Chấn chỉnh tình trạng chuyển nhượng trái phép đất lâm nghiệp

15/01/2015 09:32

(Baonghean) - Trong quá trình rà soát thực hiện giao đất lâm nghiệp cho nhân dân ở huyện Quỳ Châu đã phát hiện tình trạng chuyển nhượng "chui" giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rừng, sau đó chuyển đổi trái phép mục đích sử dụng từ những năm trước đây...

Chuyển nhượng "chui"...

Tình trạng chuyển nhượng “chui” đất rừng, sau đó tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng được phát hiện ở địa bàn xã Châu Hạnh. Theo các ông bà: Hà Văn Linh, Lim Thị Tường, Bùi Văn Yến, Vi Thị Luyến (là Trưởng bản, Bí thư chi bộ, người có uy tín của bản Pà Cọ, bản Kẻ Nính, xã Châu Hạnh) cho biết, trong thời gian qua, họ cùng cán bộ cơ sở đã thực hiện rà soát, lập danh sách những gia đình chưa có đất lâm nghiệp để chính quyền huyện, xã tiến hành giao đất theo kế hoạch đề ra. Qua rà soát thì từ những năm 2003 - 2004, có nhiều hộ gia đình đã được giao đất rừng theo Nghị định 163 của Chính phủ, tuy nhiên, khoảng năm 2010 - 2011, phần lớn đã đem bán cho một doanh nghiệp với giá rất rẻ.

Nhà Công ty cổ phần Nghệ An Xanh dựng lên trong vùng rừng đã chuyển nhượng “chui”
Nhà Công ty cổ phần Nghệ An Xanh dựng lên trong vùng rừng đã chuyển nhượng “chui”

Về địa phương này, qua tìm hiểu, xác minh thì tình trạng chuyển nhượng “chui” giấy chứng nhận QSD đất rừng là có thật. Năm 2003, nguyên trưởng bản Kẻ Nính, ông Lê Văn Bình từng được giao 23 ha rừng tự nhiên nằm sát địa bàn xã Châu Thuận. Đến năm 2011, do gặp khó khăn, ông đã bán giấy chứng nhận QSD đất rừng cho một người có tên là Giang. Ông Bình nói: “Năm 2003, tôi được tham gia giao đất rừng tự nhiên cho người dân trong bản. Việc giao đất là với mục đích để người dân tham gia khoanh nuôi bảo vệ rừng. Tôi được giao 23 ha rừng. Nhưng vì phải “cắm” nhà cho ngân hàng để lấy tiền chữa bệnh cho con. Đến kỳ trả nợ, do không có tiền nên đành phải bán rừng lấy tiền trả nợ. Tôi đã bán 20/23 ha để lấy 30 triệu đồng...”. Theo anh Hoàng Văn Toán (công dân bản Kẻ Nính), năm 2011, bố anh là ông Hoàng Văn Hùng đã bán giấy chứng nhận QSD đất rừng cho ông Giang. Anh Toán cho biết: “Gia đình tôi được cấp 2 giấy chứng nhận QSD đất rừng tự nhiên. Một giấy chứng nhận mang tên tôi, giấy còn lại mang tên bố. Cách đây khoảng 4 năm, gia đình làm nhà, do thiếu tiền mua ngói nên bố tôi đã bán giấy chứng nhận của ông cho ông Giang với số tiền khoảng 4 - 5 triệu đồng gì đó”. Cũng vì bí tiền đưa con đi viện, ông Mạc Văn Hóa - Phó bản Kẻ Nính đã bán giấy chứng nhận QSD đất rừng mang tên con trai là Mạc Văn Ân cho ông Giang.

Ông Vi Văn Thành và bản phô tô giấy chứng nhận QSD đất rừng có xác nhận mua bán Công ty cổ phần Nghệ An Xanh.
Ông Vi Văn Thành và bản phô tô giấy chứng nhận QSD đất rừng có xác nhận mua bán Công ty cổ phần Nghệ An Xanh.

Ở Kẻ Nính, ông Vi Văn Thành là một trong những người còn lưu giữ được đầy đủ giấy tờ mua bán giấy chứng nhận QSD đất rừng. Ông Thành được cấp giấy chứng nhận QSDĐ số 00374 ngày 24/9/2004, diện tích 37,2 ha đất rừng tại các lô 58, 160, 394, 391 thuộc địa bàn xã Châu Hạnh; mục đích sử dụng là rừng tự nhiên sản xuất. Do khó khăn, năm 2011, ông Thành bán cho ông Giang lô 58 có diện tích 19,7 ha với số tiền 13 triệu đồng. Giấy chứng nhận QSDĐ của ông Thành đã giao cho bên mua; ông được giữ bản phô tô, trên đó có dòng chữ: “Lô đất thửa 58 này DT 197.463m2 đã bán cho anh Phan Bá Giang - Giám đốc Công ty Nghệ An Xanh”, bên cạnh đóng dấu công ty.

Theo Trưởng bản Kẻ Nính, ông Bùi Văn Yến: “Sự việc chuyển nhượng đất rừng tự nhiên không chỉ xảy ra ở hai bản Pà Cọ, Kẻ Nính mà có cả ở các bản lân cận như Định Tiến, Tà Cọ. Số lượng gia đình đã bán lên đến hàng trăm, riêng bản Kẻ Nính tôi đã thống kê được 25 hộ...”. Với Trưởng bản Pà Cọ, ông Hà Văn Linh: “Ở Pà Cọ có khoảng 45 hộ đã bán giấy chứng nhận QSD đất rừng. Đây là số chúng tôi thống kê được, thực tế có thể cao hơn...”.

... Chuyển đổi trái phép mục đích sử dụng đất rừng

Theo cán bộ, nhân dân ở địa bàn Pà Cọ, Kẻ Nính, sau khi thu gom được giấy chứng nhận QSD đất rừng, ông Giang đã đưa máy móc, thiết bị mở đường vào các vùng rừng, tự ý tiến hành chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng. “Họ thuê hàng chục nhân công phát quang diện tích rừng, dựng nhà, trồng keo lên đó...” - Trưởng bản Kẻ Nính, ông Bùi Văn Yến khẳng định.

Theo chân người dân Pà Cọ, Kẻ Nính, chúng tôi đi sâu vào trong những vùng rừng của xã Châu Hạnh, đến khu vực khe Nhôm là nơi “ông Giang cho người phát quang rừng, làm nhà, trồng keo”. Sau gần 1 giờ đồng hồ chúng tôi vào đến nơi. Ở đây, rừng núi hoang vu, xen lẫn những vạt rừng nứa lùng, cây thân gỗ nhỏ là những mảng đồi trắng do bị xẻ phát. Một số vùng bị xẻ phát đã được trồng keo thay thế. Cây keo đã lên cao chừng 1m. Dưới chân đồi, có một ngôi nhà sàn rộng 4 gian. “Đó là ngôi nhà ông Giang dựng lên cho nhân công ở để bảo vệ rừng trồng” - một người dân cho biết.

Tại ngôi nhà sàn này có một người đàn ông chừng hơn 40 tuổi là em vợ của ông Giang, ở đây để trông coi. Hỏi chuyện, người đàn ông này cho biết, hầu hết cả khu vực rừng này đã thuộc quyền sở hữu của ông Giang, kéo dài cho tới sát xã Châu Thuận. “Anh Giang mua lại đất rừng của dân được nhà nước cấp cho. Không biết chính xác bao nhiêu nhưng nhiều lắm, hàng mấy trăm ha. Anh ấy thuê máy mở đường vào đây cũng hết nhiều tiền lắm. Một giờ máy đến 700 - 800 nghìn đồng. Khi có đường mới đưa nhân công vào phát quang, trồng keo” - anh này “hồn nhiên”. Hỏi ông Giang là người như thế nào mà mua được đất rừng của người dân Châu Hạnh, anh ta nói: “Cũng là người huyện này nhưng ở dưới Châu Bình...”. Liên hệ với lãnh đạo xã Châu Bình để tìm hiểu về người có tên là Giang và Công ty cổ phần Nghệ An Xanh thì được xác nhận tại bản 3-2, xã Châu Bình có công dân tên là Phan Bá Giang, mở Công ty cổ phần Nghệ An Xanh nhưng không thấy hoạt động.

Làm rõ để chấn chỉnh!

Thời điểm năm 2011, UBND huyện Quỳ Châu đã nắm bắt được thông tin về tình trạng mua bán, chuyển nhượng “chui” giấy chứng nhận QSD đất rừng được cấp theo NĐ163. Vì vậy, năm 2012, UBND huyện Quỳ Châu đã có Công văn số 162/UBND.TNMT về việc chuyển nhượng QSD đất lâm nghiệp. Theo đó, yêu cầu chủ tịch các xã, thị trấn không được xác nhận cho việc chuyển nhượng QSD đất lâm nghiệp; giao cho Văn phòng đăng ký QSD đất không thụ lý hồ sơ chuyển nhượng QSD đất lâm nghiệp của các hộ gia đình đã được cấp theo NĐ 163. Ông Ngô Đức Thuận - Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu cho biết: “Chúng tôi đã lường trước hậu quả của việc mua bán, chuyển nhượng trái phép đất lâm nghiệp, thế nên đã ban hành văn bản này để ngăn chặn. Chỉ cho phép các hộ gia đình được cấp QSD đất lâm nghiệp chuyển nhượng khi họ không còn nhu cầu sử dụng do chuyển đổi nghề nghiệp hoặc hết tuổi lao động được UBND xã, thị trấn xác nhận. Xẩy ra sự việc này là hậu quả của tình trạng mua bán chui lủi trước đây...”.

Theo Nghị định 163, việc Nhà nước giao đất lâm nghiệp quy hoạch xây dựng, phát triển rừng sản xuất cho hộ gia đình, cá nhân là để sử dụng ổn định, lâu dài với mục đích sản xuất lâm nghiệp kết hợp phòng hộ, ổn định môi trường sinh thái; Luật Đất đai các thời kỳ cũng quy định rõ về việc chuyển nhượng giấy chứng nhận QSDĐ; Tại Thông tư số 24/2013/TT-BNNPTNT ngày 6/5/2013 của Bộ NN&PTNT cũng quy định rõ về trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng. Ông Phan Đức Đồng, Chủ tịch UBND huyện Quỳ Châu, khẳng định: “Theo quy định của pháp luật, bên cạnh việc thực hiện giao đất, cấp giấy chứng nhận QSD đất rừng cho nhân dân; hướng dẫn nhân dân thực hiện quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng, sản xuất lâm nghiệp, chính quyền cấp huyện có trách nhiệm chỉ đạo các lực lượng trên địa bàn bàn phát hiện, ngăn chặn kịp thời những hành vi xâm hại rừng. Huyện Quỳ Châu đã từng xử lý một số vụ việc liên quan tương tự. Vì vậy, UBND huyện sẽ giao Hạt Kiểm lâm xuống các địa bàn này để kiểm tra làm rõ, tiến hành gọi hỏi đối tượng, sai phạm đến đâu sẽ xử lý đến đó theo quy định của pháp luật. Đồng thời, sẽ tập trung cho công tác tuyên truyền để người dân có nhận thức đúng đắn khi được Nhà nước giao đất, giao rừng. Không thể để tồn tại việc mua bán, chuyển nhượng trái phép đất lâm nghiệp và tùy tiện thay đổi mục đích sử dụng đất rừng...”.

Nhật Lân

Mới nhất

x
Chấn chỉnh tình trạng chuyển nhượng trái phép đất lâm nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO