Chính phủ trình Quốc hội xem xét các dự án luật về công dân
Tiếp tục chương trình làm việc tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII, sáng 4/6, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật đầu tư (sửa đổi); cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hàng không dân dụng Việt Nam năm 2006.
Tạo môi trường đầu tư thông thoáng, công khai, minh bạch
Luật Đầu tư được Quốc hội thông qua năm 2005 trên cơ sở hợp nhất Luật Đầu tư nước ngoài và Luật Khuyến khích đầu tư trong nước. Việc ban hành luật này là một bước tiến quan trọng trong tiến trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư tại Việt Nam. Tuy nhiên, một số quy định của Luật đầu tư còn tồn tại những hạn chế về phạm vi điều chỉnh và nguyên tắc áp dụng; chính sách bảo đảm đầu tư; lĩnh vực cấm đầu tư, các quy định về hoạt động đầu tư ra nước ngoài...
Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên Nguyễn Thái Học phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN |
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế Quốc hội nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Đầu tư (sửa đổi) nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, công khai, minh bạch, đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu nền kinh tế; bảo đảm tính đồng bộ với các luật liên quan, phù hợp với yêu cầu hội nhập, thông lệ quốc tế và các cam kết của Việt Nam về mở cửa thị trường và tự do hóa đầu tư.
Tán thành với những mục tiêu và quan điểm xây dựng Luật đầu tư (sửa đổi), Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng để Luật Đầu tư (sửa đổi) thúc đẩy quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, tạo sức hấp dẫn, thu hút vốn đầu tư nước ngoài, dự án Luật cần có các quy định mới không thấp hơn quy định về đầu tư so với các nước trong khu vực đồng thời, bảo đảm nâng cao quản lý nhà nước về đầu tư; làm rõ những lĩnh vực Nhà nước ưu tiên, khuyến khích phát triển để thu hút đầu tư...
Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng bố cục và kết cấu của dự án Luật phù hợp, tuy nhiên, dự án Luật cần giảm bớt tối đa các điều khoản giao Chính phủ quy định chi tiết, đồng thời, luật hóa tối đa các quy định của văn bản dưới Luật đang áp dụng có tính ổn định, phát huy hiệu quả trong thực tiễn và tiếp tục nghiên cứu, rà soát, chỉnh lý từ ngữ, câu chữ và kỹ thuật văn bản để hoàn thiện dự án Luật. Hồ sơ của dự án Luật được chuẩn bị công phu và đã đáp ứng yêu cầu.
Tuy nhiên, để hoàn thiện hồ sơ dự án Luật trình Quốc hội, Ủy ban Kinh tế đề nghị bổ sung bảng so sánh những điều khoản sửa đổi của dự thảo Luật so với luật hiện hành.
Tăng cường công tác quản lý nhà nước hoạt động hàng không dân dụng
Thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam năm 2006, các đại biểu cho rằng việc sửa đổi, bổ sung Luật Hàng không dân dụng nhằm đạt mục tiêu tăng cường hiệu lực công tác quản lý nhà nước, nâng cao hiệu quả kinh doanh hàng không dân dụng, bảo đảm quyền lợi của khách hàng.
Dự án Luật bổ sung quy định "Cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành hàng không trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải là nhà chức trách hàng không, giúp Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải thực hiện quản lý nhà nước về hàng không dân dụng trong phạm vi cả nước theo quy định của pháp luật."
Đại biểu Nguyễn Viết Nhiên (Hải Phòng), Lê Văn Học (Lâm Đồng) cho rằng việc xác định chủ thể là nhà chức trách hàng không của Việt Nam trong dự án Luật chưa rõ ràng.
Các đại biểu đề nghị cần làm rõ khái niệm “nhà chức trách hàng không,” từ đó xác định rõ hơn mối quan hệ giữa nhà chức trách hàng không, cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành hàng không trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải và Cục Hàng không Việt Nam đồng thời cần Việt hóa khái niệm "nhà chức trách hàng không" để thống nhất với các văn bản pháp luật khác trong hệ thống pháp luật Việt Nam.
Góp ý về thẩm quyền mở, đóng sân bay chuyên dùng, khoản 6 điều 49 dự án Luật quy định "Bộ Giao thông Vận tải quyết định mở, đóng sân bay chuyên dùng sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Quốc phòng."
Các đại biểu nhận thấy trong xu thế phát triển của đất nước và quá trình hội nhập, sân bay chuyên dùng đang ngày càng có đóng góp quan trọng trong hoạt động vận tải, phục vụ nhiều mục đích, đối tượng khác nhau. Nhiều đại biểu nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về việc giao thẩm quyền mở, đóng sân bay chuyên dùng cho Bộ Giao thông Vận tải nhằm đáp ứng các yêu cầu hoạt động của hàng không dân dụng và cũng phù hợp với thông lệ quốc tế.
Tuy nhiên, đại biểu Đỗ Bá Tỵ (Điện Biên) cho rằng vì các sân bay chuyên dùng hiện nay chủ yếu phục vụ các hoạt động bay quốc phòng, an ninh, cứu hộ, cứu nạn... nên việc quản lý đối với các sân bay chuyên dùng có liên quan tới nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh, cần phải quản lý chặt chẽ.
Đại biểu đề nghị dự án Luật nên giao thẩm quyền mở, đóng sân bay chuyên dùng cho Bộ Quốc phòng, khi các đơn vị quản lý khai khác hàng không có nhu cầu khai thác sân bay dân dụng và hoạt động hàng không ở địa điểm nào cần phải trao đổi với Bộ Quốc phòng và có ý kiến thống nhất bằng văn bản.
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Trọng Sang (Thành phố Hồ Chí Minh) nêu hiện nay ở Việt Nam, các sân bay chuyên dùng là các sân bay ngắn, hẹp. Các sân bay này được Bộ Quốc phòng bố trí nằm trong hệ thống các sân bay quân sự, trong các thành phố trọng điểm về quốc phòng, an ninh, khu vực biên giới, hải đảo, ven biển, nhà giàn... nhằm đảm bảo an toàn cho hoạt động bay.
Đại biểu đề nghị dự án Luật giao Bộ Quốc phòng thẩm quyền mở, đóng sân bay chuyên dùng. Các hãng hàng không muốn khai thác sân bay chuyên dùng phải có ý kiến thống nhất bằng văn bản gửi Bộ Quốc phòng.
Cho ý kiến về an ninh hàng không, các đại biểu cơ bản tán thành việc cần thiết sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan đến bảo đảm an ninh hàng không trong dự án Luật nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các chuyến bay và an ninh, trật tự trong suốt chuyến bay.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Viết Nhiên (Hải Phòng) đề nghị ban soạn thảo cân nhắc quy định ngay trong Luật những trường hợp được miễn kiểm tra, soi chiếu an ninh hàng không để bảo đảm chặt chẽ và công khai, minh bạch; phân định rõ chức năng đảo bảo an ninh, an toàn cảng hàng không, sân bay cảng vụ các doanh nghiệp hoạt động trong khu vực cảng hàng không.
Theo đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên), an ninh hàng không là bộ phận của an ninh quốc gia, do vậy lực lượng kiểm soát an ninh hàng không cũng là một bộ phận hợp thành trong lực lượng đảm bảo an ninh quốc gia.
Đại biểu cho rằng nếu quy định an ninh hàng không thuộc quản lý của Bộ Giao thông Vận tải sẽ có nhiều bất cập, dự án Luật nên quy định bộ phận nào, công đoạn nào trong kiểm soát an ninh hàng không phải trực thuộc Bộ Công an. Quy định như vậy mới đảm bảo an ninh quốc gia trong đó có an ninh hàng không...
Tại buổi làm việc, các đại biểu còn cho ý kiến về việc quản lý đối với tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ; cảng vụ hàng không; thẩm quyền quản lý chướng ngại vật, quản lý độ cao công trình; về đảm bảo hoạt động bay; vận chuyển vũ khí, dụng cụ chiến tranh.
Buổi chiều, Quốc hội làm việc tại Hội trường nghe Chính phủ trình các dự án luật liên quan đến quyền công dân là: Luật căn cước công dân, Luật hộ tịch, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quốc tịch Việt Nam và các Báo cáo thẩm tra.
Hiện đại hóa giấy tờ về căn cước công dân
Tờ trình dự án Luật căn cước công dân đánh giá thời gian qua, các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng để cấp, quản lý Chứng minh nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao dịch của nhân dân, phục vụ yêu cầu nghiệp vụ công an.
Trên cơ sở các văn bản này, hệ thống cơ quan quản lý căn cước công dân đã hình thành trên cả nước; cơ sở dữ liệu chứng minh nhân dân với hệ thống tàng thư căn cước công dân đồ sộ đã và đang đáp ứng yêu cầu cấp, đổi, cấp lại Chứng minh nhân dân và yêu cầu nghiệp vụ công an.
Bộ trưởng Bộ công an Trần Đại Quang trình bày Tờ trình dự án Luật căn cước công dân. Ảnh: TTXVN |
Tuy nhiên các văn bản quy phạm pháp luật về căn cước công dân cho đến nay còn tản mạn, chủ yếu được ban hành dưới hình thức nghị định của Chính phủ nên hiệu lực thi hành thấp. Trong khi đó, quyền và nghĩa vụ của công dân về căn cước công dân là quyền và nghĩa vụ cơ bản nên cần phải được quy định trong văn bản có hiệu lực pháp lý cao là Luật.
Mặt khác, sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước đã đặt ra các yêu cầu mới. Cụ thể, Hiến pháp năm 2013 đã quy định quyền tự do đi lại, giao dịch, quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình là quyền con người, quyền công dân được Nhà nước công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm. Căn cước công dân liên quan trực tiếp đến những quyền này.
Dự án luật cũng quy định việc sử dụng thẻ Căn cước công dân theo công nghệ tiên tiến vừa bảo đảm bền, đẹp, chống làm giả, vừa có khả năng tích hợp nhiều thông tin cần thiết để góp phần đơn giản hóa giấy tờ cho công dân, từng bước thực hiện Chính phủ điện tử...
Dự án Luật căn cước công dân bao gồm 5 chương, 36 điều,
Thẩm tra dự án Luật, Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật. Ủy ban đánh giá hoạt động quản lý căn cước công dân mới được điều chỉnh bởi Nghị định của Chính phủ nên hiệu lực pháp lý không cao, quá trình triển khai còn nhiều bất cập, gây phiền hà cho người dân.
Việc xây dựng dự án Luật căn cước công dân là cần thiết để luật hóa những quy phạm pháp luật đã thực hiện ổn định, có hiệu quả và thể chế hóa quy định mới của Hiến pháp về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, tạo sự đổi mới căn bản về tổ chức hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.
Tạo cơ sở pháp lý ổn định, thống nhất đăng ký, quản lý hộ tịch
Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật hộ tịch nêu rõ việc ban hành Luật Hộ tịch là rất cần thiết n hằm tạo cơ sở pháp lý lâu dài, ổn định và thống nhất cho công tác đăng ký và quản lý hộ tịch. Đặc biệt trong bối cảnh triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 với nhiều quy định mới đề cao quyền con người, quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân.
Bên cạnh vai trò và tầm quan trọng đối với quản lý nhà nước và xã hội, công tác đăng ký và quản lý hộ tịch thời gian quan đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Trong đó nổi lên là chất lượng công tác đăng ký hộ tịch chưa cao, vẫn còn nhiều sai sót, nhất là tình trạng lợi dụng đăng ký hộ tịch nhằm động cơ vụ lợi, hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước có dấu hiệu gia tăng; hiệu quả công tác quản lý hộ tịch chưa đáp ứng yêu cầu, nhiều trường hợp cơ quan quản lý và đăng ký hộ tịch không nắm được đầy đủ dữ liệu hộ tịch cá nhân; công tác cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa giấy tờ hộ tịch tuy đã được quan tâm nhưng vẫn chưa thực sự tạo thuận lợi cho người dân trong giải quyết các yêu cầu hộ tịch; phương thức đăng ký hộ tịch còn mang tính thủ công…
Những bất cập, hạn chế, yếu kém này làm ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp của công dân; làm giảm hiệu quả quản lý dân cư, quản lý nhà nước và xã hội. Trên phương diện quốc tế, trong nhiều trường hợp, giấy tờ hộ tịch chưa có sự tin cậy cao đối với cơ quan có thẩm quyền nước ngoài; một số nước chưa tin tưởng giấy tờ hộ tịch của Việt Nam, gây ảnh hưởng đến uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Dự thảo Luật Hộ tịch quy định các vấn đề về hộ tịch, thẩm quyền, trình tự, thủ tục đăng ký các việc hộ tịch của người dân (như nguyên tắc đăng ký hộ tịch; quyền, nghĩa vụ đăng ký hộ tịch; thẩm quyền, thủ tục đăng ký hộ tịch; trách nhiệm quản lý nhà nước về hộ tịch...).
Luật Hộ tịch không quy định lại nội dung các quyền nhân thân của cá nhân gắn với hộ tịch (như quyền được khai sinh, quyền có quốc tịch, quyền xác định lại dân tộc, quyền kết hôn, quyền nuôi con nuôi…) đã được các luật khác quy định. Đồng thời, dự thảo Luật cũng không quy định thẩm quyền, thủ tục giải quyết các việc về quốc tịch, nuôi con nuôi quốc tế, là những vấn đề tuy có liên quan đến hộ tịch, nhưng đòi hỏi quy trình giải quyết đặc biệt hơn và đã được Luật Quốc tịch, Luật Nuôi con nuôi điều chỉnh. Dự thảo Luật Hộ tịch gồm 7 chương, 76 điều.
Thẩm tra dự án Luật, Ủy ban Pháp luật tán thành sự cần thiết ban hành Luật và nhất trí với nhiều nội dung của dự án Luật hộ tịch nhằm thể chế hóa các quy định mới của Hiến pháp về quyền công dân, quyền con người, phù hợp với lộ trình đã được đặt ra để triển khai thi hành Hiến pháp.
Bên cạnh đó, ủy ban đề nghị Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo rà soát các quy định của dự án Luật hộ tịch với các quy định của dự án Luật căn cước công dân để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật; đồng thời, chỉ đạo quyết liệt để thực hiện có hiệu quả Đề án 896, góp phần bảo đảm thực hiện được mục tiêu và lộ trình đề ra trong việc ban hành Luật hộ tịch.
Ủy ban Pháp luật cũng đã nêu quan điểm về nội dung: duy trì việc cấp Giấy khai sinh, Giấy chứng nhận kết hôn và mối quan hệ giữa việc cấp Giấy khai sinh với Thẻ căn cước công dân (theo quy định của dự thảo Luật căn cước công dân); thẩm quyền đăng ký hộ tịch; lệ phí hộ tịch; sổ hộ tịch; cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử; việc cấp trích lục hộ tịch; công chức tư pháp-hộ tịch.
Sửa đổi Luật Quốc tịch là cần thiết
Trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam , Chính phủ khẳng định việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 là rất cần thiết và cấp bách.
Đến nay nhiều người trong số những người Việt Nam định cư ở nước ngoài đã có quốc tịch nước sở tại, ổn định cuộc sống, công ăn việc làm và cư trú ở nước ngoài, nên việc lựa chọn giữ quốc tịch Việt Nam bên cạnh quốc tịch nước sở tại của họ, là vấn đề khó khăn, vì lo ngại ảnh hưởng đến quyền lợi, công ăn việc làm, cư trú của họ...
Mặt khác công tác ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật, nhất là Thông tư, Thông tư liên tịch, chưa kịp thời, làm cho việc triển khai đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam trên thực tế không bảo đảm được đúng thời gian Luật định. Các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, Nghị định của Chính phủ chưa có quy định gắn kết cụ thể, tạo sự liên thông giữa thủ tục đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam với thủ tục cấp hộ chiếu Việt Nam, chưa bảo đảm lợi ích thiết thực cho người đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam.
Công tác phối hợp tổ chức triển khai thực hiện việc đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam giữa các Bộ liên quan còn hạn chế; công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đăng ký giữ quốc tịch đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có chưa hiệu quả.
Trong khi đó, thời hạn đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam sẽ kết thúc vào ngày 01/7/2014 tới đây. Theo quy định tại khoản 3 Điều 26 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 thì những người không đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam sẽ đương nhiên mất quốc tịch Việt Nam. Sau này, nếu có nguyện vọng thì họ phải làm thủ tục xin trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật.
Nội dung gồm sửa đổi, bổ sung Điều 13 của Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 theo hướng bỏ thời hạn đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam theo quy định tại khoản 2 Điều này, đồng thời bổ sung khoản 2a quy định về trình tự, thủ tục đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam (trên cơ sở luật hóa một số quy định về đăng ký giữ quốc tịch tại Nghị định số 78/2009/NĐ-CP của Chính phủ).
Bãi bỏ khoản 3 Điều 26 của Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 d o việc sửa đổi khoản 2 Điều 13 của Luật Quốc tịch Việt Nam theo hướng không quy định thời hạn đăng ký giữ quốc tịch.
Thẩm tra dự án Luật, Ủy ban Pháp luật nhất trí với sự cần thiết phải nghiên cứu sửa đổi quy định về đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam tại khoản 2 Điều 13 và trường hợp mất quốc tịch tại khoản 3 Điều 26 của Luật quốc tịch Việt Nam.
Về nguyên nhân dẫn đến hạn chế trong việc thực hiện quy định đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam thời gian qua, một số ý kiến thành viên của Ủy ban Pháp luật cho rằng Tờ trình của Chính phủ chưa có sự đánh giá toàn diện, còn thiếu các số liệu cụ thể về tình trạng quốc tịch của người Việt Nam định cư ở nước ngoài và dự báo khả năng có thể xảy ra nếu tiếp tục giữ quy định về đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam.
Do vậy, chưa cung cấp đầy đủ căn cứ để Quốc hội xem xét, lựa chọn phương hướng xử lý cho giai đoạn sắp tới.
Ủy ban Pháp luật đánh giá do các quy định này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tình trạng quốc tịch của một bộ phận không nhỏ đồng bào ta vào thời điểm ngày 01/7/2014 (5 năm sau khi Luật quốc tịch Việt Nam có hiệu lực), nên căn cứ vào Điều 78 của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đề nghị Quốc hội cho phép quy định Luật này sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày công bố để bảo đảm thi hành trước khi hết thời hạn nói trên.
Thời gian còn lại của buổi chiều, các đại biểu Quốc hội đã nghe Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sỹ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam, dự án Luật Công an Nhân dân (sửa đổi) và các Báo cáo thẩm tra.
Ngày mai, theo chương trình, Quốc hội làm việc tại Hội trường, thảo luận về dự án Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi).
Theo Vietnam+