Chợ phiên Tri Lễ

26/01/2014 17:21

(Baonghean) - Những ngày giáp Tết Nguyên đán, chúng tôi ngược Quốc lộ 48 lên Quế Phong, mảnh đất biên cương thuộc vùng Tây Bắc của Nghệ An. Sắc xuân đã rộn rã khắp các nẻo đường len vào tận bản làng. Ấn tượng nhất trong cuộc hành trình này là khi được dạo bước ở chợ Tri Lễ, một phiên chợ giáp tết mang đậm đặc trưng của vùng cao.

(Baonghean) - Những ngày giáp Tết Nguyên đán, chúng tôi ngược Quốc lộ 48 lên Quế Phong, mảnh đất biên cương thuộc vùng Tây Bắc của Nghệ An. Sắc xuân đã rộn rã khắp các nẻo đường len vào tận bản làng. Ấn tượng nhất trong cuộc hành trình này là khi được dạo bước ở chợ Tri Lễ, một phiên chợ giáp tết mang đậm đặc trưng của vùng cao.

Trước khi vào chợ để trao đổi hàng hóa, người đi chợ phải qua một “rừng” đào đang đua nhau khoe sắc. Những cành đào này được đưa xuống từ các bản Mông nằm trên đỉnh núi cao như Nậm Tột, Mường Lống, Huồi Mới, Phà Khổm... Sinh trưởng ở độ cao lớn, thời tiết giá lạnh thân đào trở nên xù xì, mốc xám. Nhưng ở các nhánh nhỏ, nụ đào đã phớt hồng và những chồi xanh đã bắt đầu nhú. Vì thế, cành đào gợi lên ấn tượng dạt dào sức sống, sự tái sinh để dâng hương sắc và vị ngọt cho đời. Nhìn những cành đào ở chợ, chúng tôi nghĩ tới chủ nhân của chúng- đồng bào dân tộc Mông sinh sống trên núi cao. Ở đó khí hậu khắc nghiệt, giao thông đi lại hết sức gian nan, cuộc mưu sinh quá đỗi nhọc nhằn nhưng họ vẫn kiên gan bám trụ để sinh tồn và khẳng định sức sống của mình. Như cành đào âm thầm tích nhựa sống trong những ngày tháng mùa đông, để hơi ấm mùa xuân tràn về sẽ đâm chồi, khai hoa, góp cho đời, cho người một sắc xuân tươi thắm và ngập tràn niềm tin, hy vọng...

Khách chọn mua đào ở chợ Tri Lễ.
Khách chọn mua đào ở chợ Tri Lễ.

Trở lại với vườn đào ở chợ Tri Lễ. Có thể xem đây là nơi tụ hội của sắc hoa đào miền biên cương. Có cành hoa hồng thắm, có cành hoa hồng phớt, có cành búp đang chúm chím nên chưa rõ màu hoa... Khách mua đào và xem đào khá nhộn nhịp. Người mua tha hồ chọn lựa, tùy vào sở thích và túi tiền. So với miền xuôi, cành đào ở chợ Tri Lễ giá mềm hơn nhiều lần. Anh Nguyễn Văn Hùng, một tư thương ở huyện Nam Đàn, chở hàng tạp hóa lên bán và chọn mua một cành đào khá đẹp. Cành đào mốc, chỉ mới bật nụ chứ chưa nở hoa, giá 500.000 đồng. Anh cho biết: “Cành này ở dưới xuôi, chắc phải mua đến tiền triệu nên tranh thủ chở về, vừa mua được đào đẹp, vừa tiết kiệm được một khoản tiền”.

Tại đây, chúng tôi còn gặp Nguyễn Thị Giang và Phan Thị Hà, hai cô gái từ Thành phố Vinh lên. Họ dạo khắp chợ đào, ngắm từng cành đào một cách say sưa, mê mẩn. Giang chia sẻ: “Chúng em có việc lên Thị trấn Kim Sơn. Nghe nói ở chợ Tri Lễ bán nhiều cành đào đẹp tìm lên đây để xem. Quả thật là cành nào cũng đẹp, rất muốn mua vài cành về Vinh nhưng chưa biết cách vận chuyển về như thế nào”. Chúng tôi để ý đến một người đàn ông vác cành đào khá lớn vừa đặt xuống bãi. Hỏi chuyện, được biết anh là Mùa Bá Rê ở tận bản Mường Lống. Cành đào này anh chặt sau vườn nhà, thức dậy từ lúc 4h sáng để vác xuống chợ bán. Từ bản xuống chợ, anh đi bộ vừa đúng 5 tiếng đồng hồ. Bán được cành đào, anh sẽ có tiền sắm sửa cái Tết được đầy đủ và sung túc hơn. Và nếu đào bán “chạy”, ngày mai anh lại tiếp tục đưa cành khác xuống bán.

Đặc trưng chất vùng cao ở chợ Tri Lễ không chỉ có những cành đào Mông mà còn phải kể đến nhiều loại sản vật của núi rừng được bày bán với số lượng lớn trong dịp tết. Đó là đặc sản gà đen, lợn đen, lợn nít, vịt bầu; là nếp cẩm, rượu cần, khoai sọ và gạo Mông. Cùng với đó là các mặt hàng thổ cẩm như váy áo, khăn, túi, thắt lưng... được chị em phụ nữ vùng cao ưa chuộng. Có cảm giác như những sản vật này được bà con các dân tộc Thái, Mông và Khơ mú chăm chút và cất giữ từ mấy tháng trước để chờ bán vào dịp tết này. Chị Hờ Y Mái (bản Xái 1) ngồi bán một lúc mấy bì khoai sọ, tranh thủ lúc vắng khách chị kể với chúng tôi: “Năm nay bản ta được mùa khoai sọ, nhà nào cũng có nhiều. Khoai sọ hết mùa từ hồi tháng 10 nhưng ta cất giữ lại chừng này chờ gần Tết bán để có tiền chi tiêu. Hôm qua đến giờ đã bán gần hết một nửa”. Ngồi bên cạnh chị Mái là chị Vừ Y Trữ (Huồi Mới 1) với hơn chục con gà đen được nhốt trong những chiếc lồng xinh xắn. Chị Trữ cho hay, đàn gà của chị được nuôi từ giữa năm, tháng trước có mấy người vào tận bản hỏi mua nhưng không bán. Phải đợi đến dịp này giá sẽ cao hơn, có thêm tiền tiêu tết.

Những phiên chợ tết ở Tri Lễ còn là dịp để trai gái các bản làng vùng cao gặp gỡ, giao lưu và hò hẹn. Và từ những phiên chợ này, nhiều cặp trai gái đã nên duyên vợ chồng. Và chúng tôi đã may mắn khi gặp vợ chồng anh Xồng Bá Chia và Vừ Y Lù. Chồng đi trước, vợ theo sau, trông họ gắn bó với nhau như “hình với bóng”. Xồng Bá Chia vui vẻ chuyện trò: “Ta ở bản Nậm Tột, vợ ta ở bản Mường Lống. Cách đây 5 năm, ta đi chợ tết và gặp vợ ở đây và hẹn đến tết sẽ sang Mường Lống chơi. Rồi mấy tháng sau làm đám cưới, giờ chúng ta đã có 2 con”. Tại phiên chợ Tri Lễ ngày áp tết, gặp rất nhiều những chàng trai, cô gái vùng cao. Có thể mai đây, nhiều đôi trong số họ sẽ thành vợ chồng, theo bước chân của Xồng Bá Chia và Vừ Y Lù...

Lùi xa một tý, chợ phiên Tri Lễ như một bức họa nhiều màu sắc. Bên cạnh sắc màu của các loại hàng hóa là sắc phục sặc sỡ của đồng bào các dân tộc vùng cao. Ở Tri Lễ có tới 33 bản và 4 dân tộc cùng sinh sống (Thái, Mông, Khơ mú và Kinh). Trong đó, dân tộc Kinh chiếm một phần nhỏ, còn 3 dân tộc Thái, Mông và Khơ mú tỷ lệ xấp xỷ nhau. Bốn dân tộc này cùng sinh sống hòa hợp, yên vui trên vùng đất biên cương tỉnh nhà. Và họ đã cùng góp phần làm cho phiên chợ Tết thêm vui tươi, ấm áp và rực rỡ sắc màu. Anh Xồng Bá Cha, một người dân bản địa cho hay, chợ Tri Lễ có từ rất lâu. Trước đây, chợ chỉ họp mỗi tuần vài phiên, sau đó cuộc sống khởi sắc nên số phiên tăng dần. Đến khoảng 10 năm nay, chợ họp tất cả các ngày trong tuần nên việc trao đổi hàng hóa cũng trở nên thuận lợi hơn.

Chúng tôi rời Tri Lễ khi phiên chợ tết hãy còn náo nhiệt, đào đang đua sắc thắm, đâu đó vang lên giai điệu rộn ràng: “Mùa xuân đến rồi bản làng ơi, thơ Bác gọi dậy vang non sông. Kèn tiếng công vang dội khắp hai miền Bác Hồ gọi ấy là mùa xuân đến…”. Vậy là tết đã đến, xuân đã về mang theo niềm vui, hy vọng mới cho các bản làng vùng cao Tri Lễ và khắp mọi miền Tổ quốc!

Bài, ảnh: Tường Anh

Mới nhất
x
Chợ phiên Tri Lễ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO