Chăn nuôi bò Mông - hướng thoát nghèo bền vững

28/10/2013 14:06

(Baonghean) - Trong những năm qua, đã có rất nhiều mô hình cây trồng, vật nuôi thực hiện tại huyện rẻo cao Kỳ Sơn, nhưng rất ít mô hình được bà con áp dụng, nhân ra diện rộng. Nguyên nhân do các mô hình mới không phù hợp với tập quán sản xuất của đồng bào các dân tộc thiểu số, địa hình phức tạp, khí hậu khắc nghiệt. Chỉ những cây trồng, vật nuôi bản địa mới bền vững, trong đó giống bò Mông là vật nuôi có giá trị kinh tế cao, có thể nói, chăn nuôi bò Mông góp phần đắc lực trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo bền vững ở huyện rẻo cao này.

Đàn bò Mông ở Kỳ Sơn được nuôi nhiều ở các xã có đồng bào người Mông sinh sống như: Na Ngoi, Tây Sơn, Mường Lống, Huồi Tụ, Đoọc Mạy… Chính vì vậy, người ta gọi giống bò này là bò Mông, hay bò U. Giống bò Mông có ngoại hình khác hẳn so với giống bò vàng, đầu to vừa phải, vai nở, ngực rộng sâu, chân thẳng to, thân hình cao to cân đối, lông màu vàng tơ, hoặc màu cánh dán, trọng lượng đối với bò đực khi trưởng thành đạt từ 300 – 400kg.

Đàn bò Mông của gia đình ông Lương Phò Tâm ở bản Hạt Tà Vén, xã Keng Đu.
Đàn bò Mông của gia đình ông Lương Phò Tâm ở bản Hạt Tà Vén, xã Keng Đu.

Ngược xã Huồi Tụ, khi chúng tôi đề cập đến chuyện chăn nuôi bò Mông, ai cũng khoe nhà mình còn bao nhiêu con bò đang chăn thả trong núi. Chuyện chăn nuôi bò của người Mông ở đây cũng có những bí quyết riêng mà chỉ đồng bào vùng cao mới có.

Anh Cử Bá Chù ở bản Phà Xắc, cho biết: Nhà chỉ 2 vợ chồng và đứa con nhỏ, nhưng đàn bò của gia đình lúc nào cũng có trên 10 con. Người dân ở đây chăn nuôi bò theo thói quen thả rông, nhưng thả tập trung theo khu vực của từng bản. Kinh nghiệm của đồng bào Mông ở đây nhà nào cũng nuôi ít nhất 2 con bò sinh sản và một số bò đực để bán thịt. Đối với bê đực, sau 3 – 4 tuổi dắt về nuôi nhốt, không cho đi xa, nuôi đến khi nào to là bán. Vì bò đực thường bỏ đàn đi xa, nếu thả rất dễ mất. Giống bò Mông có trọng lượng to, dễ nuôi, ít bị dịch bệnh, thịt ngon, có những con bò đực nặng hơn 4 tạ, bán với giá trên 40 triệu đồng. Nhà anh Chù mỗi năm bán 1 – 2 con bò đực, số tiền thu về từ bán bò, một phần mua sắm đồ dùng trong nhà, phần để mua thêm con bê đực về nuôi. Cứ thế, đàn bò của gia đình anh luôn có trên 10 con. Nhờ chăn nuôi bò địa phương, cuộc sống gia đình anh dần ổn định.

Ở xã Keng Đu có gia đình anh Lương Phò Tâm, ở bản Hạt Tà Vén, mặc dù là người Khơ Mú, nhưng từ nhiều năm nay anh đầu tư chăn nuôi bò Mông mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ở khu vực khe suối Nậm Dốc, cách bản gần 7 km, ngoài đào ao thả cá, khai hoang ruộng nước, anh Tâm còn làm chuồng trại nuôi bò. Anh tạo được thói quen cho bò, bằng cách cứ mỗi buổi chiều gọi bò về cho ăn muối, sau đó nhốt vào chuồng. Vì thế, đàn bò của gia đình anh không bị mất mát mà còn theo dõi được dịch bệnh, nên đàn bò phát triển nhanh, năm nào cũng có bò xuất bán.

Xã Huồi Tụ hiện có 818 hộ, trong đó 778 hộ đồng bào dân tộc Mông. Ông Vừ Giống Dìa – Chủ tịch UBND xã, cho biết: Lợi thế của địa phương phần lớn là đồi núi, nên có điều kiện chăn nuôi bò. Hiện đàn bò của xã có 3.087 con, tăng hơn 100 con so với năm trước. Từ lâu, người dân ở đây coi chăn nuôi bò là mũi nhọn phát triển kinh tế hộ. Hàng tháng đều có xe ô tô của các đầu nậu đến địa bàn mua bò chở đi nơi khác tiêu thụ.

Tuy nhiên, việc chăn nuôi bò tại địa phương vẫn còn gặp những khó khăn, mặc dù đã có những gia đình biết tận dụng đất vườn để trồng cỏ làm thức ăn cho bò, nhưng chủ yếu vẫn dựa vào đồng cỏ, cây cối tự nhiên, thả rông, ảnh hưởng đến việc tăng đàn, gây khó khăn trong phòng chống dịch bệnh gia súc. Giá cả thu mua trên thị trường không ổn định, bị đầu nậu ép giá. Hơn nữa, nhiều gia đình chưa chú trọng khâu chọn lọc giống, nên trọng lượng bò nhỏ, bán không được giá.

Tổng đàn bò của huyện Kỳ Sơn hiện có gần 43 nghìn con (cao nhất so với đàn gia súc trong huyện). Đến nay, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, đồng bào các dân tộc trên toàn huyện đã trồng được 750 ha cỏ voi, VA06 để chăn nuôi trâu, bò.

Theo ông Nguyễn Đình Trị - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện, trên địa bàn chưa có lò giết mổ gia súc, hơn nữa hộ cá thể giết mổ trâu bò trên địa bàn cũng ít, do vậy lượng bò hàng năm bán ra thị trường chủ yếu đưa vào Đà Nẵng và TP.Hồ Chí Minh tiêu thụ. Trong quá trình mua bán, vận chuyển, công tác phòng chống dịch bệnh gia súc khó kiểm soát. Nhận thấy chăn nuôi bò Mông là hướng phát triển kinh tế phù hợp với đồng bào dân tộc Mông, góp phần đắc lực trong công tác xóa đói, giảm nghèo cho người dân, thời gian qua, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KHKT (Sở Khoa học – Công nghệ) thực hiện Dự án khoa học “Ứng dụng tiến bộ, khoa học công nghệ phát triển giống bò vàng địa phương (bò Mông) tại xã Mường Lống”. Dự án sẽ giúp đồng bào các dân tộc thực hiện tốt khâu chọn lọc giống bò đực, phòng chống dịch bệnh trên đàn bò, nâng cao giá trị thu nhập cho người chăn nuôi.

Xuân Hoàng

Mới nhất

x
Chăn nuôi bò Mông - hướng thoát nghèo bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO