Chọn giống "né lụt", chống chịu hạn

11/11/2013 19:44

(Baonghean) - Trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là đối với cây lúa, cây ngô phụ thuộc rất lớn vào thời tiết. Để ứng phó với hiện tượng biến đổi khí hậu, việc chọn các giống ngắn ngày "né" được lụt, chống chịu hạn tốt sẽ giảm thiểu đáng kể sự thiệt hại và được coi là những yếu tố tiên quyết để có một vụ mùa thắng lợi.

Hưng Trung (Hưng Nguyên) là xã có địa hình thấp trũng nằm ở cuối kênh nhà Lê và sông Thanh Hương nên mỗi khi mưa lớn, nước từ ngoài sông dâng cao đổ về khiến nơi đây trở thành một túi nước khổng lồ. Từ tháng 8 - 10 (DL) hàng năm, chỉ cần mưa từ 2 - 3 ngày kết hợp với nước từ nguồn chảy về sẽ làm ngập lụt hầu hết diện tích sản xuất toàn xã (ngập băng khoảng 320ha/380ha lúa hè thu). Do thường xuyên phải chịu lũ lụt, và đã quá quen với cảnh ruộng lúa đã đến thời điểm chắc hạt, chỉ một đêm lũ đã trắng tay nên người dân Hưng Trung không mặn mà với vụ hè; kế hoạch sản xuất hàng năm của xã thường không đạt chỉ tiêu đề ra.

Trước đây, vụ hè thu Hưng Trung cơ cấu các giống lúa Khang dân, NA2, nếp 352 (TGST từ 95 - 100 ngày) nhưng qua nhiều vụ đều "mất ăn" do lụt về sớm. Trước tình hình trên, Đảng ủy, UBND xã đã quyết định tìm các loại giống ngắn ngày và phải phân bổ thời gian, chọn giống điều chỉnh thời vụ ngay từ vụ xuân để thu hoạch trước 20/5 và đến 30/6 phải gieo cấy xong vụ hè thu. Đặc biệt, vụ hè thu 2013 đã chuyển đổi giống lúa dài ngày sang giống lúa cực ngắn ngày là P6 đột biến tại các xứ đồng Tùng Nậy, Tùng Cảm, đồng Điền thuộc xóm 10, 11, 12, 13 với tổng diện tích 60 ha.

Anh Nguyễn Văn Ngoạn - xóm trưởng xóm 6 (xã Hưng Trung) cho biết: "Vụ hè thu vừa rồi khi mới xuống giống lúa P6 đột biến được 15 ngày thì gặp hạn. Từ ngày 18 - 25/6 thì bị ngập lụt, tôi tưởng mất trắng 3 sào. Nhưng sau khi nước rút, lúa hồi sinh rất nhanh và chỉ 75 ngày chăm sóc chúng tôi đã có thu hoạch; năng suất trung bình đạt 1,2- 1,4 tạ/ sào". Đặc điểm nổi bật của giống P6 đột biến là gạo ngon, thời gian sinh trưởng vụ hè thu từ 80 - 85 ngày (ngắn hơn Khang dân khoảng 20 ngày), phù hợp với khả năng thâm canh; Bên cạnh đó, P6 đột biến còn có khả năng chống đổ, chịu rét và chịu nóng rất tốt. Khi trổ vào khoảng từ ngày 20 - 25/7, nhiệt độ trên 370C nhưng tỷ lệ hạt lép rất thấp...

Khảo nghiệm giống ngô mới trên đồng đất Nghi Lộc.
Khảo nghiệm giống ngô mới trên đồng đất Nghi Lộc.

Vụ hè thu 2011, tại xã Nghi Long (Nghi Lộc) Trạm Giống cây trồng huyện kết hợp với Công ty TNHH Pioneer đã trồng khảo nghiệm giống ngô lai đơn 30Y87 trên vùng đất pha cát, xa nguồn nước tưới với diện tích 5 sào tại xứ đồng Làng Á (xóm 7). Mặc dù gieo trồng trong thời điểm thời tiết khắc nhiệt, nhưng nhờ được chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên năng suất ngô thực tế đạt trên 80 tạ/ha, cao hơn 1,4 tạ/ha so với giống ngô CP888 đã được người dân đưa vào trồng đại trà từ nhiều năm trước.

Anh Nguyễn Bá Thắng (ở xóm 10) là 1 trong 5 hộ làm mô hình khảo nghiệm trên diện tích 1 sào cho biết: "4 năm qua, gia đình tôi chuyên trồng ngô giống CP 919, CP 888 để làm hàng hóa và phục vụ cho nhu cầu chăn nuôi của gia đình nhưng ở những mùa vụ gần đây các giống có biểu hiện chống chịu hạn kém. Khi được chọn làm khảo nghiệm giống ngô 30Y87 gia đình tôi tuân thủ đúng các quy trình kỹ thuật được hướng dẫn. Qua thu hoạch, giống ngô 30Y87 có thời gian sinh trưởng từ 97- 100 ngày, bộ rễ phát triển khoẻ nên chống đổ, chịu hạn tốt, chịu thâm canh và khá sạch bệnh.

Đặc điểm của bộ này là bắp to, lõi nhỏ, hạt dạng đá đẹp, ít nhiễm bệnh khô vằn. Đặc biệt là bộ lá xanh bền cho đến khi thu hoạch, nên chúng tôi còn tận dụng được thân cây phục vụ cho chăn nuôi. Tính về hiệu quả kinh tế, giống 30Y87 vượt trội các loại giống trồng ở các năm trước khi mức lãi tăng hơn và độ ăn chắc cũng đảm bảo hơn. Trên cơ sở mô hình khảo nghiệm ở vụ đông 2012, đến vụ đông năm nay, giống ngô 30Y87 được xem là giống chủ lực trong sản xuất của gia đình và tôi đã mở rộng diện tích canh tác lên 3 sào".

Giống ngô nếp lai MX10 (Viện Nghiên cứu ngô lai tạo và sản xuất) có năng suất cao, bình quân đạt 10 tấn bắp tươi/ha. Vụ đông 2012, giống ngô nếp lai MX10 lần đầu tiên được đưa vào khảo nghiệm trên 10 ha đất 2 lúa tại xóm Hoa Tây (xã Nghi Hoa - Nghi Lộc) và tiếp tục chứng tỏ các ưu thế, hiệu quả kinh tế trên đất Nghệ An. Ông Nguyễn Quốc Trưng - Phó Chủ tịch UBND xã Nghi Long cho biết: Kế hoạch cộng đồng thích ứng với biến đổi khí hậu của xã gồm nhiều phần, trong đó các giải pháp được đẩy mạnh như chuyển đổi lịch thời vụ; đưa giống ngắn ngày "né" được lụt, chống chịu hạn tốt kết hợp xây dựng kênh mương thủy lợi để chống biến đổi khí hậu.

Là xã có diện tích đất màu pha cát lớn, do lợi nhuận cao nên cây ngô nếp đã được xem là loại cây trồng chủ lực của địa phương. Bởi thế, người dân Nghi Long từ trước đến nay đã quen sử dụng các giống ngô nếp để bán bắp tươi cho người dân TP Vinh và các vùng phụ cận. Thế nhưng, theo đánh giá của bà con địa phương thì những giống lâu nay bà con quen dùng đã có biểu hiện "chán đất", có dấu hiệu thoái hoá, giảm sút cả về năng suất và chất lượng. Do đó, việc Viện KHKTNN Bắc Trung bộ đưa tập đoàn giống ngô nếp lai MX10, MX4, MX2 vào khảo nghiệm trên địa bàn xã, huyện, đã đánh giá được đây là giống ngắn ngày (từ 65- 70 ngày), né tránh được thiên tai và cho hiệu quả kinh tế cao đã khiến bà con nông dân yên tâm sử dụng giống ngô mới này khi mở rộng diện tích...

Trong hơn 12.000 ha đất nông nghiệp của huyện với 3 vùng canh tác (vùng nông giang, vùng màu và vùng bán sơn địa), chỉ có khoảng 5.000 ha tạm chủ động nước tưới nhưng vẫn phụ thuộc nhiều vào hệ thống bara Nam Đàn, 6.000 ha còn lại hoàn toàn "nhờ trời". Nghi Lộc buộc phải lựa chọn chuyển dịch cơ cấu cây trồng phù hợp với từng loại đất, khí hậu. Mục tiêu là hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, có khối lượng hàng hóa nhất định, chọn những loại cây trồng phù hợp với điều kiện của từng địa phương và có lợi thế về thị trường.

Cơ cấu cây trồng, mùa vụ tiếp tục chuyển dịch rõ nét hơn, nhiều loại cây trồng mới, giống mới được đưa vào sản xuất. Và để điều chỉnh lịch thời vụ phù hợp, tránh lũ sớm, lũ tiểu mãn và lũ chính vụ ở các vùng trũng thấp, thường xuyên bị ngập lụt trong sản xuất vụ hè thu, 2 năm trở lại đây Nghi Lộc đã đưa các giống lúa chống đổ, giống ngắn và cực ngắn ngày (thời gian sinh trưởng từ 80 - 85 ngày) có chất lượng cao phục vụ thị trường như giống P6ĐB, Nhị ưu 838, QR1, DT 68, AC5...; giống chống chịu hạn và phù hợp trên đất màu như giống lúa BTE1. Sang vụ đông xuân 2014, huyện tiếp tục liên kết với các doanh nghiệp tiến hành khảo nghiệm một số giống mới Thiên ưu, AD1, RVT để có cơ sở khoa học và có kết luận chính xác về khả năng chống chịu sâu bệnh, tiềm năng năng suất thay thế các giống cũ khi có biểu hiện thoái hóa trên địa bàn.

Qua ghi nhận tại một số địa phương khác, gieo trồng các giống ngắn ngày không chỉ giúp giảm thiểu thời gian chăm sóc, chi phí đầu tư mà năng suất, chất lượng sản phẩm còn tăng cao, tạo thêm thu nhập. Nhiều nơi, nông dân còn trồng tới 3 - 4 vụ ngô, đậu đỗ, tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích đất. Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT, với đặc thù điều kiện khí hậu ở Nghệ An thường khô hạn vào cuối vụ đông xuân, ngập úng cuối vụ hè thu và lịch thời vụ thu đông ngắn, nên việc sử dụng các giống cây trồng có thời gian sinh trưởng ngắn vẫn luôn được khuyến khích, nhân rộng...

Mỗi vụ sản xuất là cơ hội để các địa phương lọc tuyển bộ giống cho mình, không chỉ đáp ứng an toàn trong "bộ khung" thời vụ mà còn cho ra những sản phẩm chất lượng cao, phù hợp với thị trường. Thực tế sản xuất nông nghiệp trong những năm qua ở Nghệ An cho thấy, xây dựng được bộ giống ngắn ngày, chất lượng cao là yếu tố quan trọng hàng đầu giúp ngành Nông nghiệp điều chỉnh lịch thời vụ hợp lý, góp phần giúp nông dân chủ động được nguồn giống, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

Ngọc Anh

Mới nhất

x
Chọn giống "né lụt", chống chịu hạn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO