Chiêu "án binh bất động" của FED?

19/09/2015 17:05

(Baonghean.vn) - Chiều 17/9 theo giờ địa phương, sau nhiều tuần phỏng đoán và chờ đợi của giới đầu tư và phân tích, Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã quyết định không tăng lãi suất cơ bản, ít nhất là trong thời gian 1 tháng tới. Lý giải cho động thái này, FED khẳng định “các diễn biến kinh tế và tài chính toàn cầu mới đây có thể trong chừng mực nào đó kiềm chế hoạt động kinh tế”.

Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ Janet Yellen trong buổi họp báo hôm 17/9 tại Washington. Ảnh: Reuters.
Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ Janet Yellen trong buổi họp báo hôm 17/9 tại Washington. Ảnh: Reuters.

Ngay sau khi thông tin này được công bố, bà Janet Yellen, Chủ tịch FED đã lên tiếng lý giải lập trường của ngân hàng trung ương Mỹ, song chỉ rõ vẫn chưa loại trừ khả năng tăng lãi suất trong năm nay, khi các quan chức của cơ quan này sẽ hội họp vào tháng 12 tới. Trong tuyên bố được đưa ra hôm 17/9, FED nói rằng mức lãi suất cơ bản gần bằng 0% tồn tại từ năm 2008 “hiện vẫn phù hợp” và chính sách tiền tệ nhằm “hỗ trợ tiếp tục quá trình hướng đến tối đa hóa tỷ lệ việc làm và ổn định giá cả”. Trong động thái được nhiều người cho là ám chỉ đến cuộc khủng hoảng gần đây trên thị trường chứng khoán Trung Quốc, ngân hàng trung ương của Mỹ nói thêm: “Các diễn biến kinh tế và tài chính toàn cầu mới đây sẽ kiềm chế hoạt động kinh tế trong chừng mực nào đó và có khả năng gia tăng sức ép xuống tỷ lệ lạm phát trong ngắn hạn”.

Có thể nói rằng, nền kinh tế đang chững lại của Trung Quốc dù ít hay nhiều cũng có ảnh hưởng đến những quyết sách của ngân hàng trung ương Mỹ. Chuyên trang Bloomberg cũng chia sẻ quan điểm này, cho rằng trong bối cảnh nền kinh tế đứng thứ 2 thế giới vẫn đang hết sức trì trệ và các chỉ số trên thị trường chứng khoán Trung Quốc vẫn ở mức thấp hơn nhiều so với thời điểm đầu năm, rất có thể đó là lý do dẫn tới quyết định mới đây của FED. FED đã rất thận trọng về vấn đề tăng hay không tăng lãi suất, bởi trong tình thế hiện nay nếu chỉ sơ ý đưa ra một động thái thiếu cân nhắc, chắc chắn cơ quan này sẽ rơi vào thế “sảy một ly, đi một dặm”. Bloomberg nhận định việc FED giữ nguyên mức lãi suất trước hết có nghĩa là trong thời gian ngắn sắp tới, sẽ khó có khả năng diễn ra bất cứ sự thay đổi lớn hay đáng kể nào về chính sách tiền tệ của cơ quan này. Nói cách khác, FED ít khả năng tăng lãi suất cho tới khi tình trạng thiếu chắc chắn về tác động của Trung Quốc đối với nền kinh tế toàn cầu tối thiểu đã được giải quyết một phần.

Theo nhận xét của tờ Deutsche Welle, việc các nhà lãnh đạo FED tiếp tục duy trì mức lãi suất hiện hành dựa trên thực trạng kinh tế và sẽ giúp ích cho nhiều nền kinh tế đang nổi lên. Tờ báo nhận định, FED hoàn toàn có thể nâng mức lãi suất cơ bản nhưng cơ quan này đã không làm vậy, và đó là một quyết định hoàn toàn đúng đắn. Người đứng đầu cơ quan này chắc chắn đã cân nhắc nặng nhẹ khi đưa ra bước đi kế tiếp, quan tâm đến chiều hướng đi xuống trong chỉ số giá tiêu dùng tại Mỹ, triển vọng về gia tăng lạm phát,… Ngay cả vấn đề việc làm vốn nhận được nhiều chú ý tại quốc gia này, tỷ lệ thất nghiệp chỉ khoảng 5%, cũng bị đánh giá là con số mang tính tượng trưng hơn là thực chất, khi nhiều công việc gần đây chỉ là bán thời gian và được trả lương rất thấp. Và như vậy, tình hình cũng chưa hẳn đủ sáng sủa khi đặt trong tương quan với những mục tiêu chính của FED về việc làm hay bình ổn giá. Còn với những thị trường đang gặp khó như Trung Quốc và các nền kinh tế mới nổi, nếu Mỹ tăng lãi suất cơ bản, viễn cảnh sẽ không mấy tích cực bởi lãi suất này sẽ hút thêm các dòng vốn từ ngoài đổ vào Mỹ, trong khi các nền kinh tế kia cần thêm vốn để ứng phó với món nợ chồng chất của họ. Deutsche Welle nhận định tình hình hiện nay có thể nghiêm trọng hơn những gì mà chúng ta vẫn đánh giá, và đây chưa hẳn là thời điểm tốt để đưa ra những biện pháp thắt chặt đối với nền kinh tế.

Tuy trước mắt lãi suất cơ bản vẫn chưa có biến động gì, nhưng khả năng con số này sẽ tăng lên trong tương lai như đã đề cập ở trên là chưa thể loại trừ, nhất là khi FED nhận định tăng lãi suất cơ bản là việc làm thích hợp và nên tiến hành một khi ủy ban hoạch định chính sách của cơ quan này cho rằng tình hình đã có thêm một số cải thiện về thị trường lao động, và FED có đủ cơ sở để tin rằng lạm phát sẽ quay trở về mục tiêu 2% trong trung hạn. Nhiều nhà kinh tế đã bày tỏ quan ngại rằng mức lạm phát thấp như hiện nay có thể trở thành giảm phát nếu tỷ lệ lãi suất tăng. Các quan chức của FED cũng chỉ rõ một khi bắt đầu có sự gia tăng lãi suất, thì tốc độ và mức độ tăng cũng sẽ diễn ra một cách hết sức chậm rãi, dần dần. Thậm chí, ngân hàng trung ương Mỹ có thể đưa ra động thái tăng lần đầu tiên, rồi tạm ngừng trong nhiều tháng để đánh giá tình hình chung trước khi đi đến bất cứ quyết định nào khác. Nhiều người trong giới đầu tư cho rằng một khi FED nâng lãi suất, thì các mức lãi suất dành cho các khoản vay thế chấp của khách hàng cá nhân và doanh nghiệp sẽ tăng theo, gây ảnh hưởng đến nền kinh tế.

Một số nhà quan sát tin rằng FED sẽ chỉ tăng lãi suất 1 lần, và theo các thị trường, nhiều khả năng sẽ diễn ra động thái này vào năm 2016, chứ chưa phải trong năm nay. Khách quan mà nói, mức lãi suất cơ bản của FED không hẳn quan trọng - xét cho cùng, mức lãi suất 0,25% hay thậm chí là 0,5% cũng không có nhiều tác động đến những tính toán tài chính và kinh doanh của các ngân hàng, doanh nghiệp hay chính quyền liên bang tại Mỹ cũng như toàn thế giới. Điều đáng nói hơn nhiều là cơ chế hoạt động của cơ quan này - tức quá trình ra quyết sách mà ngân hàng trung ương Mỹ sử dụng để phản ứng với lạm phát, thất nghiệp và các biến số khác trong nền kinh tế. Tác động từ những chính sách tiền tệ mà FED đưa ra hoàn toàn phụ thuộc vào kỳ vọng của mọi người về cách ứng phó của FED trong tương lai.

Thu Giang

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Chiêu "án binh bất động" của FED?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO