Chăm sóc y tế người cao tuổi chưa "đuổi kịp" tốc độ già hóa dân số
Trong khi số lượng người già càng nhiều lên, thì hệ thống y tế chưa đáp ứng được yêu cầu chăm sóc cho nhóm dân số này.
Ngày dân số Việt Nam năm nay (26/12) có chủ đề “Cộng đồng chung tay chăm sóc người cao tuổi”. Đây là dịp để xã hội chú ý đến vấn rất “nóng” và bức xúc, đó là chăm sóc toàn diện đối với người cao tuổi trong bối cảnh quá trình già hóa dân số đang diễn ra nhanh chóng. Tuy nhiên, vấn đề lớn đang đặt ra là trong khi số lượng người già càng nhiều lên, thì hệ thống y tế chưa đáp ứng được yêu cầu chăm sóc cho nhóm dân số này.
Phóng viên VOV.VN phỏng vấn ông Nguyễn Văn Tân, Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) nhân Ngày dân số Việt Nam.
Y tế chưa “theo kịp” tốc độ già hóa
PV: Thưa ông, chúng ta sẽ thích ứng như thế nào với tốc độ già hóa dân số nhanh chóng như hiện nay?
Ông Nguyễn Văn Tân: Hiện tỷ trọng người già trong tổng dân số nước ta đang gia tăng. Năm 2011, số người từ 65 tuổi trở lên chính thức vượt qua ngưỡng 7%, tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên đã đạt 10%. Theo quy ước, Việt Nam bắt đầu bước vào quá trình “già hóa” dân số. Nếu năm 2012, cứ khoảng 11 người dân mới có 1 người cao tuổi thì ước tính vào năm 2029, cứ 6 người dân sẽ có 1 người cao tuổi và dự báo tới năm 2049, trong 4 người dân có 1 người cao tuổi.
Ông Nguyễn Văn Tân, Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình |
Đặc biệt, Việt Nam đang được coi là một trong những nước có tốc độ già hóa dân số tăng nhanh nhất ở khu vực châu Á và mất chỉ khoảng 17 – 18 năm từ ngưỡng 7% lên ngưỡng 14%. Có nghĩa đến khoảng năm 2027 – 2028, Việt Nam chính thức bước vào thời kỳ dân số già.
Điều này đòi hỏi Việt Nam phải thích ứng một cách đầy đủ về kinh tế, xã hội, cơ sở hạ tầng cũng như những yếu tố văn hóa khác. Nếu không chú ý, chuẩn bị từng bước thích ứng thì đến một lúc nào đó chúng ta sẽ gặp những khó khăn rất lớn trong phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Tôi lấy ví dụ: Khi số lượng người cao tuổi tăng lên, những hàng hóa sản xuất phù hợp với người cao tuổi cũng phải tỷ lệ thuận tương ứng, như con số trong máy điện thoại cũng phải to hơn; số người cao tuổi có xu hướng sống độc lập thì những dụng cụ làm bếp, bàn ăn cũng phải thiết kế cho phù hợp; lối đi cũng phải tính đến để danh riêng cho người già…
Tất cả những điều này cần phải được tính đến cho một xã hội thích ứng với người cao tuổi. Đó là chưa kể những việc lớn hơn như chăm sóc người cao tuổi tại cộng đồng, gia đình và trong xã hội như thế nào, bởi vấn đề này đòi hỏi thiết kế một cách đặc biệt, khác với chăm sóc những người còn trẻ.
PV: Báo cáo cho thấy có đến 95% người cao tuổi gánh chịu bệnh tật kép. Theo ông, nguyên nhân và giải pháp nào để tăng cường chăm sóc về y tế cho nhóm dân số này, để họ được khỏe mạnh khi về già?
Ông Nguyễn Văn Tân: Thực tế còn rất nhiều việc phải làm trong công tác chăm sóc người cao tuổi, đặc biệt là lĩnh vực dự phòng. Chúng ta thiếu hẳn kế hoạch có tính chủ động trong vấn đề này.
Thứ nhất, số lượng người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) chiếm tỷ lệ không lớn. Những người trong diện BHYT bắt buộc, diện cận nghèo, nghèo, khu vực khó khăn được nhà nước bao cấp mua chiếm tỷ lệ không nhiều; phần còn lại là những người không có thẻ BHYT.
Người cao tuổi xã Nghĩa Liên (Nghĩa Đàn) tham dự buổi tư vấn chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dựa vào cộng đồng (Ảnh: Ngọc Anh) |
Thứ hai, kể cả trong hệ thống những người đã có thẻ BHYT thì việc dự phòng vẫn còn những khiếm khuyết, đó là không có sự theo dõi sức khỏe thường xuyên đối với người dân sống trong cộng đồng. Chúng ta có hệ thống y tế cấp xã, nhưng chủ yếu tập trung vào những hoạt động có yếu tố chiến dịch. Không có hồ sơ theo dõi sức khỏe người dân, trong đó có người cao tuổi, để có hướng dẫn sinh hoạt, tập luyện, sử dụng thuốc… để tránh nguy cơ gây ra bệnh tật. Những điều này chúng ta chưa thiết kế được.
Đây là vấn đề cần được cải thiện trong chăm sóc sức khỏe ban đầu, y tế dự phòng trong chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Bệnh cạnh đó, hệ thống phục hồi chức năng chủ yếu vẫn dựa vào những bệnh viện. Chúng ta chưa tổ chức được hệ thống phục hồi chức năng cho mọi người nói chung, trong đó có người cao tuổi.
PV: Thực tế ở các bệnh viện, việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đã đáp ứng được yêu cầu chưa, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Tân: Bộ Y tế đã có văn bản, thông tư hướng dẫn cho tất cả các cơ sở khám chữa bệnh trong toàn quốc về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Đối với các bệnh viện lớn cần phải có khoa lão khoa. Còn các bệnh viện chưa thành lập khoa lão khoa thì phải dành số giường nhất định cho người cao tuổi.
Tuy nhiên, cho đến nay cả nước mới có 28 bệnh viện có khoa lão khoa. Hệ thống lão khoa của ta phát triển chậm so với nhu cầu hiện nay.
Cũng phải nói thêm là theo tính toán ở các nước, trung bình chi phí chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi gấp 8 lần so với chi phí cho người trẻ. Như ở Hàn Quốc, gần 30% dân số người cao tuổi chi tiêu gần 80% tổng chi phí của BHYT.
Chúng ta còn một tỷ lệ nhất định người cao tuổi chưa có thẻ BHYT, do đó mỗi lần ốm đau, người cao tuổi thuộc diện nghèo, cận nghèo sẽ rơi vào khủng hoảng về mặt kinh tế.
Phấn đấu chậm lại tốc độ già hóa
PV: Tới đây, Tổng cục Dân số sẽ có giải pháp gì để góp phần đẩy mạnh công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi?
Ông Nguyễn Văn Tân: Tổng cục Dân số là cơ quan nghiên cứu, đề xuất những chính sách về dân số. Nhưng để giải quyết vấn đề liên quan đến già hóa dân số đòi hỏi sự vào cuộc, hợp tác của rất nhiều Bộ, ngành khác nhau. Chúng tôi cố gắng duy trì chính sách phát triển dân số cho phù hợp, làm thế nào để chậm lại tốc độ già hóa. Ở đây không có nghĩa số lượng người già giảm đi, mà làm chậm tốc độ gia tăng tỷ trọng người cao tuổi trong dân số.
Chính sách của chúng ta là cố gắng duy trì được mức sinh thay thế, mỗi cặp vợ chồng trung bình có 2 con sẽ góp phần làm chậm lại việc gia tăng tỷ trọng người cao tuổi trong dân số.
Chúng tôi cũng phối hợp với các cơ quan khác đề xuất những chính sách phù hợp cho việc chăm sóc người cao tuổi một cách toàn diện, cả về mặt sức khỏe, xã hội, văn hóa. Đưa vào thử nghiệm những mô hình chăm sóc sức khỏe toàn diện trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm của các nước; đề xuất mô hình phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, văn hóa của Việt Nam, tạo ra những cơ sở để tất cả lực lượng trong xã hội tham gia vào quá trình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi được tốt hơn.
PV: Xin cảm ơn ông!./.
Theo VOV
TIN LIÊN QUAN |
---|