Cho vợi nỗi lòng của Mẹ
(Baonghean) - Tháng Bảy tri ân! Mong vợi bớt phần nào nỗi lòng các mẹ có chồng, con anh dũng hy sinh trong các cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc, những người con hôm nay đã nguyện chăm sóc, phụng dưỡng các Mẹ VNAH, mẹ liệt sỹ với tất cả tấm lòng...
Những nỗi đau lặng tháng năm
Về Hưng Long (Hưng Nguyên) một ngày tháng Bảy này. Mảnh đất nhỏ nằm dọc ven bờ Lam giang có 3 Bà mẹ VNAH (1 mẹ đã mất vì tuổi cao). Nhà Mẹ VNAH Đinh Thị Bốn nằm ở xóm 16 (Hưng Long), phía ngoài đường đê Tả Lam. Nơi đây, mỗi mùa mưa lụt về, nước lên xăm xắp hiên nhà. Mẹ Bốn đã 3 lần tiễn con lên đường, và chỉ có 1 lần được đón người con trai cả trở về. Còn lại với mẹ là 2 tấm bằng Tổ quốc ghi công trên bàn thờ khói hương trầm mặc. Năm nay đã 83 tuổi, mẹ còn khá minh mẫn, nhưng câu chuyện về những người con đã phải dựa vào lời chắp nối của người con trai cả Lưu Xuân Mẫn. Chỉ có nỗi nhớ những người con đã hy sinh vẫn còn đọng lại nơi giọt nước mắt mẹ mỗi khi nhắc tới; đó là liệt sỹ Lưu Xuân Đàn hy sinh ở Thượng Lào, nay phần mộ đã được người thân, đồng đội đưa về an nghỉ tại Nghĩa trang liệt sỹ Việt - Lào (Anh Sơn); đó là liệt sỹ Lưu Minh Hát, hy sinh tháng 11/1978 tại cánh đồng xã Kà Tum (Kà Úp - Tây Ninh), khi ngã vào lòng đất, liệt sỹ Lưu Minh Hát vẫn chưa tròn tuổi quân.
![]() |
Bà mẹ VNAH Đinh Thị Bốn ở xóm 16 (Hưng Long, Hưng Nguyên) cùng cháu con bên cây mít vườn nhà. |
Nhắc về 2 người con yêu dấu, mẹ Bốn lại nghẹn ngào "Giấy báo tử cả 2 đứa về gần nhau quá con à. Khi đó, mẹ không còn biết chi nữa, không nghe được chi nữa hết. Tưởng đau ruột mà đi theo con luôn!". Lúc đó, sợ mẹ chịu không nổi, cả nhà đã quyết định rời xóm bãi Hưng Long để đi xây dựng kinh tế ở vùng miền núi Anh Sơn suốt 4 năm liền. Rứt ruột mà xa đồng, xa bãi, xa nơi chôn rau cắt rốn bởi mỗi mảnh đất, hàng cây, bãi ngô đều gợi nhớ đến con. Phải tìm đường mà đi cho mẹ nguôi ngoai nỗi lòng mới dám trở về cho mẹ tiếp tục đứng dậy mà nuôi con nuôi cháu.
Ở xóm 11B, bên trong đê Tả Lam là mái nhà nhỏ của Mẹ VNAH Phạm Thị Như sống cùng người con dâu Nguyễn Thị Thành. Mẹ Như năm nay đã 96 tuổi, lúc chúng tôi tới thăm, mẹ đang theo người cháu chơi. Chị Thành kể: Hồi về làm dâu, cả anh và chị chồng đều đã hy sinh. Hồi đó, đêm nghe bà hay khóc lắm, ấy là bà nhớ các con!". Mẹ Như sinh hạ 11 người con, mất vì bệnh tật, vì đói kém gần hết. Đến ngày 2 người con là anh Nguyễn Xuân Tùng và chị Nguyễn Thị Trung lên đường nhập ngũ, mẹ khắc khoải chờ trông con trở về. Thế mà... Liệt sỹ Nguyễn Xuân Tùng hy sinh ngày 12/3/1975 ở mặt trận phía Nam, liệt sỹ Nguyễn Thị Trung hy sinh trước đó 4 năm (ngày 21/9/1971) tại Quảng Bình. Mẹ thương nhất là anh Trung, bởi từ khi đi cho đến khi về với mẹ trong hình hài một tờ giấy báo tử, anh chẳng có một dòng chữ, kỷ vật nào để mẹ gìn giữ, nhớ thương.
Tìm về xã Nghi Tiến (Nghi Lộc) chúng tôi đến xóm 10, gặp bà Lưu Thị Linh, mẹ của Liệt sỹ Hồ Văn Nuôi. Sống một mình trong ngôi nhà tình nghĩa, dù đã bước qua độ tuổi 80, bà vẫn tự lo liệu được cuộc sống của mình. Bà có 7 người con, anh Nuôi là con thứ 5 trong gia đình. Những người còn lại hầu hết đều lấy chồng, lấy vợ và lập nghiệp ở phương xa. Anh Hồ Văn Hoan (con út) sống gần bà. Bà Linh kể “Thằng Nuôi sinh năm 1967, vừa nghỉ học được mấy lâu để đi biển, giúp đỡ bố mẹ nuôi em ăn học thì có giấy gọi lên đường nhập ngũ. Năm đó, nó đúng 18 tuổi. Thời gian trong quân ngũ, thằng Nuôi có về phép một lần để giúp bố mẹ sửa lại mái ngói, trồng thêm cây sau vườn. Hết phép, nó từ biệt gia đình để trở lại đơn vị, không ngờ lần đó nó ra đi mãi mãi...”. Và cũng như 63 ông bố, bà mẹ khác có con hy sinh trong trận Hải chiến Trường Sa (ngày 14/3/1988), vợ chồng ông Hồ Văn Thịnh và bà Lưu Thị Linh không thể tin nổi khi cầm trên tay tờ giấy báo tử. Nỗi nhớ thương con đã khiến ông Thịnh không còn tỉnh táo. Đang làm cán bộ địa phương, ông nghỉ việc và cứ lang thang dọc bờ biển. Ai gặp và hỏi chuyện, ông chỉ có đúng một câu trả lời: “Đi tìm thằng Nuôi”...
Đường về xóm 8 (phường Nghi Hương - TX Cửa Lò) giờ đây đã tấp nập hơn xưa nhiều lắm. Nhưng tuổi của Mẹ VNAH Nguyễn Thị Quế thì ngày càng trĩu nặng như dáng lưng mẹ còng. Trong 4 Bà mẹ VNAH của Cửa Lò hiện tại, và cả 104 mẹ toàn tỉnh, có lẽ mẹ Nguyễn Thị Quế là người cao niên nhất. Năm nay, mẹ đã bước sang tuổi 106. Hai người con Phùng Minh Quân và Phùng Minh Kiều của mẹ đã biền biệt ra đi. Nay mẹ đang sống trong căn nhà nhỏ bên cạnh người con trai thứ. Tuổi hạc đã cao, niềm vui như chợt thoáng lên khi mẹ biết, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 đã có Quyết định 864/QĐ - BTL ngày 10/6/2015 nhận phụng dưỡng, chăm sóc suốt đời mẹ cùng 14 bà mẹ khác trên toàn tỉnh.
Bao cháu con quây quần bên Mẹ
Tỉnh Nghệ An có 1.918 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, hiện nay 188 mẹ còn sống. Thiếu tá Lương Hoàng Tùng, Trưởng ban Chính sách Bộ CHQS tỉnh cho biết "Trong những năm qua, cùng với cả nước, Đảng bộ - Bộ CHQS tỉnh Nghệ An đã thực hiện tốt các chính sách hậu phương quân đội của Đảng và Nhà nước đối với các mẹ, thân nhân các Bà mẹ Việt Nam anh hùng và những người có công khác. Dịp tháng 7/2015, cơ quan Bộ CHQS tỉnh cũng đã nhận phụng dưỡng suốt đời Mẹ VNAH Nguyễn Thị Tỵ (99 tuổi) ở Cẩm Sơn (Anh Sơn). Mẹ Tỵ là mẹ của 2 liệt sỹ Hoàng Xuân Dần và Hoàng Minh Hợi. Ngoài việc nhận phụng dưỡng mẹ, với tình cảm là đồng đội của những người đi trước, chúng tôi càng coi đó là trách nhiệm hết sức thiêng liêng và được thể hiện bằng chính tấm lòng người lính".
Chị Nguyễn Thị Thành, con dâu cả Bà mẹ VNAH Phạm Thị Như kể lại những câu chuyện về anh và chị chồng là liệt sỹ mà chị chưa bao giờ được gặp mặt. |
Để phần nào làm vợi bớt nỗi đau năm xưa mà các mẹ đã tảo tần, đớn đau gánh chịu, cùng với cả nước, Nghệ An là tỉnh làm tốt phong trào phụng dưỡng các mẹ VNAH. Ngoài những mẹ được phụng dưỡng từ trước đến nay, trong dịp kỷ niệm 68 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7) hiện còn 93 mẹ còn sống. Ngay khi có danh sách cụ thể về hoàn cảnh các mẹ, nhiều cơ quan, đơn vị trên toàn tỉnh bằng khả năng, tấm lòng của mình đã đón nhận, phụng dưỡng suốt đời các mẹ. Có những đơn vị nhận phụng dưỡng 10 mẹ, 5 mẹ, có cơ quan nhận phụng dưỡng 1 mẹ. Nhưng tất cả đều cùng tâm nguyện làm sao để những ngày cuối đời, các mẹ còn tự hào về con, cháu mình ra đi đã có thêm biết bao cháu con bên mẹ. Mẹ Nguyễn Thị Tồng (quê ở Thanh Lĩnh, Thanh Chương) có con trai duy nhất là Liệt sỹ Nguyễn Văn Hòe, hy sinh năm 1973. Mẹ Tồng được cơ quan Báo Nghệ An nhận chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời từ năm 1996. Mỗi lần mẹ đau ốm hoặc xuống khám bệnh, Báo Nghệ An đều có xe đưa đón tận nơi. Mỗi ngày mẹ nằm viện, là cháu con Báo Nghệ An lại đến chăm sóc cho mẹ từng bữa ăn, từng chiếc áo, đôi tất để ấm chân. Mỗi dịp giỗ của liệt sỹ Nguyễn Văn Hòe, hay dịp Tết, Báo Nghệ An lại về đưa đón mẹ. Nay, để tiện việc chăm sóc mẹ được nhiều hơn, mẹ Tồng đã được chuyển về chăm sóc tại Nhà nuôi dưỡng thân nhân liệt sỹ ở huyện Diễn Châu. Và cháu con vẫn ra cùng mẹ mỗi khi có dịp ghé về. Có lần mẹ đã nói "Mẹ có một con hy sinh, nhưng nay mẹ lại có cả gần 100 đứa con thân thiết như ruột rà ở Báo Nghệ An". Hiện nay, Báo Nghệ An đang phụng dưỡng 3 Bà mẹ VNAH.
Trò chuyện với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Đình Tiến, Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Hưng Long cho biết, hiện xã còn 68 thương binh, 35 bệnh binh, thân nhân được hưởng trợ cấp 45 người, 126 gia đình thờ cúng liệt sỹ, 91 trường hợp nhiễm chất độc da cam, 2 bà mẹ VNAH còn sống. Tổng số tiền chi trả chính sách hàng tháng khoảng 380 triệu đồng. Bà Nguyễn Thị Tuyết, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết thêm: "Ngoài việc chăm sóc, đảm bảo chế độ cho các đối tượng chính sách trên địa bàn, xã Hưng Long còn đặc biệt chú trọng quan tâm đến 2 mẹ VNAH còn sống. Mỗi khi các mẹ đau ốm, lãnh đạo, Ban chính sách xã đều có trách nhiệm đưa đón các mẹ xuống bệnh viện khám, chữa bệnh. Mỗi dịp lễ, tết, món quà tặng các mẹ dẫu chưa nhiều nhưng cũng là tấm lòng tri ân của xã đối với mẹ".
Nhà mẹ VNAH Đinh Thị Bốn (Hưng Long) vốn nghèo, trước đây chỉ làm nghề chài lưới, bắt hến ven sông. Cả ông, bà cũng từng là xã viên HTX vận tải Hưng Long chèo thuyền chở quân, chở hàng hóa vào Nam chiến đấu suốt từ năm 1968 đến năm 1973. Nay, chiến tranh đã lùi xa mấy mươi năm, bàn chân đất lam lũ của mẹ Bốn xưa bấm vào bùn đất ven sông nuôi con, chạy lụt cứu lúa nay đã thảnh thơi hơn với con đường vượt lũ đang mở rộng chạy ngang bãi sông xóm 16. Ở với người con trưởng hiếu thuận và 2 con còn lại, với tình cảm bà con lối xóm, chính quyền xóm xã, mẹ Bốn dường như đã khỏe mạnh hơn. Móm mém miệng trầu, mẹ kể "Bây giờ, mỗi bữa vui miệng mẹ cũng ăn được chừng 2 lưng cơm. Ăn để còn khỏe để được thấy đồng bãi nhà mình giờ thay đổi đến đâu".
Những Bà mẹ VNAH chúng tôi đã đến thăm, nghe tin có con cháu tới, có người tự lần ra được, có mẹ phải nhờ người nhà bế ra, nhưng mẹ nào cũng vui. Đồng quà, tấm bánh chỉ là chút thảo thơm. Nhưng dường như, mỗi lần có người đến, các mẹ lại rất tự hào. Bởi hẳn mẹ nghĩ, mẹ đã cống hiến những người con mang nặng đẻ đau cho Tổ quốc, thì nay mẹ lại có rất nhiều cháu con khác quây quần bên mẹ hôm nay.
Trần Hải