“Cháu muốn làm người lính Cụ Hồ!”

(Baonghean) - Năm nào cũng vậy, cứ đến trung tuần tháng 6, nhiều bạn nhỏ khắp mọi miền từ vùng núi đến miền biển lại nô nức về thành Vinh để tham gia một học kỳ đặc biệt - học kỳ quân đội. Dù phải xa nhà, phải dậy sớm lúc 5h lại còn phải tham gia vào những khóa huấn luyện như một người lính thực thụ, nhưng các em đều háo hức mong được mặc bộ quần áo lính, vai mang ba lô, được gọi nhau bằng đồng chí, được khám phá những điều chưa bao giờ trải nghiệm...

Mới 5h sáng nhưng sân Quảng trường Hồ Chí Minh đã thấy rất nhiều em nhỏ từ 12-16 tuổi được bố mẹ dẫn đến, xúng xính trong bộ quần áo tân binh, vai mang ba lô, đầu đội mũ két. Nhiều bạn học cùng lớp cùng trường nhanh chóng hồ hởi “ê, bạn nớ đến lúc mấy giờ, mình cả đêm nỏ ngủ được, hồi hộp cực kỳ”. Những bạn chỉ đi một mình thì nhanh chóng làm quen với các bạn cùng trang lứa và không mấy bịn rịn với bố mẹ như những năm trước.

Đúng 6h30, các tiểu đội được sự hướng dẫn của chú Thượng úy Trần Văn Thành - Bí thư Chi đoàn Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh nhanh chóng phát khẩu lệnh chỉnh đốn hàng ngũ để các bạn nhanh chóng mỗi tiểu đội một hàng dọc tập hợp hạ ba lô tại vị trí, tiến về phía lễ đài.

Thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh đoàn, anh Dương Hoàng Vũ – Phó Bí thư Tỉnh đoàn phát biểu: “Hôm nay, ngày ra quân của các thiếu nhi trên địa bàn tỉnh Nghệ An để tham gia vào lớp học kỳ quân đội, chúng tôi mong muốn các bạn nhỏ hãy hoàn thành khóa học thật tốt và có những trải nghiệm đáng nhớ trong đời học sinh. Tham gia lớp học kỳ quân đội với những bài học bổ ích các em sẽ được rèn luyện nhân cách toàn diện, rèn luyện tinh thần kỷ luật, tự lập, kiên định để vượt qua hoàn cảnh khó khăn và thử thách, giúp các em tự tin, bản lĩnh, nghị lực hơn trong cuộc sống”.

Bạn Nguyễn Anh Tài, học sinh lớp 8 Trường Đặng Thai Mai, là bạn nhỏ đã 2 năm liên tục tham gia lớp học kỳ quân đội, phát biểu: “Được tham gia vào lớp “Học kỳ quân đội” chúng em được trưởng thành hơn về bản lĩnh, về ý chí, trang bị cho mình những kỹ năng để ngày càng hoàn thiện hơn về nhân cách cũng như khả năng tự lập trong cuộc sống. Chúng em xin hứa sẽ cố gắng học tập và rèn luyện thật tốt trong 10 ngày quân ngũ để không phụ lòng mong mỏi của bố mẹ, của các chú bộ đội tham gia huấn luyện, của các anh chị trong Ban Thường vụ Tỉnh đoàn, những người sẽ đồng hành với chúng em trong suốt học kỳ quân đội đầy ý nghĩa này”.

Sau nghi lễ trước tượng đài Bác, bố mẹ các em nhỏ nhanh chóng tới bên con mình vẻ hãnh diện, sửa sang lại mũ áo, trang bị thêm cho con những vật dụng cần thiết hàng ngày. Chị Nguyễn Thanh Bình, mẹ của em Nguyễn Anh Tài vừa bỏ vào ba lô con chai dầu rửa bát vừa nói: “Cháu cần chai dầu để rửa bát chứ năm ngoái mấy bạn chỉ rửa bằng nước lạnh thôi. Cháu tham gia học kỳ lần thứ 2 nhưng háo hức như lần đầu tiên tham gia vậy!”.

                 Bài học đầu tiên trong ngày khai giảng lớp Học kỳ quân đội.

Năm nay có 28 bạn nữ tham gia, trong đó có những bạn chỉ mới 12 tuổi, độ tuổi tối thiểu để được tham gia lớp học. Ngoài các bạn nhỏ đến từ Thành phố Vinh và những địa bàn lân cận thì còn có cả những bạn nhỏ đến từ các huyện vùng núi cao như Con Cuông, Tương Dương... Đến từ huyện Hưng Nguyên, bạn Nguyễn Thị Bảo Lan 12 tuổi cho biết: “Nhận được thông báo từ cô chủ nhiệm, cháu cũng mất một buổi nghiên cứu về các chương trình học của khóa học, thấy thích quá, nên xin phép bố mẹ rồi rủ thêm 2 bạn cùng lớp tham gia, để mình tự tin hơn trước các bạn nam mà!”.

Chương trình huấn luyện trong khóa học Học kỳ quân đội năm nay có các chủ đề: “Tập làm chiến sỹ” với việc học nội quy điều lệnh và tập đội hình, đội ngũ; Huấn luyện nội vụ cá nhân trong quân đội, huấn luyện sơ cứu thương, huấn luyện võ thuật... “Hành trình về địa chỉ đỏ” với các hoạt động: Tham gia các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, an sinh xã hội; các hoạt động tình nguyện, bảo vệ môi trường...; “Khám phá trải nghiệm”... Tùy vào sự tiếp nhận và khả năng sáng tạo của các học viên mà Trung đoàn 764 sẽ có những thay đổi phù hợp. Đặc biệt, năm nay, các em sẽ được tham gia hành trình về với biển đảo quê hương nhằm khơi dậy niềm tự hào dân tộc, tình yêu biển đảo, trách nhiệm của công dân với đường biên giới trên biển.

Thượng tá Nguyễn Văn Bình- Trung đoàn trưởng Trung đoàn 764 cho biết: “Qua 2 năm phối hợp huấn luyện học kỳ trong quân đội, chúng tôi rút ra được nhiều kinh nghiệm từ những khoá huấn luyện trước, thế nên chương trình huấn luyện được thay đổi thường xuyên để phù hợp với các em ở nhiều độ tuổi và nhiều vùng miền. Phần lớn các em vào đây đều là những học sinh khá giỏi nên khả năng tiếp thu rất tốt, lại rất ham học hỏi, không sợ khó, không sợ khổ. Một số em ban đầu còn rụt rè nhưng sau đó đã nhanh chóng thích nghi và rất lưu luyến khi khóa huấn luyện đã kết thúc. Đó là thành công lớn của học kỳ trong quân đội”.

Đến với Trung đoàn 764, các bạn nhỏ được sự tiếp đón nồng nhiệt của các chú trong Ban Chỉ huy Trung đoàn, các bạn nhỏ nhanh chóng ổn định chỗ ngồi và được xem những thước phim học kỳ quân đội năm trước. Đó là về buổi dã ngoại trên cánh đồng lạc thuộc huyện Nghi Lộc, là cảnh các bạn đến thăm bà mẹ Việt Nam Anh hùng... Khi những thước phim kết thúc, các bạn được chú chỉ huy đọc danh sách để phân vào từng tiểu đội. Các bạn nhanh chóng về phòng tìm tên mình được gắn trên giường tầng, ai cũng cố chen vào để được xem mình có được ở tầng 2 không. Chỉ huy nhanh chóng thông báo bài học đầu tiên về cách sắp xếp nội vụ là cách gấp chăn màn theo hình ống diêm khi có hiệu lệnh thức dậy vào 5h sáng. Nhiều bạn chăm chú thán phục chú bộ đội xếp vuông vức chiếc chăn, và nói: “Răng mà xếp được rứa hầy, ở nhà tớ nỏ khi mô biết xếp chăn màn cả...”.

Buổi sáng khai giảng khóa “Học kỳ quân đội” kết thúc khi mặt trời đã đứng bóng, vẫn thấy tiếng các bạn nhỏ í ới gọi nhau, trò chuyện râm ran như đã quen biết từ lâu. Mong sao kết thúc khóa học các chiến sỹ nhỏ sẽ là người chiến sỹ trên ghế nhà trường, vừa học giỏi, vừa chăm ngoan và có nhiều kỹ năng như một “người lính Cụ Hồ”.

Thanh Nga

tin mới

Sáp nhập

Sáp nhập trường lớp ở huyện Thanh Chương: Trao cơ hội học tập tốt nhất cho học trò

(Baonghean.vn) - Sáp nhập trường lớp là xu hướng tất yếu nhằm tập trung đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dạy và học của các trường. Đây cũng là mục tiêu huyện Thanh Chương đang kiên trì thực hiện, với mong muốn đem đến môi trường giáo dục tốt nhất cho các học trò.

Hội đồng Nhân dân tỉnh Nghệ An thẩm tra phương án phân bổ gần 2.200 biên chế giáo viên

Hội đồng Nhân dân tỉnh Nghệ An thẩm tra phương án phân bổ gần 2.200 biên chế giáo viên

(Baonghean.vn) - Trên cơ sở 2.187 biên chế giáo viên được Trung ương bổ sung cho Nghệ An, UBND tỉnh đã xây dựng dự thảo nghị quyết trình HĐND tỉnh thẩm tra trước khi trình HĐND tỉnh xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 19, khoá XVIII, nhiệm kỳ 2021 – 2026, dự kiến tổ chức vào ngày 25/4/2024.

Trường nghề

Trường nghề loay hoay trước 'bài toán' giáo viên hợp đồng

(Baonghean.vn)- Nghệ An đang rà soát lại nhân viên hợp đồng ở các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập nhằm triển khai thực hiện Nghị định số 111 của Chính phủ về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập.

Lớp 12

90 ngày 'đếm ngược' của sỹ tử lớp 12

(Baonghean.vn) - “90 ngày quyết tâm đạt kết quả cao trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024” là phong trào thi đua đang được các trường học trong toàn tỉnh triển khai, với mục tiêu cùng với ngành Giáo dục tỉnh nhà tăng ít nhất 4 bậc về thứ hạng trong mùa thi năm nay.

Các giáo viên cần 'dũng cảm' khi lựa chọn sách giáo khoa

Các giáo viên cần 'dũng cảm' khi lựa chọn sách giáo khoa

(Baonghean.vn) - Việc giao quyền tự chủ cho các nhà trường chọn sách giáo khoa, đòi hỏi các giáo viên cần phải có trách nhiệm, tận tâm trong quá trình thẩm định để đảm bảo có thể chọn được những bộ sách đúng, trúng đối tượng, phục vụ hiệu quả công tác dạy và học.

Du học sinh

Cân nhắc kỹ lưỡng khi quyết định du học

(Baonghean.vn) - Du học nay đã không còn là lựa chọn của những học sinh có năng lực, có điều kiện. Thay vào đó, hiện nay, nhiều học sinh đã lựa chọn du học bởi đây là con đường gần nhất để các em vừa vẫn đảm bảo việc học nhưng sớm có cơ hội có nghề, tìm kiếm việc làm.

Mượn nhà tập thể của trường để ở, nhiều giáo viên không chịu trả lại

Mượn nhà tập thể của trường để ở, nhiều giáo viên không chịu trả lại

(Baonghean.vn) - Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Nghệ An cho các giáo viên ở miễn phí trong khu tập thể, dù trong hợp đồng nêu rõ, khi nào nhà trường có nhu cầu, các hộ sẽ phải trả lại, nhưng đến khi trường cần mặt bằng để xây ký túc xá cho học sinh, những người này lại từ chối bàn giao.