Châu Phi: Bi kịch kép của những bé gái "mang bom"

16/04/2016 12:16

(Baonghean) - Những bé gái bị bắt cóc, chịu cảnh giam cầm, bị lạm dụng và biến thành những quả bom sống gieo rắc nỗi sợ hãi cho dân chúng các nước châu Phi dưới sự lộng hành của chủ nghĩa khủng bố từ nhánh Boko Haram (có liên hệ với Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng). Với những trường hợp được cứu thoát, đó là may mắn hay là sự mở màn cho một bi kịch khác?

Trẻ em tại trại tị nạn Maiduguri ở Đông Bắc Nigeria, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất dưới sự hoành hành của nhóm khủng bố Boko Haram. Ảnh: AFP.
Trẻ em tại trại tị nạn Maiduguri ở Đông Bắc Nigeria, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất dưới sự hoành hành của nhóm khủng bố Boko Haram. Ảnh: AFP.

Khi “người bom” là cứu cánh

Trong hồi ức mà Fati - một nạn nhân trở về từ cõi chết giãi bày với kênh CNN, những câu hỏi và câu trả lời ở nơi được ví như “địa ngục trần gian” luôn theo một mô-típ sẵn có. Chúng - những phần tử thuộc nhóm khủng bố khét tiếng Boko Haram thường hỏi: “Ai muốn trở thành kẻ đánh bom liều chết?”.

Và khi ấy, các thiếu nữ sẽ tranh nhau “để tôi, để tôi…”. Ai cũng muốn “được chọn” để thực hiện các vụ đánh bom tự sát, không phải bởi họ bị những phương thức bạo lực của bọn bắt cóc tẩy não, mà cơn đói cồn cào, dai dẳng và nạn lạm dụng tình dục, cộng hưởng với nỗi khiếp đảm trước tình trạng pháo nã liên tục ngày đêm, khiến những cô gái chưa thành niên không thể chịu đựng thêm nữa.

3/4 số trẻ em mang bom là trẻ em gái.
3/4 số trẻ em mang bom là trẻ em gái.

Họ muốn tìm cách thoát ra, muốn chạy trốn và buộc phải tìm đến cứu cánh bất đắc dĩ, chỉ bởi nếu chúng gài bom lên người họ, những cô gái trẻ có thể tìm tới nhờ sự giúp đỡ của binh lính quân đội, biết đâu bom có thể được tháo kíp và họ có thể được cứu thoát khỏi cuộc sống bị cầm tù.

Fati chỉ là một cô bé 16 tuổi, từng là 1 trong hàng trăm bé gái bị tổ chức khủng bố khát máu nhất hành tinh bắt cóc và ép buộc làm vợ các tay súng. Khi những phần tử Boko Haram tấn công ngôi làng nơi cả gia đình cư ngụ ở Đông Bắc Nigeria năm 2014, cha mẹ em đã dốc sạch số tiền 40 USD ít ỏi để “mua” sự an toàn cho 2 người con trai cả, và đành bất lực nhìn con gái rơi vào nanh vuốt của bọn khủng bố.

Tại thành trì kiên cố của Boko Haram trong khu rừng rậm Sambisa, những cô bé thậm chí còn ít tuổi hơn Fati cũng bị bắt cóc, ép hôn, cầm tù và lạm dụng tình dục bởi những kẻ tự xưng là “chồng”.

Tháng 4/2014, khoảng 270 nữ sinh Nigeria bị bắt cóc làm chấn động cả thế giới, dấy lên làn sóng chiến dịch truyền thông xã hội #BringBackOurGirls (tạm dịch: Hãy mang những cô bé của chúng ta trở về), đến nay đã mang lại cho nhiều người những hình dung cơ bản nhất về tội ác lạm dụng phụ nữ và trẻ em gái của nhóm khủng bố Boko Haram.

Số liệu thống kê cập nhật của UNICEF cho thấy việc biến những đứa trẻ vô tội thành “quả bom sống” tại 4 quốc gia: Nigeria, Niger, Chad và Cameroon, nơi chiến dịch khủng bố của Boko Haram lộng hành suốt 2 năm qua có sự gia tăng đột biến, từ 4 trẻ năm 2014 lên 44 trẻ năm 2015. Cũng theo UNICEF, 3/4 số trẻ trở thành “bom sống” là trẻ em gái.

Thảm kịch nhân đôi

Hồi chuông báo động gióng lên khi số vụ tấn công liều chết mà nạn nhân - thủ phạm là những đứa trẻ tội nghiệp, dẫn đến sự ra đời và hoạt động tích cực của một liên minh đa quốc gia nhằm gây sức ép dồn dập lên tổ chức khủng bố là một nhánh nhỏ của IS.

Khu rừng Sambisa đã nhắc ở trên liên tiếp bị không kích dữ dội, quân đội Nigeria triển khai không ngừng nghỉ các cuộc bố ráp. Trong 1 năm trở lại đây, các cuộc vây bắt đã giải phóng hàng trăm phụ nữ và trẻ em gái bị Boko Haram bắt giữ, mong muốn một lần nữa đưa những nạn nhân này trở về hòa nhập với cộng đồng.

Thành viên phong trào Bring Back Our Girls biểu tình tại Nigeria hôm 14/1 đòi thả tự do các bé gái bị bắt cóc từ năm 2014 tại Chibok. Ảnh: AFP.
Thành viên phong trào Bring Back Our Girls biểu tình tại Nigeria hôm 14/1 đòi thả tự do các bé gái bị bắt cóc từ năm 2014 tại Chibok. Ảnh: AFP.

Dẫu vậy, giờ đây khi khu vực Gwoza từng là thành trì vững chắc của Boko Haram đã nằm dưới họng súng máy của quân đội, vẫn còn một mối lo khác đang lớn dần đối với nhiều người. Đó là một khi các chiến thắng của quân đội liên minh càng vang dội, thì Boko Haram càng có xu hướng quay sang sử dụng trẻ em gái làm vũ khí chết chóc phục vụ những âm mưu thâm độc của chúng.

Trong mắt những kẻ khủng bố, trẻ em gái là “kẻ đánh bom liều chết hoàn hảo”. Sở dĩ khẳng định như vậy là bởi chúng có thể dễ dàng giấu các thiết bị nổ dưới lớp mạng che mặt dài, hoặc đơn giản là đặt trong những chiếc giỏ rồi ép các em đội lên đầu, trước khi kích nổ bằng thiết bị điều khiển từ xa.

Và như vậy, một cách đầy chủ đích chúng đã biến những số kiếp dễ bị tổn thương nhất trong xã hội trở thành nỗi ám ảnh và khiếp sợ lớn nhất với mọi người, để lại những vết sẹo chằng chịt trong tâm hồn vốn dĩ còn non nớt của các em.

Sau khi được cứu thoát khỏi sào huyệt của tội ác, thay vì được chào đón và vỗ về trong vòng tay nhân ái của xã hội, cái mác “vợ của nhóm Boko Haram” đeo đẳng nạn nhân có thể giáng cho những cô bé vô tội tấn thảm kịch thê thảm khi phải đón nhận ánh mắt dè chừng, lẩn tránh từ mọi người xung quanh.

Người ta ngờ vực liệu có phải Boko Haram đã ngầm cho phép các cô bé được rời đi, để tiếp diễn những màn đánh bom đẫm máu như họ từng chứng kiến? Liệu những đứa trẻ có bị khủng bố tẩy não và gieo vào tâm hồn những điều đáng sợ mà IS vẫn thường làm với các “chiến binh nhí”?Tự do còn nghĩa lý gì khi các em phải hứng chịu sự ghẻ lạnh và tẩy chay của xã hội, điều đó chẳng khác nào “bi kịch kép” mà những mảnh đời non nớt đang phải trải qua.

Số lượng trẻ em gái
Số lượng trẻ em gái bị biến thành những quả bom "sống" đang tăng lên.

Vấn đề trên cũng chính là điều mà đại diện UNICEF tại Cameroon lấy làm trăn trở:

“Các trẻ em gái đều là nạn nhân, Nhưng giờ đây các em lại bị đặt dưới con mắt nghi ngờ của cả xã hội. Nếu chúng ta không sớm thay đổi cách nghĩ này, rồi đây sẽ để lại những hậu quả lâu dài khó bề lường hết. Lòng tin giữa các cộng đồng người với các nạn nhân và chính quyền sẽ bị xói mòn”.

Để tránh những hệ lụy nhãn tiền có thể lường trước đó, có lẽ cần nhiều hơn nữa sự hợp tác và hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế, nhất là những tiếng nói bảo vệ quyền và lợi ích của trẻ em, để sớm trả lại cho các em một tương lai đáng được hưởng.

Thu Giang

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Châu Phi: Bi kịch kép của những bé gái "mang bom"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO