Chính trường Thái Lan - Tương lai bất định
(Baonghean) - Sau “khoảng lặng” ít ỏi, chính trường Thái Lan lại đang đối mặt với nguy cơ tăng nhiệt trở lại. Trong khi những người biểu tình chống chính phủ lên kế hoạch “hạ” bằng được thủ tướng tạm quyền và nội các của bà thì bên phía phe áo đỏ, họ cũng có hình thức tương tự. Không ai có thể đoán trước được điều gì sẽ xảy ra nếu 2 bên đụng độ trực tiếp nhau, nhưng đổ máu, thiệt hại về kinh tế thì chắc chắn là không tránh khỏi...
Những ngày qua, Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra lại phải đối mặt thêm một thách thức pháp lý khác. Tòa án Hiến pháp nước này ngày 2/4 tuyên bố sẽ tiến hành xét xử nữ thủ tướng tạm quyền về cáo buộc quản lý yếu kém khi quyết định điều chuyển một quan chức chủ chốt của chính phủ hồi năm 2011. Vị quan chức này là người đứng đầu Hội đồng An ninh Quốc gia và được cho là người ủng hộ đảng đối lập. Đây thực sự là một thách thức không hề nhỏ khi mà các tòa án hiến pháp nước này cho biết đã chấp nhận đơn kiến nghị của các thượng nghị sỹ. Những người này đều có tư tưởng phản đối chính phủ. Bên cạch đó, một số thẩm phán và các quan chức hàng đầu của cơ quan thụ lý vụ án cũng có tư tưởng tương tự. Nếu bị kết tội, bà Yingluck Shinawatra chắc chắn sẽ buộc phải rời vị trí tạm quyền của mình. Tuy nhiên, thời điểm cáo buộc Thủ tướng tạm quyền Yingluck vẫn còn chưa được ấn định cụ thể và vì cần có thời gian để điều tra.
Trong khi đó, hiện bà vẫn đang còn phải đối mặt với một rắc rối khác liên quan đến chương trình trợ giá gạo gây tranh cãi. Điều mà phía những người biểu tình đã dựa vào nó để kéo những người nông dân đứng về phía mình. Theo Ủy ban chống tham nhũng Thái Lan, bà Yingluck đã lơ là trách nhiệm, phớt lờ những cảnh báo về tình trạng tham nhũng trong quá trình triển khai chính sách trợ giá gạo, cũng như thiệt hại kinh tế mà chương trình này có thể gây ra. Tuy nhiên, chưa thể buộc tội ngay cho bà bởi Ủy ban chống tham nhũng Thái Lan cần thời gian để xem xét bổ sung lời khai của các nhân chứng liên quan. Hôm qua (3/4), ông Sanrasern, Tổng thư ký Ủy ban chống tham nhũng Thái Lan thông báo: Sau dịp Tết "té nước" cổ truyền của Thái Lan (từ 12-15/4), Ủy ban chống tham nhũng mới có thể đưa ra quyết định chính thức về việc Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra có vi phạm pháp luật hay không trong chương trình thu mua thóc gạo của nông dân.
Việc Ủy ban chống tham nhũng lui lại thời điểm đưa ra quyết định nêu trên đối với Thủ tướng Yingluck là vì Ủy ban này phải dành thời gian xem xét bổ sung lời khai của 3 nhân chứng là các Phó Thủ tướng trong Chính phủ tạm quyền Thái Lan liên quan đến chương trình thu mua thóc gạo. Ngoài ra, Tổng thư ký Ủy ban chống tham nhũng Thái Lan cũng cho biết: Từ giữa tháng 4, Ủy ban này sẽ chính thức đưa ra quyết định cáo buộc vi hiến đối với 308 thượng nghị sỹ và cựu hạ nghị sỹ liên quan đến việc thông qua dự luật sửa đổi Hiến pháp về thể thức bầu chọn Thượng nghị sỹ, và dự luật này đã bị Tòa án Hiến pháp phán quyết hủy bỏ.
Trong khi còn đang đối mặt với nhiều cuộc chiến pháp lý, thì những ngày gần đây trên đường phố ở thủ đô Bangkok liên tục có những cuộc biểu tình quy mô lớn. Cụ thể, ngày ¼ vừa qua, quan chức thuộc cơ quan tình trạng khẩn cấp của Thái Lan cho biết một người biểu tình chống chính phủ đã bị bắn chết và 4 người khác bị thương khi các tay súng không rõ danh tính nổ súng vào những người tham gia một cuộc tuần hành tại Thủ đô Bangkok. Ngay lập tức, thủ lĩnh biểu tình Suthep Thaugsuban lên tiếng đổ lỗi cho bà Yingluck về cuộc tấn công này. Trước đó, đã có ít nhất 2 người thiệt mạng và 22 người bị thương trong vụ đánh bom nhằm vào một trung tâm thương mại ở Thủ đô Bangkok ngày 23/2. Kể từ tháng 11/2013 năm ngoái, số người thiệt mạng trong các cuộc biểu tình đường phố đã lên tới con số 24.
Trong một vài ngày tới, cả phía biểu tình chống chính phủ và những người biểu tình ủng hộ nội các của Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra đã lên kế hoạch biểu tình quy mô “cực lớn”. Thủ lĩnh phong trào chống độc tài UDD, (hay còn gọi là phe áo đỏ ủng hộ chính phủ, ông Jatuporn Prompan cho biết, dự kiến có khoảng 500.000 nghìn người áo đỏ sẽ tập trung ở quận Thawi Watthana bắt đầu từ ngày 5/4 tới cho một cuộc biểu tình lớn sắp tới của họ. Ông này khẳng định biểu tình sẽ diễn ra trong hòa bình và tránh đối đầu. Trước đó, ông Jatuporn Prompan đã thông báo về kế hoạch biểu tình nhưng không nói rõ địa điểm tổ chức. Trong khi đó, bên phía đối diện, Suthep Thaugsuban cũng lên kế hoạch tương tự. Đồng thời ông này còn lôi kéo cả quân đội đứng về phía mình. Tuy nhiên, Tư lệnh lục quân Thái Lan Prayuth cho biết, họ sẽ đứng ngoài cuộc chính biến này và chỉ nhiệm có vụ duy trì ổn định nếu có bạo lực xảy ra bởi vì quân đội hiện nay không thể phủ nhận vai trò của thủ tướng tạm quyền. Quan điểm trên của quân đội Thái Lan một lần nữa cho thấy, họ sẽ đứng ngoài cuộc trong cuộc khủng hoảng hiện nay. Còn nhớ, Quân đội Thái Lan đã từng rất nhiều lần thực hiện đảo chính lật đổ chính quyền, họ có thể thành công nhưng để yên lòng dân thì lại không thể. Vì thế mâu thuẫn giữa những phe phái vẫn cứ tiếp diễn và đây là bài học cho họ.
Cuộc khủng hoảng chính trị tại Thái Lan đã bước sang tháng thứ 6 sau khi chính phủ của Thủ tướng Yingluck Shinawatra thông qua dự luật ân xá. Cũng từ đó, chính trường Thái Lan luôn dậy sóng, người biểu tình quyết tâm hạ bệ nữ thủ tướng xinh đẹp vì cho rằng dự luật này sẽ mở đường cho sự trở lại của anh trai bà, người cũng từng là thủ tướng nhưng hiện đang phải sống lưu vong vì cáo buộc tham nhũng. Tuy nhiên, những người này cho đến nay vẫn chưa đạt được mục đích và có vẻ như họ chưa muốn từ bỏ mục đích này. Còn với Yingluck Shinawatra, bà hiện vẫn đang được rất nhiều người dân (đặc biệt là nông dân) ủng hộ vì những chính sách của bà luôn hướng đến cuộc sống của tầng lớp này. Và Yingluck chắc chắn cũng hiểu rằng, nếu từ bỏ quyền lực, số phận của bà cũng sẽ như người anh trai của mình mà thôi. Khi mà Suthep vẫn còn chưa đạt được mục đích của mình, chính trường Thái Lan vẫn sẽ tiếp tục không ổn định trong thời gian tới là điều hiển nhiên. Ông Prayuth – Tư lệnh lục quân Thái Lan phát biểu “Cách tốt nhất là tìm kiếm một giải pháp mà 2 bên đều có thể chấp nhận được hoặc một bên nào đó phải rút lui”. Nhưng xem ra, việc này vẫn còn rất xa vời trong hoàn cảnh hiện tại.
Cảnh Nam