Chi trả tiền đền bù đúng pháp luật
(Baonghean) - Theo phản ánh của ông Đặng Ngọc Quế, trú tại xóm Sơn Hạ, xã Nghĩa Sơn, huyện Nghĩa Đàn, trong đền bù giải phóng mặt bằng để bàn giao đất cho dự án bò sữa TH TRUEMILK, UBND huyện Nghĩa Đàn đã làm trái quy định của pháp luật, chi trả sai đối tượng, làm ảnh hưởng đến tài sản của gia đình ông. Để làm rõ vấn đề, chúng tôi đã về địa phương tìm hiểu và thực tế không như đơn phản ánh.
Ông Đặng Ngọc Quế cho biết: “Tháng 9/1994 ông Hoàng Văn An (bố vợ ông Quế) cùng trú tại xóm Sơn Hạ, xã Nghĩa Sơn nhận khoán với Nông trường 19/5 huyện Nghĩa Đàn một thửa đất với diện tích 1,64 ha tại lô số 10 và được vay vốn của Dự án 327 để trồng cây cao su. Đến tháng 9/1995, ông An bắt đầu trồng cao su, nhưng do tuổi già sức yếu không có ai chăm sóc vườn cây cao su 1 năm tuổi, nên ngày 17/9/1996 ông An đã viết đơn chuyển quyền sở hữu vườn cây cao su cho con gái ông là Hoàng Thị Thùy (vợ ông Quế). Trong 17 năm qua gia đình sản xuất ổn định, không tranh chấp với ai. Vậy mà, UBND huyện Nghĩa Đàn xác định sai đối tượng sử dụng đất và tài sản trên đất, giải ngân một cách vội vàng cho ông Hoàng Văn An...”.
Từ vấn đề ông Quế nêu, chúng tôi đã trực tiếp về xóm Sơn Hạ tìm gặp ông Hoàng Văn An. Ông An cho biết: Vì thấy vợ chồng Quế Thùy khó khăn, chồng lại đi xa nên ông cho chị Thùy canh tác xen trên diện tích trồng cao su để khai thác, đồng thời hàng năm phải nộp các khoản nghĩa vụ với Công ty 19/5. Còn vấn đề chuyển nhượng quyền sở hữu, ông An khẳng định là không có, ông không ký giấy chuyển nhượng cho vợ chồng chị Thùy. Bởi nếu chuyển nhượng thì ông phải bàn giao lại cho công ty sau đó công ty mới có quyền giao cho người khác.
Ông Hoàng Văn An khẳng định, ông không chuyển nhượng vườn cây cao su
cho con gái là Hoàng Thị Thùy.
Xác minh vấn đề này, ông Nguyễn Đức Điệp, nguyên là Giám đốc Nông trường 19/5 khẳng định: Hợp đồng số 188 KH/TT ngày 6/9/1994 là hợp đồng giao khoán giữa Nông trường 19/5 với hộ nhận khoán là ông Hoàng Văn An. Hợp đồng do chính ông soạn thảo, lúc đó ông làm Trưởng phòng Kế hoạch. Trong quá trình thực hiện hợp đồng, ông Hoàng Văn An đã cho con gái của ông là Hoàng Thị Thùy chăm sóc vườn cây và khai thác sản phẩm và hàng năm thay mặt ông An làm nghĩa vụ nộp khoán cho Nông trường nhưng vườn cao su vẫn thuộc tài sản của ông Hoàng Văn An. Ông Điệp còn cho rằng, việc gia đình chị Thùy nói ông An có làm giấy chuyển nhượng vườn cây cao su cho gia đình chị Thùy, nhưng giấy chuyển nhượng chưa có xác nhận của giám đốc công ty, vì vậy không có căn cứ pháp lý. Chưa nói đến nguyên tắc, nếu ông An không tiếp tục thực hiện hợp đồng thì trước hết phải bàn giao vườn cây lại cho công ty, chứ không có quyền tự chuyển nhượng. Như vậy, theo hợp đồng vườn cây cao su là tài sản của ông An, vì vậy Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng chi trả tiền cho ông An là đúng.
Ông Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện - Chủ tịch Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Nghĩa Đàn cho biết: Căn cứ pháp lý để Hội đồng Bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Nghĩa Đàn lập hồ sơ bồi thường, hỗ trợ đối với trường hợp ông Hoàng Văn An đó là Hợp đồng giao khoán số 188 KH/NT ngày 6/9/1994 giữa Nông trường 19/5 (nay là Công ty rau quả 19/5) với ông Hoàng Văn An và Biên bản thanh lý hợp đồng ngày 15/11/2012 giữa Công ty rau quả 19/5 Nghệ An với ông Hoàng Văn An. Ngày 16/11/2012, Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Nghĩa Đàn đã làm phiếu chi trả tiền cho ông An số tiền 483.539.200 đồng. Tuy nhiên, quá trình Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng tiến hành chi trả, ông An thống nhất nhận tiền hỗ trợ về đất và bồi thường cây cao su do ông trồng là 385.877.200 đồng, còn những cây trồng khác gồm nhãn, thanh long, cà phê..., bờ rào, lán trại thì gia đình bà Hoàng Thị Thùy nhận với số tiền 97.652.000 đồng. Khi Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Nghĩa Đàn chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ, cả ông An và bà Thùy đều thống nhất, không có ý kiến và tranh chấp gì. Sau này ông Đặng Ngọc Quế và bà Hoàng Thị Thùy mới viết đơn và đòi nhận toàn bộ số tiền bồi thường tài sản và tiền hỗ trợ về đất vì cho rằng ông An đã chuyển nhượng cho gia đình ông Quế bà Thùy.
Như vậy đã rõ, vườn cây cao su 1,64 ha, tại lô 10, thuộc đội 5, Nông trường 19/5 là của ông Hoàng Văn An. Vì vậy ông An phải là người được nhận tiền bồi thường giải phóng mặt bằng khi Nhà nước tiến hành thu hồi đất. Và trên thực tế UBND huyện Nghĩa Đàn đã làm đúng. Còn việc tranh chấp tiền bồi thường giữa gia đình ông Đặng Ngọc Quế và vợ là Hoàng Thị Thùy với ông Hoàng Văn An (bố đẻ chị Thùy) là tranh chấp giữa cha và con, vì vậy các bên phải tự thỏa thuận. Trường hợp không đi đến thỏa thuận được thì có thể viết đơn khởi kiện ra tòa để được xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật.
Bài, ảnh: Đặng Nguyễn