Chất lượng tín dụng đặt lên hàng đầu

07/11/2011 10:26

Nợ xấu đang là nỗi lo ngại thực sự cho các tổ chức tín dụng, nợ khó đòi, rủi ro cao hoặc nguy cơ mất khả năng chi trả đang gia tăng khi nhiều doanh nghiệp khó cầm cự vì lạm phát cao, chi phí vốn đắt đỏ... Tại Nghệ An, một số đơn vị ngân hàng có nợ xấu cao (trên 5% tổng dư nợ), ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh.

(Baonghean) - Nợ xấu đang là nỗi lo ngại thực sự cho các tổ chức tín dụng, nợ khó đòi, rủi ro cao hoặc nguy cơ mất khả năng chi trả đang gia tăng khi nhiều doanh nghiệp khó cầm cự vì lạm phát cao, chi phí vốn đắt đỏ... Tại Nghệ An, một số đơn vị ngân hàng có nợ xấu cao (trên 5% tổng dư nợ), ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh.

Nợ xấu trong tầm kiểm soát

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Hữu Phàng – GĐ Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Nghệ An. Ông cho biết: Nợ xấu cao trên 5% chỉ ở một vài chi nhánh nhỏ lẻ. Còn tính bình quân trên địa bàn đến ngày 31/10/2011, dư nợ xấu tại các tổ chức tín dụng ước khoảng 890 tỷ đồng, chiếm 1,5% trong tổng dư nợ - tỷ lệ ở mức cho phép. Cũng theo phân tích của NHNN Chi nhánh Nghệ An: Nếu loại trừ khỏi tổng dư nợ phần dư nợ cho vay chính sách (qua NH chính sách xã hội và NH phát triển) thì nguồn vốn huy động trên địa bàn đáp ứng được 78% dư nợ cho vay thương mại, số còn lại chủ yếu các tổ chức tín dụng phải điều hòa từ hội sở (dùng vốn huy động từ các địa bàn khác). Xét riêng từng chi nhánh NHTMCP thì 10/18 đơn vị dư nợ cho vay lớn hơn vốn huy động, 8/18 đơn vị dư nợ cho vay nhỏ hơn nguồn vốn huy động. Tỷ lệ dư nợ/huy động đơn vị cao nhất là 224% (Bưu điện Liên Việt), đơn vị thấp nhất là 22% (Việt Nam Thương tín), đây đều là các chi nhánh NHTMCP mới mở.

Về một số vụ vỡ nợ rộ lên tại nhiều thành phố lớn thời gian qua, trong đó có Thành phố Vinh, ông Phàng cho rằng: Có thể là cơn sốt của thị trường chứng khoán một vài năm trước, cơn sốt vàng 3 tháng trở lại đây và sự “đóng băng” của thị trường nhà đất suốt một năm nay là nguyên nhân chính. Riêng cho vay lĩnh vực bất động sản và tiêu dùng ở Nghệ An đang ở mức thấp, không quá 7% dư nợ.

Tuy nhiên, cũng cần phải thừa nhận sự chủ quan, lỏng lẻo của một số ngân hàng đã tạo kẽ hở để một số đối tượng lợi dụng. Mặc dù để lập hồ sơ vay vốn, cá nhân hoặc công ty đứng vay phải chứng minh được dự án đầu tư, phải có quá trình thẩm định, xác minh tại địa phương..., nhưng thực tế vụ lừa đảo ở Ngân hàng Eximbank cho thấy tất cả các hồ sơ giả đều được thực hiện trót lọt.



Các chi nhánh tổ chức tín dụng cần phải quan tâm nhiều hơn tới công tác quản lý, giáo dục cán bộ. (ảnh chỉ có tính chất minh họa)



Thị trường bất động sản đóng băng là một trong những lý do
khiến nợ xấu tăng cao.

Chất lượng tín dụng đặt lên hàng đầu

Anh Nguyễn Xuân Thông – Giám đốc Ngân hàng Quốc tế VIB Chi nhánh Vinh nhận định: Hiện nợ xấu toàn ngành đã ở mức trên 3%. Mục tiêu Ngân hàng Nhà nước đề ra cho năm nay là trường hợp tệ nhất nợ xấu có thể chạm ngưỡng 5%. Bản thân mục tiêu này cũng cho thấy vấn đề nợ xấu có chiều hướng tiếp tục tăng. Hiện nay nợ xấu đang là vấn đề nan giải với nhiều ngân hàng và càng về cuối năm, tình hình còn xấu hơn.

Một số vụ vỡ nợ đã được phanh phui và nguy cơ nợ xấu sẽ trở nên rõ ràng hơn vào quý 4, khi những nỗ lực để trả lãi vay làm kiệt sức các doanh nghiệp. Đồng thời, tỷ lệ nợ xấu cũng đè nặng lên các ngân hàng dưới tác động kép của bức tranh chưa mấy sáng sủa của nền kinh tế từ nay đến hết năm. Nguyên nhân chủ yếu được các ngân hàng thừa nhận là vì trước đây, trong cơn sốt đất, mua một mảnh đất trong vài tuần, thậm chí là ngày có thể lãi cả hàng trăm triệu đồng nên người người buôn đất, nhà nhà buôn đất, nhà băng quá chú tâm vào việc cho vay bất động sản vì nghĩ đây là "mảnh đất đầy béo bở". Bên cạnh đó, với áp lực tăng vốn, nhiều ngân hàng tìm mọi cách để tăng trưởng nhanh, đặc biệt là đã nới lỏng các tiêu chuẩn cho vay để đảm bảo hiệu quả trên đồng vốn. Hậu quả là các khoản nợ xấu tăng nhanh.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước thừa nhận: “Trước những khó khăn chung của nền kinh tế, nợ xấu của các TCTD, chi nhánh TCTD hiện tại đang trong tầm kiểm soát song có biểu hiện gia tăng. Khi kinh tế ổn định, điều này không bộc lộ nhưng đến khi kinh tế khó khăn, hệ quả này càng thể hiện rõ. Nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đã khó khăn lại vay với mức lãi suất cao lên tới 20-25%. Khi sản xuất gặp khó, thậm chí là cầm chừng, phá sản... thì họ buộc phải lần lữa các khoản vay và điều tất yếu xảy ra là nợ xấu dâng cao.”

Để kịp thời ngăn chặn hoạt động của bọn tội phạm, Phòng Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đề nghị “Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chi nhánh Nghệ An có kế hoạch kiểm tra hoạt động tín dụng, phát hiện xử lý nghiêm khắc các vi phạm, chỉ đạo các ngân hàng thương mại thực hiện nghiêm túc quy định của Nhà nước và ngành ngân hàng về tín dụng…”. Và mới đây, NHNN Chi nhánh tỉnh Nghệ An đã có văn bản chỉ đạo các TCTD tích cực thu hồi nợ xấu và thận trong cho vay mới trong điều kiện thắt chặt tín dụng. Một mặt, các TCTD phải kiểm tra, rà soát nâng cao chất lượng tín dụng. Đối với các đơn vị có nợ xấu trên 5% dư nợ phải có biện pháp thu hồi nợ đối với từng khách hàng, phân tích nguyên nhân nợ xấu và quy trách nhiệm cụ thể cho các cán bộ sai phạm (nếu có). Mặt khác phải đặt chất lượng tín dụng lên hàng đầu, giữ tốc độ tăng trưởng tín dụng bền vững để tránh rủi ro.

Nhiều vụ án tham ô trong ngành ngân hàng thời gian qua có nguyên nhân xuất phát từ đạo đức cán bộ ngân hàng, và sơ hở trong qui trình nghiệp vụ, vì vậy, các TCTD, chi nhánh TCTD phải quan tâm nhiều hơn tới công tác quản lý, giáo dục cán bộ, rà soát các quy định nội bộ của tổ chức mình, để có bổ sung sửa đổi cho phù hợp, đảm bảo kiểm soát được rủi ro và hoạt động an toàn. Bên cạnh đó, để ngăn ngừa nợ xấu và rủi ro khác gia tăng, khi cho vay các ngânhàng thương mại cần phải kiểm soát mục đích sử dụng các khoản vay của doanh nghiệp; có chứng từ vay vốn rõ ràng; cũng như duy trì các kênh liên lạc giữa ngân hàng và doanh nghiệp để có thông tin trao đổi kịp thời. Ngược lại, doanh nghiệp cũng phải tiến hành trích lập dự phòng khi có những phát sinh khoản thu khó đòi.


Thu Huyền

Mới nhất

x
Chất lượng tín dụng đặt lên hàng đầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO