Chính sách dân tộc: Chưa có sinh kế thoát nghèo bền vững

Đào Tuấn 10/12/2018 15:33

(Baonghean) - Hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều chính sách ra đời. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện những chính sách này, hàng loạt bất cập đã nảy sinh.

Chính sách dành cho người... “ăn mặn mức đặc biệt”

Nhiều năm nay gia đình ông Lô Văn Hặc ở bản Na Bón, xã Tiền Phong (Quế Phong) với 5 khẩu, diện hộ nghèo. Trò chuyện, ông Hặc cho hay: “Nhờ Đảng và Nhà nước giúp đỡ, hỗ trợ tiền để sửa chữa nhà, vợ chồng già lại được đi khám bệnh không mất tiền. Nhưng việc Nhà nước cho bột canh, từ năm ngoái đến dừ ăn chưa hết” - nói rồi ông Hặc lôi từ trong chạn bát ra 1 bì bột canh hơn chục gói còn nguyên, nói thêm là con cái đi tìm việc làm xa, bột canh đem cho hàng xóm bớt rồi mà vẫn không hết...

Xã Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An). Ảnh: Hữu Vi

Không chỉ có gia đình ông lão Lô Văn Hặc mà ở bản Na Bón, xã Tiền Phong nói riêng và 13 xã của huyện Quế Phong nói chung, các hộ nghèo đều được hỗ trợ bột canh và muối i-ốt. Chính sách này là sự cụ thể hóa Quyết định số 102/2009/QĐ/TTg ngày 07/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo thuộc vùng khó khăn. Theo đó mỗi khẩu thuộc hộ nghèo được hỗ trợ 100.000 đồng/năm. Nguồn hỗ trợ này trước đây được cấp thông qua chính quyền các địa phương sau đó chuyển về cho dân.

Địa bàn Quế Phong sản xuất lúa trên các diện tích cao cưỡng, ruộng bậc thang, vì số tiền hỗ trợ quá ít ỏi nên Ban Thường vụ Huyện ủy vận động các đối tượng được hưởng không nhận tiền hỗ trợ sản xuất mà tập trung vào đầu tư sản xuất, tăng năng suất cây trồng. Huyện dùng nguồn này để mua phân nén dúi sâu cấp cho các hộ.

“Đây là cách làm rất hiệu quả, các diện tích lúa được bón bằng phân nén cho hiệu quả vượt trội, năng suất, sản lượng đều tăng. Người dân rất ủng hộ” - ông Lang Văn Khuê, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Quế Phong cho biết. Về sau, Ban Dân tộc tỉnh trực tiếp thực hiện Quyết định 102, cách làm mới, là cấp bột canh cho hộ nghèo thông qua một doanh nghiệp trung gian. Và năm 2017, tổng kinh phí cấp cho hộ nghèo ở huyện Quế Phong là hơn 3.138 tỷ đồng, trong đó số lượng bột canh i-ốt và muối i-ốt là 97.731 kg, tương đương 1.757.408.352 đồng; cấp bằng tiền mặt hơn 1,381 tỷ đồng.

Năm 2018 tổng kinh phí để thực hiện là hơn 2,729 tỷ đồng, trong đó cấp bằng bột canh i-ốt hơn 1,143 tỷ đồng. Như thế, mỗi khẩu được hỗ trợ 100.000 đồng quy đổi bằng bột canh, nếu tính theo giá thị trường bán lẻ, 1 gói bột canh có giá 4.000 đồng, 100.000 đồng có thể mua được ít nhất 25 gói. Một hộ dân có 5 khẩu sẽ sở hữu 125 gói bột canh/năm. Chính vì vậy, để dùng hết số bột canh này, nhiều người ví von cần phải có những người “ăn mặn mức đặc biệt”.

Hỗ trợ người nghèo ở huyện Quỳ Châu mua bò phát triển kinh tế. Ảnh tư liệu

Ông Trần Hữu Đàn - Phó Chủ tịch HĐND huyện Quế Phong cho biết, hầu hết các đối tượng được hưởng chính sách theo Quyết định 102 đều không đồng tình với việc hỗ trợ bằng bột canh. Có những gia đình tồn hàng yến bột canh trong nhà... Hiện có thông tin khẳng định chính sách này đã được bãi bỏ, nhưng ông Lang Văn Khuê -Trưởng Phòng Dân tộc huyện Quế Phong quả quyết rằng vẫn đang được thực hiện trên địa bàn.

Những bất cập quanh “chiếc bánh” chính sách

Để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn, những năm qua Đảng và Nhà nước đã ban hành và thực hiện rất nhiều chủ trương, chính sách quan trọng. Tính đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đang thực hiện 68 chính sách của Trung ương và 11 chính sách do tỉnh ban hành.

Tỉnh đã phân công 14 sở, ban, ngành cùng tham gia thực hiện chính sách đối với khu vực miền núi dân tộc. Hiện, Ban Dân tộc tỉnh dẫn đầu với việc chủ trì triển khai 22 chính sách; Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì thực hiện 13 chính sách, Sở LĐTB&XH chủ trì 7 chính sách;...

 Trẻ em Keng Đu (Kỳ Sơn) nay đã đến trường đầy đủ hơn nhờ các chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước. Ảnh: Tuấn Anh
Trẻ em Keng Đu (Kỳ Sơn) nay đã đến trường đầy đủ hơn nhờ các chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước. Ảnh: Tuấn Anh

Nhiều cán bộ địa phương nêu băn khoăn: phần lớn các chương trình giảm nghèo đều đang thực hiện chủ trương ”cho không”, dẫn tới người dân ỷ lại, trông đợi vào sự hỗ trợ và tự cho mình cái quyền được dành sự quan tâm đặc biệt ấy. Cùng đó, đang có nhiều chính sách “dẫm chân nhau” trên cùng một địa bàn.

Trước đây, tại địa bàn huyện Quỳ Châu xảy ra trường hợp, cùng là những hộ nghèo sống trong một bản dân cư nhưng có hộ được nhận “nguyên một con bò” theo chương trình 30a, hộ khác lại chỉ được nhận “2/3 con bò” theo chương trình khác, vậy nên nhiều hộ phải đóng 1/3 tiền để nhận ”bò nguyên con”.

Liên quan đến vấn đề này đã xảy ra không ít mâu thuẫn, tranh cãi giữa các hộ dân và giữa bà con và chính quyền địa phương. Có những dự án hỗ trợ hộ nghèo bằng 1 đàn vịt, nhưng ngay sau khi tiếp nhận, người dân giết thịt ăn dần. Nguyên do là đối với họ, thóc lúa còn chưa đủ cho người ăn nói gì đến vật nuôi.

Thậm chí người dân sẵn sàng giết thịt cả con bò dự án. Bên cạnh đó việc dự án nhập về đàn bò ngoài địa bàn không thể thích nghi với môi trường bản địa, thói quen thả rông gia súc cũng là những tồn tại khiến số lượng vật nuôi không thể phát triển như kỳ vọng...

Trồng rừng nguyên liệu tại vùng miền Tây Yên Thành. Ảnh: Hữu Nghĩa
Trồng rừng nguyên liệu tại vùng miền Tây Yên Thành. Ảnh: Hữu Nghĩa

“Nhiều chính sách cho không, ưu đãi hộ nghèo khiến người nghèo không muốn thoát nghèo. Có những chính sách được ban hành theo tính chất nhiệm kỳ, ngắn hạn, số vốn ít nhưng mục tiêu lại lớn, nhiều sở, ban, ngành cùng thực hiện một chính sách nên xảy ra chồng chéo”, bà Lê Thị Ngọc - Trưởng phòng Dân tộc huyện Quỳ Châu cho hay

Bà Ngọc nêu ví dụ: Thực hiện chính sách vay vốn hỗ trợ phát triển sản xuất đối với các hộ dân thiếu đất ở và đất sản xuất theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đến thời điểm này của năm 2018 tại huyện Quỳ Châu mới chỉ có 44 hộ được vay vốn, trong khi nhu cầu có mấy nghìn hộ, mà chính sách này đến năm 2020 là hết hiệu lực.

Ngành Giáo dục và Đào tạo hiện đang chủ trì thực hiện 13 chính sách đối với học sinh vùng miền núi dân tộc. Trong đó có Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 của Chính phủ Quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn. Theo đó, căn cứ vào các tiêu chí quy định, học sinh được hỗ trợ tiền ăn, tiền nhà ở và gạo trong 9 tháng của năm học. Sẽ không có vấn đề gì phải bàn nếu việc cấp tiền và gạo hỗ trợ học sinh diễn ra hằng tháng hoặc vài tháng tổ chức một lần, nhưng thực tế thì mỗi năm các em nhận dồn hai lần.

“Số lượng gạo dồn từng tháng khiến các em nhận đến cả nửa tạ. Mỗi lần trường cấp gạo thì tư thương đón mua ngay tại các cổng trường. Việc cứu đói hàng tháng đã không thể thực hiện được” - một phụ huynh cho biết.

Tương tự, nguồn tiền hỗ trợ cũng không cấp đều hàng tháng, nên có những em tốt nghiệp ra trường vẫn chưa nhận được trợ cấp, số khác nhận được cục tiền thì ngay lập tức tiêu hết sạch.

Theo thống kê, trên khu vực miền núi giàu tiềm năng, chiếm đến 83% diện tích của tỉnh có 42.846 hộ nghèo, tương đương tỷ lệ 15%; 42.846 hộ cận nghèo, tương ứng với tỷ lệ 14%. Sinh kế cho vùng đồng bào dân tộc là vấn đề cần được nghiên cứu, đánh giá một cách trực quan và xuất phát từ thực tiễn.

Nuôi cá trên lòng hồ thủy điện Hủa Na. Ảnh: Hồ Phương
Nuôi cá trên lòng hồ thủy điện Hủa Na. Ảnh: Hồ Phương

Hiện nay chính sách nhiều nhưng vụn vặt, nguồn vốn thấp và không có tính bền vững. Ngay như với Nghị quyết 30a, theo nguyên tắc nguồn vốn của chương trình chỉ dành riêng để hỗ trợ các huyện nghèo, miền núi đặc biệt khó khăn nhưng nhiều chương trình, dự án khác cũng đã và đang sử dụng nguồn vốn này để triển khai. Nó giống như chiếc bánh mà chiếc dao nào cũng có thể đưa vào cắt xén, chia khẩu phần.

Đã có những giải pháp cốt lõi được nhiều lãnh đạo địa phương đưa ra nhằm khắc phục những tồn tại từ thực tiễn. Đó là không nên ban hành các chính sách vụn vặt, nhỏ lẻ; cần tích hợp nhiều chính sách có tính chất tương đương làm một. Bên cạnh đó cần có sự thống nhất khi giao nhiệm vụ cho các đơn vị thực hiện, tránh việc cùng một nội dung mà nhiều cấp, ngành cùng tham gia thực hiện chính sách. Tư duy đối với bộ phận làm chính sách cũng phải thay đổi, đó là phải bám sát vào đời sống dân sinh, và nhất là hạn chế phương thức “cho không” như lâu nay.

Cán bộ Trạm Trồng trọt và BVTV huyện Nghĩa Đàn hướng dẫn kỹ thuật trồng khoai lang cho bà con. Ảnh: Minh Thái

Theo ông Trần Hữu Đàn - Phó Chủ tịch HĐND huyện Quế Phong, thực tiễn đặt ra yêu cầu cần có giải pháp đủ lớn để thu hút nhà đầu tư về với khu vực miền núi, trên cơ sở đó tạo các vùng sản xuất, nguyên liệu nhằm kéo bà con tham gia. Có như vậy mới mong người dân thay đổi tập quán, tư duy, không trông chờ vào miếng bánh chính sách và phó mặc cuộc sống của mình cho Nhà nước.

Nằm ở khu vực Bắc miền Trung, Nghệ An là tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước với gần 16.500 km2, trong đó vùng miền núi phía Tây của tỉnh chiếm trên 83% diện tích. Dân số khu vực này có 1.197.628 người, chiếm 41% dân số toàn tỉnh, đồng bào các dân tộc thiểu số có 466.137 người, tương đương 15,2% của tỉnh và chiếm 36% dân số địa bàn miền núi. Miền Tây Nghệ An cũng là nơi sinh sống của các cộng đồng dân tộc thiểu số, nhiều nhất là đồng bào dân tộc: Thái, Mông, Khơ mú, Thổ. Khu vực này cũng có 252 xã, gồm 46 xã khu vực I, 112 xã khu vực II, 94 xã khu vực III và 1.175 thôn, bản đặc biệt khó khăn.


Mới nhất
x
Chính sách dân tộc: Chưa có sinh kế thoát nghèo bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO