Cho "cần" và dạy cách "câu"

17/10/2014 10:14

(Baonghean) - Lâu nay, hễ cứ nói đến việc xóa nghèo, chúng ta lại nhắc đi, nhắc lại câu nói “cho cần câu đừng cho xâu cá”. Coi đó như là phương, châm, quan điểm xuyên suốt trong việc giúp đỡ, hỗ trợ người nghèo vươn lên thoát nghèo.

Đó là quan điểm rất hay và rất đúng! Vì lẽ, trong nhiều năm trở lại đây, khi kinh tế nước nhà đã khá hơn trước, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách, chương trình mục tiêu quốc gia hỗ trợ người nghèo. Nhờ đó, nhiều người nghèo đã nỗ lực phấn đấu, vươn lên thoát nghèo, làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội. Thành tựu xóa nghèo của chúng ta được cả thế giới công nhận. Nhưng bên cạnh đó có một bộ phận người nghèo có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa thật sự nỗ lực vươn lên thoát nghèo. Vì thế, trước mắt và trong thời gian tới càng cần phải áp dụng nghiêm tức, triệt để phương châm, quan điểm nói trên.

“Cần câu” dĩ nhiên đó là các chủ trương, chính sách, chương trình, cơ chế ưu đãi dành riêng cho hộ nghèo, người nghèo. Và điều cần lưu ý ở đây là cho người nghèo “cần câu” rồi thì cần phải tận tình giúp đỡ, bày vẽ tỉ mỉ, cẩn thận cho họ từ cách “mắc mồi” cho đến “cách câu”, “vị trí câu”, “mùa câu” phù hợp từng “loại cá” thì mới có thể giúp họ “câu” được cá để ăn thay cho việc mang cá đến cho họ. Việc này đòi hỏi người giúp phải thật sự có tay nghề, có kiến thức và thật sự tâm huyết, có thời gian cùng sự kiên trì cần thiết dành cho người nghèo. Vậy họ là ai? Trước hết, họ là những người được giao nhiệm vụ và nhận lãnh trách nhiệm giúp người nghèo xóa nghèo.

Sau đó là đến cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể sở tại. Tất cả phải chung tay, góp sức vào giúp đỡ, hỗ trợ cho người nghèo. Nhất là đội ngũ cán bộ, đảng viên ở từng thôn, xóm, làng bản vì họ là những người gần gũi nhất, hiểu rõ nhất, nắm bắt được đầy đủ nhất từ thực trạng cho đến nguyên nhân nghèo của người nghèo. Phải “đến từng nhà, rà từng ngõ” để tìm hiểu cặn kẽ, chính xác vì sao người ta nghèo. Sau khi xác định rõ nguyên nhân rồi thì phải xem nguyện vọng của người ta như thế nào, muốn làm gì để thoát nghèo. Nhưng không phải họ muốn gì là giúp theo nguyện vọng đó mà phải dành thời gian xem mong muốn đó của họ có phù hợp với năng lực, trình độ, khả năng của bản thân, có phù hợp với điều kiện tự nhiên - xã hội, thị trường ở chung quanh.

Nếu phù hợp thì không sao, nếu chưa thì tham mưu, tư vấn cho họ, cùng họ lựa chọn phương án phù hợp nhất. Khi đã lựa chọn được rồi thì mới bắt đầu tính biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ họ. Nếu họ thích chăn nuôi, trồng trọt thì hỗ trợ kỹ thuật nuôi, trồng, giống cây, con phù hợp. Nếu là buôn bán nhỏ lẻ thì là vốn liếng, cách quản lý thu chi, đầu ra, đầu vào, tính toán lời, lỗ… Nếu thích chuyển đổi nghề nghiệp thì hỗ trợ họ học nghề, hỗ trợ vốn liếng ban đầu khi mở nghiệp... Tóm lại, phải căn cứ vào nhu cầu cụ thể của từng người, từng hộ nghèo mà có phương án hỗ trợ cho phù hợp. Như thế vẫn chưa xong, còn phải dành thời gian theo dõi, giám sát họ thực hiện các công việc đó ra sao, có gì sai sót thì phải uốn nắn, chính sửa kịp thời. Nếu không may gặp phải rủi ro thì cũng phải động viên, khuyến khích họ không nản chí. Bền gan vững lòng làm lại từ đầu.

Để làm được tất cả những việc này, cách hay nhất là lấy tổ chức cơ sở đảng hoặc đảng viên đỡ đầu theo hướng vài ba đảng viên kết hợp với các hộ khá đỡ đầu một hộ nghèo theo cách “cầm tay chỉ việc”, đồng thời luôn kề vai, sát cánh động viên tinh thần hộ nghèo vươn lên trong cuộc sống bằng chính bàn tay lao động của mình. Một số địa phương đã đẩy nhanh được tốc độ giảm nghèo nhờ phương pháp này. Trong trường hợp, đã cho “cần câu”, hướng dẫn “cách câu” rồi mà vẫn không chịu làm lụng để vươn lên thì cũng nên biến “cần câu” thành “roi”, thành “gậy” để buộc họ phải nỗ lực hơn nữa. Hỗ trợ, giúp đỡ đi cùng với tuyên truyền, vận động để gầy dựng dựng ý chí vươn lên trong cuộc sống cho người nghèo, nhưng đối với những trường hợp thích trông chờ, ỷ lại nhất quyết không chịu chuyển biến thì cũng phải có biện pháp cứng rắn. “Chính trị” phải “đi đôi” với quân sự thì mới hiệu quả.

Tóm lại, để giúp người nghèo thoát nghèo bền vững vẫn nên giữ nguyên quan điểm là cho “cần”, hướng dẫn “cách câu” thay vì cho xâu cá. Để người nghèo, hộ nghèo tự tay cầm cái “cần câu” mà Nhà nước đã trao để câu được những “con cá” cho mình. Có như vậy, mới giúp người dân thực sự yên tâm, mạnh dạn đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất, con đường thoát nghèo cho những người nghèo mới có thể rút ngắn hơn, bền vững hơn bằng chính khả năng sẵn có của họ.

Duy Hương

Cho "cần" và dạy cách "câu"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO