Chế tài xử phạt nợ đọng BHXH: Còn nhiều bất cập

04/11/2011 14:58

(Baonghean) - Tính đến hết tháng 9 năm 2011, toàn tỉnh Nghệ An có 326 đơn vị nợ BHXH bắt buộc từ 5 tháng trở lên với tổng số tiền nợ trên 48 tỷ đồng. BHXH Nghệ An đã khởi kiện 4 đơn vị, đang lập hồ sơ khởi kiện 2 đơn vị, chuẩn bị đề nghị khởi kiện 17 đơn vị...

Theo ông Nguyễn Chí Tuyến - Phó Giám đốc BHXH tỉnh Nghệ An thì mặc dù BHXH Nghệ An và các ban ngành liên quan đã dùng nhiều hình thức, sử dụng nhiều biện pháp, song tình hình nợ BHXH kéo dài trong các doanh nghiệp vẫn không chuyển biến. Nguyên nhân là do nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về BHXH của một số chủ sử dụng lao động hạn chế, chưa chú ý chăm lo đời sống và đảm bảo quyền lợi đối với người lao động. Bên cạnh đó, quy định hiện hành về việc xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về đóng BHXH còn bất hợp lý, chưa phù hợp. Trong khi mức lãi suất quy định đối với các doanh nghiệp chậm đóng BHXH chỉ 10,5%/năm (số tiền nợ), lãi BHYT chỉ có 0,667%, lãi BHXH là 0,775% thấp hơn nhiều so với lãi suất cho vay của các ngân hàng, tạo kẽ hở cho các doanh nghiệp cố tình chiếm dụng tiền bảo hiểm xã hội quay vòng vốn SXKD. Hơn thế nữa, chế tài xử phạt hành chính đối với các doanh nghiệp vi phạm BHXH lại quá nhẹ, mức phạt tối đa chỉ 30 triệu đồng theo Nghị định 86/2010 của Chính phủ. Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 92/2011/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm y tế, áp dụng từ ngày 1/12/2011, nhưng mức phạt cũng chỉ từ 500.000 đồng - 30 triệu đồng. Chính vì vậy, doanh nghiệp sẵn sàng "chây ỳ" chịu phạt ở mức cao nhất và trả lãi suất nợ BHXH thay vì nộp tiền bảo hiểm đúng hạn cho người lao động. Còn theo bà Hoàng Thị Thu Hương - Ban Chính sách pháp luật LĐLĐ tỉnh thì sở dĩ năm 2011, số đơn vị nợ BHXH tăng một phần do tác động của những khó khăn như: lãi suất ngân hàng tăng cao, vốn vay sản xuất, thuế đất, ảnh hưởng cắt giảm từ Nghị quyết 11.... Vừa qua, đoàn thanh tra liên ngành tổ chức thanh, kiểm tra 26 doanh nghiệp, kết quả cho thấy số đơn vị nợ đọng BHXH lớn chủ yếu rơi vào lĩnh vực giao thông vận tải, xây dựng cơ bản, có đơn vị số tiền nợ lên đến trên 2 tỷ đồng. Trên thực tế, một số đơn vị đúng là gặp khó do khăn lạm phát, thiên tai... nhưng nhiều đơn vị cố tình "lách luật", chiếm dụng tiền BHXH để phục vụ SXKD. Mặt khác, công tác quản lý doanh nghiệp sau khi đăng ký kinh doanh ở tỉnh ta còn lỏng lẻo. Rất nhiều doanh nghiệp không khai trình được việc sử dụng lao động kể từ ngày doanh nghiệp bắt đầu hoạt động. Số khác không tìm thấy theo địa chỉ trong Giấy đăng ký kinh doanh, hoặc không hoạt động, hoặc đã giải thể...



Nộp bảo hiểm xã hội đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Ảnh: S.M

Mặc dù Bảo hiểm xã hội Nghệ An đã có nhiều biện pháp để buộc các đơn vị phải tham gia BHXH, BHYT và thực hiện đóng BHXH, BHYT theo đúng quy định của pháp luật, nhưng việc đôn đốc thu nộp BHXH, BHYT vẫn gặp nhiều khó khăn. Tính đến hết tháng 9 năm 2011, toàn tỉnh có 326 đơn vị nợ BHXH bắt buộc từ 5 tháng trở lên với tổng số tiền nợ trên 48 tỷ đồng. Ngoài việc phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền, tiến hành các biện pháp thu nợ, BHXH Nghệ An còn chủ động tiến hành khởi kiện các chủ sử dụng lao động vi phạm các quy định của pháp luật về quyền và nghĩa vụ của người lao động trong lĩnh vực BHXH, BHYT. Thực tế, năm 2010 đã có 4 doanh nghiệp bị khởi kiện ra tòa vì tình trạng nợ đọng lớn và kéo dài. Đó là Công ty Nạo vét đường biển 2 (nợ trên 33 tháng với số tiền hơn 4 tỷ đồng), Công ty cổ phần Xây dựng và tư vấn thiết kế cầu đường Nghệ An (54 tháng, trên 2 tỷ đồng), Công ty cổ phần Gốm Vinh Viglacera (nợ 12 tháng, 300 triệu đồng), Công ty cổ phần Công nghiệp ô tô Trường Sơn (trên 1,8 tỷ đồng). Năm 2011, BHXH Nghệ An đã phát hồ sơ khởi kiện 2 đơn vị là Công ty Công trình giao thông miền Trung ( nợ 87 tháng, trên 2,5 tỷ đồng); Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng 24 (Thủy lợi 24) (nợ 14 tháng trên 3 tỷ đồng), hiện đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị khởi kiện 17 doanh nghiệp nợ đọng kéo dài. Việc khởi kiện này tác động trực tiếp tới doanh nghiệp, vì nếu doanh nghiệp bị khởi kiện thì các chế độ ngắn hạn, dài hạn của người lao động không được thực hiện. Khi nào Cục Thi hành án và Chi cục Thi hành án của các huyện, thành, thị xác định các đơn vị đã trích nộp xong số tiền chưa đóng hoặc chậm đóng thì các chế độ trên mới được thực hiện. Tuy nhiên, theo ông Bùi Ngọc Thanh, Trưởng phòng Quản lý thu- BHXH tỉnh thì: "Đó cũng chưa phải là giải pháp thiết thực nhất bởi thực tế 4 doanh nghiệp đã bị kiện ra tòa đến nay vẫn đang nằm trong diện chưa hoàn chỉnh nợ, trong đó có 2 đơn vị đã bị Cục Thi hành án đề nghị cưỡng chế..."

Khó nhất của ngành bảo hiểm hiện nay là không có thẩm quyền xử phạt mà chỉ có quyền phát hiện, khởi kiện. Tuy nhiên, thủ tục xử phạt hay khởi kiện một đơn vị nợ đọng tiền đóng BHXH còn rất nhiều khó khăn, phức tạp. Vì vậy trong thực tế, số đơn vị vi phạm nhiều, nhưng số vụ việc được xử lý còn quá ít và chậm trễ. Do đó, ngoài việc phải xác định rõ trách nhiệm của chính quyền các cấp, ngành liên quan, tổ chức công đoàn trong việc thực hiện Luật BHXH thì việc sửa đổi các quy định hiện hành về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHXH theo hướng nâng cao mức phạt (đang có ý kiến trình Quốc hội xem xét tăng từ 10-15%), quy định mức lãi suất chậm đóng BHXH linh hoạt, tối thiểu cũng bằng lãi suất tiền vay quá hạn của các ngân hàng thương mại quy định tại từng thời điểm tính lãi cũng hết sức cần thiết. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng nên giao cho BHXH thẩm quyền thanh tra và xử phạt các doanh nghiệp, đơn vị nợ đọng tiền BHXH để hạn chế những bất cập trong việc thu hồi nợ đọng tiền đóng theo luật định, đảm bảo quyền lợi cho người lao động.


Khánh Ly

Mới nhất
x
Chế tài xử phạt nợ đọng BHXH: Còn nhiều bất cập
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO