Chính sách "Abenomics" và những thách thức

01/09/2015 09:36

(Baonghean) - Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang có nhiều biến động, Nhật Bản vừa công bố các số liệu không mấy lạc quan về tăng trưởng của nền kinh tế nước này. Đây được coi là áp lực với gói chính sách “Abenomics” của Thủ tướng Shinzo Abe nhằm đưa nền kinh tế lớn thứ ba thế giới thoát khỏi thời kỳ giảm phát và suy thoái kéo dài hai thập kỷ.

Theo số liệu kinh tế được Chính phủ Nhật Bản công bố ngày 31-8, sản lượng công nghiệp nước này trong tháng 7 giảm 0,6% so với tháng 6, trái với dự đoán ban đầu tăng, nguyên nhân một phần do nhu cầu thị trường nước ngoài giảm cùng với lo lắng về sự giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc. Trước đó những số liệu được công bố cũng cho thấy kinh tế Nhật Bản trong quý 2 năm nay giảm 1,6% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm 0,4% so với quý 1. Xuất khẩu yếu cộng với việc cắt giảm chi tiêu của người tiêu dùng và các doanh nghiệp là những lý do chính dẫn đến sự co lại của nền kinh tế.

Kết quả tăng trưởng kinh tế không mấy sáng sủa sẽ khiến kế hoạch chấn hưng kinh tế đầy tham vọng của Thủ tướng Abe, còn được gọi là “Abenomics” dễ bị chĩa mũi dùi chỉ trích. Không thể phủ nhận, đây là một thành công vượt bậc của các chính sách cải cách kinh tế được thực hiện trong hơn 2 năm qua. Thế nhưng, các chính sách cải tổ kinh tế của Thủ tướng Abe vẫn chưa đạt được mức độ thành công như các nhà kinh tế dự báo. Mà nguyên nhân được cho là xuất phát cả từ yếu tố nội tại lẫn các điều kiện bên ngoài.

Chính sách Abenomics đứng trước những thách thức.  Ảnh minh họa: AFP
Chính sách Abenomics đứng trước những thách thức. Ảnh minh họa: AFP

Trước hết, xét ở góc độ nội tại, các chuyên gia kinh tế cho rằng khối lượng thâm hụt tài khóa khổng lồ và khoản nợ lũy kế đang ghìm lại mọi nỗ lực tăng chi tiêu chính phủ. Nợ công Nhật Bản hiện ở mức 240% tổng GDP, lớn hơn nhiều so với Hy Lạp và lớn nhất trong số những nền kinh tế thuộc Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD). Động thái tăng thuế tiêu dùng của Chính phủ Nhật Bản hồi cuối năm ngoái (với mục tiêu làm giảm bớt khối nợ công khổng lồ của nước này) đã kìm hãm chi tiêu tiêu dùng và đẩy nền kinh tế lớn thứ ba thế giới vào tình trạng suy thoái ngắn.

Thêm vào đó, tiền lương tăng chậm và thời tiết xấu khiến người dân không ra ngoài mua sắm cũng khiến các chỉ số tiêu dùng giảm. Thêm vào đó, Thủ tướng Abe ủng hộ các doanh nghiệp tăng lương, đổi lại được hưởng ưu đãi thuế, nhưng các công ty này lại thổi phồng khoản tiền thưởng thay vì tăng lương cố định và điều này không khiến các gia đình tăng sức mua. Ngoài ra, các cải cách cơ cấu – một trong ba ưu tiên trọng tâm của chính sách Abenomics có phần còn rụt rè. Chính phủ quyết định giải phóng một số lĩnh vực và phát triển việc làm cho phụ nữ, nhưng đất nước này lại không mở cửa cho lao động nhập cư - cách hiệu quả để bù đắp cho tình trạng dân số trong độ tuổi lao động sụt giảm (giảm 0,5% hàng năm).

Ngoài yếu tố nội tại, theo các chuyên gia, sở dĩ các chính sách cải tổ kinh tế của Thủ tướng Abe chưa đạt thành công như mong muốn một phần là vì bối cảnh nền kinh tế thế giới, đặc biệt là sự bất ổn của nền kinh tế Trung Quốc. Những dữ liệu phân tích của nhà kinh tế Nhật Bản Yuki Masujima đã chỉ ra rằng thương mại với Trung Quốc đóng góp tới 13% vào GDP của Nhật Bản. Mức này còn cao hơn cả đóng góp từ thương mại song phương với Mỹ, một khách hàng truyền thống của Nhật Bản. Do đó, đối với chính sách kinh tế của Nhật Bản thì tỷ giá hối đoái giữa Yên Nhật và Nhân dân tệ bây giờ có ảnh hưởng mạnh hơn cả tỷ giá Yên và USD. Khi đồng Nhân dân tệ mất giá so với USD cũng có nghĩa mất giá so với Yên Nhật do giá trị các tiền tệ được tính toán với một trọng số lớn là đồng USD. Chính vì thế, Nhật Bản là một trong số những nạn nhân chịu ảnh hưởng lớn nhất của việc Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ. Theo tính toán, sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc sẽ làm tăng nguy cơ kinh tế Nhật Bản tiếp tục tăng trưởng yếu ớt trong quý III và chỉ được hy vọng đạt tăng trưởng với tốc độ 1% trong cả năm nay.

Đó là chưa kể, các nền kinh tế hàng đầu thế giới vẫn chưa bứt phá hẳn trong thời gian qua. Nhu cầu đối với hàng hóa Nhật Bản tại các thị trường Mỹ, Trung Quốc và các thị trường xuất khẩu khác đã giảm và sẽ còn giảm khiến nền kinh tế Nhật Bản “thất thu” một khoản ngân sách lớn.

Trước bối cảnh hiện nay, giới phân tích nhận định Ngân hàng Trung ương Nhật Bản sẽ phải tung thêm các biện pháp hỗ trợ kinh tế mà trước hết tăng cường chính sách nới lỏng tiền tệ. Trong dài hạn, có thể chính sách “Abenonics” sẽ phải được thúc đẩy hơn nữa mà theo các chuyên gia kinh tế thì mũi tên thứ ba của chính sách này là tái cấu trúc cơ cấu kinh tế cần phải được tiến hành hiệu quả hơn. Tuy nhiên, nhiệm vụ này không hề dễ dàng khi các yếu tố cả trong và ngoài đều có những bất lợi cho nỗ lực tăng trưởng của Nhật Bản. Điều này một lần nữa cho thấy, các nền kinh tế lớn của thế giới đều đang đứng trước những giới hạn mong manh và có thể gây ra những bất ổn bất cứ lúc nào.

Thanh Huyền

Mới nhất

x
Chính sách "Abenomics" và những thách thức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO