Chế độ cho cán bộ DS-KHHGĐ ở cơ sở chưa tương xứng
(Baonghean) - Công tác DS-KHHGĐ có vai trò hết sức quan trọng, không chỉ tác động đến sự phát triển kinh tế mà còn liên quan đến các vấn đề xã hội như: việc làm, đảm bảo phúc lợi xã hội, an ninh trật tự, sức khỏe con người... Chính vì vậy, đây là lĩnh vực được Đảng, Nhà nước và tỉnh đặc biệt quan tâm và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cũng như đảm bảo các điều kiện nhằm đạt kết quả cao nhất trong quá trình thực hiện. Ở tỉnh ta, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 20/NQ-TU, ngày 26/6/2009 về việc tiếp tục đẩy mạnh công tác DS-KHHGĐ trong tình hình mới; UBND tỉnh ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 20 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Theo đó, các cấp, các ngành, đoàn thể trong tỉnh cũng đã tích cực triển khai và đưa mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác DS-KHHGĐ vào chương trình công tác từng năm, từng thời kỳ để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Đến nay, quy mô gia đình có 1 hoặc 2 con ngày càng phổ biến. Số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ giảm còn 2,49. Tỷ lệ phát triển dân số giảm xuống còn 1,18%.
Tuy nhiên, Nghệ An đang là 1 trong 10 tỉnh trong cả nước có mức sinh cao, đạt 2,56 con/gia đình. Thêm vào đó, tỷ lệ sinh và tỷ lệ sinh con thứ ba đang có xu hướng gia tăng. Cơ cấu dân số của Nghệ An đang mất cân bằng giới tính khi sinh, với 119 bé trai/100 bé gái (năm 2011) và già hóa dân số với 11,7% dân số có độ tuổi từ 65 trở lên. Chất lượng dân số đang đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết, như số người tàn tật, trẻ suy dinh dưỡng đang còn cao (trên 21%), số phụ nữ trong độ tuổi sinh sản mắc các bệnh liên quan đến sinh sản nhiều... Bên cạnh đó, như mô hình xây dựng xã, phường không sinh con thứ ba ngày càng giảm, từ 10-13 xã, phường/năm (năm 2005), nay chỉ còn 6 xã, phường/năm (năm 2011).
Thực tế ở một số địa phương cho thấy, hiện nay, mặc dù đội ngũ cán bộ làm công tác DS-KHHGĐ ở cấp xã, xóm là lực lượng nòng cốt "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng" để tạo ra chuyển biến tích cực về công tác DS-KHHGĐ của tỉnh, nhưng chế độ mà đội ngũ này được hưởng chưa thực sự tương xứng với công sức bỏ ra. Cụ thể, đội ngũ cán bộ chuyên trách DS/KHHGĐ cấp xã, phường, thị trấn hiện nay đang được hưởng mức phụ cấp là 698.000 đồng/người/tháng (đối với vùng núi cao, vùng núi thấp) và 648.000 đồng/người/ tháng (vùng đồng bằng, đô thị). Mức hưởng này bao gồm phụ cấp từ Chương trình mục tiêu quốc gia đối với vùng núi cao là 200.000 đồng/người/tháng và vùng núi thấp và đồng bằng là 150.000 đồng/người/tháng và hưởng thêm phụ cấp từ ngân sách địa phương là 0,6 mức lương tối thiểu hiện hành theo Quyết định 58/2010/QĐ-UBND ngày 11/8/2010 của UBND tỉnh. Riêng đội ngũ cộng tác viên DS-KHHGĐ cấp xóm chỉ được hưởng chế độ phụ cấp là 50 nghìn đồng/tháng từ năm 2000 đến nay. Ngoài ra, việc thực hiện tuyển dụng đội ngũ cán bộ làm công tác DS-KHHGĐ thành viên chức y tế cấp xã theo Thông tư số 05/2008/TT-BYT của Bộ Y tế chưa thực hiện được. Điều này làm ảnh hưởng đến quyền lợi của đội ngũ này, bởi hiện nay một số người đủ tiêu chuẩn thì đã quá tuổi quy định tuyển dụng viên chức; một số khác thì không yên tâm tư tưởng để công tác, thậm chí là chuyển sang công việc khác, ảnh hưởng đến việc triển khai các hoạt động DS-KHHGĐ ở cơ sở. Việc đầu tư nguồn lực cho công tác DS - KHHGĐ từ tỉnh đến cơ sở còn thấp, chỉ mới ở mức 0,4 USD/người/năm (quy định mức tối thiểu là 0,6 USD/người/năm), cho nên chưa thật sự đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ DS-KHHGĐ đặt ra trong tình hình mới.
Các vấn đề trên đã được Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh nhìn nhận rõ thông qua cuộc khảo sát về việc thực hiện chính sách DS-KHHGĐ ở một số địa phương như Diễn Châu, Quỳ Châu và Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh vừa qua. Trên cơ sở đó, Ban cũng đã kiến nghị với các cấp, các ngành tiếp tục quan tâm nghiên cứu để sớm có những tác động cụ thể nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác DS-KHHGĐ trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
Mai Hoa