Chợ rau lúc nửa đêm

26/10/2015 16:07

(Baonghean) - Khi mọi người đã chìm trong giấc ngủ, tại cổng chợ Vân, xã Quỳnh Văn (Quỳnh Lưu) người ta tổ chức họp chợ mua bán rau, củ quả. 1 giờ sáng, cuộc mưu sinh lại bắt đầu.

Chợ rau đêm Quỳnh Văn lúc 2 giờ sáng đã thật nhộn nhịp. Rau, củ quả được bày bán ngổn ngang, người mua, người bán tấp nập. Trời tối om, ngọn đèn cao áp bên cổng chợ không đủ chiếu sáng nên cả người bán lẫn người mua đều sử dụng chiếc đèn pin làm dụng cụ dò đường, xem rau củ. Việc mua bán rau, củ quả lúc này phần nhiều là bán sỉ nên diễn ra nhanh chóng.

Ở chợ đêm không có cảnh nói thách giá cao như chợ ban ngày, giá bán chỉ chênh lệch chút đỉnh so với giá chủ hàng phát ra. Có lúc, người ta không nói thách vì khách mua toàn là người quen, bạn hàng lâu ngày nên giá đã được thống nhất, không cò kè, lên xuống. Tại chợ rau đêm Quỳnh Văn, nhiều tiểu thương mua sỉ với số lượng lớn để mang đi Vinh, Thanh Hóa nên thường có nhiều xe tải đứng đợi sẵn chờ người xếp rau lên rồi chuyển bánh.

Không riêng xe tải, một số tiểu thương ở Thị xã Hoàng Mai còn tận dụng những chiếc xe khách để chuyên chở rau. Hằng đêm, tại chợ này có 3 chiếc xe khách 40 - 48 chỗ được chủ xe tháo bớt ghế ngồi làm nơi để rau củ cho các tiểu thương mang vào Vinh tiêu thụ.

Chợ rau đêm xã Quỳnh Văn (Quỳnh Lưu).
Chợ rau đêm xã Quỳnh Văn (Quỳnh Lưu).

Được biết, nguồn cung ứng rau xanh cho chợ đêm phần lớn do người dân các xã Quỳnh Văn, Quỳnh Lương, Quỳnh Bảng (huyện Quỳnh Lưu) và xã Quỳnh Liên (Thị xã Hoàng Mai) cung ứng. Ngoài ra, một số tiểu thương cho biết, các loại củ quả khác có xuất xứ từ Trung Quốc như hành, tỏi, bí đỏ, khoai tây được lấy từ các chợ đầu mối ở Hà Nội về. Bà Lê Thị Thuần, SN 1965, người thu thuế chợ rau đêm Quỳnh Văn cho biết: “Chợ rau ở đây thường họp từ 1 giờ sáng đến tận 11 giờ trưa.

Trước đây, họp ở cổng chợ Vân cũ (bên đường quốc lộ 1A) nên khung cảnh lộn xộn, gây mất an toàn giao thông. Từ khi chợ Vân được di dời, trả lại mặt bằng cho di chỉ khảo cổ học, tình trạng lấn chiếm lòng đường quốc lộ để bán rau đã không còn, nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông cũng được giảm thiểu đáng kể”.

Nếu người nông dân trồng rau cũng gặp nhiều vất vả, phải ngày đêm chăm chút cho từng luống rau để mang ra chợ bán thì những tiểu thương ở chợ vất vả không kém. Hằng đêm, họ cũng không trọn giấc, phải tất bật mưu sinh để có thu nhập cho cuộc sống bộn bề những khó khăn này. Tay thoăn thoắt đếm từng bó rau mùi mới mua được, ông Nguyễn Văn Ninh, 47 tuổi ở xã Quỳnh Trang (T.X Hoàng Mai) chia sẻ: “Nhà ruộng ít nên tranh thủ lúc nông nhàn, tui với vợ vô đây buôn rau. Công việc tuy phải thức đêm, thức hôm, chấp nhận mất ngủ nhưng cũng có thêm thu nhập, trang trải việc học hành cho con cái”.

Vợ chồng ông Ninh làm công việc này đã hơn 10 năm nay. Họ thường tranh thủ ngủ từ lúc 9 giờ tối, tầm 12 giờ đêm đã thức dậy để đi chợ lấy hàng mang vào Thành phố Vinh bán lại kiếm lời. Trừ chi phí, mỗi ngày vợ chồng ông cũng kiếm được từ 300.000 - 400.000 đồng.

Thu mua từ 1 tới 3 giờ sáng, vợ chồng ông Ninh cũng chỉ gom được 6 thùng rau, củ các loại. Kệ nệ bê từng thùng rau xếp lên xe khách, ông Ninh thở dài: “Đợt ni hay mưa nên rau của bà con trồng không được nhiều, rau xanh hiếm lắm. Có xe rau mô đến là tiểu thương tranh nhau mua. Mỗi đêm tui phải mất 3 - 4 triệu tiền hàng, chứ dịp gần Tết chỉ cần một nửa số đó là đủ hàng đem đi Vinh rồi”. Vừa dứt lời, thấy người phụ nữ kéo xe kiến an chở rau vừa tới nơi, ông Ninh đã lao ra: “Rau chi rứa o, để tui lấy hết cho”.

Cách chỗ ông Ninh không xa, chị Trần Thị Minh, SN 1981 ở xã Quỳnh Lộc (Thị xã Hoàng Mai) cũng đang tranh thủ nhặt rau cải ngọt để xếp lên xe thồ. Công việc vất vả, thức đêm thức hôm khiến chị trông già hơn nhiều so với tuổi 34 của mình. Chồng chị nằm liệt giường vì bạo bệnh, một mình chị lam lũ lo cho 2 đứa con nhỏ ăn học. “Đời mình nghèo khổ, vất vả nhưng khổ đến mấy cũng gắng cho con cái ăn học, sau ni hy vọng chúng thoát được kiếp nghèo”, chị Minh nói mà đôi mắt nhìn về xa xăm.

Trong hàng trăm người mua, bán tại chợ rau đêm Quỳnh Văn, chúng tôi bắt gặp cụ bà Hồ Thị Phức, 77 tuổi ở xóm 7, xã Quỳnh Văn cũng tới đây mua từng mớ rau rồi đem vào chợ bán lại kiếm đồng lời mua quả cau, tấm bánh. Cụ Phức mưu sinh ở chợ rau đêm này đã 40 năm nay, và ở chợ này, cụ là người có thâm niên nhất. Một tháng 30 ngày với chiếc “cần câu cơm” là đôi quang gánh trên vai, bất kể mưa nắng, mùa đông gió buốt, cụ Phức vẫn dậy từ 2 giờ sáng rồi cuốc bộ gần 1 cây số từ nhà tới chợ buôn rau. Tiến sát tới gần, tôi hỏi: “Cụ già yếu rồi, đi chợ cả đêm ri làm chi nữa cho mệt?”. Thoăn thoắt quẩy gánh chất đầy hai thúng rau, cụ trả lời: “Tui quen rồi, ngày ngủ được vài ba tiếng thôi. Con cái tui chúng nó cũng không cho đi nhưng ở nhà rảnh rỗi là tui không chịu được. Giờ còn sức khỏe là tui còn đi chợ đêm bán rau”.

Rồi những chiếc xe khách, xe tải chất đầy rau quay đầu tiến thẳng vào Vinh mang theo niềm hy vọng cho một ngày mới của các tiểu thương. 4 giờ sáng, cổng chợ Vân mở cửa, những chiếc xe máy chất đầy rau vội vã tiến vào chợ. Những tiểu thương tranh thủ trải bạt, xếp rau, củ vào đúng chỗ ngồi của mình và chờ đón những khách hàng của ngày mới.

Có đi và thức cùng chợ rau đêm mới hiểu công việc của những người buôn bán nơi đây thật bộn bề, lo toan vất vả. Tuy vậy, công việc đó cũng đem lại niềm vui, nguồn thu nhập chủ yếu cho nhiều gia đình. Và từ lâu, chợ đêm Quỳnh Văn đã trở thành một nét sinh hoạt không thể thiếu của người dân trong vùng.

Duy Ngợi

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Chợ rau lúc nửa đêm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO