Chết đói ở Syria: Tội ác chiến tranh

09/02/2014 20:11

Nạn đói là vũ khí mới nhất và tàn bạo nhất mà Chính phủ Syria đang dùng để trừng phạt người dân trong vùng chiếm đóng của phe đối lập. Những đứa trẻ với đầu phình to, những bà mẹ kiệt sữa và những bộ xương di động là điều mà các bác sỹ và các nhà hoạt động nhân đạo phải chứng kiến ở vùng ngoại ô Damascus.

(Baonghean) - Nạn đói là vũ khí mới nhất và tàn bạo nhất mà Chính phủ Syria đang dùng để trừng phạt người dân trong vùng chiếm đóng của phe đối lập. Những đứa trẻ với đầu phình to, những bà mẹ kiệt sữa và những bộ xương di động là điều mà các bác sỹ và các nhà hoạt động nhân đạo phải chứng kiến ở vùng ngoại ô Damascus.

Một trong những trường hợp chết vì nạn đói đầu tiên là cô bé Farah Atout, 1 tuổi, được đưa đến Trung tâm y tế Maliha trong tình trạng suy nhược trầm trọng, rên rỉ trong lúc các bác sỹ chật vật tìm ven để truyền dinh dưỡng qua tĩnh mạch cho cô bé. Bác sỹ điều trị cho Atout tháng 11 vừa rồi, ông Mazin Ramadan cho hay "Tôi nhớ rất rõ đứa trẻ ấy, khoảng 1 tuổi và chỉ nặng có 4kg". Gia đình cô bé đã bỏ lại ngôi làng của mình, đi tị nạn chỉ với một ít quần áo trên người và hầu như không có lương thực. "Họ đi đến, đặt đứa trẻ vào tay chúng tôi với niềm hy vọng mãnh liệt rằng chỉ với vài liều thuốc, cô bé sẽ khoẻ lại". Sau 48 tiếng đồng hồ, cô bé trở thành một bộ-xương với băng và khung đỡ kín mít, chỉ để lộ ra khuôn mặt vàng vọt run rẩy. Nhưng cảnh tượng đã từng là kinh khủng và ấn tượng mạnh mẽ ấy bây giờ trở nên quá đỗi quen thuộc, lặp đi lặp lại tại vùng ngoại ô Damascus.

Một đứa trẻ suy dinh dưỡng ở trại tị nạn Yarmouk.
Một đứa trẻ suy dinh dưỡng ở trại tị nạn Yarmouk.

Một y tá giấu tên vì sợ bị trả thù tại trại tị nạn Palestine Yarmouk cho biết mỗi ngày có khoảng 4 người lớn bị thương. Những thường dân này chỉ cố tìm lương thực ở những cánh đồng lân cận Damascus, bị nhắm bắn bởi các tay súng tỉa và thậm chí là bị giết. Trại tị nạn Yarmouk được thành lập từ năm 1957, đã là nơi tị nạn không chính thức cho hàng nghìn người Palestine từ hàng thập kỷ nay - những nạn nhân của cuộc chiến tranh Hồi giáo Israel.

Ở Bệnh viện quốc gia Nam Damascus, gần Yarmouk, mỗi ngày có 43 người chết đói, trong đó 22 là trẻ em. Đứa bé nhất chỉ mới 23 ngày tuổi. Đa số tử vong chỉ trong vòng 1 tháng qua và con số vẫn tiếp tục tăng lên nhanh chóng, một nhân viên y tế cho biết. "Đôi khi chỉ là một ca suy dinh dưỡng hoặc thiếu thuốc, nhưng chúng tôi hoàn toàn tuyệt vọng vì không thể làm gì được cho lũ trẻ. Chúng tôi đã chạm đến ngưỡng mà việc cứ một đứa trẻ thiệt mạng mỗi 2, 3 ngày là chuyện bình thường", một bác sỹ giấu danh tính vì sợ bị chính quyền trả thù cho biết. Các bố mẹ cũng suy sụp và tuyệt vọng trước tình trạng của lũ trẻ. "Vài ngày trước tôi có một bệnh nhân 2 tuổi trong tình trạng nguy kịch. Khi được thông báo, người bố chỉ bình thản nói không lưỡng lự, "Được rồi, tôi sẽ đưa nó về nhà, tôi còn biết làm gì nữa, không có thức ăn cũng chẳng có thuốc".

Greg Barrow, người phát ngôn của chương trình lương thực thế giới của Liên Hiệp Quốc cho biết, "1000 ngày đầu tiên của cuộc sống là quá trình cực kỳ quan trọng trong việc phát triển của mỗi người. Khi đứa trẻ đang ở trong bụng mẹ và người mẹ không nhận được đủ dinh dưỡng thì đứa trẻ sẽ không phát triển được, và sự thiếu hụt này là không thể bù đắp được".

Trong một video được phát tán rộng rãi trên youtube cho thấy một cậu bé 10 tuổi với thân hình gầy gò như một bộ xương di động tên là Bashar Kaboush ở phía Đông Thị trấn Ghouta. Một người đàn ông tự xưng là họ hàng của cậu bé hét lên trong đoạn phim "Chúa có chấp nhận điều này không? Hãy nhìn đứa trẻ này. Thế giới có chấp nhận được không? Đây có còn là cơ thể con người không? Đây có là cánh tay của một con người không? Nó chỉ mới 10 tuổi thôi".

Nguyên nhân của nạn đói là do vành đai cung cấp thực phẩm cho vùng đang trong kiểm soát của phe đối lập đang bị chính phủ phong toả. Trong khu vực của phiến quân bây giờ chỉ còn lại những cánh đồng bị chiến tranh tàn phá và rất ít kho dự trữ lương thực ít ỏi không đủ cho hàng ngàn con người bị phong toả bởi xe tăng của chính phủ. Nhiều người cho rằng đây là đòn trừng phạt của chính phủ nhắm vào khu vực đối lập.

Tình hình chiến sự căng thẳng gây khó khăn cho việc ước tính tình hình hiện tại nhưng con số đang được đưa ra là 800000 thường dân đang bị phong toả. Tổ chức Ân xá quốc tế tuyên bố "Chính phủ Syria đang trừng phạt tàn bạo thường dân trong vùng phiến quân. Đây là một tội ác chiến tranh, cần gỡ bỏ phong toả ngay lập tức và cứu trợ nhân đạo không được bị lợi dụng nhằm mục đích chính trị hay quân sự".

Đàm phán hoà bình Geneva II khả năng sẽ tiến tới một vài thoả thuận về cứu trợ nhân đạo nhưng liệu có đủ để cải thiện tình hình ở Syria, khi mà người dân vô tội đang chết dần chết mòn, trong khi cứu trợ nhân đạo có ở khắp nơi trên cả nước? Chiến tranh là đổ máu, là nổ súng, nhưng cũng là cuộc chiến chà đạp lên nhân tính và tình thương yêu đồng loại. Đây là câu hỏi chất vấn nhà cầm quyền Syria, nhất là khi những người bỏ mạng chỉ là nạn nhân của cuộc chiến.

Nấm Linh Chi

Mới nhất
x
Chết đói ở Syria: Tội ác chiến tranh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO