Chảy mãi nguồn “năng lượng trắng” nơi thượng nguồn sông Chu

19/09/2013 07:59

Ngày 20/9, công trình Thủy điện Hủa Na sau 5 năm triển khai xây dựng trên dòng sông Chu tổ chức lễ khánh thành. Với tổng mức đầu tư hơn 7.000 tỷ đồng, công suất 180 MW cho sản lượng điện bình quân hàng năm 717 triệu KWh, Thủy điện Hủa Na là dự án thủy điện lớn thứ 2 của tỉnh Nghệ An hòa vào mạng lưới điện quốc gia, góp phần khai thác có hiệu quả tiềm năng miền Tây xứ Nghệ.

(Baonghean) - Ngày 20/9, công trình Thủy điện Hủa Na sau 5 năm triển khai xây dựng trên dòng sông Chu tổ chức lễ khánh thành. Với tổng mức đầu tư hơn 7.000 tỷ đồng, công suất 180 MW cho sản lượng điện bình quân hàng năm 717 triệu KWh, Thủy điện Hủa Na là dự án thủy điện lớn thứ 2 của tỉnh Nghệ An hòa vào mạng lưới điện quốc gia, góp phần khai thác có hiệu quả tiềm năng miền Tây xứ Nghệ.

Cách đây 5 năm, ngày 28/3/2008, Dự án xây dựng Nhà máy Thủy điện Hủa Na chính thức được khởi công. Tại thời điểm đó, miền Tây xứ Nghệ là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trên lĩnh vực khai thác “dòng năng lượng trắng”. Dòng sông Chu nơi thượng nguồn êm đềm hiền hòa bao đời chảy qua các xã Đồng Văn, Thông Thụ (Quế Phong) bỗng được thức tỉnh với những tiếng máy, tiếng nổ khoét núi khoan hầm. Xác định rõ, đây là dự án thủy điện đầu tiên của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) và là một trong những dự án trọng điểm thủy điện của cả nước thuộc Tổng sơ đồ điện VII, phát triển kinh tế miền Tây xứ Nghệ, điều kiện xây dựng cực kỳ khó khăn, địa chất phức tạp nên chủ đầu tư và các nhà thầu đã nỗ lực vượt khó đảm bảo đưa dự án về đích đúng tiến độ.


Toàn cảnh đập chính Thủy điện Hủa Na.

Có thể nói, để có nguồn lực tập trung đầu tư hoàn thành dự án đúng tiến độ như ngày hôm nay, trước hết đó là thực hiện quyết định quan trọng cơ cấu lại tài chính của toàn bộ dự án. Từ một cổ đông thành viên (chỉ chiếm 15%), Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đưa Công ty CP Thủy điện Hủa Na (PVPower HHC) lên thành cổ đông chi phối chiếm 52,33% vốn. Cấp đủ nguồn vốn đảm bảo thi công theo tiến độ của dự án nhưng yêu cầu nhiệm vụ của PVN, lãnh đạo PV Power giao cho Công ty CP Thủy điện Hủa Na, nhà thầu Sông Đà, Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA) cam kết trong vòng 3 năm phải đạt được mục tiêu phát điện, hòa vào lưới điện quốc gia.

Nhận lệnh trong điều kiện chưa có “lời giải” cụ thể cho bài toán xử lý địa chất cực kỳ phức tạp để thi công các hạng mục chính của công trình và công tác di dời, ổn định cuộc sống cho trên 1.300 hộ dân quả là “không tưởng”. Tuy nhiên, với “tinh thần dầu khí”, tất cả cho tiến độ của dự án, chủ đầu tư và các nhà thầu ký giao ước thi đua: 90 ngày đêm vì mục tiêu ngăn sông; 162 ngày đêm cho mục tiêu thông hầm dẫn nước, hoàn thành cơ bản công tác bồi thường, hỗ trợ và giải phóng măt bằng, 100 ngày đêm cho mục tiêu tích nước lòng hồ…

Ban quản lý dự án đã thực hiện phương pháp cuốn chiếu và yêu cầu đơn vị giám sát bám sát dự án để nghiệm thu ngay từng bước. Công ty CP Tư vấn dự án điện lực dầu khí (PV Power PCC) đã thành lập văn phòng tư vấn giám sát tại công trường và cử lực lượng giám sát thi công với các kỹ sư chuyên ngành xây dựng, lắp đặt thiết bị và kỹ sư địa chất đảm bảo công tác thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị nhà máy. Để khơi dậy sự sáng tạo trong lao động sản xuất, phát huy tinh thần, chủ đầu tư và các đơn vị thi công quy định chặt chẽ lao động có kỷ luật, kỹ thuật, có năng suất cao, đồng thời đề cao phát huy cao độ các sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, quản lý…

Trong “cái khó ló cái khôn”, một loạt các sáng kiến, sáng tạo mang tính chất đột phá đã được PV Power HHC áp dụng khắc phục những hạn chế như bỏ kết cấu áo bê tông đường hầm dẫn dòng thi công; hay chuyển đổi bộ cốp pha đơn thành bộ cốp pha kép trong thi công hầm dẫn nước, cải tiến phương án dẫn nước mùa lũ 2011 trong điều kiện đập chính chưa hoàn thành; nhằm khắc phục tình trạng tiến độ thi công đường miền Tây Nghệ An chậm, PV Power HHC quyết đoán mở đường công vụ lắp đặt cầu thép định hình thay thế cầu bê tông cốt thép đã rút ngắn thời gian vận chuyển vật tư, thiết bị vào công trường, đã góp phần không nhỏ vào việc đảm bảo tiến độ của dự án.

Từ những sáng tạo, nỗ lực, tất cả cho dự án phát điện theo đúng tiến độ cam kết, Công ty CP Thủy điện Hủa Na và các nhà thầu hoàn thành một khối lượng công việc khổng lồ: Ngày 1/2/2013, tổ máy số 1 chính thức phát điện và chỉ sau đó chưa đầy 2 tháng tổ máy số 2 cũng chính thức phát điện hòa vào mạng lưới điện quốc gia. Sau 6 tháng hòa vào lưới điện quốc gia, Nhà máy vận hành an toàn và đã sản xuất lượng điện gần 400 triệu kwh.



Niềm vui của lãnh đạo, kỹ sư, công nhân nhà máy thời khắc hoà dòng điện vào lưới điện quốc gia.

Một thành công lớn của Dự án Thuỷ điện Hủa Na đó là nhờ có sự phối hợp chặt chẽ của chủ đầu tư và chính quyền địa phương các cấp nên công tác di dân tái định cư đảm bảo tiến độ. Chỉ trong một thời gian ngắn các hạng mục hạ tầng phục vụ cho công tác tái định cư đều đã được Chủ đầu tư và và Hội đồng đền bù tái định cư hoàn thiện để bàn giao cho bà con đảm bảo cuộc sống cho bà con nơi ở mới. Hiện tại 1.362 hộ dân thuộc 14 bản của 2 xã Đồng Văn, Thông Thụ đã ổn định cuộc sống tại 13 điểm tái định cư.

Tại đây, chủ đầu tư và huyện Quế Phong tiến hành giao tạm thời đất sản xuất đất lâm nghiệp theo định mức quy định, từng bước khảo sát duyệt đề án hỗ trợ phát triển sản xuất cho bà con, trước mắt huyện Quế Phong lồng ghép các chương trình hỗ trợ bà con nuôi cá lồng ở hồ thuỷ điện, trồng rau sạch trên đất bán ngập, trồng cây cao su. Để hỗ trợ giúp bà con tái định cư, vấn đề lương thực, chủ đầu tư và huyện đã cấp gạo đủ cho các hộ dân với mức 30 kg/ người/tháng trong vòng 4 năm.

Có mặt tại các điểm tái định cư Piêng Cu, Xốp Cọ- Nậm Niêng hay Puxai cáng… cảm nhận về một cuộc sống mới của bà con đồng bào Thái đang thực sự bắt đầu. Những nếp nhà sàn san sát theo quy hoạch tổng thể hạ tầng cơ sở hứa hẹn một sự đổi thay của đời sống ngày mai. Điều bà con băn khoăn đó là chưa có đất sản xuất chính thức trên thực địa, chưa có phương án hỗ trợ để bà con trồng cây gì, nuôi con gì trên vùng đất mới thì cả chủ đầu tư và huyện, xã đang gấp rút thực hiện…



Điểm tái định cư Thủy điện Hủa Na tại Puxaicáng (xã Thông Thụ - Quế Phong).

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy điện Hủa Na chia sẻ: Có được thành công của dự án là nhờ sự đồng thuận của nhân dân, sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cấp chính quyền, của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tổng Công ty điện lực Dầu khí Việt Nam (PVPower), các cổ đông và sự đoàn kết một lòng, quyết tâm từ chủ đầu tư đến toàn thể cán bộ, công nhân lao động trên công trường, các nhà thầu thi công như Lilama, Sông Đà… Điều tâm đắc nhất của chúng tôi chính là tinh thần dầu khí đã tạo nên một nền tảng vững chắc cho sự thành công của Dự án Thủy điện Hủa Na. Từ một vùng đất hoang vu, Nhà máy Thuỷ điện Hủa Na đã “thắp sáng” vùng miền Tây xứ Nghệ, điều hoà khí hậu, điều tiết lũ lụt nơi thượng nguồn sông Chu, tạo ra sản lượng điện hàng năm 717 kwh, góp phần phát triển kinh tế của miền Tây Nghệ An nói riêng và sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước nói chung.


Bài, ảnh: Hồng Sơn

Mới nhất
x
Chảy mãi nguồn “năng lượng trắng” nơi thượng nguồn sông Chu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO