Chết giả

25/12/2014 16:49

(Baonghean) - Ngày 19/12/2014, một số người dân vốn dĩ được coi là hiền lành, chất phác ở huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa đã “rủ nhau” đánh đến chết tại chỗ 2 nam thanh niên vì bị nghi là trộm chó… Sau vụ việc, nếu không nhầm thì hình như bà con “tỉnh nhà” này đã chính thức lập kỷ lục “loại khỏi vòng chiến đấu” 15 “cẩu tặc” trong quãng thời gian chỉ 4 năm, kể từ thời điểm 2011. Điều đáng nói là vụ đánh người hội đồng không thương tiếc kia được thực hiện trong suốt quãng thời gian khá dài, với số lượng người tham gia cũng khá đông, và với một “tinh thần” đánh cũng khá... phấn chấn!

Tháng trước, một số người dân xã Yên Bằng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định cũng đã “kịp” đánh chết, đồng thời “tiêu hủy phương tiện” của một đối tượng na ná khác. Thậm chí cách đây chưa lâu, 800 người dân một xã thuộc huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang đã “xung phong” ký tên vào bản nhận tội vì đã tham gia đánh chết 2 cẩu tặc. Nếu không quá chật hẹp về thời gian, có lẽ chúng ta nên lên trang công cụ tìm kiếm google gõ các từ khóa “cẩu tặc” hoặc “trộm chó bị đánh chết” để xem các vụ việc kiểu này nó nhan nhản đến mức nào.

Chưa có điều kiện để thống kê một cách hệ thống và chi tiết hết 64 tỉnh thành, nhưng chắc chắn không có địa phương nào “thoát” được nạn câu trộm chó. Thậm chí, trong khi VTV1 nhà mình chiếu bộ phim “Bác sĩ thú y” của Nhật Bản, thì nạn trộm chó giết thịt ở Việt Nam còn được lên cả chương trình truyền hình… nước ngoài! Thịt chó là món khoái khẩu ở xứ mình. Ấy là vấn đề thuộc về văn hóa ẩm thực, không ai cấm được cả. Chỉ tiếc, không giống như lợn, bò, ngan hay vịt… hình như không thấy ai nuôi “chó thịt” cả. Cũng chưa thấy một mô hình nào nuôi chó tập trung kiểu “ăn cám con cò” để cung cấp cho các nhà hàng. Bởi vậy, nguồn cung cấp thứ thực phẩm kỹ tính này chỉ có hai con đường: một là nhập lậu từ bên ngoài (một số nước lân cận ở khu vực Đông Nam Á) hai là “nguồn xã hội hóa” bằng cách đi bắt trong dân.

Gần đây, nguồn chó nhập lậu bị các cơ quan chức năng ngăn chặn ráo riết, trong lúc đó, món “cầy tơ” lại vào mùa nên cẩu tặc lại càng nở rộ. Phải nói là nạn trộm chó ở ta đã không chừa địa phương nào. Kẻ trộm chó càng ngày càng tỏ ra chuyên nghiệp và manh động. Từ đánh bả, đến bẫy, rồi câu, rồi kẹp sắt thậm, chí cả cướp giật ngay trên tay những người dắt cún yêu đi dạo. Từ đêm khuya đến tờ mờ sáng, bây giờ thì cả giữa ban ngày ban mặt, những kẻ trộm chó ngang nhiên lượn lờ xe máy mọi ngõ ngách kiếm cơ hội. Khi bị phát hiện thì không chỉ bỏ chạy, mà còn đánh trả bằng vũ khí nóng như kiếm, súng bắn đạn hoa cải, roi điện… Nhiều người dân đã phải đổ máu vì bọn này. Tức lắm!

Không giống với những loài gia súc gia cầm khác, chó là động vật thông minh và đặc biệt có tình cảm với chủ. Người ta nuôi chó là để giữ nhà, để vui, để chơi, thậm chí để nghe... sủa, chứ ít ai nuôi chó để làm thịt. Chó sống dai, mỗi con chó dường như đều gắn bó với một quãng thời gian khá dài với gia chủ. Nói không ngoa, nhiều người chăm chó hơn cả chăm bản thân mình. Thành thử cũng không quá khó hiểu khi con thú yêu bị cẩu tặc tóm cổ thì họ buồn, họ đau khổ, họ bức xúc và “thèm”... đánh như thế nào.

Tuy nhiên, từ một vụ đến hàng chục, rồi hàng trăm vụ, từ đánh trọng thương đến đánh bằng chết, từ vài người tham gia đến cả làng, thì câu chuyện tưởng như chỉ mang tính xả giận cộng răn đe cá biệt này đã vượt ra xa ngoài những quy định đầy nhân văn “đúng người, đúng tội” của pháp luật. Sự việc thì đã có, đã rõ, vậy nguyên nhân từ đâu? Có lẽ một là nạn trộm chó hoành hành, các địa phương chưa có biện pháp nào triệt để được. Hai là kẻ trộm chó coi thường pháp luật, coi thường người dân, manh động đánh trả khi bị phát hiện, tạo nên sự bức xúc dồn nén. Ba là nhận thức về pháp luật của một bộ phận nhân dân còn hạn chế, ỷ thế đông người. Họ cho rằng chỉ có đánh chết mới “trị” được bọn này. Một số khác thì bị hội chứng đám đông, thấy người ta đánh thì cũng tham gia đánh… cho vui. Và hậu quả là tội giết người!

Trả lời một tờ báo, Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP. Hồ Chí Minh cho rằng, cần xem lại trách nhiệm của chính quyền địa phương nơi xảy ra nạn trộm chó kéo dài, dẫn tới việc người dân phẫn uất, tổ chức rình rập rồi đánh chết người đi ăn trộm. Theo luật sư Hậu, Bộ Luật Hình sự đã điều chỉnh về vấn đề này, hành vi trộm chó thuộc nhóm trộm cắp tài sản. Mặc dù 1 con chó giá trị chưa tới 2 triệu đồng, chỉ bị lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính, nhưng các quy định pháp luật đã nêu rõ nếu tái phạm nhiều lần sẽ bị xem xét xử lý hình sự. “Không thể lấy lý do mất trộm chó mà dồn hết những bức xúc vào việc đánh chết người. Người dân bắt được kẻ trộm chó hãy giao nộp cho công an xử lý, để họ “ghi sổ” hành vi vi phạm và khi phát hiện kẻ trộm chó tái phạm thì xem xét xử lý hình sự”, cũng theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu.

Kẻ trộm chó phải bị nghiêm trị, nếu chỉ xử phạt hành chính rồi thả chắc chắn chưa đủ sức răn đe. Tuy nhiên, cần tuyên truyền người dân ý thức chấp hành pháp luật. Trực tiếp đánh chết người cho… hả dạ rồi “hòa cả làng” là sự vi phạm pháp luật. Ở góc độ nào đó, có thể nó có giá trị răn đe với kẻ vi phạm, nhưng lại tạo dấu ấn không tốt với những người xung quanh nhất là các cháu nhỏ khi phải chứng kiến cảnh người ta đánh ai đó đến chết. Công an Thanh Hóa đã khởi tố điều tra, nhưng câu chuyện chưa hề khép lại.

Có một chi tiết cũng đáng để quan tâm, là trong vụ việc đánh chết người ở Thanh Hóa vừa rồi, tổng cộng có 4 đối tượng, nhưng “chỉ” có 2 tử nạn, còn 2 người khác chỉ bị thương vì đã “nằm im giả chết”. Thế mới biết, đôi khi muốn sống sót lại phải giả chết cơ đấy! Nhắc lại chuyện lá đơn 800 người thú tội ở tỉnh nọ, nếu như có một phiên tòa xử ngần ấy bị cáo thì sợ cũng có anh... chết giả?!

Nguyễn Khắc An

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

Chết giả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO