã trở thành những đám ruộng bậc thang với hơn 1 ha ruộng nước. Tuy nhiên, để chủ động tưới tiêu và điều tiết nước hợp lý, ông đã dồn hết tiền của để đầu tư mua hệ thống ống nước về lắp đặt với kinh phí đến hàng trăm triệu đồng. Thấy ông Phòng có ruộng và ao nuôi cá, cuộc sống gia đình ổn định, sung túc, bà con trong bản lại càng kính phục.
Học tập cách làm của ông Moong Biên Phòng, nhiều gia đình trong bản La Ngan nay đã khai hoang phục hóa một số diện tích đất ở cánh đồng Khe Tiên. Gia đình Trưởng bản La Ngan - Moong Văn Bình trước đây chỉ có gần 1 ha đất nương, quanh năm gạo không đủ ăn, từ khi theo ông Phòng khai hoang phục hóa được 6 sào đất sản xuất lúa nước, năm nào cũng dư lúa. Nhiều gia đình vì thế cũng mua sắm cuốc, xẻng ra cánh đồng Khe Tiên khai hoang ruộng. Trưởng bản Bình cho biết: Đến nay, bản La Ngan đã có 5 ha lúa nước. Bản có 127 hộ, phần lớn các hộ đã trồng được lúa nước rồi.
Moong Biên Phòng còn là “bà đỡ” cho những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Tận dụng đồi cỏ hai bên Khe Tiên, ông Phòng đầu tư chăn nuôi bò sinh sản. Khi đàn bò của gia đình phát triển thành đàn, ông hỗ trợ những gia đình khó khăn bằng cách gửi bò sinh sản cho họ nuôi. Chính sách hỗ trợ của ông là, khi bò sinh sản lứa đầu là người nuôi được hưởng, con thứ hai là ông lấy. Khi gia đình đó có bò riêng để nuôi thì ông lấy con bò mẹ về, tiếp tục gửi hộ khác nuôi. Cứ thế, đến nay, đã có 13 gia đình được ông gửi bò sinh sản để phát triển chăn nuôi. Và niềm vui là trong số đó đã có 10 gia đình đã có bò đàn. Anh Moong Văn Hải, người được ông Phòng cho bò nuôi, phấn khởi nói: “Trước đây gia đình rất khó khăn, thiếu ăn quanh năm, nhưng từ khi được ông Phòng giúp đỡ, cho ruộng, tặng bò, hướng dẫn cách làm ăn nên bây giờ gia đình không thiếu ăn nữa. Từ con bê của ông Phòng cho, đến nay gia đình đã có thêm mấy con bò. Năm vừa rồi, gia đình bán mấy con bê để sửa nhà, mua ti vi. Chúng tôi rất biết ơn cái bụng tốt của ông Phòng”. Các hộ Lường Xẻn Thay, Moong Văn Hoài, Chích Văn Nghĩa… cũng nhờ có ông tặng bò đã vơi bớt khó khăn.
Trước khi chia tay, Moong Biên Phòng bộc lộ niềm mong muốn, giá như Nhà nước đầu tư xây dựng phai nước ở Khe Lôm thì cánh đồng Pục Đào, Khe Tiên có nguồn nước tưới dồi dào, bà con La Ngan sẽ nhiều lúa hơn. Khe Lôm nước chảy quanh năm, nhưng mực nước thấp hơn nhiều so với mặt ruộng, nên vào mùa khô không đủ nước tưới. Đã nhiều lần huyện vào khảo sát và hứa sẽ đầu tư xây dựng nhưng đến nay vẫn chưa thấy thi công.
Bước sang tuổi thất tuần, nhưng Moong Biên Phòng vẫn miệt mài với ruộng đồng, trong lòng lúc nào cũng nghĩ tới đồng bào Khơ mú. Những cống hiến thầm lặng của “cha đẻ” lúa nước ở La Ngan đã giúp đồng bào nơi đây vơi bớt những khó khăn trong cuộc sống, đang từng ngày góp phần xây dựng bản làng Kỳ Sơn thêm đổi thay, no ấm.
Xuân Hoàng