Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 20/5/2013 của Ban Bí thư
Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 20/5/2013 của Ban Bí thư về lãnh đạo Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ VIII (nhiệm kỳ 2014-2019)
Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ VIII (nhiệm kỳ 2014-2019) là sự kiện chính trị quan trọng diễn ra trong bối cảnh nước ta đang tiếp tục thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, với nhiều thuận lợi và khó khăn, thách thức mới. Trong bối cảnh đó, yêu cầu tăng cường, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, nâng cao nhận thức, trách nhiệm về vị trí, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có ý nghĩa rất quan trọng, bảo đảm thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc như Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã xác định.
Để lãnh đạo Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ VIII đạt kết quả cao, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:
1- Lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp chuẩn bị và tiến hành tổ chức đạo hội đạt chất lượng và hiệu quả tốt nhất.
- Về báo cáo tổng kết nhiệm kỳ, cần đánh giá đúng tình hình nhân dân và việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; nêu rõ những kết quả đạt được, những khó khăn, hạn chế, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm của công tác Mặt trận trong nhiệm kỳ qua; chú ý biểu dương những nhân tố mới, những cách làm hay; phát hiện những vấn đề mới đặt ra cần giải quyết trong nhiệm kỳ tới trên tinh thần cụ thể, sát thực tế và khả thi.
Chương trình hành động của nhiệm kỳ mới cần bám sát yêu cầu, nhiệm vụ của nghị quyết đại hội đảng các cấp và Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng, các nghị quyết của Trung ương, Kết luận số 62-KL/TW, ngày 08-12-2009 của Bộ Chính trị khóa X về “Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội”; nêu rõ mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, gắn liền với đổi mới phương thức hoạt động của Mặt trận ở các cấp, hướng mạnh về cơ sở, xây dựng khu dân cư văn hóa. Thể hiện rõ vai trò của Mặt trận trong việc thực hiện đa dạng hóa các hình thức tập hợp nhân dân và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc. Đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động rộng khắp và có hiệu quả; phát huy dân chủ, tiếp thu sáng kiến, kiến nghị của nhân dân; thực hiện tốt vai trò giám sát và phản biện xã hội, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp nhân dân; tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị vững mạnh; mở rộng công tác đối ngoại nhân dân để không ngừng nâng cao uy tín của Đảng và Nhà nước. Cổ vũ, phát huy tiềm năng, sức mạnh, trí tuệ của nhân dân cống hiến cho đất nước, góp phần củng cố mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân, tăng cường sự đồng thuận xã hội.
- Việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần được đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp kiến nghị để Đại hội toàn quốc xem xét, quyết định phù hợp với yêu cầu tình hình, nhiệm vụ mới.
- Việc chuẩn bị nhân sự Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, phải căn cứ tiêu chuẩn cán bộ và cơ cấu theo quy định của Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; coi trọng tính tiêu biểu, tính đại diện và tính thiết thực; mở rộng thành phần là những cá nhân tiêu biểu, đại diện cho các giai cấp, các tầng lớp, các dân tộc, các tôn giáo, người Việt Nam ở nước ngoài có đủ điều kiện hoàn thành nhiệm vụ của ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp mình. Tăng số ủy viên là người ngoài Đảng (bảo đảm ở Trung ương đạt từ 45%-50%, ở các cấp địa phương đạt từ 25%-30%) để Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp thực sự là liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện rộng lớn nhất, là hình ảnh tiêu biểu cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Việc hiệp thương cử đại biểu dự đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc cấp trên cần được lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, bảo đảm cơ cấu, thành phần, chất lượng đại biểu để hoàn thành tốt nhiệm vụ tham gia đại hội.
- Kiện toàn tổ chức, bộ máy cơ quan Mặt trận các cấp và đội ngũ cán bộ chuyên trách đủ về số lượng, bảo đảm chất lượng và cơ cấu phù hợp. Đồng thời mở rộng và tạo điều kiện để phát huy đội ngũ cán bộ không chuyên trách, chuyên gia tư vấn, cộng tác viên cho các hoạt động đa dạng, sâu sát các tầng lớp nhân dân của Mặt trận. Các cấp ủy đảng cần phân công đồng chí trong Ban Thường vụ làm Bí thư Đảng đoàn và giới thiệu để bầu giữ chức Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp.
2- Đại hội Mặt trận Tổ quốc các cấp phải được tập trung chỉ đạo, chuẩn bị chu đáo để đại hội diễn rat rang trọng, an toàn, tiết kiệm, hiệu quả, đúng tiến độ và đúng quy định của Điều lệ. Thời gian tiến hành đại hội cấp cơ sở thực hiện từ quý IV-2013 và hoàn thành trước tháng 3-2014; cấp huyện hoàn thành trước tháng 5-2014; cấp tỉnh hoàn thành trước tháng 7-2014; Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ VIII tổ chức vào tháng 9-2014.
3- Tăng cường công tác tuyên truyền trước, trong và sau Đại hội; coi trọng công tác tuyên truyền trong nước và thông tin, tuyên truyền đối ngoại về chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc, về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đấu tranh chống những luận điệu xuyên tạc chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Mặt trận Tổ quốc các cấp cần tổ chức phát động phong trào thi đua sôi nổi, thiết thực, đạt kết quả cao nhất chào mừng đại hội Mặt trận Tổ quốc cấp mình và Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ VIII. Thực hiện tốt công tác đối ngoại nhân dân để góp phần cùng với hoạt động đối ngoại của Đảng, ngoại giao của Nhà nước nhằm xây dựng, củng cố và phát triển môi trường hòa bình, hữu nghị, hợp tác, cùng phát triển. Đồng thời, chú trọng đoàn kết người Việt Nam ở nước ngoài nhằm quy tụ, tạo sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; phát huy vai trò tích cực của người Việt Nam ở các nước trong việc mở rộng và tăng cường tình hữu nghị giữa các dân tộc, tích cực ủng hộ sự nghiệp đổi mới của nhân dân ta.
4- Đảng đoàn Quốc hội, Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban cán sự đảng Chính phủ tăng cường phối hợp, tập trung lãnh đạo việc thể chế hóa các nội dung cơ bản về đại đoàn kết toàn dân tộc, về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan phù hợp với Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng. Chính phủ chỉ đạo các cấp chính quyền, các ngành tạo mọi điều kiện để Mặt trận chuẩn bị và tiến hành tổ chức tốt Đại hội.
5- Các cấp ủy đảng chỉ đạo việc rà soát, điều chỉnh, bổ sung những quy định về chế độ, chính sách để phát huy vai trò, trách nhiệm của cán bộ Mặt trận, nâng cao năng lực hoạt động của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp; lãnh đạo các cấp chính quyền, đoàn thể phối hợp và bảo đảm điều kiện để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tổ chức tốt đại hội.
6- Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Dân vận Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng giúp Ban Bí thư theo dõi và tổ chức thực hiện Chỉ thị này.
Chỉ thị này phổ biến đến chi bộ.
T/M BAN BÍ THƯ
(đã ký)
Lê Hồng Anh