Chấn chỉnh một số hoạt động tín ngưỡng tại cơ sở thờ tự Phật giáo

Ban Tôn giáo Chính phủ 28/02/2019 21:27

Thời gian gần đây, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 vừa qua, một số hoạt động tín ngưỡng được tổ chức tại các cơ sở thờ tự Phật giáo như: Dâng sao giải hạn (cầu an); đốt vàng, mã; hầu đồng ... đang tạo nên những dư luận xã hội nhiều chiều, làm ảnh hưởng đến hình ảnh Phật giáo Việt Nam.

Để chấn chỉnh một số hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo tại cơ sở thờ tự Phật giáo, Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ đã ký công văn số 121/TGCP-PG ngày 18/2/2019 gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Chùa Lam Sơn. Ảnh: tư liệu Hữu Tình

Nội dung công văn nêu rõ: việc quản lý hoạt động tại cơ sở thờ tự Phật giáo đang phụ thuộc nhiều vào thái độ, ý thức chấp hành pháp luật và giáo luật của vị sư trụ trì dẫn đến các sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo tại cơ sở thờ tự Phật giáo có nhiều biến tướng, không phù hợp với truyền thống Phật giáo, làm suy giảm niềm tin trong tăng ni, tín đồ Phật tử và quần chúng nhân dân, tạo dư luận xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến hình ảnh, vị trí, vai trò của Phật giáo Việt Nam, lâu dài có thể gây mất ổn định xã hội, tác động đến phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Trước tình hình trên, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Tôn giáo Chính phủ cùng các ban, bộ, ngành, liên quan đã có nhiều hình thức thông tin, trao đổi, phối hợp cùng chính quyền các cấp để vận động, tuyên truyền tới nhân dân, tín đồ Phật tử, hướng dẫn Giáo hội Phật giáo Việt Nam các cấp để chỉ đạo trụ trì các cơ sở thờ tự Phật giáo thực hiện tốt các quy định của pháp luật trong công tác tổ chức lễ hội, hạn chế các hiện tượng mê tín dị đoan, trái thuần phong mỹ tục, không đúng với giáo lý, truyền thống Phật giáo.

ĐĐ Thích Quảng Bảo – Ủy viên thường trực – Trưởng ban Văn hóa BTS Phật giáo tỉnh Nghệ An trao đổi với đại biểu và phật tử về ngày lễ Phật Thành Đạo, giáo lý phật giáo, sự lan tỏa của đạo Phật trên thế giới… Ảnh: Tư liệu

Để làm tốt hơn công tác quản lý, tổ chức các sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của người dân, tín đồ Phật giáo tại các cơ sở thờ tự Phật giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm:

- Chỉ đạo các ngành chức năng hướng dẫn Giáo hội Phật giáo Việt Nam ở địa phương tăng cường công tác vận động, tuyên truyền đến tăng ni, tín đồ Phật tử và nhân dân thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về tổ chức lễ hội, sinh hoạt tôn giáo trong các cơ sở thờ tự Phật giáo; hạn chế, tiến tới xóa bỏ các hình thức mê tín dị đoan trong cơ sở thờ tự Phật giáo.

- Căn cứ Luật tín ngưỡng, tôn giáo, Thông tư liên tịch số 04/2014/TTLT-BVHTTDL – BNV ngày 30/5/2014 giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Nội vụ hướng dẫn việc thực hiện nếp sống văn minh tại các cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo để có văn bản hướng dẫn, đề nghị trụ trì các cơ sở thờ Phật giáo không tổ chức các hình thức tín ngưỡng không thuộc truyền thống Phật giáo, chấn chỉnh, trang nghiêm cơ sở thờ tự, phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý văn hóa, tín ngưỡng tôn giáo ở địa phương để tổ chức tốt lễ hội và các sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo tại cơ sở thờ tự Phật giáo.

Toàn cảnh chùa Cổ Am. Ảnh: Tư liệu

- Giao các ngành chức năng liên quan đôn đốc, nhắc nhở các cơ sở Phật giáo tại địa phương nghiêm túc thực hiện quy chế văn hóa ở cơ sở, nếp sống văn hóa, văn minh tại cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo; kịp thời động viên, khích lệ, biểu dương các cơ sở thờ tự Phật giáo thực hiện tốt các quy định của pháp luật về tổ chức lễ hội và hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo.

Cùng ngày, 18/2/2019, Ban Tôn giáo Chính phủ đã gửi Công văn số 120/TGCP-PG yêu cầu Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam có hướng dẫn, chấn chỉnh các hoạt động trên trong các cơ sở thờ tự Phật giáo tại các địa phương theo quy định của Giáo hội và pháp luật của Nhà nước.


Mới nhất

x
Chấn chỉnh một số hoạt động tín ngưỡng tại cơ sở thờ tự Phật giáo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO