Chính sách hướng Đông của Thủ tướng Anh David Cameron
(Baonghean) - Thủ tướng Anh David Cameron đang có chuyến công du 4 nước Đông Nam Á là Indonesia, Malaysia, Việt Nam và Singapore. Đây là chuyến công du đầu tiên ngoài khu vực châu Âu của ông kể từ khi tái đắc cử Thủ tướng Anh hồi tháng 5 vừa qua. Sau chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử khi đảng Bảo thủ giành được 325 ghế trong hạ viện Anh, ông David Cameron hiện đang ở trong giai đoạn cầm quyền tự tin nhất của mình. Một trong những ưu tiên hàng đầu của ông trong thời điểm này là thực thi các chính sách đối ngoại, thể hiện rõ trong chuyến thăm Đông Nam Á lần này.
Thủ tướng David Cameron và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại cuộc gặp ngày 29/7. |
Chuyến thăm của ông Cameron có hai mục đích rõ ràng: thúc đẩy quan hệ thương mại giữa Anh quốc với các nước Đông Nam Á và hợp tác chống khủng bố. Ở cả hai mục đích này, ông Cameron đã nhìn thấy được những tiềm năng và lợi ích mang lại khi hợp tác với Đông Nam Á, mở rộng đối tác bên ngoài châu Âu.
Tăng cường hợp tác kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm
Trong sự tính toán của giới chức Anh thì Đông Nam Á là khu vực có nền kinh tế phát triển năng động nhất thế giới. So sánh trên nhiều tiêu chí thì ASEAN hiện đang là một đối tác thương mại và đầu tư giàu tiềm năng. Theo dự báo, trong vòng 20 năm tới, 90% tăng trưởng toàn cầu sẽ đến từ bên ngoài châu Âu, nhất là thị trường Đông Nam Á. Trong gần 2 thập kỷ qua, tốc độ tăng GDP của các nước Đông Nam Á cao hơn 2% so với tốc độ trung bình của thế giới. Trong khi đó, trên thực tế, châu Âu đang là bạn hàng lớn nhất của Anh. Theo các báo cáo mới nhất, lượng hàng hóa của Anh bán sang Hungari còn nhiều hơn Indonesia trong khi nền kinh tế Indonesia lớn gấp 25 lần Hungary, thậm chí Indonesia còn là nước đông dân thứ 4 thế giới. Tương tự, tổng kim ngạch thương mại của Anh với Bỉ còn lớn hơn tất cả 4 nước trong chuyến thăm lần này là Indonesia, Malaysia, Singapore và Việt Nam cộng lại. Xuất khẩu của Anh sang Đông Nam Á hiện chỉ đạt 10 tỷ Bảng/năm, một con số rất khiêm tốn so với khả năng và tiềm lực hợp tác giữa Anh và các nước Đông Nam Á. Các nhà lãnh đạo và doanh nghiệp Anh đã nhìn thấy thực tế này và ngay lập tức họ đã dần xoay chuyển sang chính sách hướng Đông, nắm bắt cơ hội hợp tác với khu vực giàu tiềm năng kinh tế này.
Viết trên tờ Daily Mail trước chuyến đi, ông Cameron cho hay: "Đây là một khu vực đang phát triển và tôi muốn Anh chớp lấy mọi cơ hội mà khu vực này mang lại". Trong bối cảnh mà chính phủ của ông Cameron đang đặt mục tiêu nâng gấp đôi giá trị xuất khẩu của nước Anh từ nay đến năm 2020, lên mức 1.000 tỷ Bảng/năm thì rõ ràng việc tìm kiếm cơ hội, tăng cường đối tác là một hành động thiết thực.
Tháp tùng ông Cameron trong chuyến công du Đông Nam Á có Bộ trưởng Thương mại Francis Maude và trên 30 doanh nghiệp hàng đầu của Anh trong các lĩnh vực. Tại cuộc gặp Tổng thống Indonesia Joko Widodo hôm 27/7, Thủ tướng Anh đã khẳng định chính phủ của ông sẽ tăng các khoản vay lên đến 1 tỷ bảng Anh (khoảng 1,6 tỷ USD) để giúp Indonesia đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng tài chính thông qua chương trình bảo lãnh xuất khẩu. Các dự án được đầu tư trước mắt có thể bao gồm một hệ thống xử lý nước thải tại Thủ đô Jakarta trị giá 400 triệu bảng Anh và dự án điện địa nhiệt trị giá 66 triệu Bảng Anh. Thủ tướng Cameron cho rằng Anh và Indonesia có những cơ hội hợp tác đầy triển vọng trong các lĩnh vực như bảo hiểm, cơ sở hạ tầng, dịch vụ Internet ... và nhiều lĩnh vực khác. Vào tối 28/7, trong chuyến thăm Singapore, Thủ tướng Anh Cameron đã gặp gỡ với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu của hai nước, chứng kiến lễ ký hai ý định thư giữa Phòng Thương mại và Đầu tư Vương quốc Anh và Cơ quan Tiền tệ Singapore với đại diện một số công ty bảo hiểm tư nhân nhằm hỗ trợ sự phát triển của các thị trường bảo hiểm khu vực.
Với Việt Nam, đất nước mà lần đầu tiên một Thủ tướng Anh có chuyến thăm chính thức, nhà lãnh đạo Anh quốc cũng có những thiện ý hợp tác kinh tế. Tại cuộc hội đàm với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chiều 29/7, ông Cameron cũng đồng thời khẳng định hợp tác kinh tế là trụ cột quan trọng trong quan hệ Đối tác chiến lược và nhất trí khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư hai nước tăng cường tiếp xúc, tìm hiểu hiểu thị trường, kết nối hợp tác, đặc biệt trong các lĩnh vực mà hai bên có thế mạnh và nhu cầu như cơ sở hạ tầng, tài chính - ngân hàng, bảo hiểm, dầu khí, tăng trưởng xanh thông qua các hình thức hợp tác như đầu tư trực tiếp, liên doanh và đối tác công - tư (PPP). Thủ tướng Cameron công bố cung cấp khoản tín dụng ưu đãi cho Việt Nam trị giá 500 triệu bảng Anh để đầu tư cơ sở hạ tầng. Thỏa thuận này cũng tạo điều kiện để các doanh nghiệp Anh tăng cường hoạt động ở Việt Nam. Ông Cameron cũng khẳng định Chính phủ Vương quốc Anh ủng hộ Việt Nam tăng cường quan hệ toàn diện với Liên minh châu Âu và ủng hộ việc sớm ký kết Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và EU; ông cho rằng Hiệp định này sẽ mở ra các cơ hội hợp tác thương mại - đầu tư giữa doanh nghiệp hai nước.
Vận động Đông Nam Á hợp tác chống IS
Trong chuyến thăm lần này, Thủ tướng Anh đề nghị hỗ trợ hai quốc gia trong khu vực Đông Nam Á là Indonesia và Malaysia trong việc đối phó với ảnh hưởng ngày càng gia tăng của IS. Điểm chung giữa Anh, Indonesia và Malaysia hiện nay là đều phải đối mặt với tình trạng thanh, thiếu niên đổ xô đến khu vực Trung Đông tham gia thánh chiến tại các nước như Iraq, Syria hay Libya. Indonesia là quốc gia có số dân theo Hồi giáo đông nhất thế giới, nước này lo ngại rằng có tới 500 công dân nước này đã bị IS tuyển mộ tới Trung Đông, trong khi khoảng 200 công dân Malaysia cũng được cho đã gia nhập các tổ chức Hồi giáo cực đoan. Còn đối với Anh, hàng trăm công dân trẻ tuổi đã gia nhập IS tại Trung Đông, làm tăng mối đe dọa gây ra các cuộc tấn công tại Anh khi trở về nước. Ông Cameron đã phát biểu rằng "IS là một trong những mối đe dọa lớn nhất mà thế giới của chúng ta phải đối mặt. Tôi cho rằng Anh có thể trợ giúp về hoạt động chống khủng bố, xử lý mối đe dọa từ các tay súng nước ngoài và điều tra các âm mưu khủng bố tiềm tàng”. Bên cạnh đó, Anh cũng sẽ học hỏi kinh nghiệm từ hai quốc gia này trong nỗ lực đối phó với tư tưởng cực đoan.
Tuần trước, ông Cameron cũng đã công bố hàng loạt các biện pháp mới, trong đó nhấn mạnh yêu cầu các công ty mạng phải hỗ trợ chính phủ nhiều hơn nhằm ngăn chặn việc tuyển dụng thành viên cực đoan trên internet. “Tôi mong muốn chúng ta phải làm nhiều hơn nữa để đối phó với tư tưởng cực đoan trong nhà tù và trên mạng. Chúng ta cần đánh giá tổng thể về những điều chúng ta làm trong tù để ngăn chặn chủ nghĩa cực đoan. Chúng ta cũng cần các công ty mạng hỗ trợ nhiều hơn nữa trong việc xác định những kẻ khủng bố tiềm tàng trên internet” - ông Cameron nói. Trong lĩnh vực này, ông Cameron hiểu rằng phải nhờ tới sự giúp sức và hợp tác từ nhiều quốc gia. Ngày 29/7, ông cùng với Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã chứng kiến lễ ký Bản ghi nhớ hợp tác về An ninh mạng giữa Cơ quan An ninh mạng Singapore và Văn phòng An ninh mạng và Bảo hiểm thông tin Vương quốc Anh. Những nỗ lực của ông Cameron trong chuyến đi này đang mở ra những cơ hội mới trong việc hợp tác, liên kết chống lại chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan.
Phương Thảo