Chăm sóc trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV: Cần sự vào cuộc tích cực

13/12/2012 17:37

Việc điều trị thuốc ARV cho người nhiễm HIV/AIDS ở tỉnh ta được bắt đầu từ năm 2006, đến nay đã có khoảng 1.600 người, trong đó có 89 trẻ được áp dụng chương trình này. Hiệu quả của việc điều trị ARV cho trẻ được đánh giá là rất tốt nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần được hỗ trợ và tháo gỡ kịp thời.

(Baonghean) Việc điều trị thuốc ARV cho người nhiễm HIV/AIDS ở tỉnh ta được bắt đầu từ năm 2006, đến nay đã có khoảng 1.600 người, trong đó có 89 trẻ được áp dụng chương trình này. Hiệu quả của việc điều trị ARV cho trẻ được đánh giá là rất tốt nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần được hỗ trợ và tháo gỡ kịp thời.

Sáng thứ 3 hàng tuần, tại phòng khám và điều trị ngoại trú cho trẻ bị nhiễm của Dự án Life Gap đặt tại Bệnh viện Sản – Nhi, các em nhỏ bị nhiễm HIV trong tỉnh lại tập trung về đây để được các bác sỹ khám và cấp thuốc. Đến đây, nhìn những gương mặt thơ ngây, non nớt, thân hình gầy gò, ốm yếu, thái độ rụt rè, sợ sệt khi tiếp xúc với người lạ của các em khiến mọi người không khỏi xót xa... Gặp gỡ, trao đổi với người nhà của trẻ đang được quản lý và điều trị mới biết việc điều trị cho các cháu đang gặp nhiều trở ngại, như cháu H.V.P (8 tuổi, ở huyện Kỳ Sơn) có bố đã mất vì bệnh AIDS, mẹ và cháu bị nhiễm từ bố. Do đặc thù công việc nên mẹ cháu P phải gửi con cho bác ở huyện Nghi Lộc chăm sóc. Tuy nhiên, cháu P cũng không được uống thuốc đều đặn theo định kỳ, bởi nhận thức về bệnh của người nhà cháu còn hạn chế. Tương tự là cháu P.A (5 tuổi) ở huyện Đô Lương. Năm 2007, bố mẹ cháu mất do AIDS, khi đó cháu mới 5 tháng tuổi, cháu P.A ở với ông nội (đã 80 tuổi), hiện sức khoẻ của ông nội cháu P.A cũng đã yếu, mỗi lần đi lấy thuốc đường sá xa xôi, vất vả và tốn kém…



Tặng quà cho bệnh nhi nhiễm HIV điều trị tại phòng khám ngoại trú Bệnh viện Sản nhi Nghệ An. Ảnh: Từ thành.

Bác sỹ Nguyễn Văn Sơn - Trưởng khoa Lây nhiễm kiêm Trưởng phòng khám và điều trị ngoại trú, Bệnh viện Sản – Nhi tỉnh, cho biết: Hiện phòng khám đang quản lý và điều trị ARV cho 89 cháu bị nhiễm HIV, được đánh giá là một trong những phòng khám tốt nhất cả nước. Thuốc ARV được cung cấp đầy đủ, kịp thời; hiệu quả điều trị cao (không xảy ra tai biến hoặc tử vong), quy trình điều trị đúng, chính xác, ít hoặc không bị mắc bệnh cơ hội; trường hợp có những trẻ được điều trị tốt, sức khỏe ổn định và đi học bình thường như bao trẻ khác, các cháu từ dưới 18 tháng tuổi được hỗ trợ về dinh dưỡng (theo quy định trẻ sẽ được cung cấp sữa, đường, gạo, dầu ăn trị giá 300 ngàn đồng/trẻ/tháng và được nhận trong vòng 6 tháng). Tuy nhiên, đại đa số các cháu bị nhiễm đều ở trong hoàn cảnh gia đình rất éo le: bố, mẹ hoặc cả bố mẹ đã mất, phải ở với ông, bà tuổi đã cao, sức khỏe kém, thiếu kiến thức về bệnh; kinh tế gia đình khó khăn nên điều kiện chăm sóc trẻ hạn chế. Đặc biệt, hầu hết những gia đình này ở xa nên việc đi lại rất vất vả, tốn kém vì tháng nào cũng phải đi lấy thuốc (1 tháng lấy thuốc 2 - 4 lần) nên việc điều trị thuốc ARV, nhất là cho trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV vẫn đang gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, quá trình uống thuốc rất quan trọng, yêu cầu phải đúng thời gian và đúng lịch. Thế nhưng, do độ tuổi đang còn nhỏ, lại mắc căn bệnh hiểm nghèo, sức đề kháng kém, uống nhiều loại thuốc một lúc, uống đúng giờ là rất khó thực hiện, khi uống loại thuốc này lại rất dễ nôn nên trẻ kém hấp thụ thuốc vào cơ thể, khiến quá trình điều trị kéo dài hơn. Trong khi đó, dự kiến đến năm 2015, Dự án Life Gap kết thúc nên nguồn kinh phí không còn nhiều, điều này đã dẫn đến số lượng thuốc cho các cháu ngày càng giảm, chế độ dinh dưỡng cho trẻ trên 18 tháng tuổi đang điều trị ARV đã bị cắt giảm. Khó khăn còn là trong quá trình điều trị cho các cháu, y, bác sỹ phải tiếp xúc trực tiếp với môi trường độc hại và các bệnh nguy hiểm khác (vì ngoài việc bị nhiễm HIV trẻ còn bị mắc các bệnh khác đi kèm như: lao, nấm Pe-li-xi-ma-măc-phây… rất dễ bị lây và khó điều trị) và nhất là khi dùng kim lấy máu để xét nghiệm hoặc tiêm cho trẻ sẽ dễ bị kim đâm vào tay (bắt buộc phải điều trị phơi nhiễm). Chế độ phụ cấp cho cán bộ y tế làm công tác này còn khiêm tốn (1,2 triệu đồng/người/tháng, thậm chí 3- 4 tháng mới được nhận một lần), từ đó phần nào ảnh hưởng đến tinh thần làm việc của họ và dẫn đến tình trạng giảm số cán bộ phục vụ trong công tác này.

Bác sỹ Trịnh Hùng Tiến - Phó Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, cho rằng: “Để khắc phục khó khăn trong việc điều trị ARV cho trẻ bị ảnh hưởng HIV/AIDS rất cần sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành và cộng đồng. Công tác tuyên truyền cần phải được đẩy mạnh hơn nữa, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa để những trẻ bị nhiễm HIV được điều trị ARV kịp thời, có sự chăm sóc kết hợp với chế độ nuôi dưỡng phù hợp. Cần xoá bỏ tư tưởng phân biệt, kỳ thị đối với trẻ nhiễm HIV và các em vẫn phải được đến trường như bao trẻ khoẻ mạnh khác. Cán bộ y tế công tác trong lĩnh vực này cần có chế độ phụ cấp kịp thời và phù hợp nhằm động viên tinh thần cho họ yên tâm công tác. Chăm sóc trẻ nhiễm HIV không chỉ dừng ở việc cho trẻ uống thuốc ARV để cải thiện sức khỏe mà việc khó khăn là mang lại sự hồn nhiên cho trẻ, giúp trẻ hiểu đúng về bệnh của mình và hòa nhập cộng đồng như một trẻ bình thường”.


Hiền Trang (Trung tâm TT – GDSK tỉnh)

Mới nhất
x
Chăm sóc trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV: Cần sự vào cuộc tích cực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO