Châu Âu "thấp thỏm" mùa Giáng sinh
(Baonghean.vn) - Trước, trong và sau lễ Giáng sinh năm nay, không khí nhộn nhịp ở châu Âu đã không thể che lấp được mối lo thấp thỏm đang lớn dần lên về sự gia tăng về nguy cơ của các hành động khủng bố. Sự kỳ thị về chủng tộc và tôn giáo cùng những mâu thuẫn xã hội được cho là một trong những nguyên nhân khiến châu Âu trở thành “điểm nhắm” của những kẻ cực đoan khủng bố.
Lực lượng an ninh Pháp tuần tra gần tháp Eiffel ở Paris sau khi Pháp nâng cấp báo động trong hệ thống an ninh toàn quốc ngày 23 Tháng 12 năm 2014. Ảnh Reuters |
Có lẽ hiếm một mùa Giáng sinh nào, người dân châu Âu lại bất an như năm nay. Khi nỗi lo về khủng hoảng kinh tế chưa nhẹ bớt thì người ta lại bị ám ảnh vì nguy cơ “bóng ma” khủng bố đang quay trở lại. Hàng loạt các tin tức gây rúng động liên tiếp có mặt trên các phương tiện truyền thông kèm những lời cảnh báo về nguy cơ bị tấn công ở nhiều quốc gia vốn có hệ thống an ninh hiện đại bậc nhất thế giới. Trước tiên phải kể đến Pháp. Chuỗi 3 vụ tấn công liên tiếp chỉ trong 3 ngày vừa qua đang khiến bầu không khí an ninh tại Pháp trở nên căng thẳng cao độ. Trên mặt báo, Thủ tướng Pháp Manuel Valls nhận định “chưa khi nào chúng ta sống trong tình cảnh nguy hiểm như hiện nay”, đồng thời ra lệnh nâng cấp báo động trong hệ thống an ninh trên toàn quốc và tăng cường các đội tuần tra tại khắp các điểm đông người. Tuy chính quyền Pháp từ chối khẳng định các hành động gần đây là “khủng bố” và cho biết chưa có mối liên hệ giữa 3 vụ tấn công, nhưng các chuyên gia an ninh nhận định, đây có thể là các hoạt động của những “con sói đơn độc”, những kẻ nằm trong làn sóng cải đạo sang Hồi giáo cực đoan vốn lên rất cao trong nước Pháp những năm gần đây. Trong khi đó, giới chức Anh cũng nhận định thủ đô London cũng phải đối mặt với mối đe dọa tấn công khủng bố lớn chưa từng có và công bố tăng cường an ninh trong ngành hàng không. Đức cũng không nằm ngoài những mối lo chung khi nhận định nguy cơ xảy ra tấn công khủng bố ở nước này hiện ở mức cao nhất trong vòng 40 năm qua. Trước đó, các chuyên gia an ninh châu Âu cảnh báo tổ chức khủng bố Al-Qaeda có thể tiến hành một cuộc tấn công "kiểu 11/9" nhằm vào khu vực này vào dịp Giáng sinh và mục tiêu là các sân bay lớn.
Tất cả những lời cảnh báo nguy hiểm đã bao trùm lên không khí vui nhộn của ngày lễ lớn nhất trong năm của người dân châu Âu. Vấn đề là tại sao châu Âu lại trở thành mục tiêu của khủng bố? Có thể lý giải cho thắc mắc này ở hai góc độ.
Thứ nhất, các quốc gia Anh, Pháp, Đức đều là những đồng minh thân cận của Mỹ ở châu Âu và đều đứng chung hàng ngũ với Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố nói chung và Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng nói riêng. Những hành động chống khủng bố của phương Tây càng quyết liệt thì những âm mưu trả thù từ các nhóm khủng bố càng rõ nét. Điều đáng nói là cách thức tấn công của những nhóm khủng bố như Al-Qaeda hay IS lại ngày càng tinh vi. Chúng không chỉ âm mưu các vụ khủng bố lớn kiểu 11/9 mà còn sử dụng những thủ đoạn mới như sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan đến những thanh niên châu Âu, huấn luyện họ trở thành những “quả bom hẹn giờ” có thể bùng nổ bất cứ lúc nào trên chính quê hương họ. Chính quyền Anh ước tính ít nhất 500 công dân của mình đang chiến đấu cho IS tại Iraq và Syria. Họ có thể quay trở lại Anh để thực hiện các vụ đánh bom cảm tử. Kể từ tháng 1 năm nay, cảnh sát Anh đã bắt giữ 270 “phần tử cực đoan”. Còn theo Cục Bảo vệ Hiến pháp - cơ quan tình báo nội địa Đức, đã có ít nhất 550 đối tượng Hồi giáo cực đoan từ Đức tới tham chiến ở Syria và Iraq, trong đó, khoảng 180 người đã trở lại Đức. Những đối tượng trở về Đức đã được huấn luyện sử dụng vũ khí, chất nổ... Những “quả bom hẹn giờ” này rất khó kiểm soát và là mối nguy hiểm thường trực đối với xã hội các nước châu Âu.
Ngoài ra, một lý do khác nằm trong nội tại các nước châu Âu cũng là nguyên nhân sinh ra những đối tượng khủng bố cực đoan. Tại châu Âu, các cộng đồng Hồi giáo thường bị cô lập giữa những xã hội già nua, bảo thủ và cả những chuyện kỳ thị. Vậy là những tổ chức cực đoan Hồi giáo ở nước ngoài trở thành “điểm tựa” tinh thần cứu cánh cho những phần tử này.Điều này có thể thấy rõ khi trong vài tháng gần đây, giới chức châu Âu đã liên tục đưa ra các cảnh báo về khả năng chủ nghĩa dân tộc cực đoan và kỳ thị sắc tộc đang quay trở lại châu Âu. Mới đây nhất, một cuộc biểu tình phản đối Hồi giáo với số lượng người tham gia kỷ lục lên đến hơn 17.500 đã diễn ra tại miền đông nước Đức vào hôm 22.12. Rõ ràng, khi chủ nghĩa dân tộc cực đoan và kỳ thị sắc tộc kết hợp với Hồi giáo cực đoan sẽ tạo thành hiểm họa lớn đối với hòa bình, an ninh không chỉ của châu Âu, mà còn trên toàn thế giới.
Nhiều nhà phân tích cho rằng, đó là lý do mà các nước châu Âu cần thiết phải có những cải cách kinh tế và chính sách xã hội phù hợp để giúp cộng đồng Hồi giáo ở nước mình có thể an tâm và hội nhập. Nói như Tiến sĩ John Esposito của Đại học Georgetown là: phương Tây cần phải là một nơi tốt hơn để sống cho những người Hồi giáo trẻ và không cho họ một lý do để có thể bị lôi kéo đi theo chủ nghĩa cực đoan./.
Thanh Huyền