Cha tôi...

04/04/2015 09:29

(Baonghean) - Năm 1972, tôi chào đời trong ngôi nhà nhỏ xập xệ leo lét ánh đèn cuối bãi sông. Mẹ tôi nói, ngày ấy, mẹ cắn chặt răng mà sinh ra tôi, cùng bao nhiêu nỗi tủi buồn. Cha tôi chính là người đỡ đẻ cho mẹ tôi. Ông học lỏm được một vài thao tác thời trong quân ngũ được tiếp xúc với quân y viện. Rất hiếm người qua lại thăm gia đình tôi những ngày ấy. Sau này lớn lên, tôi và em gái cũng không có bạn chơi chung. Chỉ có đôi ba đứa trẻ loáng thoáng đứng ngoài bờ rào gọi chúng tôi rồi ngay sau đó chúng lại bị cha mẹ đến gọi về.

Sau này, một đứa trong số đó đã thật thà nói lại với tôi: “Mẹ tớ nói đừng chơi với cậu. Cậu là con người hủi…”. Người hủi ư, người hủi là thế nào? Hẳn rằng lúc đó, gương mặt ngơ ngác của tôi đã khiến nó hiểu ra là chính tôi chưa có khái niệm về căn bệnh đó, nên nó giải thích thêm: “ Dần dần bệnh hủi sẽ ăn mất cả chân, cả tay cả mắt mũi mồm miệng. Người hủi rồi sẽ biến thành ma, thành quỷ, sợ lắm!”. Tôi chợt rùng mình nhớ đến bàn tay cụt, và những ngón chân cụt của cha tôi. Nhưng tôi đã được mẹ giải thích khác nên tôi cương quyết cãi: “Không, không phải, cha tớ không phải hủi. Cha tớ giẫm phải mìn mà”. Chúng nó giễu lại: “ Ai cũng biết điều ấy, cả làng nói như vậy. Chắc chắn rằng cha mẹ cậu đã nói dối!”.

Minh họa: An Vinh
Minh họa: An Vinh

Tôi mang nỗi ấm ức về hỏi mẹ. Mẹ tôi, rất nhanh, khẳng định: “Con đừng nghe chúng nó nói bậy. Chuyện về người hủi chỉ là chuyện thêu dệt của người đời thôi con à…”. Tôi vẫn chưa tin lắm lời mẹ. Trong đầu óc non trẻ của tôi luôn ám ảnh bởi câu chuyện những đứa trẻ nói về người hủi. Đôi lúc trong giấc mơ của tôi, tôi vẫn gặp hình ảnh cha tôi xuất hiện trước mắt tôi với bộ dạng kinh sợ: không còn mắt mũi, miệng nữa mà thay vào gương mặt hiền từ của ông là một cái hố trống hoác. Tôi lớn lên với nỗi thấp thỏm, nếu cha bị bệnh hủi, chắc hẳn sẽ mỗi ngày rụng tiếp đi một ngón chân, ngón tay bên kia…

Tôi vẫn thường nhìn bàn tay còn lại của ông một cách chăm chú mỗi khi ông cặp nan tre đan rổ. Có đôi lúc, tôi cảm giác rằng ông đọc được những suy nghĩ của tôi. Ông nhìn tôi, với ánh mắt trĩu nặng nỗi buồn, bàn tay chợt trở nên lóng ngóng… Thế nhưng, kể từ khi tôi để ý ông thì chẳng có ngón tay nào rụng thêm cả. Vì vậy, tôi đã tin rằng cha tôi không hề bị hủi như người ta đồn thổi. Cha tôi vẫn đan thêm rổ rá, nong nia, làm thêm cả chổi để mẹ tôi đi bán chợ huyện. Ngoài ra, gia đình tôi còn cấy thêm 3 sào lúa, chăm thêm gà vịt. Lạ là, mẹ tôi cũng chẳng bán được gì cho người làng. Đôi ba tháng, cha tôi lại khăn gói đi đâu đó ít ngày. Cha nói đi công việc, hoặc thăm thú họ hàng. Tôi có lần ngỏ ý muốn đi theo cha chơi ít ngày, ông nói: “Đường rất xa, con ở nhà cho ngoan rồi cha sẽ mua quà”. Lần ấy, cha tôi mua về cho tôi một cái cặp học sinh màu đen - điều trong mơ tôi cũng không dám ước. Tôi toàn đi học bằng cái túi mẹ khâu khéo léo từ những mảnh vải mưa…

Cuộc sống trôi qua thật chậm rãi với chúng tôi. Hai chị em tôi vẫn rất hiếm bạn chơi. Chúng tôi đọc được sự e dè từ họ nên cũng chủ động không chơi với ai cả. Hơn nữa, chúng tôi đã sống quen với điều đó rồi. Cho tới một ngày kia, tôi nhớ đó là một buổi tối, cha tôi gọi mẹ ra gian nhà ngoài bàn chuyện gì đó rất lâu. Mấy ngày sau đó, cha mẹ tôi thu vén nhà cửa, ruộng nương, bán gà vịt và nói với chị em tôi chuẩn bị chào các thầy cô, các bạn để đi xa. Đó là năm tôi 13 tuổi, cũng là lần đầu tiên tôi được đi xe khách đường dài.

2 chặng xe, đi gần hết 1 ngày, chúng tôi tới được một vùng đất mới mà cha mẹ tôi dự định lập nghiệp. Đó là một vùng trung du heo hút, rất nhiều đồi núi, truông, dốc. Bắt đầu một cuộc sống mới từ cái lán mà cha mẹ tôi dựng lên. Cha mẹ lại cần mẫn trên đồng đất, cày xới và gieo trỉa… Cuộc sống những ngày ấy vô chừng khó khăn. Thế nhưng ở nơi mới này, tình làng xóm có vẻ thân thiết hơn. Dân ở xung quanh đây rất thưa thớt nhưng lại hay tới nhà nhau chơi, hỏi han. Họ cũng là người tứ xứ về đây lập nghiệp. Câu chuyện về bàn tay cụt, và những ngón chân cụt của cha tôi cũng có người hỏi tới nhưng không có lời đàm tiếu, thắc mắc. Cuộc sống yên ổn chừng được 2 năm thì cha tôi đột nhiên lại chuẩn bị cho chuyến đi xa. Trước khi cha tôi đi, ông bàn rất lâu với mẹ. Tôi không nghe được câu chuyện, nhưng khi nhìn mẹ bước ra, tôi thấy bà lén lấy tay quệt nước mắt… Những ngày sau đó, tôi và cô em gái ngóng cha về như mọi bận, chỉ riêng mẹ tôi là không mong chờ gì. Bà nói, chắc chuyến này cha các con đi lâu mới về, các con đừng ngóng nữa…

Không ngóng sao được khi mà 2 chị em tôi nhớ cha tôi đến vô cùng. Nhưng càng mong, cha tôi càng bặt vô âm tín. Hàng xóm láng giềng đã có người buông lời trêu chọc chị em tôi: “Chắc cha 2 đứa bây đi tìm vợ khác rồi”. Từ nhớ mong, vô vọng, chúng tôi bắt đầu oán trách cha. Cha chúng tôi sao có thể bỏ 3 mẹ con chúng tôi là thân đàn bà, con gái ở lại chốn này được chứ? Cha đi đâu, có thể về lại quê nhà chăng, hay đến nhà họ hàng trong Nam kiếm việc? Dù ở đâu thì cũng phải về thăm mẹ con chứ?

Tất cả những năm học sau này của mình, tôi đều mang chiếc cặp da đen mà cha tôi mua làm quà năm nào. Đó là món quà quý giá nhất, và cũng gần như là món quà duy nhất tôi nhận được từ cha mình. Học xong lớp 12, tôi học và trở thành cô nuôi dạy trẻ. Đã 5 năm, cha tôi vẫn chưa về và chúng tôi chỉ biết qua mẹ tôi những thông tin ít ỏi mà mẹ nói mẹ nắm được qua họ hàng: cha tôi đã đi Nam rồi. Cha đã có cuộc sống mới, có gia đình mới rồi.

Tôi và em gái mình đều đã trở thành thiếu nữ. Nỗi nhớ cha, cả sự oán trách đôi lúc dội về trong chúng tôi. Đó mãi là một dấu hỏi, một sự không hiểu nổi, nhất là khi tôi bắt đầu có bạn trai đến tìm hiểu. Anh ấy là bộ đội thuộc một sư đoàn đóng quân gần nhà tôi. Anh vẫn hay hỏi thăm về cha tôi, và chắc hẳn rằng có những thắc mắc không hề nhỏ về sự gần như biến mất của ông…

Cho đến gần ngày cưới, tôi càng nghĩ về ông nhiều hơn. Tôi mong biết mấy sự có mặt trong ngày trọng đại của tôi. Rất nhiều đêm, tôi không ngủ và ngẫm nghĩ. Thế rồi…

Khi chỉ còn cách ngày cưới của tôi ba hôm, đêm hôm đó trời mưa, rét và rất tối, tôi thấy mẹ tôi trở dậy. Bà đi ra ngoài nhưng mãi không thấy quay vào. Hay mẹ đã làm sao rồi, ngã chăng? Tôi vội vùng chăn dậy đi tìm mẹ… Dưới nhà ngang có ánh đèn. Mẹ tôi đang ở đó! Tôi lắng nghe, có tiếng thì thầm. Không phải một mình mẹ. Tôi nhìn qua khe cửa, và không thể tin vào mắt mình nữa. Cha tôi trở về. Tôi định đẩy cửa ngay vào. Thế nhưng một điều gì đã kìm bước chân tôi. Tôi nghe cha hỏi: “Con Hiền có oán gì tôi không?” Mẹ tôi trả lời: “Không”. “Tôi dành được cái này, bà trao cho con nó nhé!” Rồi ông lần giở trong túi áo. “Đã nói tôi chuẩn bị cho con rồi, ông dành đó mà thuốc thang, sắm sanh thêm chứ” “Không, cuộc sống trong trại phong cũng ổn mà. Trong đó ai cũng như ai, thương nhau lắm. Bà cứ chịu khó một thời gian nữa, cho các con nó yên bề gia thất”.

Chân tôi khuỵu xuống. Cha ơi! Sao cha phải làm như vậy? Tôi đã ngã vào cánh cửa. Và tiếng động ấy đã làm cha mẹ tôi choàng tỉnh. Họ cùng chạy ra cửa và đỡ lấy tôi. Tôi thấy cha gầy đi nhiều và mang vẻ đầy bối rối, cam chịu. “Cha, con hiểu tấm lòng cha, nhưng con và em cần cha hơn bất cứ thứ gì khác trên đời. Cha hãy đàng hoàng trở về, sống với chị em con. Con biết, cha nghĩ chúng con cần phải lấy chồng, nhưng hạnh phúc của chúng con có là gì nếu thiếu hình bóng một người cha. Hơn nữa, mẹ cũng cần có cha. Nếu cha cần đi chữa bệnh, chúng con và mẹ sẽ cùng đi với cha. Nếu người đời đàm tiếu, chúng ta cùng nhau chia sẻ. Cha có hiểu điều đó không?”. Hình như tôi đã nói tất cả những điều đó với cha mình trong giây phút gặp lại ông. Lần đầu tiên, tôi thấy cha bật khóc…

Đám cưới sau đó của tôi có gặp đôi chút trục trặc do bên phía gia đình nhà chồng tôi không thực sự đồng ý, nhưng chồng tôi là một người rất yêu vợ và biết bảo vệ tình yêu ấy của mình nên chúng tôi vẫn có một đám cưới giản dị, ấm cúng. Bây giờ thì con gái của chúng tôi cũng đã lớn. Cha tôi cũng đã mất sau một cơn tai biến. Chiếc cặp đen tôi vẫn còn giữ và những biến cố thăng trầm của gia đình tôi cho đến tận hôm nay tôi mới kể tường tận cho các bạn…

T.V (ghi)

Mới nhất

x
Cha tôi...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO