"Chìa khóa" phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa

04/08/2015 10:11

(Baonghean) - Dồn điền đổi thửa đã khắc phục được tình trạng sản xuất manh mún, đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, mở ra hướng sản xuất nông nghiệp hàng hóa, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp và thu nhập cho nông dân. Đó là những hiệu quả mà chúng tôi ghi nhận được ở huyện Đô Lương...

Tháng Bảy, khi đợt nắng nóng kéo dài kết thúc, những cánh đồng lúa ở huyện Đô Lương đã xanh mướt mát, báo hiệu một mùa vàng bội thu. Theo con đường liên huyện trải nhựa phẳng lỳ, tôi về xã bán sơn địa Tân Sơn, cách thị trấn Đô Lương khoảng 7km. Tân Sơn đã hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa vào năm 2014 và là một trong những địa phương được huyện Đô Lương đánh giá cao do vượt chỉ tiêu so với đề án được phê duyệt, đặc biệt có số thửa bình quân trên hộ thấp.

Trước dồn điền đổi thửa, Tân Sơn có thuận lợi là đã chia lại ruộng đất cho dân từ 8 -10 thửa/hộ xuống còn 2 - 6 thửa theo Chỉ thị 02 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy năm 2001. Tuy nhiên, với địa hình nghiêng dốc, toàn bộ đất đai được phân chia cơ bản là đồng bằng, bậc thang và thấp trũng nên thực hiện công tác dồn điền đổi thửa làm sao cho hợp lý, đảm bảo hài hòa lợi ích và được toàn thể nông dân đồng tình, ủng hộ là vấn đề không đơn giản. Song với nhận thức, dồn điền đổi thửa là tiền đề để khuyến khích tích tụ ruộng đất nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, góp phần thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới, Tân Sơn đã có cách làm hiệu quả. Đồng chí Trần Văn Hải, Chủ tịch UBND xã Tân Sơn cho biết:

“Trong quá trình triển khai đề án dồn điển đổi thửa, cả hệ thống chính trị luôn đề cao công tác tư tưởng để người dân thấy được sự cần thiết phải chuyển đổi ruộng đất nên bà con đều nêu cao tinh thần, nhiệt huyết và trách nhiệm, giúp quá trình thực hiện thuận lợi và nhanh chóng hoàn thành”.

Mô hình gia trại chăn nuôi sau dồn điền, đổi thửa ở xóm 10, xã Tân Sơn.
Mô hình gia trại chăn nuôi sau dồn điền, đổi thửa ở xóm 10, xã Tân Sơn.

Đến tháng 10 năm 2014, Đề án dồn điền đổi thửa của xã được thực hiện xong, toàn bộ các xóm đã giao đất thực địa cho hộ gia đình, cá nhân hoàn chỉnh. Theo đó, toàn bộ diện tích sản xuất nông nghiêp có tổng số 6.594 thửa giảm xuống còn 2.226 thửa, số hộ có một thửa chiếm hơn 38%. Bình quân chỉ còn 1,65 thửa/hộ với diện tích bình quần đạt 1.264m2/thửa. Hệ thống giao thông nội đồng được mở mới 36 tuyến và mở rộng 178 tuyến cũ, nâng tổng chiều dài lên hơn 54km. Các công trình thủy lợi nội đồng cũng được quy hoạch mới 29 mương, bên cạnh 153 mương cũ.

Đến nay, nông dân Tân Sơn đã sản xuất vụ thứ 2 trên đất nông nghiệp sau dồn điền đổi thửa với nhiều phấn khởi. Đăc biệt, vụ hè thu năm nay, xã đã liên kết với doanh nghiệp triển khai xây dựng cánh đồng mẫu lớn trên diện tích 30 ha gieo trồng giống lúa Thiên ưu 8 với 200 hộ dân ở các xóm 6,13,14 tham gia. Bên cạnh đó, sau dồn điền đổi thửa, nhiều hộ dân đã mạnh dạn đầu tư sản xuất nông nghiệp theo hình thức hàng hóa, bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao. Thăm mô hình vườn, ao, chuồng kết hợp của gia đình ông Nguyễn Văn Hán ở xóm 10, trong quá trình thực hiện dồn điền đổi thửa, ông đã đổi những diện tích lúa manh mún của gia đình để nhận gần 1ha đất ruộng xấu đầu tư cải tạo làm gia trại. Chỉ tay về những ao cá, vườn cây ăn quả mới trồng, ông cho biết, trước đây khu vực này là ruộng bậc thang, canh tác rất khó khăn. Sau khi nhận đất, ông đầu tư hơn 60 triệu đồng thuê máy về san ruộng cho bằng phẳng và đào ao thả cá.

Hiện nay, gia đình đã xây dựng được chuồng trại nuôi 1.500 con ngan, gà, vịt để lấy trứng và cả bán thịt; đào 5 ao thả cá trong đó có 1 ao ương cá giống và 4 ao còn lại nuôi cá thương phẩm. Ông cũng đã triển khai trồng các loại cây ăn quả với các giống cho năng suất cao, chất lượng tốt như ổi… và trồng cỏ để nuôi bò. Tay thoăn thoắt cho đàn vịt ăn, ông Hán phấn khởi chia sẻ: “Nếu không dồn điền đổi thửa, đất một nơi một mảnh thì đến khi mô mà làm được gia trại như bây chừ. Mới đi vào hoạt động mà tôi thấy hiện quả tốt lắm. Mỗi tháng trừ chi phí, gia trại cũng mang lại thu nhập 10 - 15 triệu đồng. Tui cũng đã gọi con trai đang làm ăn trong Nam về cùng làm để phát triển gia trại hiệu quả hơn nữa”.

Với sự vào cuộc tích cực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, đến thời điểm hiện tại, công tác dồn điền đổi thửa trên địa bàn huyện được triển khai đồng bộ trong các năm 2013 và 2014. Theo số liệu thống kê của UBND huyện Đô Lương, đến nay toàn huyện có 344/355 xóm thuộc 32 xã thực hiện xong dồn điền đổi thửa. Số thửa giảm từ 5,9 thửa/hộ xuống còn 1,74 thửa/hộ, vượt chỉ tiêu là 1,93 thửa/hộ. Trong đó các xã như: Đặng Sơn, Tràng Sơn, Hòa Sơn, Tân Sơn, Đà Sơn… vượt chỉ tiêu nhiều so với đề án. Diện tích bình quân của mỗi thửa cũng tăng từ hơn 356m2 lên 1.144m2, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân đầu tư sản xuất lớn. Hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng được mở rộng, mở mới rất nhiều với khối lượng đào đắp lên gần 4 triệu m3, đạt 120% kế hoạch. “Cuộc cách mạng” dồn điền, đổi thửa đã mang lại diện mạo mới cho nông thôn Đô Lương.

Vẫn những chân ruộng, cánh đồng lúa nhưng phía sau đó là nhiều sự thay đổi mà mỗi người nông dân có thể cảm nhận được rất rõ. Trên cánh đồng lúa xanh mướt ở xã Văn Sơn, nông dân Nguyễn Thị Vân, xóm 6 đang thoăn thoắt rải phân bón thúc cho lúa. Hỏi về hiệu quả sau dồn điền, đổi thửa, chị cho biết: “Gia đình có mấy sào lúa mà trước đây phải làm 3 - 4 mảnh nay thì chỉ còn 1 mảnh. Giờ đưa được cả máy cày, máy gặt vào làm nên công lao động ít hơn, năng suất lúa cũng cao hơn trước đây. Chúng tôi cũng đã hướng dẫn chọn được giống lúa chất lượng cao vào canh tác nên hiệu quả sản xuất nâng lên nhiều”.

Niềm vui của chị Vân cũng là niềm vui chung của nông dân Đô Lương. Bởi định hướng ban đầu của huyện khi dồn điền đổi thửa, trước hết phải đạt được 4 mục tiêu: Thuận canh, thuận cư; thuận lợi canh tác; áp dụng thâm canh và đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp. Đây cũng là nền tảng để huyện triển khai những kế hoạch xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa đã được vạch ra trong giai đoạn tiếp theo. Theo đó, Đô Lương sẽ tập trung chỉ đạo để mở rộng sản xuất lúa chất lượng cao, phấn đấu đến năm 2020 đạt 2.000 - 2.500 ha; đồng thời đưa sản xuất lúa giống đạt khoảng 1.000 ha. Bên cạnh đó, đẩy mạnh quy hoạch vùng chuyên canh gắn với chuyển đổi cây trồng, lồng ghép sản xuất những giống cây, con có giá trị kinh tế cao. Hiện nay, những định hướng này bước đầu đã được triển khai trong thực tế, mở ra nhiều mô hình làm ăn hứa hẹn rất hiệu quả.

Theo thống kế của huyện, khoảng 80% diện tích đất sản xuất nông nghiệp sử dụng máy làm đất, giải phóng sức lao động rất lớn. Các giống lúa chất lượng cao như: AC5, Bắc Thơm 67… đã được đưa vào sản xuất ở cả 33 xã, thị trên toàn huyện, nhiều nhất là tại các xã Yên Sơn, Văn Sơn, Thịnh Sơn… Diện tích lúa giống đã triển khai canh tác được 100 ha. Nhiều mô hình chuyển đổi trên đất nông nghiệp cũng đã được bà con nông dân thực hiện như: chuyển sang trồng màu ở xã Tân Sơn; sản xuất kết hợp theo công thức màu, cá, lúa ở xã Xuân Sơn… Những thay đổi trên chỉ là những bước đầu nhưng nó là chỉ dấu, báo hiệu còn nhiều chuyển biến mạnh mẽ trong thời gian tới của nông nghiệp Đô Lương. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Công Châu, Phó Chủ tịch UBND huyện Đô Lương cho biết: “Thực hiện những mục tiêu đã vạch ra, Đô Lương sẽ tiếp tục chỉ đạo và triển khai thực hiện hiệu quả nhằm nâng cao sản xuất nông nghiệp, mang lại thu nhập cao hơn cho nông dân, từ đó xây dựng bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang, văn minh”.

Dồn điền đổi thửa là nền tảng cần thiết, một trong trong những chìa khóa then chốt để tái cơ cấu và hiện đại hóa nền nông nghiệp. Phía sau những kết quả ở Đô Lương cho thấy tư duy đột phá không chỉ cả cấp ủy đảng, chính quyền và cả những người nông dân trên con đường vươn tới một nền sản xuất nông nghiệp hiệu quả. Tin rằng, tinh thần đó sẽ được tiếp tục phát huy mạnh mẽ để mang lại những thành tựu lớn hơn cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn Đô Lương trong những năm tiếp theo.

Nhật Lệ

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
"Chìa khóa" phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO