Chính phủ yêu cầu hoàn tất giải ngân vốn 3 Chương trình Mục tiêu quốc gia trong năm 2022
(Baonghean.vn) - Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh yêu cầu các bộ, ngành khẩn trương ban hành thông tư, hướng dẫn thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia; các địa phương nhanh chóng phân bổ vốn và đặt mục tiêu giải ngân hết trong năm 2022.
Sáng 29/7, Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình Mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 tổ chức Hội nghị trực tuyến với các địa phương về kết quả thực hiện các Chương trình Mục tiêu quốc gia 6 tháng đầu năm và giải pháp thực hiện 6 tháng cuối năm; xử lý một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Đồng chí Phạm Bình Minh - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo chủ trì.
Tại điểm cầu tỉnh Nghệ An, đồng chí Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng Ban Chỉ đạo các Chương trình Mục tiêu quốc gia tỉnh chủ trì. Tham dự hội nghị có lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.
Toàn cảnh Hội nghị trực tuyến toàn quốc về thực hiện các Chương trình Mục tiêu quốc gia. Ảnh: Phạm Bằng |
TIẾN ĐỘ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHẬM
Trong 6 tháng đầu năm 2022, Trung ương đã ban hành 59 văn bản quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện 3 Chương trình Mục tiêu quốc gia, gồm: Giảm nghèo bền vững; Xây dựng nông thôn mới; Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Hiện nay, hầu hết các địa phương đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện các văn bản quản lý, điều hành các Chương trình Mục tiêu quốc gia. Từ Trung ương đến cơ sở đã thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình Mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 để chỉ đạo, tổ chức thực hiện.
Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới đã làm thay đổi diện mạo nhiều địa phương, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Ảnh tư liệu: Tuấn Anh |
Trên cơ sở Nghị quyết số 517 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã giao kế hoạch vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 cho các địa phương và giao dự toán ngân sách Trung ương năm 2022 cho các bộ, ngành, địa phương để thực hiện 3 Chương trình Mục tiêu quốc gia. Trong đó, đã giao hơn 92.000 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 cho các địa phương.
Cụ thể, Chương trình Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là 47.057,816 tỷ đồng; Chương trình Giảm nghèo bền vững là 18.000 tỷ đồng; Chương trình Xây dựng nông thôn mới là 27.000 tỷ đồng.
Đến ngày 25/7, đã có 27/52 địa phương thông qua nghị quyết phân bổ vốn, trong đó có 13 địa phương hoàn thành việc giao kế hoạch vốn.
Lãnh đạo các sở, ngành tham dự hội nghị. Ảnh: Phạm Bằng |
Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, tiến độ xây dựng, trình ban hành và ban hành các văn bản quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình Mục tiêu quốc gia còn chậm, chưa đồng bộ, kịp thời. Việc giao kế hoạch vốn năm 2022 chậm dẫn đến việc địa phương chậm triển khai và giải ngân nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia.
Tại hội nghị, lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban Dân tộc báo cáo tiến độ ban hành các thông tư, văn bản hướng dẫn các địa phương tổ chức triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Các tỉnh, thành cũng báo cáo kết quả triển khai 3 Chương trình Mục tiêu quốc gia, những vướng mắc, khó khăn; đồng thời đề xuất, kiến nghị nhiều nội dung nhằm giúp các địa phương đẩy nhanh tiến độ...
GIẢI NGÂN SỚM, GÓP PHẦN TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ
Kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh nhấn mạnh, từ cuối năm 2021 đến nay, nhiều cơ chế chính sách, cơ sở pháp lý để thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia đã được Quốc hội, Chính phủ, các ban, bộ, ngành ban hành.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh chủ trì Hội nghị trực tuyến của Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình Mục tiêu quốc giai đoạn 2021-2025. Ảnh: chinhphu.vn |
Tuy nhiên, đến nay vẫn còn khoảng 30 nhiệm vụ là các thông tư, văn bản hướng dẫn chưa được các bộ, ngành ban hành. Bên cạnh đó, vẫn còn gần 20 địa phương mà HĐND tỉnh chưa thông qua nghị quyết về phân bổ vốn. Vì thế, các tỉnh, thành phải nhanh chóng triển khai nhiệm vụ này.
Đối với các kiến nghị của các bộ, ngành, địa phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần phối hợp với các ngành rà soát lại để điều chỉnh. Các bộ, ngành cũng phải khẩn trương xây dựng, ban hành các thông tư, văn bản hướng dẫn, hoàn thành trước hạn cuối ngày 15/8.
Đối với các nguồn ngân sách đã được phân bổ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đề nghị các tỉnh, thành triển khai ngay, đặt mục tiêu giải ngân hết nguồn vốn trong năm 2022. Vì việc giải ngân sớm sẽ góp phần tăng trưởng kinh tế, tạo điều kiện nâng cao đời sống tinh thần và vật chất cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo, người dân miền núi.
Lãnh đạo các sở, ngành tham dự hội nghị. Ảnh: Phạm Bằng |
Mặt khác, đồng chí Phạm Bình Minh cũng yêu cầu các địa phương từ tỉnh đến huyện, xã phải thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện 3 Chương trình Mục tiêu quốc gia. Các ban, bộ, ngành Trung ương tiếp tục rà soát, đánh giá, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để giúp các địa phương thực hiện nhanh nhất; tích cực, quyết liệt thực hiện các mục tiêu của 3 Chương trình Mục tiêu quốc gia.