Chàng rể Malaysia gói bánh chưng thu phục nhà vợ ở Việt Nam
Lần đầu đến nhà chị Ngọc Mai đúng dịp Tết, anh Saif Al din cắm cúi một góc rửa lá dong, không dám ăn gì cũng không nói câu nào.
Lấy chồng ở Malaysia và đã cải sang đạo Hồi nhưng chị Nguyễn Thị Ngọc Mai năm nào cũng về Việt Nam đón Tết. Chị tự hào rằng dù là người ngoại quốc lại theo một tôn giáo khác, chồng chị, anh Saif Al din, luôn yêu mến Việt Nam và trân trọng những truyền thống văn hóa của đất nước.
Anh Saif Al din, chị Ngọc Mai và con trai. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Anh Saif và chị Mai quen nhau trong một lần đi du lịch ở Campuchia năm 2010. Cô gái Việt Nam chỉ có một mình ở nơi xa lạ cảm thấy "rung rinh" sau khi được anh chàng Malaysia mới quen đồng hành suốt hành trình và quan tâm chu đáo. Phải lòng chị Mai, anh Saif nhanh chóng bay sang Hà Nội để ra mắt nhà bạn gái, quyết bày tỏ tấm chân tình.
Đó là những ngày giáp Tết năm 2011, chị Mai vẫn chưa được nghỉ làm, trong khi cả nhà thì đã rục rịch gói bánh chưng. Vừa đáp máy bay xuống Hà Nội giữa cái rét 8-9 độ C, anh bắt taxi qua thẳng nhà bạn gái với cái bụng rỗng và được chị giao luôn nhiệm vụ rửa lá dong. Đại gia đình chị Mai đông con cháu nên năm nào việc gói bánh chưng cũng mất tới 5 ngày, trong đó riêng việc rửa cả nghìn chiếc lá dong đã mất nguyên một ngày.
"Tôi không biết tiếng Việt, bố mẹ Mai thì không biết tiếng Anh, lại đang không ưng thuận chuyện tình cảm giữa hai đứa nên tôi chẳng dám hé răng nửa lời, chỉ biết cắm cúi rửa lá dong để gói bánh chưng", anh Saif kể lại.
Chị Mai vẫn nhớ rõ cảnh trưa đó về nhà nhìn thấy bạn trai ngồi một mình, chưa ăn uống gì, gương mặt buồn rười rượi, "vừa buồn cười vừa thương". Chị cho hay hai lần trước đó anh Saif sang Việt Nam, bố mẹ chị đã từ chối gặp vì không muốn con gái lấy chồng nước ngoài.
Suốt một năm rưỡi sau đó, anh Saif và chị Mai phải tìm cách "đi đường vòng", chiếm được thiện cảm của cô dì, chú bác, cháu chắt, rồi nhờ mọi người tác động đến bố mẹ. Năm 2012, họ chính thức nhận được cái gật đầu của hai bên gia đình để nên duyên vợ chồng.
"Cứ nghĩ đến cảnh rửa cả nghìn chiếc lá dong ngoài sân, giữa trời lạnh, là thấy buốt cả tay. Chồng tôi vốn quen ở xứ nóng, nay ngồi rửa lá giữa giá rét mà chinh phục được mẹ vợ. Đúng là khổ nhục kế", chị Mai đùa.
7 năm qua, chỉ trừ khi chị Mai mang thai con trai đầu lòng, Tết năm nào anh Saif cũng cùng vợ về Việt Nam, xắn tay rửa lá, giúp cả nhà gói bánh chưng. Anh còn chủ động nhắc vợ đi thăm hỏi họ hàng, lì xì cho các cháu, chụp ảnh xuân cho mọi người.
Sau khi lấy nhau, anh cũng chủ động học tiếng Việt để có thể giao tiếp với gia đình vợ. Chị Mai nói tiếng Việt với chồng như một thứ ngôn ngữ thông thường hàng ngày, dù anh chưa hiểu hết, để giúp anh làm quen và ghi nhớ.
"Bây giờ tôi đã hiểu căn bản về tiếng Việt, về nhà có thể hỏi han bố mẹ vợ, đi chợ biết hỏi giá, mặc cả, ra đường không còn sợ bị lạc nữa rồi", anh Saif nói.
Lấy vợ Việt Nam, anh cũng đâm ra mê các món ăn Việt. Khi được hỏi thích món nào nhất, anh lập tức nhắc đến bún đậu mắm tôm. Chị Mai vốn yêu thích nấu ăn từ bé nên cũng luôn tranh thủ vào bếp vừa trổ tài cho chồng con ăn vừa quảng bá ẩm thực Việt Nam.
Chị Mai và các học viên trong lớp dạy nấu các món ăn Việt ở Kuala Lumpur. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Chị Mai đang là chủ của một cửa hàng trực tuyến ở Kuala Lumpur chuyên phục vụ các món ăn Việt Nam dành cho người theo đạo Hồi, tôn giáo chiếm 60% dân số Malaysia.
"Ẩm thực Việt Nam rất phong phú nhưng người nước ngoài hầu như chỉ biết đến phở và nem cuốn. Điều đó thực sự đáng tiếc", chị nói. "Tại Kuala Lumpur cũng không có nhiều nhà hàng Việt Nam và hầu hết khó ăn với người theo đạo Hồi. Vì vậy, dịch vụ của tôi hướng đến những món ăn Việt được chế biến bằng các nguyên liệu phù hợp với Hồi giáo".
Mỗi suất ăn sẽ gồm 7-8 món, mỗi món một lượng nhỏ, để thực khách có cái nhìn toàn diện về ẩm thực Việt Nam. Tránh thịt lợn, các món ăn đều được chị Mai chế biến từ thịt bò, gà hoặc hải sản, với cách nêm nếm gia vị mạnh và dậy mùi gần giống khẩu vị của người Malaysia. Chị Mai tâm niệm mỗi người Việt ở nước ngoài là một đại sứ văn hóa nên không chỉ đơn thuần là bán đồ ăn, chị còn dành thời gian trò chuyện với khách để giới thiệu về từng món, nguồn gốc, nguyên liệu, ý nghĩa của chúng. Các món bún bò Huế, bánh xèo, bắp bò ngâm mắm... của chị đều chiếm được cảm tình của các thực khách người Malaysia và người Hoa ngay lần đầu tiên.
Để món ăn Việt phổ biến rộng rãi hơn ở Malaysia, chị còn mở lớp dạy nấu ăn hàng tuần dành cho những người yêu thích món Việt. 5 năm qua, có rất nhiều phụ nữ Malaysia đã đến với lớp nấu ăn này, tự tay làm các món Việt và trở về nấu cho gia đình.
"Tôi muốn nhiều phụ nữ khác có thể nấu cho chồng con họ những món ăn Việt Nam ngon và tốt cho sức khỏe. Đó cũng là một cách để ẩm thực Việt sống mãi trong từng bếp ăn gia đình", chị nói.
Dịp Tết năm nay, các khách hàng của chị Mai có cơ hội thưởng thức một suất ăn với đủ "4 bát 8 đĩa" như tiêu chuẩn cỗ Tết của người Hà Nội, gồm bát mọc, bát măng, bát miến gà, bát cơm và các đĩa xôi, bánh chưng, nem rán, bắp bò ngâm mắm, chả mực, giò... Riêng bánh chưng cho người theo đạo Hồi, phần nhân không phải thịt lợn như truyền thống mà là thịt bò.
"Danh sách đồ ăn Việt Nam mà tôi thích dài lắm. Tôi thích cả những món vợ nấu hàng ngày", anh Saif tự hào nói về vợ. "Phụ nữ Việt Nam rất đảm đang, giỏi quán xuyến gia đình".
Anh Saif Al din và chiếc bánh chưng tự tay gói. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Năm nay, vợ chồng chị Mai về nghỉ Tết hơn một tuần. Chị cảm thấy mình may mắn hơn nhiều phụ nữ làm dâu ở nước ngoài khi được bố mẹ chồng coi như con đẻ, được chồng san sẻ và hàng năm cùng nhau về Việt Nam đón Tết. Thuở mới sang Malaysia, chị từng mất 6 tháng để làm quen với đồ ăn địa phương vừa cay vừa đậm mùi và mặc áo dài trùm khăn giữa cái nóng hơn 30 độ C. Nhưng bây giờ nơi đây đã trở nên thân thuộc như một phần trong con người chị.
Sau 7 năm, anh Saif cũng có một ngôi nhà thứ hai để trở về mỗi mùa xuân đó là Việt Nam. "Tôi thích Tết lắm. Đó là dịp để gia đình sum họp, gặp gỡ nhau sau một năm xa cách. Mọi người gác lại những bận rộn, lo toan để thảnh thơi nghĩ về những điều tốt đẹp phía trước", người đàn ông Malaysia nói.
Sáng qua, anh Saif không chỉ rửa lá dong mà còn tự tay gói và nấu bánh chưng nhân thịt bò. Cậu con trai gần 3 tuổi vui đùa xung quanh bố, líu lo cả tiếng Việt, tiếng Malaysia và tiếng Anh.