Chậm nộp báo cáo quyết toán: Không giao thầu dự án mới
(Baonghean.vn) -Hiện trên địa bàn tỉnh Nghệ An vẫn còn khoảng 1.000 dự án chưa được quyết toán, ảnh hưởng đến việc quản lý vốn đầu tư của Nhà nước, gây nợ đọng xây dựng cơ bản kéo dài…
Là tỉnh lớn có nhiều đơn vị hành chính, được hưởng nhiều nguồn vốn từ các chương trình, dự án của Trung ương nên số lượng dự án, công trình trên địa bàn Nghệ An rất lớn. Theo báo cáo của Kho bạc nhà nước, tính đến ngày 30/4/2014 – thời điểm trước khi thực hiện Chỉ thị 27, tổng số danh mục công trình chưa quyết toán là 3.380 dự án. Thực hiện Chỉ thị 27 ngày 27/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quyết toán vốn đầu tư các dự án hoàn thành trên địa bàn tỉnh, đến cuối tháng 4/2015, toàn tỉnh đã phê duyệt quyết toán 2.199 dự án, số lượng công trình hoàn thành còn lại chưa quyết toán là 1.039 dự án.
Trụ sở UBND xã Nghĩa Bình, Nghĩa Đàn – công trình đã hoàn thành hồ sơ thanh quyết toán |
Hiện nay, công tác quyết toán dự án hoàn thành được các cấp các ngành quan tâm chỉ đạo; 6 tháng đầu năm 2015 Sở Tài chính đã quyết toán được 180 công trình đạt 109,1% so với cùng kỳ năm 2014, với tổng chi phí đề nghị quyết toán là 1.297,9 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2015 đã thẩm tra phê duyệt một số dự án lớn như: Hệ thống tiêu úng vùng màu huyện Diễn Châu; XD khu neo đậu tránh trú bão Lạch Vạn, huyện Diễn Châu; Các gói thầu thuộc Dự án GTNT3 tỉnh Nghệ An nên chi phí đầu tư được quyết toán khá lớn là 1.278 tỷ đồng, đạt 211,2% so với cùng kỳ năm 2014, tiết kiệm giảm sau thẩm định là 19,5 tỷ đồng, đạt 1,58%.
Hiện Sở Tài chính đang tiếp tục đôn đốc các sở, ban, ngành, các huyện, thành, thị, các chủ đầu tư tiếp tục đẩy nhanh tiến độ quyết toán các dự án hoàn thành theo Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 27/12/2013 của Thủ tướng chính phủ và Quyết định số 1738/QĐ-UBND ngày 25/4/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh. Đến nay có 3 huyện đã hoàn thành việc chỉ đạo công tác lập hồ sơ trình cơ quan thẩm tra phê duyệt quyết toán là Kỳ Sơn, Quỳnh Lưu và Quỳ Châu.
Anh Hoài – Trưởng phòng tài chính UBND huyện Quỳ Châu cho biết: Trước thời điểm Chỉ thị 27 có tới 155 công trình, trong đó có những công trình tồn đọng từ những năm 1995, 1996. Thực hiện Chỉ thị 27, chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Tài chính, UBND huyện Quỳ Châu chỉ đạo quyết liệt phòng tài chính – kế hoạch, các chủ đầu tư, các phòng chuyên môn. Kết quả, đợt 1 giải quyết được 63 công trình, đợt 2 giải quyết được 92 công trình. Cho đến nay, các dự án hoàn thành trước năm 2013 đã quyết toán xong. Các dự án hoàn thành trong năm 2014 thuộc thẩm quyền quyết toán của huyện cũng đã cơ bản xong. “Chúng tôi đề nghị UBND tỉnh bố trí vốn trả nợ cho các dự án đã quyết toán. Về cơ chế bố trí vốn trong thời gian sắp tới thì cần tập trung cho các dự án đã dở dang nhiều năm để sớm hoàn thành quyết toán kịp thời” – anh Hoài đề nghị.
Thi công chợ Quỳnh Bảng - Quỳnh Lưu |
Còn tại Quỳnh Lưu, theo danh sách thông báo của UBND tỉnh và rà soát, thống kê trên địa bàn huyện, tổng số công trình tồn đọng là 192 công trình. Ông Nguyễn Văn Quý – Phó chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu cho biết: trên địa bàn hiện còn 32 công trình đang thi công dở dang, 6 công trình thuộc thẩm quyền UBND tỉnh phê duyệt quyết toán (các chủ đầu tư đã nộp đủ hồ sơ quyết toán về Sở Tài chính), số công trình đã được thẩm tra phê duyệt quyết toán là 154 công trình, đạt tỷ lệ 100%. Tổng giá trị đề nghị quyết toán là trên 259 tỷ đồng, tổng giá trị phê duyệt quyết toán hơn 249 tỷ đồng, giá trị cắt giảm gần 10 tỷ đồng (chiếm 3,84%).
Trong số 607 dự án chưa lập hồ sơ quyết toán trình cấp có thẩm quyền, có tới 510 dự án hoàn thành từ năm 2012 trở về trước, vi phạm thời gian nộp báo cáo quyết toán trên 24 tháng. Ví như UBND huyện Quế Phong có 39 dự án, UBND huyện Nam Đàn 13 dự án, UBND huyện Tương Dương 13 dự án. Đối với cấp xã, UBND phường Hòa Hiếu (tx. Thái Hòa) có 9 dự án, UBND xã Hưng Lộc (Tp.Vinh) có 8 dự án… Ông Nguyễn Xuân Hải – Giám đốc sở Tài chính cho biết: Khó khăn hiện nay là công tác nắm bắt, tổng hợp tên, địa chỉ nhà thầu có công trình vi phạm thời gian quyết toán của các huyện, sở ngành chưa được đầy đủ, ảnh hưởng đến việc đề nghị các hình thức xử lý vi phạm theo quy định. Trong tổng số 510 công trình hoàn thành từ năm 2012 trở về trước chưa quyết toán thì các đơn vị mới báo cáo được tên nhà thầu thi công của 311 dự án (do 294 nhà thầu thi công); có 199 dự án các đơn vị chưa báo cáo được tên nhà thầu thi công.
Thực tế, thông qua rà soát danh mục công trình chưa quyết toán giữa các huyện, ngành với kho bạc nhà nước cho thấy đang còn nổi lên nhiều tồn tại. Nhiều dự án đã được thẩm tra phê duyệt quyết toán nhưng cơ quan thẩm tra quyết toán các huyện không gửi quyết định phê duyệt quyết toán đến kho bạc nhà nước. Lãnh đạo Kho bạc nhà nước cho biết, bất cập đó khiến kho bạc nhà nước không có cơ sở để tất toán tài khoản cấp phát vốn đầu tư và đưa vào theo dõi danh mục công trình chưa quyết toán. Trong khi đó, có 142 dự án đang thi công dang dở, chưa hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng nhưng vẫn thống kê trong danh mục công trình hoàn thành chưa quyết toán và một số dự án thống kê trùng lắp 2 lần. Do các dự án này thi công chậm tiến độ theo hợp đồng đã ký, trong khi chưa có văn bản gia hạn thời gian thi công. Vì vậy, cơ quan kho bạc nhà nước căn cứ vào thời gian thi công hoàn thành trong hợp đồng để đưa vào theo dõi công trình hoàn thành chưa quyết toán.
Những bất cập trong công tác quyết toán ảnh hưởng đến việc quản lý vốn đầu tư của Nhà nước, gây nợ đọng xây dựng cơ bản kéo dài, không tất toán được tài khoản của dự án… Do đó, để đẩy nhanh việc lập hồ sơ báo cáo quyết toán và thẩm tra phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành theo Chỉ thị 27 của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định 1738/QĐ-UBND của UBND tỉnh, các huyện, thành thị cần đổi mới công tác thẩm tra quyết toán dự án hoàn thành. Đối với chủ đầu tư, nhà thầu thi công có dự án vi phạm chậm nộp báo cáo quyết toán trên 24 tháng, đề nghị Sở KH&ĐT không tham mưu chủ trương đầu tư, không thẩm định dự án đầu tư mới; không phê duyệt kế hoạch đấu thầu, giao thầu các dự án mới…
Thu Huyền