Chia sẻ niềm Xuân

26/02/2015 22:39

(Baonghean) - Những ngày đón Xuân Ất Mùi 2015, chúng tôi có dịp ghé thăm những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt, vì tuổi già, thương tật hay bất hạnh, cuộc sống gặp nhiều khó khăn... Với tinh thần tương thân tương ái, họ đã được đón nhận sự sẻ chia của bạn bè, đồng đội và toàn thể cộng đồng để đón một cái Tết thật sự vui vẻ, ấm áp...

Ông Nguyễn Minh Đức cùng đồng đội (thứ hai, phải sang) vui đón Tết trong ngôi nhà mới.
Ông Nguyễn Minh Đức cùng đồng đội (thứ hai, phải sang) vui đón Tết trong ngôi nhà mới.

Ấm lòng liệt sỹ Trường Sa

Theo chân các đồng chí trong Ban Liên lạc Lữ đoàn 126 (Quân chủng Hải quân) và cán bộ Phường Hưng Dũng (Thành phố Vinh), chúng tôi được chứng kiến niềm vui của vợ chồng ông Lê Bá Nghị (79 tuổi) và bà Nguyễn Thị Nhị (74 tuổi). Ông bà chính là thân nhân của liệt sỹ Lê Bá Giang (1968) - 1 trong 64 chiến sỹ Hải quân nhân dân Việt Nam đã hy sinh trong trận Hải chiến Trường Sa ngày 14/3/1988 để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Trong căn nhà nhỏ ở khối Văn Trung, ông bà kể nhiều về người con đã ngã xuống giữa trùng khơi bao la...

Cách đây gần 28 năm, anh Lê Bá Giang lên đường nhập ngũ và được biên chế vào Quân chủng Hải quân, huấn luyến một thời gian rồi được điều ra Trường Sa làm nhiệm vụ. Tết năm 1988, anh Giang trực chiến ở đơn vị và gửi thư về thăm hỏi, chúc Tết đại gia đình. Anh tâm sự, tuy không được hưởng sự đầm ấm của không khí gia đình, nhưng ở đơn vị cũng rất vui, có đầy đủ bánh chưng, mứt tết, cá, thịt. Và anh hy vọng Tết năm sau sẽ được sum vầy cùng bố mẹ, anh chị em, được ăn chiếc bánh chưng do tự tay mẹ gói và nấu. Mấy tuần sau, anh Giang nhắn tin về cho bố mẹ ít ngày nữa sẽ theo đơn vị hành quân vào phía Nam làm nhiệm vụ, qua Vinh nhưng chắc không thể ghé thăm nhà. Bà Nhị liền tìm lá giong gói rồi luộc mấy chiếc mấy chiếc bánh chưng rồi đưa ra tận Quốc lộ 1A chờ đoàn xe đi qua để gửi tận tay con trai. Nhưng rồi tình hình cấp bách, đoàn xe đã xuất phát sớm hơn dự định mấy tiếng đồng hồ, ông bà đành trở về. Không bao lâu sau, ông bà nhận được tin con trai hy sinh ở Trường Sa cùng với 63 cán bộ, chiến sỹ khác trong một cuộc hải chiến với quân xâm lược Trung Quốc.

Từ đó đến nay, cứ đến Tết Nguyên đán, bà Nguyễn Thị Nhị lại tự tay gói những chiếc bánh chưng thật đẹp, gửi gắm tâm tình của người mẹ để đặt lên bàn thờ liệt sỹ Lê Bá Giang. Năm nay, trước Tết chẳng may bà bị ngã sái tay, ông Nghị thay vợ gói bánh để đặt lên bàn thờ người con trai yêu quý. Bà Nhị chia sẻ: “Đêm giao thừa, tôi mơ thấy thằng Giang trở về trong bộ quân phục Hải quân, gõ cửa gọi mẹ. Nó nói, bố mẹ cứ yên tâm, con nằm lại canh giữ biển trời, bố mẹ mạnh khỏe và được nhiều người ở bên giúp đỡ là con thấy ấm lòng”. Gia đình ông Nghị luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của các cấp chính quyền và đoàn thể, đặc biệt là mỗi khi Tết đến, Xuân về luôn được đón nhận những phần quà nghĩa tình, thể hiện niềm tri ân đối với người đã ngã xuống.

Đại diện Ban Liên lạc Lữ đoàn 126 Quân chủng Hải quân đã chuyển số tiền 5 triệu đồng của Công đoàn Bộ Ngoại giao gửi tặng gia đình ông Nghị nhân dịp đón Xuân Ất Mùi. Và thêm một điều đáng mừng nữa, trong năm nay, Quân chủng Hải quân sẽ phối hợp với UBND phường Hưng Dũng xây dựng cho vợ chồng ông Nghị ngôi nhà tình nghĩa, xứng đáng với sự hy sinh của liệt sỹ Lê Bá Giang. Chắc hẳn, năm sau ông bà sẽ được đón Tết trong căn nhà mới khang trang và ấm cúng, liệt sỹ Lê Bá Giang sẽ thêm ấm lòng.

Niềm vui nơi cửa biển

Chia tay gia đình ông Lê Bá Nghị, chúng tôi tìm đến xóm Thành Vinh 2, xã Nghi Quang (Nghi Lộc) để chia sẻ niềm vui Xuân với gia đình thương binh Nguyễn Minh Đức. Những làn gió thổi từ phía biển Cửa Lò mang theo hương vị ấm nồng ngày Tết. Trước căn nhà mới khang trang, ông Đức hồ hởi nắm chặt tay từng người, miệng luôn cười tươi. Ông Đức đã không giấu được niềm vui: “Năm nay, gia đình tôi được đón Tết trong ngôi nhà mơ ước...”.

Cũng như bao người lính từng kinh qua trận mạc, ông Đức kể về những năm tháng ác liệt của chiến tranh, khi ấy ông chính là chiến sỹ đặc công Rừng Sác. Ký ức của ông là những lần tiềm nhập vào các quân cảng của địch để thực hiện nhiệm vụ cho nổ tung những chiếc tàu chở vũ khí và phương tiện chiến tranh. Đã bao lần bị thương, bao lần ranh giới giữa sự sống và cái chết chỉ còn gang tấc, nhưng với sức mạnh của lòng gan dạ, dũng cảm và bản tính kiên cường, chiến sỹ Nguyễn Minh Đức đã vượt qua. “Gia tài” quý nhất đối với người lính hiện nay là bức ảnh kỷ niệm chụp cảnh ông cùng 3 đồng đội chèo thuyền trở về căn cứ sau khi hoàn thành nhiệm vụ cho nổ tung chiếc tàu chở vũ khí của địch tại cảng Rạch Dừa. Ông Đức nâng niu bức ảnh như một báu vật, mỗi khi gặp phải buồn phiền, thất vọng lại lần giở bức ảnh tìm nguồn an ủi, động viên và tăng thêm nghị lực sống để vượt qua mọi nghịch cảnh.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước giành thắng lợi, người lính hoàn thành nhiệm vụ và trở về quê hương xây dựng mái ấm gia đình. Sinh ra và lớn lên ở một vùng quê ven biển, ra đi từ biển và nay trở về bám biển mưu sinh. Bao khó khăn, vất vả, chật vật cứ bám riết lấy người cựu chiến binh nghèo. Điều đáng nói là những người con của ông Nguyễn Minh Đức đều bình thường, nhưng đến đời cháu có nhiều dấu hiệu bệnh tật và suy giảm trí não. Những triệu chứng ấy được các bác sỹ kết luận là di chứng của chất độc da cam đi-ô-xin. Như vậy, những năm tháng chiến đấu ở rừng, ông đã nhiễm cái thứ chất độc quái ác do quân Mỹ ném xuống và đời cháu ông phải gánh chịu hậu quả. Thực tế, chưa đợi đến đời cháu, mà cách đây 20 năm, da thịt ông bỗng dưng bị sần sùi rồi bong tróc từng mảng, sức khỏe ngày một suy kiệt. Kết quả xét nghiệm khẳng định ông bị ung thư da, cũng do di chứng nhiễm chất độc da cam đi-ô-xin. Rồi căn bệnh viêm đa khớp và viêm phổi hành hạ khiến ông có lúc tưởng chừng như không thể gượng dậy nổi. Bao nhiêu năm gia đình ông phải sống trong căn nhà nhỏ xập xệ, mưa lớn nước tràn vào, gió về tốc hết mái.

Nhưng người lính đặc công Rừng Sác năm xưa không cô đơn, đồng đội luôn ở bên cạnh ông mỗi lúc gặp khó khăn, hoạn nạn để sẻ chia, gánh vác. Trước hoàn cảnh khó khăn, vất vả của ông Nguyễn Minh Đức, đồng đội cũ đã đề nghị Bộ Tư lệnh Vùng 1 Hải quân hỗ trợ 70 triệu đồng để xây dựng nhà tình nghĩa. Cùng với số tiền gia đình tích lũy được và sự hỗ trợ thêm của anh em, họ hàng và đồng đội, ông Đức đã làm được ngôi nhà trị giá 190 triệu đồng với diện tích 87m2 (trong đó 35m2 kiên cố), được lợp ngói và lát gạch hoa. Ngôi nhà đã kịp hoàn thành trước Tết Nguyên đán để vợ chồng ông Đức và người con út được đón Xuân mới ngập tràn niềm vui và hy vọng.

Trao món quà Tết của chị An Vinh (Báo Nghệ An)  tới mẹ con chị Viêng Thị Thắm.
Trao món quà Tết của chị An Vinh (Báo Nghệ An) tới mẹ con chị Viêng Thị Thắm.

“Giàn bầu” chốn rẻo cao

Từ Nghi Lộc, chúng tôi tiếp tục cuộc ngược Quốc lộ 7A, lên với huyện rẻo cao Tương Dương, nơi bản làng đang rộn rã tiếng cồng chiêng vui hội. Ngôi nhà nhỏ nằm chênh vênh cuối bản Phòng (xã Thạch Giám) của mẹ con chị Viêng Thị Thắm (1982) khá đông khách, thỉnh thoảng vang lên những tràng cười giòn tan. Đó là những người bạn học đến chúc Tết mẹ con chị Thắm, những người không may gặp phải nỗi bất hạnh ở đời. Hồi nhỏ, sau một trận ốm nặng, đôi chân của chị Thắm cứ teo dần và co quắp lại. Nhà nghèo, bố mẹ không có tiền chữa trị, cuối cùng chị đành gánh chịu tật nguyền. Chân bị teo cơ không thể đứng dậy được, việc vận động phải nhờ đôi bàn tay. Bố mẹ sớm qua đời, chị Viêng Thị Thắm ở cùng 2 người anh trai, cuộc sống vô cùng vất vả, thiếu thốn. Hai người anh cũng lần lượt lâm bệnh và qua đời, chị sống một mình trong căn nhà xiêu vẹo.

Một người con trai cùng bản đến tìm hiểu và tính chuyện xây dựng gia đình, nhưng bố mẹ người đó nhất quyết không cho tổ chức đám cưới. Người con trai bỏ đi biệt tích, chị Thắm mang bầu và sinh một bé trai đặt tên là Viêng Quốc Thắng. Năm nay Thắng đã 8 tuổi, đang theo học lớp 2 trường làng. Cuộc sống của mẹ con chị không thể kể hết những vất vả, thiếu thốn. Số tiền trợ cấp dành cho người tan tật không đủ chi tiêu cho nhu cầu hàng ngày, chị Thắm phải lết vào rừng lấy củi về bán, thức thâu đêm ngồi thêu váy thuê để kiếm tiền nuôi con. Có thời điểm Viêng Quốc Thắng phải nhịn bữa sáng để tới lớp, không có xe đạp nên phải cuốc bộ mấy cây số để đến trường.

May mắn thay, chị Viêng Thị Thắm có nhiều người bạn tốt, đặc biệt là chị Lương May Huyền đang công tác tại Đài PT-TH huyện. Là bạn thân từ thời học lớp 1, chứng kiến nỗi bất hạnh và thiếu thốn của bạn, chị Huyền đã lên mạng xã hội kêu gọi cộng đồng giúp đỡ mẹ con chị Thắm. Và trong vòng 2 tuần trước Tết Nguyên đán, chị Huyền đã nhận và chuyển đến tận tay bạn khá nhiều món quà với tổng trị giá trên dưới 5 triệu đồng. Chị Huyền cùng một số người bạn khác mua tặng Viêng Quốc Thắng 1 chiếc xe đạp và quyên góp tiền mua áo ấm, chăn, chiếu, gạo nếp, thịt, bánh kẹo và các nhu yếu phẩm phục vụ Tết. Chị Thắm còn được Nhà nước hỗ trợ 20 kg gạo, được bà con dân bản đem bánh chưng, giò đến tận nhà. Vậy là, năm nay mẹ con Viêng Thị Thắm được đón một cái Tết khá tươm tất và ấm cúng trong vòng tay bè bạn. Chị Huyền đã viết lên facebook của mình rằng: “Mẹ con “bí” cố lên, cả “giàn bầu” đang chung tay giúp đỡ để mùa Xuân thêm ấm áp”.

Lên vui Tết ở bản Phòng, chúng tôi mang theo món quà của một đồng nghiệp gửi tặng mẹ con chị Viêng Thị Thắm. Đó là chiếc áo ấm và số tiền 200 nghìn đồng của chị Lê Thị An Vinh - Phòng Thư ký - Báo Nghệ An. Qua mạng xã hội, biết được hoàn cảnh mẹ con chị Thắm, chị An Vinh đã bớt một phần chi tiêu của mình để sẻ chia với hoàn cảnh bất hạnh. Đón nhận món quà của một người không quen biết, chị Thắm xúc động: “Xin cảm ơn tất cả mọi người đã chia sẻ với mẹ con em niềm vui ngày Tết...”.

Đất trời đang xôn xao, rạo rực, ngào ngạt hương Xuân và cả tiếng Xuân. Dòng người vẻ mặt ai cũng phơi phới tươi vui. Với chúng tôi, niềm vui ấy như được nhân lên khi được chứng kiến niềm vui đón Xuân của những con người thiếu may mắn...

Công Kiên

Mới nhất
x
Chia sẻ niềm Xuân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO