Bằng nhiều giải pháp quyết liệt, Nghệ An đã tạo bước chuyển tích cực trong công tác cải cách hành chính. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn tình trạng “trên trải thảm, dưới rải đinh” khi một bộ phận cán bộ công chức nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp, vi phạm nghiêm trọng đạo đức công vụ, đến mức bị khởi tố, bắt tạm giam…
Thời gian gần đây liên tiếp các vụ cán bộ, công chức của đơn vị cấp tỉnh và một số đơn vị cấp huyện, cấp xã vi phạm đạo đức công vụ, bị cơ quan chức năng khởi tố, bắt tạm giam. Như vụ việc 2 cán bộ công tác tại Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Nghệ An và một cán bộ Phòng Hỗ trợ doanh nghiệp Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Nghệ An bị khởi tố, bắt tạm giam vì tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Theo tài liệu của cơ quan điều tra cho thấy, các cán bộ này đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, gây khó dễ cho doanh nghiệp để nhận tiền “bôi trơn” khi làm hồ sơ thủ tục đăng ký kinh doanh, với số tiền lên đến hàng tỷ đồng.
Ở các địa phương, Công an huyện Quỳnh Lưu đã tiến hành khởi tố 2 bị can Lê Minh Tâm (công chức địa chính xã Quỳnh Lâm) và Phạm Thị Thanh Thủy (công chức địa chính xã Quỳnh Hồng) về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”. Tại cơ quan công an, 2 bị can khai nhận trước nhu cầu làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở và hiểu biết pháp luật còn hạn chế của người dân, Tâm và Thủy đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản của mỗi bị hại đến làm thủ tục đăng ký đất đai từ 10 triệu đồng đến 30 triệu đồng.
Công an huyện Diễn Châu bắt 2 đối tượng là công chức tư pháp – hộ tịch và công chức địa chính xã Minh Châu về hành vi “Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản”; Huyện ủy, UBND huyện Diễn Châu ban hành quyết định kỷ luật bằng hình thức cách chức Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy và cách chức Chủ tịch UBND xã đối với ông Phạm Xuân Bang – nguyên Chủ tịch UBND xã Diễn Kim nhiệm kỳ 2020-2025 vì những sai phạm liên quan đến việc thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển nghề muối tại Hợp tác xã Kim Liên (Diễn Kim)…
Trước đó, qua nhiều “kênh”, các nhà đầu tư, doanh nghiệp đã phản ánh, phàn nàn về tình trạng nhũng nhiễu của một số cán bộ công chức của các ngành, các địa phương ở Nghệ An mỗi khi cần giải quyết các thủ tục hành chính. Dư luận xã hội cũng bức xúc và đặt nhiều nghi vấn về tình trạng có một số đối tượng trong các đơn vị, địa phương thực thi nhiệm vụ của mình nhưng đã lợi dụng chức danh, nghề nghiệp được phân công, lợi dụng quyền hạn của mình, lợi dụng việc thiếu hiểu biết của người dân, doanh nghiệp để gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp hoặc không công khai, minh bạch quy trình xử lý hồ sơ, thời gian giải quyết các thủ tục hồ sơ nhằm mục đích trục lợi cá nhân.
Tại phiên họp thường kỳ UBND tỉnh tháng 3/2022, đồng chí Nguyễn Đức Trung – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá công tác cải cách hành chính, tăng cường hiệu lực, hiệu quả về quản lý nhà nước thời gian qua mặc dù có chuyển biến nhưng còn tồn tại rất nhiều vấn đề. Vì thế, các ngành tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, công khai, minh bạch các dịch vụ công, các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Đặc biệt, các ngành, các cấp phải quan tâm chấn chỉnh đạo đức công vụ, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức.
Nhấn mạnh việc xử lý các cán bộ sai phạm là điều không ai mong muốn, nhưng theo Chủ tịch UBND tỉnh, đây là việc phải làm, làm nghiêm, để cảnh tỉnh trong hệ thống cán bộ, công chức, viên chức toàn tỉnh. Dù sai phạm chỉ ở một bộ phận nhỏ nhưng sẽ tạo dư luận không tốt cho hình ảnh, môi trường đầu tư của tỉnh. Để ngăn chặn những sai phạm, người đứng đầu các cấp, ngành cần rà soát lại thủ tục, quy trình xử lý công việc, đánh giá lại việc phân công công việc cho cán bộ, tránh việc để cán bộ lợi dụng chức trách, nhiệm vụ nhằm trục lợi cá nhân. Quan điểm của Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy là nếu vi phạm, sai phạm thì phải xử lý nghiêm, không có vùng cấm.
Thực hiện nhiệm vụ UBND tỉnh giao, hàng năm, Sở Nội vụ đã tổ chức thanh tra, kiểm tra thường xuyên, đột xuất việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ, công tác quản lý cán bộ tại các cơ quan, đơn vị, địa phương. Năm 2021, Sở Nội vụ đã thành lập các đoàn tiến hành kiểm tra tại Khối các cơ quan cấp tỉnh: 9 cơ quan, đơn vị; Khối cấp huyện, xã: 14/21 huyện, thành, thị và 37 đơn vị cấp xã. Khối các cơ quan cấp tỉnh đã kiểm tra 213 lượt cơ quan, đơn vị, tổ chức.
Phó Giám đốc Sở Nội vụ – đồng chí Trần Quốc Chung cho biết: Thông qua công tác kiểm tra nhằm đánh giá những kết quả đạt được; đồng thời, chỉ ra những mặt hạn chế, yếu kém, khó khăn, vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ. Cùng với đó, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, xác định đây là tiêu chí để xem xét đánh giá, phân loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ, công vụ và công tác thi đua khen thưởng đối với tập thể, cá nhân của mỗi cơ quan, đơn vị.
Bên cạnh việc kiểm tra giám sát thường xuyên, thì việc xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm cũng được Tỉnh ủy Nghệ An chỉ đạo thực hiện nghiêm. Tại kỳ họp quý II/2022, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đã xem xét thi hành kỷ luật đối với các đồng chí có trách nhiệm liên quan trong vụ việc khai thác đá trái phép tại xóm Kèn, xã Châu Lộc, huyện Quỳ Hợp. Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đã quyết định thi hành kỷ luật đồng chí Nguyễn Đình Tùng – Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp bằng hình thức khiển trách; cảnh cáo đồng chí Lê Sỹ Hào – Ủy viên BCH Đảng bộ huyện, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Quỳ Hợp; cảnh cáo đồng chí Nguyễn Minh Khôi, đảng viên, nguyên Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Quỳ Hợp…
Trước đó, tại kỳ họp quý I/2022, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy quyết định thi hành kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng đối với bà Nguyễn Thị Hồng Thắm – Phó Bí thư Chi bộ Hành chính – Tổng hợp, Kế toán trưởng, Trưởng phòng Tài chính – Kế toán Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An; đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, thi hành kỷ luật đối với ông Nguyễn Văn Định – Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Sở Y tế, Bí thư Đảng ủy bộ phận, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An, theo thẩm quyền. Tại cuộc họp này Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đã quyết định thi hành kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Lê Phùng Diệu – Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Kỳ Sơn, nguyên Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Quỳ Hợp…
Để tiếp tục đơn giản hóa, công khai, minh bạch, giảm thời gian và chi phí thực hiện, tạo thuận lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính, ngày 19/4/2022, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 247/KH-UBND về rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh Nghệ An năm 2022.
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu 6 sở: Sở Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Tư pháp, Xây dựng, Sở Nội vụ, Sở Công Thương đơn giản hóa 15 thủ tục, nhóm thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực xây dựng; đất đai; lưu thông hàng hóa trong nước; lý lịch tư pháp, hộ tịch; thi đua – khen thưởng và đường bộ. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghệ An đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU về đẩy mạnh hành chính trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2030 nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị xây dựng nền hành chính công khai, minh bạch; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh. Đồng thời cũng đang chuẩn bị các bước để ban hành Nghị quyết về chuyển đổi số tỉnh Nghệ An đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Gắn quá trình chuyển đổi số với cải cách hành chính nhằm nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước và chất lượng cung cấp dịch vụ công của chính quyền các cấp; phấn đấu luôn giữ vững vị trí thuộc nhóm 30 tỉnh, thành phố có chỉ số cao về chính phủ số.
Tại phiên họp Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An ngày 28/5/2022, để nghe và cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết chuyển đổi số, đồng chí Thái Thanh Quý – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh nhấn mạnh, mục tiêu chuyển đổi số cuối cùng là hướng đến lợi ích của người dân và doanh nghiệp; thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội; nâng cao hiệu quả lãnh đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả điều hành của chính quyền và hệ thống chính trị.
Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt, mạnh mẽ của lãnh đạo tỉnh đã tạo chuyển biến mạnh mẽ trong cả nhận thức lẫn lề lối, tác phong làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, góp phần xóa bỏ thông tin dư luận “tỉnh mở, sở thắt” tồn tại lâu nay và chuyển thành “tỉnh mở, sở hỗ trợ”. Công tác cải cách hành chính cũng đạt nhiều kết quả tích cực. Cơ chế, chính sách tiếp tục được hoàn thiện; thủ tục hành chính được đơn giản hóa, công khai, minh bạch, giảm thời gian và chi phí thực hiện; mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp được nâng lên. Cùng với đó, tổ chức bộ máy từng bước được sắp xếp tinh gọn, giảm đầu mối, nâng cao hiệu quả hoạt động. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được bố trí, sắp xếp hợp lý hơn, chất lượng được nâng lên; tinh thần trách nhiệm, đạo đức công vụ, kỷ cương, kỷ luật hành chính có nhiều chuyển biến tích cực.
Ông Nguyễn Đình Mỹ – Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Nghệ An cho biết, việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính của các sở, ban, ngành tại Trung tâm Phục vụ hành chính công đã được kiểm soát chặt chẽ qua Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin Một cửa điện tử tỉnh đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng, đúng hẹn được người dân, doanh nghiệp đánh giá cao. Hiện tại có 18 sở, ngành chuyên môn thuộc UBND tỉnh và 3 cơ quan chuyên môn thuộc ngành dọc đóng trên địa bàn với 1.333 thủ tục hành chính được tiếp nhận tại trung tâm.
Đến nay Nghệ An đã và đang là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư. Nhiều dự án với số vốn hàng nghìn tỷ đồng đã được triển khai đầu tư, góp phần tạo diện mạo mới cho kinh tế – xã hội của địa phương. Đơn cử như các dự án của Tập đoàn Vingroup, Masan, Nhà máy Hoa Sen, Nhà máy Xi măng Sông Lam; Khu Công nghiệp, đô thị và dịch vụ VSIP Nghệ An, Khu Công nghiệp WHA, Trạm nghiền Xi măng Nghi Thiết; Tổ hợp khách sạn vui chơi, giải trí, biệt thự nghỉ dưỡng Vinpearl Cửa Hội, Tổng kho xăng dầu DKC, Cảng biển Vissai. Tập đoàn Quốc tế Ju Teng và các nhà cung ứng đang tìm hiểu cơ hội đầu tư, kinh doanh và triển khai thực hiện các dự án tại KCN Hoàng Mai I,…
(Còn nữa)