Chấn chỉnh tồn tại, tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân

25/06/2015 21:29

(Baonghean) - Tại Hội thảo về cơ chế quản lý tài chính đầu tư và bàn giải pháp thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) từ nguồn vốn nhà nước vừa được tổ chức tại Hà Nội ngày 22/6 vừa qua, Bộ Tài chính đã chính thức phát đi thông điệp: tập trung củng cố và kiện toàn cơ quan quản lý tiền đầu tư Nhà nước. Đó sẽ là một cơ chế quản lý tài chính đầu tư đồng bộ bao gồm: cơ chế thanh toán vốn đầu tư, cơ chế quản lý chi phí ban quản lý và cơ chế quyết toán dự án hoàn thành. Theo đó, ngoài trách nhiệm đối với quản lý thanh toán vốn cho nhà thầu, cơ quan tài chính, cụ thể là Kho bạc Nhà nước (KBNN) còn được giao thêm trách nhiệm quản lý chi phí ban quản lý dự án, các bên liên quan trong quá trình thực hiện quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành.

Đồng chí Nguyễn Việt Hồng tại Hội thảo về cơ chế quản lý tài chính đầu tư và giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân năm 2015. Ảnh: S.H
Đồng chí Nguyễn Việt Hồng tại Hội thảo về cơ chế quản lý tài chính đầu tư và giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân năm 2015. Ảnh: S.H

Phóng viên Báo Nghệ An Cuối tuần đã có cuộc trao đổi với Phó Tổng giám đốc KBNN Nguyễn Việt Hồng bên lề hội thảo quan trọng này. Trân trọng giới thiệu với bạn đọc.

P.V: Thưa đồng chí, tiến độ giải ngân khá chậm so với nhu cầu của nền kinh tế đang làm ảnh hưởng tới hiệu quả đầu tư công cũng như tiến độ tái cơ cấu đầu tư công, 1 trong 3 lĩnh vực trọng tâm của tiến trình tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế. Đồng chí có thể cho biết đến nay, tiến độ giải ngân đã đạt bao nhiêu phần trăm so với yêu cầu kế hoạch?

Đồng chí Nguyễn Việt Hồng: Từ lâu, việc siết chặt quản lý giải ngân nguồn vốn XDCB từ nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) và Trái phiếu Chính phủ (TPCP) đã được đặt ra rất cấp bách, nhưng trong giai đoạn hội nhập mạnh mẽ này, yêu cầu đó càng trở nên bức thiết hơn. Báo cáo tình hình thanh toán vốn đầu tư 5 tháng đầu năm của KBNN cho thấy, tính đến ngày 31/5/2015, vốn đầu tư thuộc kế hoạch năm 2015 giải ngân qua hệ thống KBNN đạt trên 90 nghìn tỷ đồng đạt 33,2% kế hoạch vốn năm 2015 Nhà nước giao cấp qua KBNN. Trong đó, vốn NSNN giải ngân là gần 68,8 nghìn tỷ đồng, đạt 35,3% kế hoạch vốn năm 2015 Nhà nước giao; vốn TPCP giải ngân đạt 21,4 nghìn tỷ đồng, đạt 27,8% kế hoạch vốn năm 2015 Nhà nước giao. Đến thời điểm báo cáo đã có một số đơn vị có số vốn giải ngân khá cao so với tỷ lệ giải ngân bình quân chung cả nước, điều đó thấy được sự quan tâm chỉ đạo, quyết liệt của các đơn vị thực hiện nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư XDCB ngay từ những ngày đầu năm. Cụ thể: đối với nguồn vốn do Trung ương quản lý (không bao gồm nguồn vốn TPCP) có 7 đơn vị có tỷ lệ giải ngân trên 40% kế hoạch vốn, gồm: Bộ Nội vụ 52%, Hội Nông dân VN 51%, Bộ Giao thông Vân tải 48%, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam 47%, Tổng Công ty đường sắt VN 46%, Đài tiếng nói VN 44%; Bộ Công thương 43%.

Đối với nguồn vốn ngân sách địa phương (không bao gồm nguồn vốn TPCP), đến hết ngày 31/5/2015 có 12 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt từ 50% kế hoạch trở lên, gồm: Ninh Bình 77%, Hà Giang 70%, Vĩnh Phúc 69%, Nam Định 68%, Thái Bình 67%, Hải Dương 67%, Thanh Hóa 63%, Lâm Đồng 56%, Nghệ An 55%, Khánh Hòa 53%, Cà Mau 53%, Kon Tum 50%. Một số đơn vị đã có số vốn giải ngân tăng khá cao so với các tháng trước, như: Bộ Nội vụ (từ 36% lên 52,3%), Ngân hàng Chính sách Xã hội (từ 0% lên 23,9%), Thanh tra Chính phủ (từ 8% lên 31,5%), Tổng Công ty đường sắt VN (từ 26% lên 45,8%), Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (từ 0% lên 15,6%), Tập đoàn Điện lực VN (từ 15% lên 32,5%), Ủy ban Dân tộc (từ 0% lên 13%), Bộ Tài nguyên và Môi trường (từ 22% lên 37,4%), tỉnh Cà Mau (từ 41% lên 53%), tỉnh Hải Dương (từ 52% lên 67%), tỉnh Bình Phước (từ 23% lên 34%), tỉnh Thừa Thiên Huế (từ 32% lên 42%). Số dư tạm ứng vốn đầu tư XDCB đạt gần 52,3 nghìn tỷ đồng; trong đó dư tạm ứng vốn đền bù giải phóng mặt bằng là gần 18 nghìn tỷ đồng ,và dư tạm ứng thuộc kế hoạch năm 2015 là gần 12,5 nghìn tỷ đồng.

PV: Đâu là nguyên nhân cơ bản dẫn tới tình trạng thực tế trên, thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Việt Hồng: Qua 5 tháng thực hiện công tác kiểm soát chi NSNN của KBNN cho thấy, các bộ, ngành, địa phương, các chủ đầu tư và hệ thống KBNN đã nỗ lực chủ động, tăng cường sự phối hợp với các đơn vị liên quan, kịp thời tháo gỡ các khó khăn vướng mắc để đẩy nhanh việc thực hiện, giải ngân vốn đầu tư đối với các dự án, chương trình, bảo đảm thực hiện chặt chẽ theo đúng quy định hiện hành và các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính. Tuy nhiên, có thể nhận thấy kết quả giải ngân vốn đầu tư 5 tháng đầu năm 2015 có xu hướng giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2014 (34,1%). Theo KBNN, nguyên nhân dẫn tới tình trạng này ngoài việc chậm chễ trong công tác giải phóng mặt bằng ở một số dự án, tiến độ triển khai công tác lựa chọn nhà thầu chậm... thì còn do một số nguyên nhân cụ thể sau đây.

Thứ nhất, sang năm 2015 có nhiều dự án thuộc kế hoạch các năm trước được phép kéo dài thanh toán sang năm 2015, các dự án được giao kế hoạch vốn 2015 có thời gian thực hiện và thanh toán ở nhiều thời điểm khác nhau, và kéo dài sang cả năm 2016. Chính vì vậy, những tháng đầu năm,các chủ đầu tư vừa tập trung thực hiện các công việc để thanh toán cho kế hoạch vốn đầu tư năm 2015, vừa phải thanh toán kế hoạch vốn các năm trước kéo dài sang năm 2015. Bên cạnh đó, trong tháng 1/2015, các bộ, ngành và địa phương đang thực hiện phân bổ vốn đầu tư cho các đơn vị trực thuộc và các chủ đầu tư, vì thế các chủ đầu tư vừa phải thực hiện thanh toán vốn thuộc kế hoạch năm 2015, vừa phải tập trung thực hiện thanh toán đối với kế hoạch năm 2014 với số vốn là 37,5 nghìn tỷ đồng, nên cũng ảnh hưởng đến việc thực hiện thanh toán của các dự án thuộc kế hoạch năm 2015.

Thứ hai, cơ chế, chính sách liên quan đến lĩnh vực quản lý đầu tư và xây dựng thời gian qua có nhiều thay đổi. Nhiều văn bản có tính pháp lý cao có hiệu lực thi hành từ năm 2014, 2015 (như: Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu và các Nghị định kèm theo) dẫn đến những dự án, công trình triển khai trong năm 2015 đã phần nào bị ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện, giải ngân, do phải thực hiện điều chỉnh kế hoạch đấu thầu, điều chỉnh hợp đồng,…

Thứ ba, đối với các dự án ODA năm 2015, việc giải ngân vốn ODA phải trên cơ sở kế hoạch vốn năm được giao. Tuy nhiên, nhiều dự án ODA được bố trí kế hoạch vốn năm 2015 thấp hơn so với tiến độ thực hiện dự án, có một số dự án không được giao kế hoạch vốn ODA năm 2015 nên cũng đã phần nào ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân của các dự án ODA. Đến nay, thực hiện ý kiến chỉ đạo, hướng dẫn của Thủ tướng Chính phủ, Bộ KH&ĐT và Bộ Tài chính, các vướng mắc nêu trên đã được tháo gỡ. Theo đó, các dự án được tiếp tục giải ngân vốn ODA theo tiến độ thực hiện dự án và tiến độ cấp vốn của nhà tài trợ.

P.V: Vậy đâu là các giải pháp cụ thể để KBNN triển khai thực hiện đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn đầu tư trong những tháng cuối năm, thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Việt Hồng: Bộ Tài chính đang triển khai quyết liệt công tác sửa đổi, bổ sung hàng loạt các cơ chế trong quản lý, thanh toán, quyết toán vốn đầu tư, nhằm đưa ra các cơ chế quản lý mới thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của cơ quan tài chính các cấp trong quản lý vốn đầu tư. Đồng thời mở rộng phạm vi quản lý, nhằm nâng cao hiệu quả, cũng như quản lý chặt chẽ vốn đầu tư của ngân sách nhà nước tại tất cả các khâu thực hiện. Trong đó, đối với hệ thống KBNN, chúng tôi sẽ tiếp tục phổ biến, quán triệt các đơn vị KBNN triển khai, thực hiện các nội dung chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 3/01/2015 và các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ chi NSNN năm 2015 nói chung và chi đầu tư XDCB, TPCP nói riêng.

Theo đó, KBNN các cấp sẽ tăng cường kiểm soát chặt chẽ các khoản chi NSNN, từ chối thanh toán các khoản chi không đúng chế độ quy định; tổ chức các đoàn đi kiểm tra công tác kiểm soát chi tại một số KBNN tỉnh, thành phố, qua đó chấn chỉnh những tồn tại, và tháo gỡ những vướng mắc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư XDCB tại cơ sở. Chúng tôi sẽ tổ chức rà soát quy trình kiểm soát chi NSNN, đồng thời đề xuất phương án cải cách thủ tục hành chính (TTHC), coi đây là một trong những biện pháp để hệ thống KBNN hoàn thiện quy trình luân chuyển chứng từ thanh toán vốn đầu tư XDCB, phấn đấu rút ngắn thời gian kiểm soát chi đầu tư trong nội bộ hệ thống KBNN trong thời gian tới.

Đồng thời, cùng với việc triển khai thí điểm quy trình giao dịch điện tử thông qua dịch vụ công trên cổng thông tin KBNN để việc tiếp nhận hồ sơ, mở tài khoản, thanh toán và trả kết quả cho chủ đầu tư được thực hiện trực tuyến qua mạng. Đây là một trong những giải pháp nhằm thực hiện cải cách TTHC, rút ngắn thời gian kiểm soát chi, thuận lợi hơn cho các chủ đầu tư đối với công tác kiểm soát chi NSNN qua hệ thống KBNN. KBNN Trung ương sẽ tiếp tục chỉ đạo KBNN các cấp tiếp tục bám sát chỉ đạo của UBND các tỉnh, thành phố, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thực hiện tọa đàm chủ đầu tư để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy mạnh việc giải ngân vốn đầu tư XDCB trên địa bàn.

P.V: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

Sông Hồng

(Thực hiện)

Mới nhất
x
Chấn chỉnh tồn tại, tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO