Chi trả dịch vụ môi trường rừng:Cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân
(Baonghean) - Sau 3 năm triển khai, Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) đã khẳng định sự đúng đắn, góp phần quan trọng trong công tác bảo vệ rừng. Tuy nhiên, việc chi trả DVMTR vẫn còn chậm, gây ảnh hưởng tâm lý người dân bảo vệ rừng.
“Lấy rừng nuôi rừng”
Chị Lô Thị Lợi ở bản Xốp Tụ, xã Mỹ Lý, Kỳ Sơn (thuộc lưu vực Thủy điện Bản Vẽ) tâm sự: “Nhà mình nhận giao khoán bảo vệ trên 18 ha rừng, được hưởng chính sách chi trả DVMTR 232.000 đồng/ha, nên rất phấn khởi vì có thêm tiền để trang trải cuộc sống. Hàng tuần, gia đình đều bố trí người cùng với các nhóm hộ đi tuần tra bảo vệ rừng”. Còn ở bản Xiêng Tắm, xã Mỹ Lý có 30 hộ đại diện nhận khoán trên 500 ha rừng, từ khi được giao khoán, bà con tổ chức bảo vệ rất tốt, không để xảy ra chặt phá rừng.
Người dân chăm sóc, bảo vệ rừng ở xã Yên Na, huyện Tương Dương. |
Theo ông Kha Ngọc Minh - Chủ tịch UBND xã Mỹ Lý, những năm trước đây, do chưa hiểu hết tầm quan trọng và ý nghĩa của rừng nên vẫn còn một số người lén lút chặt phá rừng. Nay bảo vệ rừng được trả công từ nguồn chi trả tiền DVMTR nên bà con rất tích cực. Trên 6.000 ha rừng được hưởng chính sách từ nguồn chi trả DVMTR cơ bản đều bảo vệ tốt. Từ năm 2012 đến nay, xã không để xảy ra cháy rừng, giữ rừng tốt, đã góp phần đảm bảo được nguồn nước ngầm, nước khe suối để phục vụ cuộc sống cho bà con”.
Còn tại huyện Quế Phong, Công ty Thuỷ điện Hủa Na có tổng công suất 180 MW mỗi năm phải chi trả gián tiếp gần 10 tỷ đồng cho phí DVMTR thông qua Quỹ Bảo vệ môi trường rừng tỉnh Nghệ An để Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt chi trả cho người trông coi, bảo vệ rừng. Để bảo vệ tốt diện tích rừng phòng hộ và rừng đặc dụng, Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt đã giao - khoán cho 798 hộ dân thuộc 2 xã Đồng Văn và Thông Thụ trông coi. Năm 2014, Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt đã tiến hành chi trả tiền cho nhân dân. Ông Quang Văn Hiếu, bản Mường Phú, xã Thông Thụ (huyện Quế Phong) cho biết: “Năm 2014, gia đình tôi nhận bảo vệ 25 ha thì được trả 7.500.000 đồng/năm. Nguồn thu nhập này đã nâng cao đời sống gia đình; Vì vậy, chúng tôi yên tâm tham gia bảo vệ rừng”.
Hiện nay, Ban Quản lý khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt tiếp tục giao khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng người dân vùng đệm. Tính đến nay đơn vị đã giao khoán cho hơn 2.000 hộ dân với tổng diện tích 62.000 ha. Việc chi trả phí DVMTR, sẽ được thực hiện theo mỗi quý một lần. Ông Nguyễn Danh Hùng - Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt (huyện Quế Phong) cho biết: Chính sách chi trả DVMTR rất bền vững bởi gắn chặt giữa người bảo vệ rừng và công ty sử dụng. Nếu bảo vệ rừng tốt thì mới sinh ra nguồn nước; khi nhà máy ổn định công suất phát điện ổn định thì mới có tiền đầu tư lại cho người bảo vệ rừng”.
Phương châm “lấy rừng nuôi rừng” để nhà máy thủy điện có nước, địa phương có rừng, người dân được nhận phí và sống được nhờ rừng, là một cách làm hiệu quả, góp phần ổn định và bảo vệ các cánh rừng bền vững.
Giải ngân chậm
Mặc dù việc chi trả DVMTR mang lại hiệu quả rất lớn cho công tác bảo vệ rừng. Nhưng việc giải ngân khoản kinh phí này đang bị chậm ảnh hưởng đến tâm lý của người dân bảo vệ rừng. Ông Kha Ngọc Minh - Chủ tịch UBND xã Mỹ Lý (Kỳ Sơn) đề nghị: “Để bảo vệ rừng hiệu quả hơn, chúng tôi đề xuất cần phải chi trả số tiền DVMTR còn nợ của bà con 30% trong các năm 2012 và 2013 và thanh toán số tiền bảo vệ rừng 9 tháng đầu năm 2014. Nếu tiền chi trả được giải ngân kịp thời, bà con sẽ có thêm phần kinh phí để ổn định cuộc sống, chuyên tâm hơn việc giữ rừng”. Được biết Ban quản lý rừng phòng hộ (RPH) Kỳ Sơn quản lý trên 69.000 ha rừng, hiện có 24.000 ha rừng thuộc lưu vực Thủy điện Bản Vẽ được hưởng chính sách DVMTR. Bao gồm 96 nhóm hộ (tương đương trên 900 hộ dân) được hưởng chính sách DVMTR. Ban đã cung cấp đầy đủ hồ sơ thanh toán cho Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng của tỉnh. Tuy nhiên, tốc độ giải ngân còn quá chậm. Từ năm 2012 - 2013, Quỹ mới chi trả được 2 đợt trên 8,6 tỷ đồng (tương đương 70% số tiền, còn 30% chưa giải ngân). Ông Cao Văn Quỳnh – Trưởng Ban Quản lý RPH Kỳ Sơn cho hay: “Chính sách chi trả DVMTR là chủ trương đúng đắn, đem lại lợi ích nhiều mặt, làm thay đổi nhận thức, khích lệ bà con bảo vệ rừng. Tuy nhiên, việc giải ngân quá chậm ảnh hưởng niềm tin đối với một số bà con được giao khoán bảo vệ rừng, ảnh hưởng trong việc, Ban đang tiếp tục lập hồ sơ cho trên 2.000 hộ quản lý bảo vệ 45.000 ha ở lưu vực Thủy điện Khe Bố được hưởng chính sách DVMTR. Liệu trả chậm vậy bà con có tin nữa không?”
Ban Quản lý RPH Tương Dương cũng được chi trả DVMTR 22.428 ha rừng, thuộc lưu vực Thủy điện Bản Vẽ gồm các xã Mai Sơn, Nhôn Mai, Hữu Khuông, Lượng Minh, Yên Na… Nhưng tiền chi trả trong đợt 1 của năm 2012 - 2013 chỉ mới được gần 8 tỷ đồng (được 70% số tiền chi trả) còn lại 30% chưa giải ngân. Ông Ngũ Văn Trị - Trưởng Ban Quản lý RPH Tương Dương cho biết: “Trong tháng 6/2014, ban còn tiếp tục hoàn thành viêc lập hồ sơ thêm 4.337 ha rừng trong lưu vực Thủy điện Bản Vẽ được hưởng chính sách DVMTR, nhưng đến thời điểm này vẫn chưa được giải ngân. Khó khăn đặt ra hiện nay là ngoài việc người dân giữ rừng bị chậm trả chế độ tiền DVMTR, 19 cán bộ bảo vệ rừng diện 2B của ban cũng phụ thuộc nguồn lương từ DVMTR, mà đã hơn 4 tháng nay cũng chưa được nhận lương. Nhiều cán bộ diện 2B phải vay mượn tiền để sinh hoạt, bám trụ giữ rừng. Chúng tôi rất mong các ngành liên quan giải quyết những vướng mắc để kịp thời giải ngân tiền DVMTR cho bà con được giao khoán và những cán bộ diện 2B yên tâm trong công tác bảo vệ rừng”.
Được biết Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Nghệ An chủ yếu huy động nguồn thu ủy thác và chi trả DVMTR từ các cơ sở thủy điện, sản xuất và cung ứng nước sạch … Cụ thể là tất cả các thủy điện trên lưu vực địa bàn Nghệ An đều ủy thác nguồn vốn qua Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Nghệ An. Sau khi các chủ rừng hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định của Nhà nước thì sẽ được quỹ trực tiếp chi trả cho các chủ rừng trên. Tổng thu đến thời điểm này là trên 109 tỷ đồng, trong đó tổng số tiền chi rất hạn chế chỉ mới được trên 29 tỷ đồng. Trong đó, chi nguồn DVMTR là trên 28 tỷ đồng mới đạt 26%, còn lại là chi hoạt động quản lý quỹ là trên 4,4 tỷ đồng, chi cho công tác rà soát các lưu vực thủy điện trên 1,8 tỷ đồng. Báo cáo sơ kết 3 năm của Bộ NN & PTNT về thực hiện chính sách chi trả DVMTR nêu nguyên nhân dẫn đến giải ngân thấp tại một số tỉnh, trong đó Nghệ An vẫn lúng túng trong việc xác định đối tượng chi, còn phó thác hoàn toàn cho tư vấn triển khai nhiệm vụ thực hiện rà soát chủ rừng, nên thời hạn kéo dài và chất lượng xác định diện tích rừng đến chủ rừng chưa cao.
Trao đổi về nguyên nhân chậm tiến độ giải ngân, ông Nguyễn Khắc Lâm - Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Nghệ An lý giải: Do hồ sơ giao khoán thiết kế bảo vệ rừng của các chủ rừng lập thẩm định và phê duyệt chưa kịp tiến độ để chi trả. Cụ thể là tổng diện tích rừng trong các lưu vực thủy điện được phê duyệt là 316.508,35 ha, trong đó các chủ rừng là 236.331,57 ha (chiếm 75%) nhưng mới có 89.610,5 ha đã được lập hồ sơ và phê duyệt hoàn chỉnh. Một số diện tích đã có hồ sơ phê duyệt nhưng chưa chuyển đổi thành hồ sơ chi trả DVMTR, số đang trình hồ sơ phê duyệt là 68.400 ha, chưa lập hồ sơ thiết kế là 63.240 ha. Đối với diện tích rừng của các UBND xã, cộng đồng, cá nhân là 80.000 ha được giao cho 5 Hạt Kiểm lâm các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong, Con Cuông, Quỳ Hợp rà soát lập hồ sơ. Tuy nhiên, tiến độ đạt chậm, chỉ mới Hạt Kiểm lâm Quế Phong đã lập và đang chờ phê duyệt 16.700 ha. Nguyên nhân các Hạt Kiểm lâm chậm tiến độ là do một số diện tích rừng của cá nhân quản lý như ở Kỳ Sơn, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do UBND huyện chưa phát cho dân nên không xác định được thực địa để lập hồ sơ. Vấn đề lúng túng trong việc xác định đối tượng chi trả dẫn đến còn khối lượng tiền “kết dư” là do từ năm 2011 chưa thành lập Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng nên hồ sơ các chủ rừng chưa có hồ sơ để chi trả. Chưa kể là lần đầu thực hiện chính sách mới nên quỹ cũng phải vừa thăm dò, vừa đúc rút kinh nghiệm.
Qua tìm hiểu được biết, nguyên nhân chậm tiến độ giải ngân một phần còn do công tác chỉ đạo tổ chức thực hiện, huy động hệ thống chính trị tại một số địa bàn các huyện, xã còn chưa thực sự quyết liệt. Vì thế, chưa hoàn thành được việc rà soát xác định cụ thể ranh giới, diện tích, hiện trạng rừng, đến từng chủ rừng, chủ quản lý, do đó chưa có căn cứ để chi trả. Nguyên nhân việc chi trả DVMTR đã được chỉ rõ, vấn đề cần nhất lúc này là các cấp, ngành liên quan cần khẩn trương thực hiện các giải pháp đẩy nhanh tiến độ chi trả cho người bảo vệ rừng. Bên cạnh đó, phải giải thích nguyên nhân chậm chi trả cũng như việc chênh lệch chi trả giữa các địa phương để nhân dân được biết và yên tâm gắn bó với công tác giữ rừng.
Bài, ảnh: Văn Trường - Vân Thanh
Ông Nguyễn Khắc Lâm - Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Nghệ An cho biết: Đối với giá chi trả tiền DVMTR có sự thay đổi dựa vào sản lượng điện thương phẩm trực tiếp sản xuất của các nhà máy thủy điện trên địa bàn tỉnh, vì thế nên có nơi giá chi trả cao và giá chi trả thấp. Hiện tại Quỹ chỉ đưa ra các đơn giá tạm tính, như giá chi trả trong năm 2013 - 2014 đối với lưu vực Hủa Na (Quế Phong) chi trả tạm tính là 345.000 đồng/ha/năm, lưu vực Bản Vẽ 232.000 đồng/ha/năm, lưu vực Khe Bố 22.000 đồng/ha… |