Chiến tranh thông tin - Sự khởi đầu hoàn hảo của chiến tranh công nghệ cao
(Baonghean.vn) Chiến tranh thông tin bao gồm các hoạt động giành ưu thế thông tin bằng phương pháp gây ảnh hưởng đến thông tin và cả hệ thống thông tin của đối phương, đồng thời bảo vệ, bảo mật hệ thống thông tin của mình là sự khởi đầu hoàn hảo của chiến tranh phi tiếp xúc, chiến tranh công nghệ cao phi truyền thống. Phương thức tiến hành chiến tranh này đang làm đảo lộn quy trình xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang của nhiều quốc gia trên thế giới.
(Baonghean.vn) Chiến tranh thông tin bao gồm các hoạt động giành ưu thế thông tin bằng phương pháp gây ảnh hưởng đến thông tin và cả hệ thống thông tin của đối phương, đồng thời bảo vệ, bảo mật hệ thống thông tin của mình là sự khởi đầu hoàn hảo của chiến tranh phi tiếp xúc, chiến tranh công nghệ cao phi truyền thống. Phương thức tiến hành chiến tranh này đang làm đảo lộn quy trình xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang của nhiều quốc gia trên thế giới.
Thông tin bao gồm mệnh lệnh của Tổng chỉ huy, người chỉ huy các cấp, kế hoạch tác chiến, kế hoạch đảm bảo hậu cần kỹ thuật, kế hoạch xây dựng củng cố lực lượng, hậu phương… sau khi được tạo lập, lưu chuyển, xử lý (thành hành động) thông qua nhiều phương thức, trong đó không gian mạng là phương thức chủ yếu. Chiến tranh trên không gian mạng là một loại hình chiến tranh công nghệ cao, sử dụng mạng máy tính và đội ngũ (chiến binh mạng) phải là những cán bộ, chiến sỹ được đào tạo chuyên sâu về công nghệ thông tin quân sự để vận hành (tác chiến).
Chiến trường trong chiến tranh thông tin mạng liên quan đến hết thảy hệ thống viễn thông và không bị giới hạn về không gian. Chính vì thế quân đội, lực lượng thực thi pháp luật và cả các tổ chức tội phạm trên thế giới đã và đang buộc phải chuyển hướng đào tạo chiến binh mạng với các kỹ năng về an ninh thông tin, xâm nhập hệ thông tin đối phương, do thám và thu nhập dữ liệu thông tin quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của đối phương.
Chiến tranh thông tin hiện đại được thể hiện trên nhiều loại hình khác nhau. Mỗi loại hình có những đặc thù riêng và giải pháp xây dựng tổ chức, lực lượng, trang bị, yêu cầu huấn luyện, tác chiến riêng. Trinh sát hệ thống máy tính của đối phương bằng cách cài vi rút gián điệp để kiếm tìm thông tin, dữ liệu cụ thể, sau đó truyền chúng tôi một hệ thống thu phát của mình là điển hình, một bước đi đầu tiên trong thời kỳ chuẩn bị cuộc chiến.
Tiếp đó là việc tìm cách xâm nhập vào hệ thống máy tính của đối phương để thay đổi chương trình của họ hoặc đưa vào đó những thông tin giả để đánh lừa đối phương đưa ra những quyết định sai lầm. Một số hình thức khác được sử dụng là từ chối dịch vụ, chiếm quyền điều hành mạng, điều khiển cho hệ thống mạng của đối phương nhận diện, truy cập, tiếp nhận sai. Ngoài ra, các hoạt động tuyên truyền trên mạng cũng được các quốc gia hết sức chú trọng, đó là việc quảng bá rộng rãi các quan điểm chính trị, các nội dung thông tin mang yếu tố chiến tranh tâm lý đến bất kỳ thiết bị nào có khả năng nhận được thông tin trên mạng.
Tiến công cứng là một trong những biện pháp cơ bản của chiến tranh thông tin. Đó là việc sử dụng các vũ khí thông thường, hoặc bằng bom xung điện từ, nhằm phá hủy các thành phần quan trọng hoặc toàn bộ hệ thống mạng máy tính của đối phương. Việc phá hủy bằng vũ khí cứng khiến đối phương rất khó khăn trong việc khôi phục mạng. Các bên còn tìm mọi cách thâm nhập vào hệ thống máy tính của nhau để phá hủy dữ liệu lưu trên máy hoặc phá hoại toàn bộ hệ thống máy tính. Ngoài ra, trong chiến tranh công nghệ cao hiện nay, việc phá hoại hệ thống máy tính còn được thực hiện qua phương thức phi tiếp xúc là thông qua việc cài bom logic, các loại vi rút phá hoại…
Các bên còn sử dụng biện pháp tấn công mạng và phá hoại cơ sở hạ tầng then chốt như hệ thống cấp nguồn điện, hệ thống cung cấp nước, hệ thống truyền thông, hệ thống vận tải của đối phương. Để thực hiện, đối phương tạo ra các phần cứng giả danh, phần cứng thông thường được sử dụng trong các máy tính và mạng bị cài sẵn phần mềm hiểm độc bên trong các phần mềm thông thường, trong phần mềm cơ sở (fironware) hoặc cả trong các bộ vi xử lý.
Trong thời bình, dẫu ở những quốc gia không hề có tiếng súng, cuộc chiến tranh thông tin vẫn âm thầm, lặng lẽ diễn ra một cách quyết liệt và hết sức bí mật. Quá trình chuẩn bị hết sức đa dạng, bao gồm chuẩn bị cả về cơ sở hạ tầng thông tin và nguồn nhân lực cho chiến tranh thông tin. Đặc biệt là chuẩn bị nguồn lực cho cuộc chiến tranh phải được tiến hành trước từ 4 – 10 năm (đào tạo một chiến binh mạng, quốc gia nhanh là 4 năm , thông thường là 6 – 7 năm sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học).
Trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay, các mạng lưới truyền thông và xử lý thông tin của các quốc gia đang được liên kết với nhau. Vì vậy, từ bất kỳ điểm kết nối mạng nào cũng đều có thể trở thành điểm xuất phát tấn công, điểm khởi động của một cuộc chiến tranh, thông qua các thủ đoạn tác chiến đã kể trên. Bên cạnh việc xây dựng cách bảo vệ hệ thống thông tin của mình, cần phải có hệ thống chuẩn bị các phương án tiến công hệ thống thông tin đối phương.
Trong thời chiến của cuộc chiến tranh phi tiếp xúc, phi truyền thống hiện nay, các biện pháp chuẩn bị chiến tranh thông tin không cần che dấu và phải được thực hiện hết sức khẩn trương. Trong đó, chỉ khi làm chủ và khống chế giành quyền kiểm soát hoạt động trong chiến tranh thông tin, áp đảo đối phương thì mới giành được chiến thắng. Điểm then chốt việc giành thắng lợi trong chiến tranh thông tin là phải nhận định và quyết định tấn công chính xác với thời gian nhanh nhất.
Chiến tranh công nghệ cao với sự khởi đầu hoàn hảo của chiến tranh trên mạng đã và đang trở thành một thách thức, nguy cơ cho các quốc gia cơ sở hạ tầng thông tin chưa hiện đại, lực lượng chiến binh mạng chưa được đào tạo, tổ chức quy củ. Và để khắc phục được điều đó, trong xây dựng tiềm lực quốc phòng quốc gia, các nước đó đã và đang phải tiêu tốn một lượng ngân sách khổng lồ (thường bằng 1/4 đến 1/8 GDP). Và cũng vì thế “cái khó đang bó cái khôn” của không ít quốc gia trên thế giới!
Nguyễn Khắc Thuần