Chọi gà - thú chơi thượng võ

10/12/2014 09:18

(Baonghean) - “Giống gà rất đỗi anh hùng/ Cũng gồm năm đức, cũng thông trăm tài”, trong chiều sâu tâm tưởng của nhiều người, trò chơi chọi gà vừa mang tính giải trí, vừa góp phần nuôi dưỡng tinh thần thượng võ và là chất keo gắn kết tinh thần cộng đồng. Trò chơi chọi gà đã thành một nét văn hóa truyền thống của nhiều phường, xã ở Thị xã du lịch biển Cửa Lò…

Một trận chọi gà tại phường Nghi Thủy  nhân dịp Lễ hội sông nước Cửa Lò.
Một trận chọi gà tại phường Nghi Thủy nhân dịp Lễ hội sông nước Cửa Lò.

Ông Thái Ngọc Hinh - Chủ nhiệm CLB chọi gà phường Nghi Thủy kể rằng, thú chơi công phu này khởi nguồn hàng chục năm qua, từ khi thị xã mới thành lập. Nhiều phường đã thành lập hẳn CLB gà chọi như Thu Thủy, Nghi Tân, Nghi Thủy. Quanh năm ở miền đất biển này, lúc nào cũng có thể diễn ra hội chọi gà nhân các sự kiện như: chào mừng các ngày lễ, Tết, ngày thành lập thị xã... Mỗi dịp, các phường lại luân phiên nhau đăng cai tổ chức, để gà phường bạn tấp nập kéo sang đua tài. Mỗi lần như vậy, theo lời ông Thái Ngọc Hinh: “Là cả một dịp hội to vì coi chọi gà thì ai cũng ưng”. Đàn ông, đàn bà, già trẻ, lớn bé đều tạm ngưng việc chài lưới, làm ăn, quần tụ về sân vận động, hồi hộp, mê say theo dõi những cuộc đấu chiến giữa các chú gà.

Nghề nuôi và chơi gà chọi lắm công phu, cái chính là phải có tình yêu và lòng đam mê, bởi nuôi gà chọi rất kỳ công, từ việc chọn giống đến chăm sóc và đưa gà ra sới chọi. Chăm gà chọi cũng giống như chăm “con mọn”.

Chọn được gà có tướng quý đã khó, nhưng chăm sóc để thành gà chọi hay lại khó gấp bội. Hàng ngày, phải cho gà ăn đủ 2 bữa thóc tẻ, 3 đến 5 ngày phải cho gà ăn thịt lươn, ếch, nhái... Luôn phải trông chừng để tránh cho gà bị nhiễm bệnh, tránh rét vào mùa Đông và tránh nóng vào mùa Hè. Khi gà được một năm tuổi, bắt đầu cho luyện tập. Quá trình luyện tập thường kéo dài 2 tháng - dân trong nghề gọi là “vần”. Sau khi cho chọi thử, phải “om trườm” gà. Trước tiên, lấy các loại lá thảo dược đun sôi, sau đó nhúng khăn vào nước lá, vắt khô, để khăn đủ ấm và đắp khăn cho gà, đặc biệt là những chỗ bị đau. Om trườm gà nhằm mục đích làm chai cứng phần da, tan vết thương và làm cho gà dẻo gân. Gà trải qua 4 lần vần, 4 lần om trườm mới được đưa ra “sới” chọi.

Ông Phùng Bá Yên, phường Nghi Thủy, từng là Bộ đội Hải quân vùng 3, đã gắn bó với “nghiệp” chọi gà từ hơn 20 năm nay cho biết, những người chơi gà chọi coi 2 con gà như những đấu sỹ. Những miếng đánh hiểm, những trận đấu hay và những con gà được coi là “thần kê” đã đi vào “huyền thoại”, được dân trong nghề lưu truyền, ca tụng. Ông tâm sự, người nuôi gà chọi cả đời chỉ cần “đúc” được một con gà tài, đi đâu cũng được nhắc đến là mãn nguyện rồi. Ông dẫn chúng tôi ra khu chuồng trại ngay bên hồi nhà. Nơi đó, ông đã cho xây cất khá công phu, kín đáo và chắc chắn. Nằm riêng biệt trong từng ngăn là 6 chú gà trông rất oai phong. Ông bảo: “Cơ bản đi chọi chủ yếu chỉ có 3 con tía, con ô và con nhạn. Riêng con ô (màu đen), mùa Lễ hội sông nước Cửa Lò 2012 đã đoạt giải cao nhất rồi đó”. Còn những chú “hùng kê” nhà ông Hinh thì khá nổi tiếng, bởi có con xám bông của ông đã 4 lần liên tiếp đạt giải cao nhất (2 lần cấp thị xã, 2 lần cấp phường).

Ông Dương Ngọc Xô - Chủ tịch UBND phường Nghi Thủy cho biết: Trong mỗi dịp Lễ hội Đền Mai Bảng (thờ tướng quân Lê Khôi) vào ngày 12/2 - âm lịch hàng năm, ngoài phần lễ còn có phần hội, với nhiều trò chơi dân gian, trong đó có chọi gà. Trải qua năm tháng, tục đẹp này vẫn được lưu truyền và trở thành một trò chơi hấp dẫn nhiều người; từ đó, khi nào có các ngày lễ lớn người dân ở đây cũng thường tổ chức chọi gà. Phường cũng giúp đỡ, tạo điều kiện để CLB chọi gà phát triển một cách lành mạnh. Ngoài ra, phường đã chỉ đạo ngành Văn hóa phường giám sát chặt chẽ, không để trò chơi truyền thống này bị biến tướng.

Trần Hải

Mới nhất

x
Chọi gà - thú chơi thượng võ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO