Chất lượng nông sản hàng hóa chưa đáp ứng thị trường

08/03/2013 21:28

(Baonghean) - Những năm qua, cơ cấu cây trồng trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh ta có những bước chuyển căn bản, tạo được hiệu quả cả về sản lượng cũng như chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, việc khai thác lợi thế về đất đai, cây trồng vẫn còn nhiều bất cập và chưa thực sự đồng đều, sản phẩm nông sản vẫn còn thiếu tính cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

Với hơn 250 nghìn ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó có 192 nghìn ha trồng cây hàng năm và khoảng hơn 60 nghìn ha trồng cây lâu năm, Nghệ An có lợi thế rất lớn trong sản xuất ra khối lượng nông sản lớn và phong phú. Chỉ tính riêng từ năm 2006 đến nay, diện tích lúa của tỉnh luôn ở mức ổn định trên dưới 185 nghìn ha/năm, sản lượng thóc hàng năm hiện đạt trên dưới 900 nghìn tấn, dư thừa để làm hàng hóa. Bên cạnh đó, các loại cây trồng khác cũng ổn định diện tích với cơ cấu bộ giống ngày càng được đổi mới và dần hoàn thiện. Hàng năm, Nghệ An có trên 40 nghìn tấn lạc, trên 452 nghìn tấn sắn, gần 1,3 triệu tấn mía, trên 25 nghìn tấn cam hàng hóa, hàng trăm nghìn tấn dứa, gần 150 nghìn tấn rau. Ngoài ra, diện tích, sản lượng cây chè tăng qua từng năm với khoảng trên 7 nghìn ha, năng suất trên 100 tạ/ha, đặc biệt diện tích cao su hiện đã tăng lên gần 1.000 ha, sản lượng mủ khô hiện đạt bình quân 4.000 - 5.000 tấn/năm, đem lại giá trị cao cho người nông dân.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các nhà chuyên môn, sản xuất nông nghiệp hàng hóa ở Nghệ An còn nhiều tồn tại. Đặc biệt, rất phổ biến tình trạng nông sản được sản xuất ra không tiêu thụ được hoặc tiêu thụ chậm, không có hiệu quả, và thực tế đã kéo dài qua nhiều năm. Gần đây nhất, với sản phẩm lúa gạo - một loại nông sản hàng hóa chủ lực của Nghệ An, vài ba năm nay, dù sản xuất luôn được mùa nhưng người nông dân thì chán nản vì sản phẩm ế thừa, không bán được dù giá lúa sụt giảm mạnh, dẫn đến gần 3.000 ha đất lúa bị bỏ hoang trong vụ hè thu vừa qua. Các loại nông sản khác như dứa, mía, sắn cũng trong tình trạng bấp bênh cả về giá và và cơ chế thu mua.



Phân loại dứa để chế biến tại Nhà máy sản xuất nước dứa cô đặc.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, theo ông Từ Trọng Kim (Trưởng phòng Trồng trọt - Sở NN&PTNT), trước hết do chất lượng nông sản hàng hóa của chúng ta chưa cao, kể cả những loại đã có thương hiệu của Nghệ An như lạc, vừng, cam tươi… Hầu như chúng ta đang đầu tư cho thâm canh tăng năng suất mà chưa chú ý đúng mức đến nâng cao chất lượng nông sản để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường và khách hàng. Bên cạnh đó, việc thực hiện yêu cầu đầu tư thâm canh trên từng loại cây trồng còn thấp, nhất là đầu tư phân bón còn chưa đủ hoặc cân đối, làm giảm chất lượng sản phẩm. Giá thành sản phẩm cao và chất lượng thấp là nguyên nhân cơ bản làm cho sản phẩm nông nghiệp Nghệ An khó tiêu thụ. Đặc biệt, việc tổ chức thị trường của chúng ta chưa tốt, chưa thực sự phát huy tốt sự liên kết, gắn vai trò của các doanh nghiệp chế biến, doanh nghiệp thương mại với sản xuất, với người nông dân trong tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản hàng hóa.

Từ thực tế và những bất cập đó, ngành Nông nghiệp tỉnh ta đang có những hướng phát triển mới, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm cũng như tạo ra một ngành sản xuất nông nghiệp với cơ cấu phù hợp. Ông Hồ Ngọc Sỹ - Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Thời gian tới, Nghệ An xác định đầu tư phát triển ngành trồng trọt theo hướng sản xuất hàng hóa, trong đó chú trọng tăng cường đầu tư khoa học công nghệ, ứng dụng các tiến bộ KHKT để vừa thâm canh tăng năng suất, vừa nâng cao chất lượng để tăng sức cạnh tranh của nông sản hàng hóa Nghệ An trên thị trường trong nước và xuất khẩu. "Xác định rõ các sản phẩm có thế mạnh để tập trung đầu tư theo phương thức sản xuất hàng hóa tập trung. Đồng thời tăng cường liên kết, thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm để đảm bảo và tăng hiệu quả kinh tế cho người sản xuất".

Nghệ An chủ trương ổn định diện tích sản xuất lúa hàng năm khoảng 180 nghìn ha, trong đó cùng việc tiếp tục sử dụng các giống lúa lai có năng suất cao làm chủ lực để đưa năng suất bình quân đạt 52 tạ/ha, sản lượng 950 nghìn tấn vào năm 2015; ưu tiên mở rộng diện tích lúa chất lượng cao, phấn đấu đạt 10 nghìn ha vào năm 2015 và chiếm 30% diện tích lúa toàn tỉnh vào năm 2020. Bên cạnh đó, đưa các giống lạc có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, ổn định diện tích khoảng 25 nghìn ha. Với mía, chè, cao su và cả cây rau, đều chủ trương phát triển các giống chất lượng cao, nâng cao sức cạnh tranh hàng hóa trên thị trường.

Trước mắt, tỉnh cần rà soát, bổ sung quy hoạch các cây trồng. Trên cơ sở quy hoạch tổng thể về nông nghiệp đã được phê duyệt, cần rà soát, bổ sung quy hoạch phát triển các cây trồng nông sản hàng hóa, từ đó xác định các mũi trọng tâm để xây dựng các đề án, tổ chức sản xuất, dự án đầu tư để khai thác tiềm năng, lợi thế từng loại cây trồng. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện chương trình giống đã được phê duyệt, ưu tiên cho công tác chọn tạo các giống cây trồng chất lượng cao cho sản xuất nông sản hàng hóa và công tác phục hồi các giống cây trồng truyền thống đã có thương hiệu của Nghệ An như cam Xã Đoài, chè, lạc… Để nâng cao chất lượng cũng như năng suất, sản lượng cây trồng, cần theo quy trình kỹ thuật chuẩn, đặc biệt lưu ý bón phân đủ, cân đối và quản lý tăng cường đầu tư các tiến bộ kỹ thuật về thâm canh, quản lý tốt chất lượng nông sản theo hướng Vietgap.


Bài, ảnh: Phú Hương

Mới nhất
x
Chất lượng nông sản hàng hóa chưa đáp ứng thị trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO