Chế biến thủy sản - Bức tranh xám

23/04/2013 19:35

(Baonghean) - Nghệ An có 82 km bờ biển, với diện tích 4.239 hải lý vuông đây là điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế thủy sản. Theo điều tra của các cơ quan chuyên môn thì sản lượng cho phép khai thác hàng năm từ 45.000 - 50.000 tấn. Những năm gần đây, do phát triển các phương tiện đánh bắt có công suất lớn, vươn khơi, bám biển dài ngày nên sản lượng khai thác tăng nhanh. Năm 2012, sản lượng khai thác toàn tỉnh đạt 110.000 tấn, chưa kể gần 8.000 tấn sản phẩm nuôi trồng mặn lợ.

Với sản lượng trên, Nghệ An được đánh giá là địa phương có nền kinh tế thủy sản phát triển. Song song với việc tăng nhanh sản lượng khai thác, công nghiệp chế biến cũng đã từng bước phát triển. Nhưng hiện tại, công nghiệp chế biến của Nghệ An được đánh giá là phát triển chưa tương xứng với sản lượng khai thác. Đánh giá của Đề án phát triển công nghiệp chế biến Nghệ An đến năm 2020 đã nêu rõ: Chế biến thủy sản nhỏ lẻ, manh mún lạc hậu, cơ sở vật chất, năng lực tài chính yếu kém.

Các mặt hàng chế biến từ thủy sản của Nghệ An còn nghèo nàn, đơn điệu. Các sản phẩm chưa có sự đầu tư chế biến sâu để tạo nên giá trị gia tăng là thế mạnh của ngành Thủy sản (trừ mặt hàng đông lạnh). Sản phẩm công nghiệp chế biến của Nghệ An đang thiếu đi sự phong phú đa dạng đáp ứng yêu cầu của cuộc sống hàng ngày. Tại một số địa phương khác, sản phẩm chế biến từ thủy sản rất phong phú. Chẳng hạn như từ con cá tra của đồng bằng sông Cửu Long, nhà sản xuất đã đưa ra thị trường rất nhiều sản phẩm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Ngoài sản phẩm phi lê dành cho xuất khẩu, tại các siêu thị đang bày bán rất nhiều sản phẩm từ loài cá da trơn này như: cá kho tộ, chả cá, canh chua, thậm chí bao tử cá ba sa là một phụ phẩm của cá da trơn những cũng đã có mặt tại siêu thị, và món ăn này cũng đang thu hút thực khách…



Cơ sở chế biến nước mắm của Ông Nguyễn Văn Hùng, xã Diễn Bích, Diễn Châu. Ảnh: Phạm Bằng

Quay trở lại các sản phẩm của Nghệ An, thử phân tích một sản phẩm chủ lực đó là nước mắm. Theo thống kê, sản lượng nước mắm năm 2011 đạt 25 triệu lít, là mặt hàng chủ lực của công nghiệp chế biến. Có 4 doanh nghiệp và hơn 900 hộ dân tham gia, tiêu biểu là nước mắm Vạn Phần - là sản phẩm của Công ty Cổ phần thủy sản Vạn Phần Diễn Châu. Có truyền thống, có thương hiệu nhưng công ty này cũng đã nhiều phen lao đao khi sản phẩm làm ra bị ứ đọng.

Trong những năm qua, đã có những lúc nước mắm của ta “thua ngay trên sân nhà”. Tại những “thánh địa” của Vạn Phần là Diễn Châu, hay cái nôi của làng nghề nước mắm Quỳnh Dị là (Quỳnh Lưu), sản phẩm Chinsu, Nam Ngư… vẫn bày bán nhan nhản. Theo tìm hiểu một số hộ dân TP Vinh thì có đến khoảng 80% gia đình dùng các loại nước mắm không mang thương hiệu Nghệ An. Họ giải thích: Dùng nước mắm của ta tuy độ đạm cao nhưng có những cái bất tiện như phải chế biến để nguyên chất thì mặn không thể ăn được, mặt khác mùi đặc trưng rất khó tẩy. Ở phố, hầu hết là nhà tầng mùi ám rất lâu nếu như kho nấu bằng nước mắm địa phương.

Theo lời một cán bộ Chi cục HTX, tác giả của Đề án phát triển công nghiệp chế biến thủy sản Nghệ An, qua khảo sát nước mắm của ta chủ yếu phục vụ cho thị trường miền núi còn ở các đô thị, đồng bằng chưa ưa chuộng. Nguyên là do sản phẩm “truyền thống” quá “chung thủy” với truyền thống. Công nghệ chế biến, mẫu mã chậm thay đổi, chưa nắm bắt được thị hiếu của người tiêu dùng. Sản phẩm chủ yếu do các hộ gia đình sản xuất nên chất lượng thiếu tính ổn định, mức độ vệ sinh an toàn thực phẩm chưa được kiểm tra.

Nghệ An có 2 nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu là Công ty cổ phần XNK thủy sản Nghệ An và Công ty cổ phần XNK thủy sản Nghệ An 2. Công suất chế biến của 2 nhà máy từ 13-16 tấn sản phẩm/ngày, xuất khẩu vào các thị trường khó tính như Nhật Bản, EU, Mỹ… Hiện nay, Công ty cổ phần XNK Nghệ An đã ngừng hoạt động, còn dây chuyền sản xuất của Công ty XNK Nghệ An 2 hoạt động cầm chừng, chỉ sản xuất hàng gia công cho các cơ sở xuất khẩu lớn. Năm 2012, đơn vị đã cố gắng khắc phục khó khăn về nguồn vốn duy trì hoạt động, sản xuất được 450 tấn sản phẩm, doanh thu khoảng 60 tỷ đồng. Hiện nay, đơn vị chỉ được vay 3 tỷ đồng từ ngân hàng trên nhu cầu hàng chục tỷ đồng. Thiếu vốn, cho nên đơn vị chỉ hoạt động cầm chừng duy trì sự tồn tại, không thể phát triển được.

Hàng năm toàn tỉnh chế biến khoảng 2.200 tấn hàng khô, với sản phẩm chủ lực là cá hấp sấy các loại, phục vụ xuất khẩu tiểu ngạch và tiêu dùng nội địa. Việc chế biến hàng khô phụ thuộc vào thời tiết, hầu hết làm thủ công. Sản phẩm đơn điệu chỉ dừng lại ở khâu gia công nguyên liệu, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm chưa được kiểm soát. Đầu ra còn lệ thuộc vào bạn hàng nước ngoài.

Những năm gần đây phong trào xây dựng khu cấp đông phát triển. Toàn tỉnh hiện có 108 kho, sức chứa khoảng hơn 16.000 tấn cá được sơ chế, đưa vào cấp đông, bảo quản ở các kho lạnh. Đây là hình thức dự trữ cá để bán khi thị trường khan hiếm. Việc chế biến để tạo ra giá trị gia tăng rất ít.

Điểm các mặt hàng chủ lực, sản phẩm công nghiệp chế biến thủy sản của Nghệ An có thể thấy được bức tranh toàn cảnh mang một gam màu ảm đạm. không đem lại hiệu quả cao.

Để ngành công nghiệp chế biến thủy sản tỉnh nhà phát triển một cách mạnh mẽ, thiết nghĩ cần xây dựng chiến lược phát triển, căn cứ trên nhu cầu của thị trường mà trước hết là nhu cầu nội địa. Áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa khoa học công nghệ vào để thay thế cách chế biến thủ công truyền thống; đa dạng hóa các sản phẩm chế biến để đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng. Nhà nước cần có cơ chế chính sách để kích thích tạo điều kiện cho ngành công nghiệp này phát triển một cách bền vững.


Công Sáng

Mới nhất

x
Chế biến thủy sản - Bức tranh xám
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO