Chính phủ đốc thúc tiến độ giải ngân vốn 3 Chương trình mục tiêu quốc gia
(Baonghean.vn) - Chiều 18/10, Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 họp trực tuyến với các địa phương về kết quả thực hiện và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm từ nay đến cuối năm 2022.
Đồng chí Phạm Bình Minh - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 chủ trì hội nghị.
Tại điểm cầu tỉnh Nghệ An, các đồng chí: Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì.
PHÂN BỔ VỐN, GIẢI NGÂN CHẬM
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 còn lại của 3 Chương trình mục tiêu quốc gia chưa phân bổ, giao kế hoạch là 99.898 tỷ đồng; trong đó vốn đầu tư phát triển là hơn 7.924 tỷ đồng, vốn sự nghiệp là hơn 91.956 tỷ đồng.
Đến nay, có 52/53 địa phương đã có quyết định giao kế hoạch vốn thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia cho các cơ quan, đơn vị, cấp trực thuộc. Ước đến ngày 30/9, các địa phương giải ngân được khoảng 926,831 tỷ đồng, đạt khoảng 3,86% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao.
Toàn cảnh điểm cầu tỉnh Nghệ An. Ảnh: Phạm Bằng |
Về tình hình phân bổ và giải ngân kế hoạch vốn ngân sách địa phương, có 46/53 địa phương báo cáo đã cân đối, bố trí 13.808 tỷ đồng vốn ngân sách địa phương thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia. Có 18/63 địa phương báo cáo kết quả giải ngân vốn khoảng 4.058 tỷ đồng, ước đạt 29,38% vốn địa phương.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tiến độ xây dựng, ban hành văn bản quản lý tổ chức thực hiện các chương trình chậm so với tiến độ được giao; Việc lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư hầu hết chưa hoàn thành; Việc điều chỉnh phân bổ kinh phí sự nghiệp năm 2022 của 2 Chương trình mục tiêu quốc gia chậm.
Các đồng chí: Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì tại điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Phạm Bằng |
Những khó khăn vướng mắc này dẫn đến tình trạng chậm phân bổ, giao kế hoạch và tổ chức thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia tại các địa phương. Nhiều địa phương phản ánh khó có thể hoàn thành việc giải ngân vốn trước ngày 31/12/2022 và đề nghị kéo dài thời gian giải ngân kế hoạch vốn sang năm 2023.
Tại hội nghị, các địa phương đã báo cáo kết quả tình hình phân bổ, giao kế hoạch và giải ngân vốn; những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai và đề xuất các kiến nghị, giải pháp. Đại diện các bộ, ngành Trung ương đã giải trình, làm rõ ý kiến của các bộ, ngành, địa phương tại hội nghị.
Lãnh đạo các sở, ban, ngành tham dự hội nghị. Ảnh: Phạm Bằng |
Đối với Nghệ An, tổng kế hoạch vốn ngân sách Trung ương phân bổ thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 là 4.931 tỷ đồng. Đến ngày 12/10, HĐND tỉnh đã thông qua danh mục dự án chi tiết và hiện UBND tỉnh đang thực hiện phân bổ chi tiết cho các địa phương để tập trung triển khai các bước tiếp theo.
ĐẢM BẢO SỬ DỤNG VỐN TẬP TRUNG, HIỆU QUẢ
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh nhấn mạnh, Chính phủ đặt mục tiêu rất cao, quyết tâm lớn về giải ngân vốn đầu tư công nói chung và 3 Chương trình mục tiêu quốc gia nói riêng trong năm 2022. Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trung bình cả nước đạt thấp, riêng 3 Chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm.
Lãnh đạo các sở, ban, ngành tham dự hội nghị. Ảnh: Phạm Bằng |
Nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành trong tháng 10/2022 phải ban hành hoặc trình cấp thẩm quyền ban hành 5 văn bản để hướng dẫn thực hiện các tiểu dự án, dự án thành phần của các chương trình. Các tỉnh, thành triển khai giải ngân vốn đầu tư công ngay, tránh chờ văn bản vì thực tế vẫn có tỉnh, thành vẫn triển khai được.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương thực hiện đồng bộ các biện pháp quản lý và tăng cường lồng ghép các nguồn vốn thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, đảm bảo sử dụng vốn tập trung, tiết kiệm, hiệu quả.
Các địa phương khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, trùng lặp, lãng phí; không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản. Triển khai quyết liệt các giải pháp đẩy nhanh tiến độ phân bổ, giải ngân vốn các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia./.