Chính quyền địa phương trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992

04/03/2013 14:18

Một trong những nội dung mà Hiến pháp của hầu hết các quốc gia trên thế giới đều đề cập đến là tự quản ở địa phương, hay tổ chức hành chính ở địa phương. Nội dung của vấn đề tự quản ở địa phương, chính quyền địa phương ở các nước phụ thuộc vào hình thức nhà nước (liên bang hay đơn nhất), hình thức chính thể, chế độ chính trị và các điều kiện khác.

(Baonghean) - Một trong những nội dung mà Hiến pháp của hầu hết các quốc gia trên thế giới đều đề cập đến là tự quản ở địa phương, hay tổ chức hành chính ở địa phương. Nội dung của vấn đề tự quản ở địa phương, chính quyền địa phương ở các nước phụ thuộc vào hình thức nhà nước (liên bang hay đơn nhất), hình thức chính thể, chế độ chính trị và các điều kiện khác.

Tất cả các bản Hiến pháp của Việt Nam từ 1946 đến nay cũng đều có quy định về chính quyền địa phương: Hiến pháp 1946 dành trọn Chương V (Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính) với 6 điều (6/70); Hiến pháp 1959 dành Chương VII với 17 điều quy định về Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính địa phương các cấp; Hiến pháp 1980 tại Chương IX (Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân) với 14 điều; Hiến pháp 1992 tại Chương IX với 8 điều.

Sửa đổi Hiến pháp 1992 là một vấn đề hết sức hệ trọng, vì Hiến pháp là đạo luật cơ bản, đạo luật gốc của Nhà nước. Quan điểm sửa đổi Hiến pháp 1992 về chính quyền địa phương là thể chế hóa chủ trương của Đảng về đổi mới tổ chức hoạt động của chính quyền địa phương theo hướng bảo đảm quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong việc quyết định và tổ chức thực hiện những chính sách trong phạm vi được phân cấp; xây dựng mô hình chính quyền địa phương có sự phân biệt về tổ chức, thẩm quyền của chính quyền ở nông thôn, đô thị, hải đảo.

Quan điểm này là hoàn toàn đúng đắn và phù hợp với thực tiễn, góp phần giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động của chính quyền địa phương thời gian qua mà tổng kết Hiến pháp 1992 đã chỉ rõ. Tuy nhiên, qua nghiên cứu Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, tôi nhận thấy quan điểm này chưa được làm rõ, thể hiện ở việc:

Thứ nhất, bố cục, kết cấu của Chương IX có 5 điều nhưng các Điều 115, 116, 117, 118 chỉ là những sửa đổi, bổ sung nhỏ, thêm hoặc bỏ từ, cụm từ, ví dụ: Điều 115 sửa cụm từ “hành chính” thành “hành chính lãnh thổ” và cụm từ “do luật định” thành “ do luật định phù hợp với đặc điểm của từng đơn vị hành chính lãnh thổ và phân cấp quản lý”; Điều 118 chỉ sửa đổi cụm từ “trong thời hạn luật định” bằng “hoặc trả lời bằng văn bản”…

Thứ hai, chưa có quy định nào thể hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm và sự phân biệt về tổ chức, thẩm quyền của chính quyền địa phương ở nông thôn, đô thị, hải đảo so với Hiến pháp 1992.

Do đó, tôi đề nghị Ban soạn thảo cần bổ sung thêm các nội dung để thể chế hóa quan điểm sửa đổi Hiến pháp như đã nêu ở trên.

Về một số nội dung cụ thể:

- Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đổi tên Chương IX từ “Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân” thành “Chính quyền địa phương”. Việc đổi tên như vậy là phù hợp vì thể hiện gọn và chính xác hơn.

- Đề nghị bổ sung thêm 1 điều quy định rõ tổ chức và địa vị pháp lý của chính quyền địa phương (chính quyền địa phương là ai?) Chính quyền địa phương có bao gồm Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân không? Ở cấp nào thì tổ chức Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân? Vị trí pháp lý của chính quyền địa phương trong bộ máy nhà nước như thế nào? để thống nhất trong nhận thức và làm cơ sở để xây dựng luật về chính quyền địa phương.

- Điều 115: Theo tôi, cần bổ sung thêm 1 khoản (khoản 1) quy định: “Nhà nước CHXHCN Việt Nam là nhà nước đơn nhất” để khẳng định hình thức nhà nước ta trước khi phân định đơn vị hành chính sẽ phù hợp hơn. Về việc sửa cụm từ “các đơn vị hành chính” thành “các đơn vị hành chính lãnh thổ” như dự thảo tôi cho là không hợp lý, vì nhà nước ta là nhà nước đơn nhất, không phải là nhà nước liên bang như Mỹ, Nga… và ngay tại Điều 1 Hiến pháp đã khẳng định nước ta là một nước “thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ”. Do đó, tôi đề nghị giữ nguyên như Hiến pháp hiện hành.

- Điều 116: Dự thảo sửa đổi gộp chung các điều 119, 120, 123, 124 của Hiến pháp hiện hành thành 1 điều chung về Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân. Tôi cho rằng nên tách điều 116 thành 2 điều riêng biệt về Hội đồng nhân dân (Khoản 1) và Ủy ban nhân dân (Khoản 2) sẽ hợp lý hơn vì Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân là 2 cơ quan của chính quyền địa phương cần phải được xác định rõ về địa vị pháp lý và cơ cấu tổ chức ngay trong Hiến pháp sửa đổi lần này.

Về Hội đồng nhân dân được quy định tại Khoản 1, tôi cơ bản đồng tình như dự thảo sửa đổi về xác định vị trí pháp lý của Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương và cơ quan đại diện của nhân dân ở địa phương. Tuy nhiên, trong dự thảo cần xác định rõ những chức năng, nhiệm vụ cơ bản của Hội đồng nhân dân để làm cơ sở cho việc ban hành luật. Đồng thời lưu ý bổ sung thêm thẩm quyền của Hội đồng nhân dân trong việc quyết định những vấn đề phát sinh trên thực tiễn địa phương mà Hiến pháp, luật, văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên chưa có quy định để đảm bảo tính chủ động và tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương.

Về UBND (Khoản 2): Dự thảo sửa đổi bỏ quy định “UBND do Hội đồng nhân dân bầu ra” nhưng vẫn giữ nguyên quy định “là cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân” là không hợp lý. Đồng thời, trong dự thảo chưa quy định ai là người bầu, bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm chủ tịch UBND, các thành viên UBND nhưng lại quy định chủ tịch UBND và các thành viên UBND “chịu trách nhiệm trước Hội đồng nhân dân và cơ quan nhà nước cấp trên” là thiếu sự thống nhất. Do đó, đề nghị cần giữ nguyên quy định “UBND do Hội đồng nhân dân bầu ra” để đảm bảo tính thống nhất và đảm bảo nguyên tắc “tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân” (Điều 2) và “nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng các hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân (Điều 6). Đồng thời, dự thảo cần bổ sung thêm các quy định mang tính nguyên tắc về cơ cấu tổ chức và chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban nhân dân để làm cơ sở cho việc cụ thể hóa các nguyên tắc hiến định.

- Điều 118: Đề nghị bổ sung thêm quyền bỏ phiếu tín nhiệm của đại biểu Hội đồng nhân dân đối với các chức danh do Hội đồng nhân dân bầu cho phù hợp với quy định hiện hành.


An Chung - (Ban Pháp chế HĐND tỉnh)

Chính quyền địa phương trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO