Cháy xa... nỗi lo gần
(Baonghean) - Sáng 31/10, chương trình thời sự VTV1 đưa tin vụ cháy tại doanh nghiệp tư nhân Đức Tâm ở xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai), khiến nhiều người không cầm được nước mắt khi thấy hình ảnh trên 20 công nhân bị bỏng nặng, cơ thể bông băng trắng toát nằm bất động đang được cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy TP. Hồ Chí Minh.
Nguyên nhân vụ cháy vẫn đang được các cơ quan chức năng làm rõ, nhưng theo lời kể ban đầu của các nhân chứng thì họ nghe một tiếng nổ lớn trước khi xảy ra đám cháy ở khu vực sản xuất đồ gỗ, rồi ngọn lửa lan nhanh khắp nơi trong xưởng khiến hàng trăm công nhân bỏ chạy tán loạn nhưng nhiều người vẫn không thoát được vì không có lối ra.
Đây không phải là vụ cháy đầu tiên ở các nhà xưởng, mà mới đây ở tận nước Nga xa xôi, cũng xảy ra một vụ cháy xưởng may làm 14 người Việt thiệt mạng vì không có lối thoát. Trước đó, ngày 29/7/2011, cũng đã xảy ra một đám cháy kinh hoàng làm 13 người chết cháy và hàng chục người khác bị thương nặng tại Hải Phòng. Địa điểm xảy ra cháy là một xưởng gia công đồ may mặc, được xây theo hình ống, chỉ có duy nhất một cửa ra vào nên khi lửa bùng lên dữ dội thì toàn bộ 40 công nhân đang có mặt đều sợ hãi lui về phía cuối nhà, không có lối thoát ra và chỉ biết kêu cứu...
Đây là những vụ cháy ở xa nhưng nỗi lo và thậm chí là nỗi đau thì lại rất gần (vụ cháy xưởng may ở Nga hôm 11/9/2012 đã giáng một đòn đau đớn xuống 6 gia đình nghèo ở Nghệ An có người thân bị thiệt mạng).
Hiện nay ở Nghệ An còn có nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhiều làng nghề người lao động và cả chủ sử dụng lao động còn thiếu hiểu biết về lĩnh vực an toàn, vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ để ngăn ngừa, đề phòng tai nạn xảy ra trong quá trình lao động sản xuất. Cùng với đó là sự buông lỏng trong công tác quản lý, sự chủ quan, chạy theo lợi nhuận của chủ doanh nghiệp nên phần lớn công tác phòng cháy, chữa cháy còn đang làm theo kiểu đối phó, không chấp hành nghiêm các quy định về phòng cháy, chữa cháy theo quy định của pháp luật... Vẫn còn có những siêu thị lối thoát hiểm lại dùng làm nơi để hàng hóa; thay đổi thiết kế để mở rộng không gian kinh doanh; lối đi lại, cổng ra vào ở nhiều khu chợ, siêu thị đều bị bịt kín vì hàng hóa và xe cộ; vẫn còn nhiều doanh nghiệp ở các khu công nghiệp chưa quan tâm đến công tác PCCC; nhiều cơ sở sang chiết, kinh doanh gas lậu vẫn đang lén lút tồn tại; nhiều khu chung cư cao tầng cầu thang thoát hiểm bị lấn chiếm để đồ đạc... đang tiềm ẩn nhiều hiểm nguy khi xảy ra cháy nổ.
Những bài học đau thương, được trả giá bằng chính mạng sống của con người đã xảy ra trong thời gian vừa qua sẽ là hồi chuông cảnh tỉnh cho mỗi chúng ta về công tác phòng cháy, chữa cháy. Từ đây, các lực lượng chức năng ở Nghệ An cần vào cuộc quyết liệt hơn, tổ chức nhiều đợt thanh tra, kiểm tra chuyên ngành và liên ngành về thực hiện công tác PCCC; các cấp, các ngành, mọi người dân sẽ quan tâm hơn nữa đến công tác PCCC. Để làm sao không còn phải trông thấy cảnh những người xấu số bị thiệt mạng, những người phải mang những vết bỏng ghê sợ trên cơ thể đầy thương tâm.
Đức Dũng