Chính phủ kiên định quan điểm hy sinh lợi ích kinh tế vì sức khỏe người dân
Thủ tướng khẳng định, Chính phủ kiên định quan điểm sẵn sàng hy sinh một số lợi ích kinh tế để bảo vệ tốt nhất an toàn sức khỏe cho nhân dân, du khách và người nước ngoài ở Việt Nam.
Sáng 3/3, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2020, đánh giá tình hình chống dịch Covid-19 và tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Việt Nam sẵn sàng hy sinh lợi ích kinh tế để bảo vệ an toàn sức khỏe cho người dân. |
Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, tại thời điểm này, Chính phủ kiên định quan điểm sẵn sàng hy sinh lợi ích kinh tế để bảo vệ an toàn sức khỏe cho người dân Việt Nam và người nước ngoài ở Việt Nam.
Chưa có ca Covid-19 mới trong 18 ngày qua
Trong thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ đã quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19. Nhờ đó, cả nước chỉ có 16 ca dương tính với Covid-19 thì tất cả đã khỏi bệnh. 18 ngày qua, chưa có ca Covid-19 mới nào.
Một trong các giải pháp là kiên quyết cách ly người từ vùng dịch vào Việt Nam. Giải pháp này tiếp tục được triển khai nhưng đảm bảo nhân văn, trách nhiệm, đồng thời có những giải pháp hạn chế tối đa người từ vùng dịch vào Việt Nam. Đến nay Việt Nam đã cách ly gần 10.000 người ở các địa phương khác nhau.
Trước bối cảnh dịch diễn biến phức tạp ở nhiều nước, thay vì miễn visa như trước đây, Thủ tướng cho biết, Việt Nam áp dụng việc cấp visa trở lại và sẽ tiếp tục xem xét giải pháp này đối với những quốc gia đang được Việt Nam miễn visa mà đang có dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai các giải pháp phòng, chống dịch, Thủ tướng nhấn mạnh thái độ chủ động và không do dự.
Thấu hiểu để có biện pháp sát hơn
Thủ tướng cũng cho biết, dịch Covid-19 đang khiến kinh tế thế giới ảm đảm tương tự khủng hoảng kinh tế năm 2008. Dịch gây thiệt hại cho ngành hàng không khoảng 30 tỷ USD, du lịch 80 tỷ USD. Các đối tác thương mại, đầu tư, du lịch lớn của Việt Nam là Trung Quốc, Hàn Quốc cũng gặp khó khăn vì dịch.
Tuy vậy, Thủ tướng thông tin những con số đáng mừng về tình hình kinh tế tháng 2 của nước ta. Tình hình kinh tế ổn định, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 giảm 0,17% so với tháng trước. Thu ngân sách tăng 9,3%. Ngân sách Trung ương đã chi 517 tỷ đồng cho công tác chống dịch.
Đặc biệt, nhờ các giải pháp linh hoạt của Chính phủ, trong đó có giải pháp đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, từ nửa tháng qua cho xuất khẩu trở lại sang thị trường Trung Quốc..., nên xuất khẩu vẫn tăng, ước đạt gần 37 tỷ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ, nhập siêu trong tầm kiểm soát. Nông nghiệp phát triển ổn định. Số doanh nghiệp phát triển ấn tượng với trên 17,4 nghìn doanh nghiệp, 12 nghìn doanh nghiệp trở lại hoạt động. An sinh xã hội được quan tâm, đời sống người dân được bảo đảm.
Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2020. |
Song, thực tế dịch bệnh cũng khiến lĩnh vực thương mại, đầu tư bị ảnh hưởng, đứt gãy nhiều chuỗi cung ứng hàng hóa, thu hút FDI giảm nhẹ. Tốc độ tăng của nhiều ngành giảm so với cùng kỳ, như chế biến chế tạo, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ. Nhiều doanh nghiệp đối mặt với nguy cơ thiếu nguyên vật liệu.
Đáng chú ý, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 2 tháng đầu năm nay tăng 5,91%, cao nhất trong 7 năm qua. Bước đầu nguyên nhân được cho là do giá thịt lợn tăng, nhưng theo Thủ tướng đây là điều cần phải làm rõ và xử lý, bởi giá xăng dầu vừa qua giảm mạnh.
Thủ tướng cũng yêu cầu các thành viên Chính phủ thảo luận về Dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng về các giải pháp cấp bách tháo gỡ sản xuất, kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội, ứng phó Covid-19 để thực hiện cho được mục tiêu kép trong năm nay, trong đó có một số nhiệm vụ cụ thể.
Dù có chủ trương đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, nhưng qua 2 tháng mới giải ngân được 7,38% là thấp. Còn 6 bộ, 9 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn. Đây là vấn đề cần thảo luận khắc phục. Nếu vốn đầu tư công các công trình trọng điểm quốc gia không được xử lý giải quyết thì không cách gì hoàn thành nhiệm vụ năm nay.
"Tôi thấy một số cơ quan chưa tập trung chỉ đạo, chưa kịp thời tháo gỡ cho sản xuất, chưa thấu hiểu sản xuất kinh doanh còn khó khăn. Hôm qua Ngân hàng Nhà nước đã công bố gói 250.000 tỷ đồng (tương đương 10 tỷ USD), nhưng làm sao có thể đưa vào sản xuất, kinh doanh sớm với lãi suất phù hợp trong bối cảnh Covid-19 hiện nay"- Thủ tướng nói.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu thảo luận ban hành chính sách tài khóa, nhất là giãn, hoãn một số khoản thuế, phí để tạo điều kiện cho sản xuất, kinh doanh. "Chính phủ phải thấu hiểu điều này, các ngành, các cấp phải thấu hiểu điều này để có những biện pháp chỉ đạo sát hơn”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Trước đó, ngày 2/3, Ngân hàng Nhà nước đã công bố gói 250.000 tỷ đồng tín dụng ưu đãi dành cho các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Theo một số đánh giá, có thể các ngân hàng thương mại sẽ giảm lãi suất từ 0,5% - 3% cho các khoản giải ngân mới, cả bằng tiền đồng và USD.