Chàng trai 9X “say” Dân ca Nghệ Tĩnh

08/07/2013 18:28

(Baonghean) - Trực tiếp nghe giọng ca của chàng trai 21 tuổi cất lên lời hát “Trưa hè cánh võng đu đưa - mẹ ru con ngủ giữa trưa nắng nồng” của làn điệu xẩm thương “Thập ân phụ mẫu”, bản thân tôi cũng đã thấu được phần nào cái “tình” với dân ca “chảy” trong tâm hồn con người trẻ tuổi ấy…

Lê Thanh Phong lớn lên trong cái nôi nghệ thuật. Bố, mẹ Phong từng là những văn công tiêu biểu trong quân ngũ, một thời mang lời ca tiếng hát phục vụ chiến trường Trường Sơn ác liệt. Chiến tranh chấm dứt, bố cậu trở thành văn công tại Quân khu II, mẹ là nghệ sỹ ngâm thơ, diễn viên múa trong quân đội. Thêm nữa, chú ruột Lê Thanh Đức là nhạc sỹ, đồng thời là người thầy đầu tiên trực tiếp chỉ dạy cho Phong về lý thuyết âm nhạc thưở còn thơ.



Phong yêu dân ca một phần được “hưởng” dòng máu truyền thống ấy. Khi bà Hồ Thị Thủy (mẹ Phong) mang thai cậu được 3 tháng, bà vẫn hăng say biểu diễn trên các sân khấu. Lê Thanh Phong cười lớn: “Chính mẹ là người đã phát hiện ra năng khiếu nghệ thuật của em từ lúc em còn chưa xuất hiện trên thế gian này. Có lẽ, cái duyên dân ca đã đến với em từ lúc ấy”. Mẹ Phong kể lại, ngày còn là đứa trẻ còn chập chững, Phong rất hay khóc nhè. Khi cậu đã khóc thì không ai có thể dỗ dành nổi, trừ những lời ru, những câu dân ca mà mẹ Phong cất lên để vỗ về cậu. Phong nín khóc ngay, thậm chí là miệng cười toe toét, mắt nhìn say sưa nghe mẹ hát.

Những làn điệu ấy cứ lớn dần lên bên cậu như một người bạn tâm tình, theo miết lấy cậu bé sinh ra ở phường Trung Đô, Thành phố Vinh. Gia đình gửi Phong vào Nhà Văn hóa thiếu nhi Việt - Đức lúc cậu còn nhỏ. Tài năng nhí ấy được các cô, các thầy ưng ý lắm, chọn Phong vào sinh hoạt tại Hội Nghệ thuật Chim Xanh của Nhà văn hóa. Say điệu ví dặm của bà, làn dân ca của mẹ từ bé nên trong những chương trình nghệ thuật của Nhà Văn hóa thiếu nhi Việt - Đức, các làn điệu dân ca Nghệ - Tĩnh luôn là lựa chọn hàng đầu và duy nhất của cậu. Giọng hát trong trẻo mà da diết ấy, mỗi khi cất lên lại làm rung động những trái tim người yêu nhạc dân tộc.

Trong cuộc sống đầy xô bồ và gấp gáp như hiện nay, trong khi rất nhiều bạn trẻ trạc tuổi Phong ưu ái các dòng nhạc nhẹ, nhạc hiện đại, thì Phong lại hồ hởi, đơn phương nhưng mãnh liệt với âm nhạc dân tộc, đặc biệt là dân ca Nghệ - Tĩnh.

Cái duyên giữa dân ca và Lê Thanh Phong mỗi ngày thêm khăng khít. Khi thi vào Đại học Văn hóa Hà Nội, Phong đã chọn dân ca Nghệ Tĩnh để dự thi phần năng khiếu. Kết quả, Phong đỗ vào khoa Quản lý Văn hóa Nghệ thuật. Cậu đam mê dân ca, đồng thời mong muốn trở thành một nhà quản lý văn hóa trong lĩnh vực truyền thông. Cũng vì thế, đang là sinh viên năm thứ hai của Đại học Văn hóa, cậu tiếp tục thi vào Học viện Âm nhạc Huế, chuyên ngành Âm nhạc dân tộc học. Một lần nữa, sự chăm chỉ và tài năng của Phong được xưng danh khi cậu đỗ Á khoa toàn khóa của trường.

Tài năng của chàng sinh viên trẻ đất Nghệ ấy đã lọt vào “tầm ngắm” của những chuyên gia âm nhạc. Con đường nghệ thuật của Phong thực sự chuyển mình khi cậu được nhạc sỹ Thao Giang – Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển âm nhạc nghệ thuật Việt Nam mời vào sinh hoạt tại đây. Nhờ những bàn tay dày kinh nghiệm và tận tụy của các thầy cô dìu dắt, Phong ngày càng được vun đắp dày thêm về kiến thức cũng như kinh nghiệm.

Cậu may mắn khi là học trò “đặc biệt” của NSND Xuân Hoạch, NSƯT Thanh Ngoan, Nghệ sỹ Nguyễn Quang Long…Với năng khiếu bẩm sinh, cùng với sự giảng dạy, giúp đỡ của các bậc tiền bối trong ngành, chàng trai chuyên ngành Quản lý Văn hóa Nghệ thuật đã thực sự bước thêm những bước vững vàng. Cậu đã biết hát chầu văn, trống quân và đặc biệt là xẩm. Qua những chương trình biểu diễn nghệ thuật lớn mang tầm quốc gia như Lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, hay các chương trình nghệ thuật có cỡ ngay tại Thủ đô Hà Nội, Phong luôn được các thầy ưu ái cho đi biểu diễn cùng. “Đó thực sự là những trải nghiệm rất bổ ích, quan trọng và ý nghĩa đối với em” - Phong tâm sự.

Nói đến Lê Thanh Phong, nhiều người trong “giới” nghĩ ngay về một chàng trai thế hệ 9X, phong cách hiện đại nhưng lại hát xẩm với chất giọng luyến láy độc đáo. Phong đã “say” xẩm khi nghe NSND Hồng Lựu hát xẩm thương dân ca Nghệ - Tĩnh. Sau một thời gian say mê tìm hiểu, một ngày, cậu mạnh dạn ca xẩm cho nhạc sỹ Thao Giang và GS – TS Phạm Minh Khang nghe. Một lần nữa, nghệ sỹ Thao Giang đã không thất vọng về sự lựa chọn của mình. Ông rất ưng kiểu ca xẩm của Phong, và dẫn Phong đến chương trình “Hà Thành 36 phố phường” tại sân khấu xẩm Đồng Xuân (Hà Nội). Biểu diễn tại sân khấu này vừa là một vinh dự, vừa là thử thách lớn, đặc biệt lại là hát xẩm dân ca, trong khi khán giả thủ đô đã quen với các làn điệu xẩm tàu điện, xẩm chợ của miền Bắc qua giọng ca của nhiều nghệ sỹ lớn.



Lê Thanh Phong một buổi tham gia hát xẩm ở Hà Nội.

Phong nhớ lại: “Đây là lần đầu tiên em xuất hiện với một làn điệu xẩm của xứ Nghệ. Cảm giác hồi hộp và lo lắng mình có thể hiện tốt không như “che” hết ý nghĩ của em”. Được sự động viên của các thầy, các cô chú nghệ sĩ, Phong đã thể hiện điệu xẩm dân ca Nghệ Tĩnh thành công trong buổi tối hôm ấy và được khán giả cổ vũ nhiệt tình…

Tiếng vang về giọng ca của chàng trai trẻ xứ Nghệ đã thật sự làm rung động nhiều trái tim trên đất Thủ đô. Năm 2012, Phong vinh dự được Ban tổ chức đêm nhạc từ thiện “Vòng tay mẹ” do Báo Tiền Phong và Báo Văn hóa đồng tổ chức mời tham gia cùng những anh chị có tên tuổi như NSUT Tấn Minh, nhạc sỹ Dương Cầm…Tiết mục “đinh” xẩm thương “Thập ân phụ mẫu” của Phong cất lên, chen giữa những ca khúc nhạc nhẹ, nhạc trẻ đã làm cho cả khán phòng hôm ấy rưng rưng xúc động. “Đó là thời khắc vô cùng đáng nhớ của em” - Phong bồi hồi.

Lê Thanh Phong tranh thủ về thăm bố mẹ ở Vinh được mấy hôm. Gặp tôi một lát, rồi lên đường ra Hà Nội luôn. Chàng trai trẻ ấy là con người của công việc và công việc, của những đam mê không biết mệt mỏi. Cùng lúc là sinh viên của hai trường đại học đã là một điều đáng nể, hiện nay Phong đang là biên tập viên, dẫn chương trình được nhiều khán giả ái mộ của Kênh truyền hình trực tuyến LifeTV, Chuyên mục Nghệ thuật cổ và phóng viên chuyên mục Sân khấu truyền thanh của VOV.

Chào tôi, Phong vẫn còn “chốt hạ” vài câu: “Em đang cố gắng tìm hiểu và trau dồi hơn nữa về văn hóa dân ca xứ Nghệ mình. Em muốn bản thân mình ít nhiều đóng góp được một phần hữu ích cho quê hương trong việc đề lên UNESCO công nhận dân ca xứ Nghệ là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại”, rồi cậu lên xe với nụ cười đầy thân thiện…


Thiên Thiên

Mới nhất
x
Chàng trai 9X “say” Dân ca Nghệ Tĩnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO