Cho mảnh đất Yên Thành xanh tươi, trù phú

02/09/2012 20:00

(Baonghean) Yên Thành hiện có 54 trang trại, được UBND huyện cấp giấy chứng nhận trang trại theo tiêu chí mới và 209 gia trại, chủ yếu là trang trại trồng trọt, chăn nuôi. Kinh tế trang trại (KTTT) đã tạo ra bước chuyển tích cực trong sản xuất nông nghiệp, góp phần thúc đẩy nền kinh tế nông nghiệp của huyện phát triển theo hướng đa dạng hóa, giải quyết việc làm cho nông dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo, làm giàu chính đáng...

Yên Thành là huyện đồng bằng bán sơn địa, lực lượng lao động dồi dào, tương đối thuận lợi cho việc phát triển KTTT, đặc biệt là trang trại chăn nuôi vịt, lợn ở vùng đồng bằng và trang trại tổng hợp ven đồi. Vì vậy, phát triển KTTT là con đường ngắn nhất để người dân xóa đói, giảm nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống. Từ xác định vai trò đúng đắn phát triển KTTT, những năm qua, cùng với cơ chế chính sách chung của cả nước, huyện Yên Thành đã khuyến khích, định hướng cho người dân hình thành những vùng KTTT chuyên sâu và tập trung, như: chăn nuôi vịt ở vùng đồng bằng sâu trũng: Long Thành, Khánh Thành, Vĩnh Thành, Liên Thành, Nam Thành, Hợp Thành, Phú Thành... KTTT tổng hợp ở các xã ven đồi: Đồng Thành, Phúc Thành, Lăng Thành, Tân Thành, Mã Thành, Mỹ Thành, Công Thành, Sơn Thành... thu hút nhiều người dân mạnh dạn đầu tư, mở rộng phát triển KTTT. Trong số 54 trang trại ở Yên Thành thì phần lớn chăn nuôi vịt, lợn. Điều đó cho thấy người dân đã biết tận dụng điều kiện tự nhiên và nhạy bén với nền sản xuất mới.



Trang trại chăn nuôi vịt của ông Ngô Trí Hà, xã Nam Thành - Yên Thành.

Đã nhiều lần được nghe các anh ở Huyện đoàn giới thiệu về trại cam của Bí thư Đoàn xã Đồng Thành - Nguyễn Khắc Sơn, nhưng hôm nay tôi mới có dịp "mục sở thị". Rất nhiều ấn tượng mà tôi không thể ngờ trước vườn cam 14 ha nằm sâu trong mấy dãy núi đá vôi dựng đứng. Đây là địa danh người bản địa gọi là vùng Ba Lèn, vì xung quanh vùng đất này có 3 núi đá lèn, tạo thế chân kiềng.

Trước mắt tôi là bạt ngàn cam đã qua 2 vụ thu hoạch. Cam được bố trí trồng thành những hàng thẳng dài tít tắp, một trại cam rộng và đẹp chưa từng có trên đất Yên Thành. Nguyễn Khắc Sơn phấn khởi trò chuyện: "Anh coi, 4 anh em chung nhau nhận khoán trang trại cam này từ năm 2010 qua tay của ông chủ Trịnh Xuân Giáo. Thời điểm nhận khoán, cam đã 4 năm tuổi. Theo hợp đồng, năm 2011 chúng tôi trả cho ông chủ 1 tỷ đồng, năm sau 1,2 tỷ đồng. Nghe chuyện, ai cũng nói bọn em là liều, không khéo bán cả gia tài cũng không đủ mà "chồng" cho người ta. Trên đất Yên Thành, nghe nói trại cam 14 ha lạ lắm! "Có gan làm giàu", bọn em tính kỹ rồi, 10.000 cây cam, trong đó 7.000 cây là giống xã Xã Đoài, 3.000 cây là giống cam Vân Du, nếu chăm sóc tốt sẽ cho thu nhập cao. Vậy là vụ thu hoạch bói được 50 tấn quả, bán giá tại vườn 13.000 đồng/kg; năm 2011 thu hoạch được hơn 160 tấn, được trên 2 tỷ đồng. Dự kiến năm nay, sản lượng cam sẽ tăng hơn năm ngoái. Thú thật, sở dĩ anh em chúng tôi dám làm là vì có anh Bình đã thâm niên trong nghề trồng cam".

Sơn dẫn tôi lên mấy bậc cầu thang. Ngồi bệt dưới tấm sàn một cái chòi cao dựng giữa trang trại, phóng tầm mắt về 4 hướng, dễ dàng quan sát toàn bộ khu vực Ba Lèn. Sơn hồ hởi chỉ tay về hướng Đông, giới thiệu cho tôi những dự án mà các anh vừa thi công xong. Xung quanh trang trại đã có hào rộng, sâu gần quá đầu người, có rào chắn cẩn thận phòng kẻ xấu và chống rửa trôi đất, khi mưa to nước từ trên cao đổ về. 14 ha trồng rặt cam, không được phép trồng xen bất cứ một cây gì khác, vì sợ sâu bệnh xâm nhập. Phần đất thấp nhất, đào một cái ao, vừa lấy nước tưới cho cam, vừa thả cá, còn một phần đất nữa khoanh lại để thả lợn rừng. Những dự án này dự kiến phải đầu tư khoảng 400 triệu đồng.

Từ xa, dáng một người đàn ông tầm thước đang bước vội qua cổng sắt của trang trại. Sơn giới thiệu đó là anh Nguyễn Hữu Bình - chủ của trại cam này. Gặp anh Bình, cảm nhận đầu tiên là người dễ gần, giọng nói lúc nào cũng oang oang, nhanh nhẹn. Anh Bình cởi mở: "Sinh năm 1958, quê ở Đại Sơn (Đô Lương), nhưng bắt đầu nghề trồng cam từ năm 1981, ở Nông trường Xuân Thành - Quỳ Hợp.

Năm 2006, anh về Đồng Thành "hợp tác" với ông bạn là Trịnh Xuân Giáo để trồng cam, sau bao nhiêu lần bàn đi tính lại. Anh nói vui, lại thêm một lần "gối lẻ chăn đơn" để sống cùng cam. Âu cũng là cái duyên với nghề. Riêng phần đất của anh mua là 2 ha, còn 15 ha của ông Giáo liền kề. Do có kinh nghiệm lâu năm trong nghề trồng cam, ông Giáo đã phối hợp với tôi để cùng nhau trồng. Sau 4 năm, cả vùng đất 17 ha này trở thành trại cam đẹp như mơ. Năm 2010, do hoàn cảnh của ông Giáo nên giao khoán lại cho tôi quản lý. Nắm bắt được cơ hội "trồng cây đến ngày hái quả", tôi rủ thêm 3 người nữa là Nguyễn Khắc Sơn, Nguyễn Văn Tám và Nguyễn Hữu Phúc cùng tham gia".

Sau khi nhận khoán, anh Bình lo nhất là khâu tiêu thụ sản phẩm, còn chất lượng cam ở đây không thua kém cam Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp. Dự kiến năm 2011 sẽ có gần 200 tấn quả. Ngần ấy cam phải thu hoạch trong vòng 1 tháng. Như vậy mỗi ngày phải tiêu thụ cho được gần 10 tấn quả mới yên tâm. Vấn đề phải tính là chỗ đó. Đối với vùng cam Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp thì với số lượng đó là không lo, nhưng với địa bàn Yên Thành là một vấn đề lớn, cần phải có kế hoạch. Nhưng rồi mọi sự cũng trôi chảy, 2 vụ cam vừa qua đều tiêu thụ một cách nhanh gọn, giá cả chấp nhận được.

Về vùng đồng bằng, là trung tâm của thương hiệu vịt Yên Thành, chúng tôi được nghe về rất nhiều trang trại chăn nuôi vịt đẻ, mỗi năm thu nhập hàng tỷ đồng. Trang trại của ông Ngô Trí Hà ở xóm Sơn Thành, xã Nam Thành là một trong những điển hình đó. Năm 2004, ông Hà xin địa phương nhận thầu diện tích hơn 1 ha đất ven sông Đào để phát triển kinh tế bằng hình thức chăn nuôi cá, trồng lúa. Thấy vùng đất này có thể thuận lợi cho chăn nuôi vịt, thời gian sau đó ông đầu tư đào ao thả cá, làm chuồng trại chăn nuôi vịt đẻ. Suốt từ đó đến nay, vừa chăn nuôi, vừa đầu tư xây dựng trang trại, đến nay ông đã có gần 1 ha ao cá. Bằng hình thức dưới thả cá, trên nuôi vịt, năm nào trang trại của ông cũng cho thu nhập khá so với trong vùng.

Hôm chúng tôi đến, trang trại của ông có 4.000 con vịt. Trong đó 1.500 con nghìn vịt đang đẻ trứng, 2.500 con vịt hậu bị. Ông Hà cho biết: "Toàn bộ ở đây là giống vịt siêu trứng. Thời điểm này, mặc dù 1.500 con vịt đang thời kỳ đẻ trứng, nhưng vẫn lỗ, vì phải đầu tư cho 2.500 con ngày tôi lỗ 2 triệu đồng vì phải mua thức ăn cho chúng. Nhưng không sao, 1 tháng nữa là đàn vịt này sẽ đẻ trứng, khi đó sau mỗi đêm tôi có lãi 3 - 4 triệu đồng. Chăn nuôi vịt đẻ là phải chấp nhận điều đó. Toàn bộ hệ thống ao này, hàng năm tôi thả gối bằng cá rô phi đơn tính, nên hầu như tuần nào cũng đánh bắt hàng tạ cá thịt".

Do có nguồn thu từ cá nên có tiền đầu tư trong thời gian nuôi vịt hậu bị, hoặc đầu tư thêm cơ sở hạ tầng. Lượng trứng vịt hàng ngày thu được, 2 người con trai của ông trực tiếp vận chuyển lên các huyện miền núi Kỳ Sơn, Tương Dương... tiêu thụ. Vừa nâng cao thu nhập, và điều quan trong hơn là tạo việc làm cho các thành viên trong gia đình. Theo ông Hà, để chăn nuôi vịt đẻ đạt hiệu quả cao, cần chọn địa điểm có thể trao đổi được nước trong ao hồ; không chủ quan dịch bệnh, tiêm phòng vắc xin đúng định kỳ và cho vịt ăn thêm thuốc bổ; thời điểm nuôi vịt hậu bị cần cho ăn thêm rau, lúa trộn với thức ăn công nghiệp.

Tính ra, mỗi năm trang trại của ông Hà thu nhập từ 1,5 đến 1,8 tỷ đồng, tạo việc làm cho 4 lao động tại chỗ, không gây ô nhiễm môi trường. Cuối năm 2011, UBND huyện công nhận là trang trại chăn nuôi vịt theo tiêu chí mới.

Ông Nguyễn Sỹ Hưng - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Tiềm năng để Yên Thành phát triển KTTT rất phong phú, nhưng người dân khai thác chưa được nhiều. Đặc biệt là vùng ven đồi, rất thuận lợi cho phát triển trang trại tổng hợp, trong đó lấy chăn nuôi trâu, bò là chính, nhưng chưa có trang trại nào nổi bật. Nguyên nhân là do giao thông chưa thuận lợi, vốn ít và dịch bệnh liên tục khiến người dân chưa mạnh dạn đầu tư. Chủ trương của huyện Yên Thành là vùng đồng bằng phát triển trang trại chăn nuôi thủy sản kết hợp gia cầm, thủy cầm. Vùng bán sơn địa chăn nuôi lợn, vùng cao chăn nuôi trâu, bò hàng hóa.

Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất đối với các chủ trang trại hiện nay là diện tích đất nhận đấu thầu ban đầu là do xã cấp 5 năm. Hết thời hạn đó, nếu trang trại phát huy hiệu quả thì cấp thêm 5 năm. Nhưng với đầu tư trang trại thì trong 5 năm đầu hầu như là chưa có thu nhập, hoặc mới có thu nhập nhưng chưa bao nhiêu. Cho nên, tâm lý của chủ trang trại lo ngại địa phương thu hồi đất sau 5 năm đầu là thiệt hại lớn. Trong số 54 trang trại đã được UBND huyện cấp giấy chứng nhận trang trại theo tiêu chí mới, thì hầu hết là thầu đất 5 năm của xã. Do đó, huyện khuyến khích người dân tự nguyện tích tụ đất để phát triển KTTT bền vững hơn. Hiện tại, Yên Thành còn có 209 gia trại chăn nuôi, trồng trọt, mỗi năm thu nhập hàng trăm triệu đồng. Đây là những mô hình đang phát triển, cho nên hàng năm huyện sẽ có thêm những trang trại được công nhận theo tiêu chí mới. Từ đầu năm 2012 đến nay, Yên Thành đã có 4 trang trại được UBND huyện cấp giấy chứng nhận.


Xuân Hoàng

Mới nhất
x
Cho mảnh đất Yên Thành xanh tươi, trù phú
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO