Chia sẻ lợi ích với người dân
(Baonghean) - Sau khi các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh tình trạng giá xăng dầu giảm, nhưng giá cước vận tải hành khách cố định vẫn “án binh bất động”, Bộ Giao thông vận tải, UBND tỉnh Nghệ An và các cấp, ngành vào cuộc tích cực nên trên địa bàn tỉnh đã có 7 doanh nghiệp giảm giá, 52 doanh nghiệp khác cũng cam kết giảm giá để chia sẻ lợi ích với người dân.
Hoạt động vận tải hành khách ở Bến xe Vinh. |
TIN LIÊN QUAN |
---|
Ông Nguyễn Đức Tú, Phó Giám đốc Bến xe Vinh cho biết, tại Bến xe Vinh hiện có 48 đơn vị kinh doanh vận tải hành khách. Từ trước đến nay, hầu hết các nhà xe đều tăng giá cước theo giá xăng dầu. Vậy nhưng, khi giá xăng dầu giảm nhiều lần và giảm sâu, các doanh nghiệp vẫn gần như “án binh bất động”. Từ giữa tháng 11 đến nay, thực hiện chủ trương giảm giá cước vận tải của Bộ GTVT và UBND tỉnh Nghệ An đã có 7 nhà xe đăng ký giảm giá vé. Trong đó, giảm nhiều nhất là tuyến Vinh – Hà Nội của các nhà xe Văn Minh, Phú Quý, Tuấn Việt, Điện Quỳnh, Hoàn Hoa, Huy Hương,… Bên cạnh đó, một số nhà xe chạy tuyến nội tỉnh như Vinh – Tân Kỳ, Vinh – Thanh Chương, Vinh – Quỳnh Lưu,… cũng bắt đầu giảm giá vé. Mức giảm phổ biến khoảng 10%.
Ông Nguyễn Văn Hùng – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Nghệ An cho biết: “Tất cả các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn đều hưởng ứng việc giảm giá vé. Việc ký cam kết tập thể sẽ giúp các doanh nghiệp có sự công bằng và giám sát lẫn nhau. Hiệp hội kêu gọi các doanh nghiệp đồng sức, đồng lòng chia sẻ lợi ích với người dân”. |
Nghệ An là một trong những địa phương có số lượng các doanh nghiệp vận tải lớn, với hàng ngàn đầu xe, trong đó có khoảng 700 xe khách, gần 1000 xe taxi. Sự phát triển nhanh chóng của các loại hình vận tải đã phần nào đáp ứng được nhu cầu của người dân, cũng như góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế, xã hội. Việc 52 doanh nghiệp vận tải trên địa bàn tỉnh ký cam kết giảm giá cước với mức giảm từ 6 - 10% theo chủ trương của Bộ GTVT và UBND tỉnh, mang lại lợi ích cho hành khách. Ông Phan Hữu Mân, Chủ nhiệm HTX vận tải Bình Minh, đơn vị tiên phong trong việc giảm giá vé cho biết, hiện nay, HTX có 130 xe ô tô vận tải khách chạy 30 tuyến cố định nội tỉnh và ngoại tỉnh.
Theo tính toán của các xã viên, khi giá xăng dầu giảm, mỗi chuyến tiết kiệm được khoảng 400 – 500 ngàn đồng đối với xe giường nằm, khoảng 200 – 300 ngàn với xe ghế ngồi. Sau khi cân đối thu chi, hầu hết bà con xã viên đều đồng ý thực hiện chủ trương giảm giá. Phương án điều chỉnh giá đã được chúng tôi trình lên Sở GTVT, Hiệp hội vận tải hành khách và Bến xe Vinh. Trong khi đó, ông Phan Đình Khẩn, Chủ nhiệm HTX cổ phần Vận tải hành khách Nghệ An mong muốn, các đơn vị sẽ thực hiện đúng cam kết, đồng loạt giảm giá vé để mang lại sự cạnh tranh công bằng. Ông Khẩn chia sẻ: “Chúng tôi kêu gọi các doanh nghiệp chậm nhất là ngày 30/11 phải thực hiện giảm giá cước theo đúng lộ trình cam kết. Mong người dân tiếp tục đồng hành và chia sẻ cùng doanh nghiệp vận tải trong thời gian tới”.
Lãnh đạo Công ty CP Bến Xe Vinh kiểm tra việc niêm yết giá cước tại bến. |
Theo thống kê của Sở GTVT, từ đầu năm 2014 đến nay, giá xăng tăng 5 lần, giảm 10 lần và giá dầu dieziel điều chỉnh tăng 4 lần, giảm 17 lần. Như vậy, giá xăng dầu hiện nay đã giảm mạnh so với thời điểm đầu năm 2014 (giá xăng giảm 15,63% và giá dầu giảm 18,8%). Tuy nhiên, các đơn vị vận tải khách tại địa bàn Nghệ An lại chậm kê khai và điều chỉnh giá cước phù hợp. Ông Hoàng Phú Hiền – Phó Giám đốc Sở GTVT cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của Bộ Giao thông – Vận tải và UBND tỉnh về việc kiểm soát giá cước vận tải bằng xe ô tô trên địa bàn Nghệ An, sở đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, đồng thời có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh vận tải nghiên cứu, tính toán xây dựng lại giá cước để điều chỉnh với mức giảm tốt thiểu là 6%, đảm bảo giá cước vận tải điều chỉnh phù hợp với mức giảm của giá nhiên liệu đầu vào, từ đó góp phần giảm giá thành các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ khác. Với sự tích cực vào cuộc của các cấp, ngành liên quan và sự hưởng ứng của các doanh nghiệp vận tải, nên hiện nay đã có nhiều doanh nghiệp thực hiện giảm giá cước”.
Từ 11h ngày 22/11, giá xăng dầu giảm 1.140 đồng mỗi lít, ngay lập tức, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam có mặt ở Nghệ An để kiểm tra việc thực hiện giảm giá cước. Trước đó, UBND tỉnh cũng đã có văn bản đôn đốc các ngành liên quan kiểm kê giá cước vận tải và yêu cầu các doanh nghiệp giảm giá cước. Theo ghi nhận của ông Đỗ Công Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ vận tải, Tổng cục đường bộ Việt Nam, Nghệ An là tỉnh đi đầu trong cả nước về việc hạ giá dịch vụ vận tải. Khi kiểm tra ngẫu nhiên 3 đơn vị gồm Mai Linh, HTX Bình Minh và Công ty Văn Minh, thì các đơn vị trên đều thực hiện việc giảm giá cước, trong đó Mai Linh đã 2 lần giảm giá (10%), Văn Minh 1 lần giảm giá (10.000 đồng/vé), HTX Bình Minh 1 lần giảm giá ở các tuyến khác nhau với mức giảm khác nhau. “Tổng cục Đường bộ Việt Nam ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của UBND tỉnh Nghệ An, Sở GTVT Nghệ An, Hiệp hội Vận tải tỉnh Nghệ An cũng như các doanh nghiệp vận tải trong tỉnh. Hành động giảm giá vận tải chính là sự đồng hành với nhân dân, thực hiện chủ trương của ngành GTVT. Đặc biệt, việc giảm giá vé diễn ra trước thời điểm Tết Dương lịch góp phần ổn định giá cả hàng hóa, mang lại nhiều lợi ích cho nhân dân”, ông Đỗ Công Thủy khẳng định.
Hoàng Vĩnh - Nguyên Khoa
Để tăng cường công tác quản lý giá trên địa bàn, UBND tỉnh vừa ban hành Công văn số 8541/UBND-TM ngày 12/11/2014. Theo đó: Yêu cầu Sở Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các đơn vị liên quan chỉ đạo, kiểm tra các doanh nghiệp vận tải hành khách, hàng hóa đường bộ chấp hành nghiêm quy định về quản lý vận tải, giá cước vận tải; kiểm tra việc thực hiện kê khai giá cước, niêm yết giá cước vận tải theo quy định; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về quản lý vận tải, quản lý cước vận tải; chỉ đạo doanh nghiệp vận tải tính toán lại giá thành, thực hiện kê khai lại giá cước phù hợp với biến động của chi phí nhiên liệu và giá các yếu tố đầu vào. Đối với cước vận tải ô tô trên địa bàn tỉnh, giao Sở Giao thông Vận tải chỉ đạo, yêu cầu các đơn vị vận tải chấp hành nghiêm quy định về quản lý giá cước vận tải; đồng thời, phối hợp với Sở Tài chính, Cục Thuế tỉnh kiểm tra các doanh nghiệp vận tải, rà soát giá cước vận tải đã kê khai, trường hợp biến động của chi phí xăng dầu tác động làm giảm giá thành vận tải, thì yêu cầu các doanh nghiệp tính toán giá thành, kê khai lại giá cước phù hợp với biến động của chi phí nhiên liệu (đặc biệt là những doanh nghiệp đã kê khai tăng giá cước tại thời điểm xăng dầu tăng giá trong năm 2014); hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện kê khai giá, niêm yết giá cước vận tải và thu giá cước theo đúng quy định; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. P.V |