Chăn nuôi hàng hóa khó tiếp cận vốn vay trung, dài hạn

10/03/2017 10:15

(Baonghean) - Chăn nuôi hàng hóa đòi hỏi phải có sự đầu tư ban đầu lớn để xây dựng chuồng trại, mua con giống, thức ăn... Do vậy, để người dân có nguồn vốn cần sự hợp tác từ phía ngân hàng thương mại. Tuy nhiên thực tế cho thấy, hầu hết các chủ trang trại khó được tiếp cận với nguồn vốn vay trung và dài hạn, mặc dù họ đã phải thế chấp tài sản.

Chấp nhận vay ngắn hạn

Bà Trần Thị Nga ở xã Tân Phú, huyện Tân Kỳ chăn nuôi lợn thịt hàng hóa từ năm 2009 đến nay. Năm 2016, bà đầu tư trang trại mới, quy mô 900 con lợn thịt/lứa.

Khi được hỏi về nguồn vốn vay ngân hàng, bà Nga cho biết: Vốn “đổ” vào trang trại lợn không dưới 4 tỷ đồng và 60% phải vay ngân hàng. Đầu tư như vậy đối với người dân là rất lớn, nhưng khi vay vốn ngân hàng không dễ, mặc dù mình đã có giấy chứng nhận trang trại, có sổ đỏ đất ở.

Trước tiên, bà Nga đến Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp huyện làm hồ sơ vay vốn, nhưng chi nhánh chỉ cho vay 500 triệu đồng, với thời gian vay 1 năm. Bà tiếp tục tìm đến Ngân hàng Đầu tư - Phát triển huyện để vay 1,5 tỷ đồng, nhưng thời gian vay cũng chỉ được 6 tháng.

Chăn nuôi theo hình thức trang trại đầu tư hàng tỷ đồng, người dân luôn cần đến vốn vay ngân hàng.Ảnh: Xuân Hoàng
Chăn nuôi theo hình thức trang trại đầu tư hàng tỷ đồng, người dân luôn cần đến vốn vay ngân hàng. Ảnh: Xuân Hoàng

Theo bà Nga, chăn nuôi lợn thịt hàng hóa cần có nguồn vốn vay trung, dài hạn, vì giá cả thị trường lên xuống thất thường. Nếu vay ngắn hạn, khi lợn xuống giá thấp như thời gian vừa qua là chủ trang trại lỗ vốn, lấy tiền đâu mà đảo khế ngân hàng. Do vậy, phía ngân hàng, đặc biệt là Ngân hàng Nông nghiệp gần gũi với người dân, cần có chính sách “mở” vốn vay trung, dài hạn đối với các chủ trang trại chăn nuôi.

Vợ chồng anh Năng Minh, ở xã Quỳnh Bảng (Quỳnh Lưu), năm 2015 đầu tư 4 tỷ đồng xây dựng trại chăn nuôi lợn giống ngoại, công nghệ khép kín. Anh đã phải thế chấp tài sản cho Ngân hàng Đầu tư - Phát triển thị xã Hoàng Mai để vay 3,8 tỷ đồng. Vì thời hạn vay trong vòng 1 năm, nên năm nào vợ chồng anh cũng phải vất vả xoay xở tiền để đảo khế ngân hàng. Vợ chồng anh Năng Minh mong muốn, phía ngân hàng có chính sách cho khách hàng chăn nuôi vay vốn trung và dài hạn, tạo điều kiện cho người chăn nuôi yên tâm kể cả khi giá lợn hạ xuống thấp.

Nông dân đều ít nhiều có tài sản thế chấp là căn nhà, mảnh đất, chiếc xe máy, nhưng những tài sản này không thể đủ giá trị thế chấp vay số tiền hàng tỷ đồng, thậm chí là chục tỷ đồng để làm ăn lớn. Một trang trại chăn nuôi, chưa kể tiền đất cũng cần ít nhất 2 tỷ đồng đầu tư. Thế nhưng, để vay vốn ngân hàng, người dân đang rơi vào vòng luẩn quẩn; nghĩa là phải có tiền xây trại thì mới đem trại đi thế chấp vay vốn được!

Thực tế không theo kịp chính sách!

Tỉnh Nghệ An đã xây dựng đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, giai đoạn 2013 - 2020; trong đó, đến năm 2020, lĩnh vực chăn nuôi chiếm 47,8% trong ngành nông nghiệp. Đề án cũng đặt ra mục tiêu phát triển chăn nuôi lợn chất lượng cao để nâng cao giá trị gia tăng, phấn đấu sản lượng thịt hơi xuất chuồng đến năm 2020 đạt 180.000 tấn; sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng đến năm 2020 đạt 45.000 tấn.

Trang trại chăn nuôi lợn hàng hóa đòi hỏi tiếp cận nguồn vốn vay trung, dài hạn.
Trang trại chăn nuôi lợn hàng hóa đòi hỏi tiếp cận nguồn vốn vay trung, dài hạn. Ảnh: Xuân Hoàng

Để tạo thuận lợi cho người dân đầu tư vào chăn nuôi hàng hóa, đòi hỏi phải có vốn đầu tư ban đầu. Do vậy, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách cho vay vốn tín dụng phù hợp với thực tế, mới đây nhất là Nghị định 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn.

Quy định là vậy, nhưng trong thực tế, các chủ trang trại khi đi vay vốn ngân hàng lại gặp không ít khó khăn, do có quá nhiều thủ tục theo quy định “riêng” của phía ngân hàng, khiến không ít chủ trang trại chán nản, phải mất công “gõ cửa” nhiều ngân hàng mới được đáp ứng, dù thời hạn vay ngắn hạn.

Tuy nhiên, về phía ngân hàng cũng có những lý do riêng, mặc dù muốn đẩy mạnh cho vay song vẫn phải làm chặt. Ông Trần Văn Đức - Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Nghệ An cho biết: Thực hiện Nghị định 55/2015/NĐ-CP của Thủ tướng Chính Phủ, trong quá trình đầu tư tín dụng kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh, đơn vị gặp một số khó khăn vướng mắc: Số lượng trang trại hiện có trên địa bàn khá lớn nhưng quy mô sản xuất nhỏ lẻ, không đáp ứng đủ các tiêu chí xác định kinh tế trang trại theo Thông tư 27/2011/TT-BNNPTNT ngày 13/4/2011 của Bộ Nông nghiệp và PTNT, chăn nuôi mang tính tự phát chưa có một quy trình sản xuất trang trại thật cụ thể, chi phí đầu vào như con giống, thức ăn thường xuyên biến động, thị trường đầu ra thiếu ổn định chưa có sự liên kết trong khâu tiêu thụ sản phẩm nên thường xuyên bị tư thương ép giá nên hiệu quả kinh tế dự án chưa cao. Một bộ phận khách hàng là kinh tế trang trại, năng lực tài chính yếu, không đủ vốn tự có để tham gia vào dự án...

Từ năm 2013 đến nay, Chi nhánh đã đầu tư tín dụng kinh tế trang trại với số dư nợ năm sau cao hơn năm trước. Đến cuối năm 2016, có 114 trang trại vay vốn, với tổng dư nợ cho hơn 48,5 tỷ đồng, cho vay ngắn hạn hơn 20 tỷ đồng. Trong đó có 54 trang trại chăn nuôi, với số tiền hơn 32 tỷ đồng.

Trong những năm qua, kinh tế trang trại đã góp phần tích cực vào việc đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh, nhằm đẩy nhanh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; chuyển đổi phương thức sản xuất từ quy mô nhỏ, tự cấp, tự túc sang sản xuất hàng hóa tập trung với quy mô lớn gắn với thị trường, tạo ra các vùng sản xuất tập trung, làm tiền đề cho công nghiệp chế biến nông sản... Tuy nhiên, các ngành, địa phương cần phối hợp, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thủ tục đất đai, chính sách tín dụng để kinh tế trang trại phát triển tốt.

Theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP, cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác, hộ kinh doanh, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và chủ trang trại được tổ chức tín dụng cho vay không có tài sản bảo đảm theo các mức như sau: Tối đa 1 tỷ đồng đối với hợp tác xã, chủ trang trại hoạt động trên địa bàn nông thôn hoặc hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp. Tối đa 2 tỷ đồng đối với hợp tác xã nuôi trồng thủy sản hoặc khai thác hải sản xa bờ, cung cấp dịch vụ phục vụ khai thác hải sản xa bờ; các chủ trang trại nuôi trồng thủy sản... Thời hạn cho vay: Tổ chức tín dụng và khách hàng căn cứ vào chu kỳ sản xuất, kinh doanh, thời hạn thu hồi vốn của dự án, phương án sản xuất kinh doanh, khả năng trả nợ của khách hàng và nguồn vốn cho vay của tổ chức tín dụng để thỏa thuận thời hạn cho vay, thời hạn duy trì hạn mức tín dụng đối với khách hàng. Tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận thời hạn trả nợ gốc và lãi đối với các khoản cho vay lưu vụ theo quy định tại Nghị định này.

Xuân Hoàng

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Chăn nuôi hàng hóa khó tiếp cận vốn vay trung, dài hạn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO