'Cha tôi thức thâu đêm may cờ đỏ sao vàng'
(Baonghean.vn) - Đã 75 năm trôi qua, ông Nguyễn Trọng Bản (SN 1935), trú tại khối 5, thị trấn Diễn Châu (huyện Diễn Châu) vẫn ghi nhớ vẹn nguyên ký ức về người cha đêm đêm thức may cờ Tổ quốc và không khí phấn khởi, hân hoan trong những ngày Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945.
Ánh đèn và tiếng máy khâu
“Tôi quê ở xã Diễn Hạnh, cha tôi là Nguyễn Thung (SN 1909) làm nghề thợ may. Thời ấy người dân còn nghèo, nhu cầu may mặc ít, lại có cậu Tá (em của mẹ) phụ giúp nên công việc của cha khá nhàn. Nhà đông con, tuy không phải con út nhưng tôi luôn được cưng chiều, được ngủ với cha, rúc đầu vào nách, gối lên cánh tay, vắt chân qua hông nên mùi mồ hôi của cha đã trở nên quen thuộc.
Quá trình hoạt động của cụ Nguyễn Thung (thân phụ ông Nguyễn Trọng Bản) được ghi lại trong “Lịch sử Đảng bộ và nhân dân xã Diễn Hạnh”. Ảnh: Công Kiên |
Một đêm… tôi giật mình, ngồi dậy, sờ soạng khắp giường mà không thấy cha đâu. Lắng nghe, phòng bên có tiếng máy khâu lạch xạch. Có ánh đèn hắt qua đỉnh màn. Tôi vén màn và lách sang phòng bên. Đột nhiên đèn tắt, nhà tối om. Tôi nghe tiếng chiếc kéo rơi xuống nền nhà rồi im ắng đến rợn người. Hoảng quá, tôi khóc ré lên.
Đột nhiên, có người ôm xốc tôi vào lòng, qua mùi mồ hôi quen thuộc tôi biết đó là cha. Cha đưa trở lại phòng và vỗ về. Trong giấc ngủ mơ màng tôi cảm nhận hình như cha không nằm bên cạnh và tiếng máy khâu lạch xạch vẫn phát ra đều đặn ở phòng bên.
Rồi một đêm khác, cũng giữa canh khuya, tôi tỉnh dậy không thấy cha bên cạnh. Không tài nào ngủ được, tôi rấm rứt khóc. Phòng bên không có ánh đèn và tiếng máy khâu như đêm nào. Tôi không dám bước ra khỏi giường, một nỗi sợ vu vơ choán lấy tâm trí. Tôi hét toáng lên. Từ trong buồng, mẹ nói vọng ra với vẻ mệt mỏi: “Muốn ngủ nữa thì vào đây”.
Ông Nguyễn Trọng Bản kể lại kỷ niệm về người cha của mình. Ảnh: Công Kiên |
Tôi cảm nhận được sự tức tối của mẹ, vì lẽ nhiều đêm cha vắng nhà vô cớ, có mấy người lạ đến rủ đi đánh tổ tôm. Trong suy nghĩ của mẹ, cha đã thành “người đàn ông hư”. Những ngày ấy không khí gia đình bức bối lắm… Nhưng rồi, hình như mẹ tôi linh cảm được điều hệ trọng sắp xảy ra. Mẹ không còn nói bóng gió xa xôi về cha nữa. Mỗi bữa cơm, dù biết cha không về, mẹ vẫn ủ phần trong chăn.
Cái giường của tôi đã “bỏ hoang” nhiều đêm. Màn vẫn phủ kín, thỉnh thoảng tôi vén lên để ngắm. Mỗi lần như vậy tôi lại thèm được ngủ với cha. Thế rồi một buổi tối cha tôi về. Lúc ấy tôi đang ôm thằng em, mắt đã lim dim. Nghe cha hỏi: “Thằng Cư đâu” (tên húy của tôi hồi nhỏ), tôi choàng dậy chạy đến ôm chầm lấy cha.
Cha đưa tay ra đón, chiếc bị cói trong nách rơi xuống, bung ra một tấm vải đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng 5 cánh. Đêm ấy là 16/8/1945. Ngay trong đêm, cha đã bí mật leo lên ngọn cây cau trước sân đình làng tôi – làng Tú Mỹ, xã Diễn Hạnh bây giờ để cắm “cờ Việt Minh”.
“Lịch sử Đảng bộ và nhân dân xã Diễn Hạnh” ghi cụ Nguyễn Thung là Chủ tịch Mặt trận Việt Minh làng Tú Mỹ. Ảnh: Công Kiên |
Sáng hôm sau (17/8/1945), cả làng, không kể già trẻ, gái trai, tay cầm gậy gộc, giáo mác kéo ra sân đình hô vang: “Việt Minh vạn tuế!”, “Đả đảo phát xít Nhật!”, “Đả đảo chính quyền Việt gian!”, “Lập chính quyền nhân dân cách mạng!”. Sau này tôi mới biết, những người thường đến nhà tôi là các ông Bùi Tự Cường, Ngô Sỹ Lục, Nguyễn Ngọc Xuyến, Trần Khải… Họ là những người cộng sản về “đánh tổ tôm” để tổ chức quần chúng đứng lên tổng khởi nghĩa.
Ngày 17/8/1945, dưới sự chỉ huy của ông Nguyễn Ngọc Xuyến, làng tôi và các làng lân cận nổi dậygiành chính quyền. Cha tôi với cương vị “Thủ lĩnh” thanh niên đi đầu trong đoàn người hát vang bài ca “Thanh niên ơi quốc gia đến ngày giải phóng…”.
Nhớ mãi ngày Độc lập đầu tiên
Cách mạng thành công, chính quyền nhân dân lâm thời của thôn được thành lập, cha tôi được bầu làm Chủ tịch. Điều này đã được ghi nhận trong tài liệu “Lịch sử Đảng bộ và nhân dân xã Diễn Hạnh 1930 - 2008”.
Lúc bấy giờ, mẹ tôi mới biết cha bỏ nhà đi suốt sáng là để tham gia hoạt động cách mạng. Và tôi cũng bất giác nhớ lại đêm ấy cha thức để may lá cờ đỏ sao vàng để cắm trên ngọn cau trước đình làng. Sau đó, cha tôi tiếp tục tham gia các hoạt động ở địa phương. Đến năm 1989, cha qua đời, hưởng thọ 80 tuổi.
Cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới trong ngày Bác Hồ đọc "Tuyên ngôn độc lập", khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Ảnh tư liệu |
Trong những ngày tổng khởi nghĩa giành chính quyền, mặc dù mới là cậu bé 10 tuổi nhưng vẫn hăm hở tham gia diễu hành. Đêm 20/8/1945, làng trên xóm dưới tổ chức diễu hành, ai nấy gươm giáo trong tay. Tôi cũng mượn cái gậy của bà nội, buộc sợi dây mang chéo qua vai rồi hòa vào dòng người đông đúc. Trên các trục đường chính, nến sáng trưng.
Những cây nến được làm từ nhựa cây, có màu nâu sẫm được cắm trên các ngọn cây ven đường. Tôi có cảm giác đêm ấy không ai ngủ. Đến lúc gà gáy sang canh, cả làng, cả tổng, cả huyện kéo xuống phủ đường biểu tình, cướp chính quyền. Tôi còn nhỏ không được đi, hôm sau nghe người lớn kể lại chuyện Tri phủ Ngô Xuân Tích đầu hàng, trao ấn tín cho cách mạng.
Những ngày ấy, đình làng luôn đông nghịt người. Dưới mấy cây cau, người ta dựng một cái chòi cao để những người làm thông tin tuyên truyền thay nhau leo lên truyền phát tin tức từ khắp nơi chuyển về. Dịp ấy, hầu như công việc làm ăn đều gác lại, mọi người cùng tập trung lo việc “đại sự quốc gia”.
Vợ chồng cụ Nguyễn Thung (thân sinh của ông Nguyễn Trọng Bản). Ảnh: GĐCC |
Những đứa trẻ như chúng tôi vui chơi quên cả ăn, mỗi đứa tự làm cho mình một chiếc gậy có sợi dây thắt chéo qua vai. Chúng tôi tập hợp thành hai hàng dọc như người lớn, đưa cao to đứng sau, đứa thấp bé đứng trước để tập đi đều. Rồi tiếp đến là tập những bài hát cách mạng, chúng tôi thuộc rất nhanh những bài như “Bắc Sơn”, “Khúc ca hùng tráng”, “Dân quân Việt Nam mau bồng súng ra sa trường”…
Ngày 2/9, quê tôi rước cờ Độc lập, nhà nhà có cờ đỏ sao vàng làm bằng giấy dán trước cửa. Hôm ấy, chúng tôi xếp thành đội ngũ chỉnh tề và được trịnh trọng tuyên bố là Đội Thiếu niên cứu quốc. Khi ông Nguyễn Chương – Chủ nhiệm Việt Minh hô “Nghiêm!”, ông Đường Tần dùng súng ngắn bắn phát chỉ thiên, chúng tôi đồng thanh hát “Đoàn quân Việt Nam đi chung lòng cứu quốc…”.
Hôm ấy, tôi có mới dịp nhìn kỹ các anh chị lớn tuổi trong đội Tự vệ. Họ không cầm gậy như những ngày trước mà đeo súng giả bên hông. Chân đất, đầu trần mà trông oai lắm!
Đến đêm, cả làng cùng rước chân dung lãnh tụ Hồ Chí Minh. Mọi người cùng hô vang: “Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm!”, “Nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa muôn năm!”. Đã khuya lắm nhưng không ai muốn về…
Lớn lên, tôi tiếp tục học rồi tham gia dân công hỏa tuyến. Sau đó theo học sư phạm, làm nghề dạy học cho đến lúc nghỉ hưu. Năm nay 85 tuổi, tôi vẫn nhớ như in những kỷ niệm năm 10 tuổi với không khí cách mạng tháng Tám sục sôi và niềm vui thắng lợi. Nhớ về người cha mến yêu thức thâu đêm may cờ đỏ sao vàng…”.